Wednesday, July 20, 2016

Bầu Cử Để Mới Hơn, Mới Phải


Vi AnhNgày 2016/07.20

Bầu cử để mới hơn mới hợp tình hợp lý, chớ không phải để vẫn như cũ thì bầu làm chi cho tốn công tốn của của dân chúng.
Còn bốn tháng nữa là bầu cử tổng thống Mỹ. Tám năm đất nước và nhân dân Mỹ đã dưới quyền lãnh đạo của TT Obama thuộc Đảng Dân Chủ. Vị tổng thống nào cũng muốn người kế nhiệm mình nối tiếp di sản chánh trị của mình. TT Obama chắc cũng vậy, muốn Đảng Dân Chủ tiếp tục cầm quyền với sự đắc cử của Bà Hillary trong kỳ bầu cử ngày 8 tháng 11 năm 2016. Để Ông tạo được thành tích giúp cho Đảng Dân Chủ cầm quyền 3 hay 4 nhiệm kỳ tổng thống, là một thành tích nửa thế kỷ nay chưa có một lần. Nên TT Obama dùng máy bay Air Force One dành riêng cho tổng thống Mỹ chở Bà Hillary Clinton ứng cử viên của Đảng Dân Chủ đi vận động tranh cử cho Bà Hillary ở thành phố Charlotte, bang North Carolina ngày 5/7/2016. Tại cuộc tập họp này, TT Obama đã đứng bên cạnh bà Clinton và dùng những lời lẽ hùng hồn để tranh thủ sự ủng hộ cho vị cựu ngoại trưởng của Ông. Chuyến đi trở thành đầu đề tranh luận. Các nhà quan sát cho rằng TT Obama đang tìm cách để bảo đảm là những chính sách của ông sẽ tiếp tục được thực thi sau khi ông rời khỏi chức vụ. Thông tín viên Richard Green của đài VOA tường trình với nhận xét về cơ hội TT Obama cố kéo Bà Hillary lên, “Cuộc vận động tranh cử của bà Clinton đã bị một làn mây mù che phủ vì vụ tai tiếng liên quan tới việc bà đã sử dụng máy chủ email riêng tư khi còn làm ngoại trưởng. Ngoài ra, hầu hết các cuộc thăm dò ý kiến đều cho thấy bà tiếp tục có tỉ lệ không tán thành ở mức khá cao.”
Và không ít dư luận không tốt trên truyền thông đại chúng Mỹ về việc TT Obama sử dụng chức danh tổng thống Mỹ của toàn dân và phương tiện của phủ tổng thống do tiền thuế của toàn dân đóng góp cho việc vận động tranh cử cho một cá nhân, cho một đảng phái, dù là đảng của TT Obama. Ít có tổng thống Mỹ nào làm việc đảng phái lộ liễu như vậy. Nên rộ lên nhiều ý kiến đòi hỏi Bà Hillary phải trả tiền máy bay. Có nhiều ý kiến đặt vấn đề đạo đức của người cầm quyền, không thể lấy của công làm việc tư.
Có người nghĩ trong mùa bầu cử tổng thống 2016 này dân chúng Mỹ đóng góp số tiền hàng mấy trăm triệu Mỹ Kim cho ứng cử viên, nhận nhiều nhứt là Bà Hillary. Còn chánh quyền cũng phải lấy hàng trăm triệu khác của ngân sách tức tiền thuế của dân để lo tổ chức bầu cử. Nếu Bà Hillary đắc cử là Đảng Dân Chủ vẫn nắm chánh quyền như cũ. Rất lâu dài. TT Obama 8 năm với 2 nhiệm kỳ. Bà Hillary 1 hay 2 nhiệm kỳ nữa là 4 hay 8 năm; cộng chung Dân Chủ nắm chánh quyền 12 hay 16 năm. Coi như 12 hay 16 năm, Mỹ không có gì thay đổi, vẫn như cũ hay “vũ như cẩn.”.
Đó là chưa nói việc cầm quyền của gia đình “Nhà Clinton- Hillary”, hai vợ chồng chia nhau, chồng làm tổng thống 8 năm, vợ 4 hay 8 năm nữa vì đương nhiệm thì sẵn quyền thế, tiền bạc dễ tái đắc cử. Cộng lại nhà Hillary-Clinton cầm quyền 12 hay 16 năm. Nếu tình trạng ấy xảy ra, thì những nhà lập hiến, lập pháp Mỹ ở dưới suối vàng thấy mình có sơ sót, để lỗ hổng trong vấn đề bầu cử tổng thống khi lập hiến qui định tổng thống phải là công dân Mỹ sinh ở Mỹ, mà không hạn chế vấn đề gia đình trị, không hạn chế chỉ hai nhiệm kỳ khiến lập pháp phải biểu quyết bãi bỏ biệt lệ cho TT Roosevelt ra ứng cử lần ba vì thời kỳ đại suy thoái và chiến tranh Thế giới 2.
Hiện tình bầu cử của phía cầm quyền của Đảng Dân Chủ có vẻ nếu cuộc bầu cử tổng thống 2016 diễn tiến suông sẻ như TT Obama và Cựu TT Clinton và Bà Hillary mong mỏi và vận động, thì bầu cử rồi ra đâu vẫn hoàn đó, tức vẫn như cũ. Có khác chăng là sau khi Mỹ có một tổng thống Da Đen gốc Phi Châu, thì sau đó có một tổng thống phái nữ.
Nhưng nói lui thì cũng phải nói tới. Mỹ không chỉ có một Đảng Dân Chủ, nên không có chuyện “Đảng cử dân bầu” như trong chế độ CS. Trong chánh trị tự do, dân chủ Mỹ, nhứt là chánh trị tranh cử, bầu cử, từ lời hứa, khẩu hiệu khi tranh cử đến thực hiện khi điều hành quốc sự, khác nhau không ít, mà yếu tố thực tiễn của hoàn cảnh, diễn biến tình hình, quyền lợi nước Mỹ là lý do.
Lý do là người đại diện dân cử của chánh quyền vì dân, do dân, của dân, dân làm chủ qua lá phiếu bầu, dù hành pháp hay, lập pháp, hay tư pháp trong chánh quyền tam lập và ba cấp liên bang, tiểu bang, địa phương quận hạt và thành phố của Mỹ - vì thế tất cả đều phải đặt quyền lợi của đất nước và nhân dân lên trên hết. Chức danh nào, đảng phái nào làm ngược lại dân chúng sẽ chống, sẽ mất phiếu.
Người làm chủ đất nước, chủ lá phiếu là dân. Dân làm ra người dân cử bằng lá phiếu. Dân giám sát người dân cử. Truyền thông đại chúng Mỹ tự do, phong phú, tổng thống nào, nghị sĩ, dân biểu nào, thẩm phán do dân bầu trực tiếp hay được cử nhiệm nào cũng không thể đặt quyền lợi phe đảng mình trên quyền lợi quốc gia, quyền lợi nhân dân Mỹ được.
Trên tinh thần đó người ta không lạ khi thấy một truyền thống rất tốt đẹp của dân chủ Mỹ khi tranh cử hai ứng cử viên, hai chiến dịch, hai đảng đấu đá nhau ra trò như mổ bò vậy, nhưng khi có kết quả rồi, khi thấy quyết định của dân chúng rồi, người ít phiếu hơn chúc mừng người được dân tín nhiệm và thường hứa sẽ cộng tác, giúp nhau cho đất nước và nhân dân thăng tiến.
Chánh quyền Mỹ là chánh quyền tam quyền phân lập. Hành Pháp, Lập Pháp, Tư Pháp được phân công phân nhiệm rõ rệt. Cả ba cùng giám sát nhau, khó có thể lạm quyền và vi hiến.
Lịch sử Mỹ đã từng chứng minh tinh thần đảng phái phải ở dưới tinh thần phục vụ quyền lợi đất nước và nhân dân. Đảng phái nào tạo ra bế tắc nguy hại cho đất nước và nhân dân sẽ bị công luận chỉ trích nặng nề và cử tri sẽ nói phải quấy với dân biểu nghị sĩ ngoan cố.
Đạo lý chánh trị Mỹ không coi là phản đảng, bị khai trừ khỏi đảng khi một dân biểu, nghị sĩ đảng này biểu quyết theo ý kiến của đảng kia ở Quốc Hội. Bầu cử cấp quốc gia, cử tri đảng này bỏ phiếu cho ứng cử viên đảng kia là hợp pháp, thường tình.
TT Obama với nhiệm kỳ hai không được quyền ứng cử nữa sẽ tìm cách đi vào lịch sử, tạo nên những dấu ấn để đời trong lịch sử tổng thống Mỹ. Thành tích lịch sử tốt, lợi chung cho chánh quyền, nhân dân Mỹ tốt thì được. Chớ riêng cho cá nhân, phe đảng rất khó nếu không muốn nói là không thể được. Chánh trị Mỹ vận hành minh bạch, công khai, tam quyền phân lập, giám sát lẫn nhau.
Hoàn toàn, tuyệt đối không phải như nhà cầm quyền độc đảng, độc tài toàn trị Trung Cộng và Việt Cộng. Đảng viên CS gia nhập đảng hồi nào, ở đâu người dân chẳng biết. Họ họp đại hội đảng, họp kín, trong phòng đóng cửa, canh gác nghiêm ngặt như trại tù. Thế mà họ quyết định ai là chủ đất nước, bàn giao và nhận giao guồng máy công quyền cho nhau. Họ quyết định hướng đi đất nước như quyết định chuyện riêng, chuyện phòng the vợ con trong nhà của họ vậy. Như Đại Hội của Đảng CSVN lần thứ 12 vừa qua./.

Vi Anh

0 comments:

Powered By Blogger