Wednesday, July 20, 2016

KHÔNG NGỜ TÔI ĐƯỢC ĐÓN NHẬN PHÉP LẠ NHIỆM MẦU!


Tác giảLiên ThànhPosted on: 2016-07-20


Thiếu Tá Liên Thành (ngồi)
Hai tiếng “phép lạ” chúng ta thường nghe nói đến, tuy đơn sơ nhưng đầy bí nhiệm và thật khó xác định theo sự giải thích của khoa học, nhất là về lãnh vực y khoa. Nói cách khác, “phép lạ” là một thực thể do Đấng Tạo Hóa Chí Tôn đầy quyền phép nhiệm mầu can thiệp vào, như trường hợp của tôi sau đây:
Tôi là: NGUYỄN PHÚC LIÊN THÀNH,
Sinh ngày: 1 tháng 12 năm 1942.
Nơi sinh: thị xã Huế
Học sinh: Trường Quốc Học, Huế.
Sinh viên: Đại Học Huế, phân khoa: Sử Địa.
Tôn giáo: Phật giáo.
Cha tôi là cụ Nguyễn Phúc Tráng Cử. Mẹ tôi là Nguyễn Thị Vy
Ông nội tôi là Ngài Kỳ Ngoại Hầu Cường Để; ngài là cháu đích tôn của Đông Cung Thái Tử Nguyễn Phúc Cảnh (con trai cả của vua Gia Long).
Còn bà nội tôi có người em ruột là Đại Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết, Đệ I Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Ngoài ra, Hòa Thượng Thích Chơn Kim, nay đã 82 tuổi là anh chú bác của tôi, và Hòa Thượng Thích Chơn Trí là chú họ của tôi .
Trong gia đình, mẹ tôi đã đem anh chị em chúng tôi vào Chùa An Lăng đểlàm lễ Quy Y do thầy Thích Thiện Lạc (thường gọi là thầy Ngoạn) đứng chủ lễ, nên anh chị em chúng tôi đều có Pháp Danh, và pháp danh của tôi là: Nguyên Tịnh.
Ngôi chùa An Lăng này nằm về phía tây Nam thành phố Huế, chỉ cách thành phố khoảng hai cây số, đối diện với trụ sở xã Thủy Phước, cách làng Phủ Cam khoảng một cây số. Có ai ngờ thầy Thích Thiện Lạc và ngôi chùa An Lăng, sau này lại đi vào sự nghiệp quân ngũ của đời tôi, nhất là lại xẩy ra vào những ngày áp lễ Giáng Sinh năm 1970 (xin đọc BĐMT, tr. 355-363).
Năm 1962 tôi tình nguyện nộp đơn xin theo học Khóa 16 Trường Sĩ Quan Bộ Binh Thủ Đức.
Ra trường, tôi được thuyên chuyển về Chi Khu Nam Hòa giữ chức vụ Đại đôi trưởng tác chiến, kiêm Chi Khu Phó, chi khu Nam Hòa.
Từ ngày 6-6-1966 đến cuối năm 1974, tôi được biệt phái về lực lượng CSQG, giữ chức Phó Trưởng Ty ngành Cảnh Sát ĐặcBiệt (Tình báo), tiếp theo là Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy CSQG tỉnh Thừa Thiên và thị xã Huế.
Thời gian trên đây là cao điểm của cuộc chiến Quốc - Cộng (Nam - Bắc) do bọn tài phiệt buôn bán vũ khi chiến tranh của Mỹ mà tay sai đắc lực của họ là: Thứ Trưởng Ngoại Giao William Averell Harriman, Đại Sứ Henry Cabot Lodge, Jr., Trung Tá Tình Báo Lucien Conein..., chủ trương và điều khiển. Họ dùng bọn tay sai của họ hợp cùng bọn cộng sản miền Bắc đánh phá miềnNam Việt Nam, mà quân đội cùng toàn dân miền Nam hợp lực với chính quyền VNCH đồng loạt kề vai sát cánh chống lại cuộc xâm lăng của quân cộng sản phương Bắc, bọn này lại còn được tiếp tay bởi đám tay sai nằm vùng của chúng tại miền Nam Việt Nam dưới lớp áo thầy tu.
Những biến cố thảm khốc trong cuộc chiến trên đã ập xuống cho đồng bàoThừa Thiên-Huế nói riêng, và cho cả nhân dân miền Nam Việt Nam nói chung. Đồng thời còn liên lụy đến sinh mệnh của tổ quốc và dân tộc Việt Nam chúng ta phải gánh chịu, mà hậu quả tai hại là ngày đau thương 30-4-1975…
Ngày 29-4-1975 tôi rời Việt Nam sang sống lưu vong tại Hoa Kỳ.
Tuy vận nước nổi trôi, thân phận là kẻ lưu vong tỵ nạn nơi xứ người, nhưngtôi vẫn không thể quên bổn phận và trách nhiệm của một người con dân nuớc Việt, nhất là của người lính VNCH. Vì tôi luôn tâm niệm rằng: Tôi có một tổ quốc: Nước Việt Nam. Vì thế, ngày đêm tôi luôn nguyện cầu ƠN TRÊN, cầu xin anh linh các anh hùng dựng nước, các anh hùng giữ nước cùng hương hồn các chiến sĩ đã bỏ mình vì tổ quốc hãy thương đến dân tộc Việt Nam chúng ta.
Nên tôi cùng một số anh em đồng đội trong quân ngũ cũ, nhất là anh em trong lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên-Huế ngồi lại với nhau để cùng nhau hướng về quê mẹ Việt Nam trong khả năng của mình. Tôi còn nhớ lại lời của Tổng Thống Đệ I VNCH Ngô Đình Diệm trước đây đã cảnh giác:
Nếu Cộng Sản miền Bắc chiếm được miền Nam, thì toàn thể nước Việt Nam sẽ trở thành quận hay tỉnh nhỏ của Trung Cộng. Yếu tố còn lại chỉ là thời gian”.(Đồng Tâm, Tuy Hòa ngày 17-9-1955)
Cộng sản Việt Nam và bè lũ Việt Gian nằm vùng của chúng đã bóp méo và tẩy xóa tất cả những sự thật về tội ác chiến tranh cùng tội ác diệt chủng của bọn chúng đã gây ra cho đồng bào miền Nam Việt Nam. Là một chứng nhân và cũng là một tác nhân trong thời gian dài của cuôc chiến 1963-1975, tôicảm thấy có bổn phận đưa ra những bằng chứng, những sự thật tàn ác do bọn chúng đã gây ra trên quê hương chúng ta.
Vì thế, trong nhiều đêm dài thao thức, băn khoăn, và hình như có sự thôi thúc huyền diệu nào đó, nên tôi bắt đầu viết lại những biến cố đã xẩy ra tại miền Trung từ năm 1966 đến 1972 dưới nhan đề: “Biến Động Miền Trung” (Những Bí Mật Chưa Tiết Lộ). Ban đầu bài viết của tôi được một số anh em chiến hữu đăng trong Tập San Biệt Động Quân. Nhưng càng ngày các anh em chiến hữu cũng như độc giả khắp nơi càng thương mến. Rồi hầu hết họ đều đề nghị tôi in thành sách để phổ biến rộng rãi, nhất là lưu lại cho các thế hệ con cháu chúng ta sau này. Nên tháng Năm năm 2008, THBĐQ/QLVNCH tại Hoa Kỳ đã xuất bản lần thứ nhất, và in lần thứ 11vào tháng Năm năm 2014. Tất cả 12 lần.
Như tôi đã vừa trình bày trên, ngoài sự thôi thúc huyền diệu nào đó, còn có các anh chị em chiến hữu xa gần và độc giả khắp nơi đề nghị tôi viết tiếp những uẩn khúc chưa được tiết lộ mà tôi đã mục kích, nên tôi viết thêm quyển “HUẾ - THẢM SÁT MẬU THÂN”. Quyển sách này được xuất bản tháng Năm năm 2011, và được in lần thứ năm vào tháng Năm năm 2014. Tấ cả sáu lần.
Cũng tâm trạng thao thức và thao thức! Băn khoăn lại băn khoăn! Huyền diệu lại thôi thúc! Đề nghị và khích lệ! Nên tôi không thể nào để mãi trong lòng, bằng cách viết thêm quyển “THÍCH TRÍ QUANG, THẦN TƯỢNG HAY TỘI ĐỒ DÂN TỘC?”. Quyển này được xuất bản vào đầu tháng Giêng năm 2014 và được in lần thứ hai vào tháng Năm 2014. Như vậy đã được in hai lần.
Tôi không dám tự hào là biết hết, hay tự cho mình viết không thiếu sót, vì tôi cũng chỉ là một con người “nhân vô thập toàn”. Nhưng tôi chỉ viết lại trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn tôi được trao phó, cũng như viết lại những sự việc chúng tôi phải đương đầu, phải trực diện hay mục kích.
Công việc đang tiến triển tốt đẹp thì hai biến cố đau buồn đã xẩy đến cho bản thân tôi:
1. Hai đốt xương sống số 5 và số 4 đã đè sát vào nhau và đè cả chùm dây thân kinh chạy xuống hai chân làm cho tôi mỗi ngày mỗi đau. Trong bẩy năm dầu, kể từ năm 1999 đến tháng 12 năm 2015 tình trạng còn có thể chịu đựng được những cơn đau, nhưng từ sau thời gian đó, đau nhức hai chân suốt ngày đêm, di chuyển rất khó khăn nên tôi thường phải dùng xe lăn.
Tôi đã đi khám bệnh và được trắc nghiệm MRI. Với kết quả trắc nghiệm MRI, bác sĩ khuyên tôi phải mổ xương sống để điều trị, nếu không sẽ bị liệt hai chân.
2. Vào tháng Bẩy năm 2014 tôi lại bị phát hiện thêm bệnh ung thư máu (Leukemia)
Theo đề nghị trên của bác sĩ về mổ xương sống, tất cả mọi người trong gia đình, cũng như một số anh em thân tín của tôi đều không muốn tôi mổ để điều trị bệnh đau hai đốt xương sống. Lý do rất chính xác là trong 100 trường hợp mổ xương sống, có đến 95% bệnh nhân sau khi mổ xong đã phải nằm liệt giường từ sáu tháng đến một năm hay lâu hơn nữa, hoặc sẽ nằm liệt luôn, không bao giờ đi được nữa.
Đang phân vân giữa hai lời khuyên của bác sĩ là phải mổ, và của gia đinh cùng một số anh em thân tín là không nên mổ. Giữa lúc đang băn khăn, tôi thầm nguyện xin ƠN TRÊN soi sáng. Bỗng nhiên! Một điều lạ lùng là tôi nghĩđến anh H. Anh H. là độc giả ba quyển sách nói trên của tôi. Tôi chỉ gặp anh ấy một lần khi tôi lên San Jose ra mắt sách. Sau đó anh H. vì còn mua thêm vài bộ cho mấy người bạn thân hay tặng cha H. nào đó. Vì thế chúng tôi thỉnh thoảng chỉ qua lại với nhau qua email hay telephone, chứ thực sự chúng tôi cũng không thân nhau. Thế mà không hiểu tại sao, thay vì tôi gọi cho anh em chiến hữu rất thân tín, sát cánh và sống chết với tôi trong những năm khói lửa từ 1966 đến 1972 tại Thừa thiên - Huế, lúc ấy sinh mạng anh em chúng tôi nằm “trong đường tơ kẽ tóc”, mà nay họ cũng đang ở gần tôi đây, để thổ lộ nỗi đớn đau của tôi với họ, mà tôi lại nghĩ tới anh H. Nên tôi liền gọi điện thoại cho anh H. ngay. Rồi cuộc nói chuyện giữa chúng tôi như sau:
- Hello, xin lỗi ai đầu dây đấy!
- Anh H.! Liên Thành đây anh, anh khỏe không? Anh còn nhớ tôi chứ?
- Ư! Ư! À! Nhớ rồi. Cám ơn Liên Thành. Liên Thành khỏe không? Chắc có chuyện gì vui, phải không?
- Không có chuyện gì vui cả, nhưng có chuyện rất buồn muốn nói với anh.
- Sao vậy? Chuyện gì? Liên Thành nói đi!
- Tôi có chuyện này muốn nói với anh. Ngoài vợ con tôi ra, tôi giữ kín, chưa hề cho bất cứ ai biết. Anh H. này! Lâu nay hai chân tôi đau quá, đi cà nhắc, nên phải dùng xe lăn hai tháng rồi. Theo lời khuyên của bác sĩ là phải mổ, vì hai đốt xương sống đè lên nhau, ép chùm dây thân kinh chuyền xuống hai chân, đau lắm! Nếu không mổ chỉ trong thời gian rất ngắn hai chân tôi sẽ bị liệt luôn. Theo ý gia đình và anh em bạn bè quý mến lại khuyên không nên mổ vì rất nguy hiểm. Tôi thật lưỡng lự. Không biết làm sao. Nếu không mổ, hai chân tôi đau nhức lắm. Mà tôi cũng đã ngồi xe lăn hai tháng rồi. Đi lại khó quá! Như thế cũng như liệt hai chân rồi. Thêm vào đó xương sống tôi đau nhức suốt ngày đêm.
- Thật là khó quá Liên Thành nhỉ! Tôi cũng được biết: Mổ xương sống rất nguy hiểm và rất dễ bị liệt, mà trường hợp của Liên Thành nếu không mổ, không trước thì sau chân Liên Thành cũng liệt thôi, lại thêm ngày đêm xương sống đau buốt. Thất khó quyết định quá. Nhưng rất nhiều trường hợp sức người và lý trí không thể giải quyết được, mà chỉ biết cầu nguyện xin ƠN TRÊN giúp đỡ soi đường chỉ lối cho mình thôi.
- Anh nói đúng, từ khi còn ở trong quân đội, hay về Cảnh Sát, mỗi khi gặp trường hợp nguy hiểm, hay bí lối, bí đường tôi thường cầu xin Phật Mẹ, tức Phật Bà Quan Âm giúp đỡ. Anh biết tôi là Phật tử mà.
- Đó là điều mình muốn nói với Liên Thành đấy. Chỉ còn cách cầu xin ƠN TRÊN cứu giúp thôi. Liên Thành biết không, Phật Mẹ của Liên Thành chính là Đức Mẹ của người Công Giáo đó.
- Vậy sao anh?
- Đúng như vậy. Liên Thành biết không? Trong chuyến vượt biển của người bạn rất thân với tôi, gặp bão thật nguy hiểm giữa biển khơi. Người bạn tôi thuật lại với tôi và với nhiều người nữa như sau:
“Thuyền của chúng tôi bị gió bão ùn ùn ập tới, lại bị thuyền cướp biển đuổi theo làm cho con thuyền chở chúng tôi chao đảo, sắp lật nhào. Mọi người trong thuyền hoảng hốt, khóc thảm, la hét. Một bà lên tiếng quát: “Khóc than la lối được cái gì! Hãy cầu khấn Trời Phật đi! Thế là, những người Công Giáo miệng luôn luôn lặp đi lặp lại: Lạy Đức Mẹ Maria, cứu chúng con với! Lạy Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, cứu chúng con! Nếu Mẹ không ra tay cứu, chúng con chết hết. Còn người Phật giáo cũng luôn luôn kêu cầu: Lạy Phật Bà Quan Âm, xin cứu độ chúng sinh, cứu khổ cứu nạn trong cơn nguy khốn này. Lạ thay! Khoảng vài phút sau, một BÀ mặc áo trắng toát phủ xuống tận chân, ngang lưng thắt dây vải màu xanh dương từ từ hiện ra giữa đám mây đen kịt và sấm chớp liên hồi. Thế là tự nhiên gió đổi chiều. BÀ ra dấu cho thuyền chúng tôi đi theo BÀ. Thuyền chúng tôi đi được khoảng hai phút thì gặp tầu Cap Anamur của Tây Đức từ từ tiến tới vớt. Ngay lúc đó BÀ biến mất. Thuyền cướp biển cũng không thấy nữa. Mọi người trong thuyền mừng rỡ kể sao cho xiết. Người Công Giáo tin là Đức Mẹ đến cứu, nên luôn miệng: “Xin cảm tạ Đức Mẹ đã cứu chúng con. Thật là phép lạ Đức Mẹ cứu chúng con! Còn người Phật giáo nói là Phật Bà quan Âm đến cứu độ chúng sinh. Nam Mô A Di Đà Phật!
Đó, Liên Thành thấy chưa? Trên đây chỉ là một trường hợp điển hình thôi. Chứ trên đường đồng bào mình vượt biển gặp nhiều lắm. Sở dĩ tôi biết rõ chuyện này, vì tầu Cap Anamur của Tây Đức vớt thuyền nhân đều đưa đến trại tỵ nạn Puerto Princesa, Palawan, Phi Luật Tân để lập thủ tục chờ đi định cư. Tôi ở chung với họ trong trại tỵ nạn này khoảng gần một năm, nên tôi có dịp tiếp xúc với nhiều thuyền nhân đồng cảnh ngộ như trên; những người Công Giáo đều nói: Trong cơn nguy khốn Đức Mẹ hiện đến cứu họ. Còn người Phật giáo nói: Phật Bà Quan Âm đến cứu độ chúng sinh. Cũng “BÀ đó” thôi.
À! Liên Thành có biết Đức Mẹ hiện ra cứu giúp giáo dân ở Quảng Trị thời vua chúa cấm đạo không?
- Sao không biết. Tôi người Huế mà. Tôi cũng đã đến viếng nhà thờ La Vang ở Quảng Trị hai lần.
- Liên Thành có biết chuyện Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức (Lourdes), Pháp không?
- Biết chứ. Nơi đó thiêng và nổi tiếng lắm. Tôi còn nghe nói: nhiều người đến đó hoặc không thể đến được nhưng xin được nước thánh Đức Mẹ Lộ Đức uống là hết bệnh, phải không? À! Đức Mẹ La Vang, Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ Maria khác nhau thế nào? Sao nhiều Đức Mẹ thế? Đức Mẹ nào thiêng hơn Đức Mẹ nào?
- Đức Mẹ La Vang, Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ Fatima v. v. chỉ là một Đức Mẹ Maria thôi. Tuy nhiên Đức Mẹ Maria hiện ra tại địa phương nào, người ta lấy địa danh đó kèm sát hai chữ Đức Mẹ để cho mọi người được biết Đức Mẹ hiện ra tại nơi đó, và để cho dễ nhớ. Còn tên chính của Đức Mẹ là Maria. Liên Thành đã biết Đức Mẹ La Vang, QuảngTrị, Liên Thành cũng đã nghe biết Đức Mẹ Lộ Đức (Lourdes), Pháp. Vậy tốt rồi. Nếu Liên Thành tin và cần mình sẽ gửi cho Liên Thành một miếng cao Lá Vằng nhỏ và một ít nước suối Đức Mẹ Lộ Đức.
- Vâng, anh gửi cho tôi ngay đi! Tôi tin và cần lắm.
- Được! Tôi sẽ gửi cho Liên Thành ngay chiều nay. Khi nhận được, Liên Thành cắt miếng cao Lá Vằng ra to bằng móng tay cái, bỏ vào tách nước sôi, khuấy cho tan; nhỏ thêm vài giọt nước suối Đức Mẹ Lộ Đức vào tách nước đó, trước khi uống Liên Thành thành tâm cầu xin Đức Mẹ cứu chữa Liên Thành.
Sau đó Liên Thành cứ xin hẹn đi mổ xương sống như thường. Liên Thành tính từ ngày nhận được Cao Lá Vằng và nước suối Đức Mẹ Lộ Đức
cho đến ngày đi mổ là bao nhiêu ngày. Liên Thành cắt miếng cao Lá Vằng ra thành bấy nhiêu miếng nhỏ. Mỗi ngày Liên thành uống một miếng pha lẫn với nước suối Đức Mẹ Lộ Đức. Nhớ chừa lại ít nước suối Đức Mẹ để thoa vào hai chân, nhất là trước khi mổ, Liên Thành nhờ người nhà thoa nước suối Đức Mẹ lên chỗ bác sĩ sẽ mổ lưng Liên Thành. Làm vậy đi! Tôi tin thế nào Đức Mẹ cũng sẽ giúp Liên Thành bằng an.
- Nhưng tôi là người ngoại đạo mà anh.
- Chúa và Đức Mẹ là của tất cả mọi người, không riêng gì ai. Liên Thành nghe mình và cứ làm vậy đi.
- Được, cám ơn anh. Tôi nghe lời anh.
Rồi khoảng bẩy giờ tối ngày 27 tháng Tư năm 2016, tôi lại nhận được điện thoại của anh H. như sau:
- Hello Liên Thành! Tôi là H. ở San Jose đây.
- Vâng! Tôi nhận 5/5. Xin “ngài” tiếp tục.
- Trước khi đem cao Lá Vằng và nước suối Đức Mẹ Lộ Đức ra bưu điện gửi cho Liên Thành, tôi đã đem vào nhà thờ Maria Goretti, San Jose, đặt dưới chân tượng Đức Mẹ và thánh Giuse cầu nguyện cho Liên Thành. Sau đó, tôi lại đặt trước bàn thờ Chúa và quỳ cầu nguyện khá lâu. Không hiểu vì sao tự nhiên người tôi nóng bừng khiến tôi chao đảo gần ngã xuống. Tôi gượng đứng dậy nhưng không được. May thay! Một người Mexicô cũng đang cầu nguyện gần đó đến nâng tôi đứng lên. Thật khó hiểu.
Tôi cần mang vào nhà thờ Maria Goretti khấn nguyện cho Liên Thành để được yên tâm. Rất tiếc, vì nhà thờ Giáo Xứ Đức Mẹ Lang Vang chúng tôi do cha Phêrô Huỳnh Lợi làm cha xứ, bị cháy rụi từ ngày 20-8-2012 rồi. Nên cha con chúng tôi đang thất thểu “tha phương cầu thực”. Nói cho đúng, cha con chúng tôi đang thuộc diện “churchless”. Hì! Hì! Hì! Nhưng chúng tôi đặt hết niềm tin vào Đức Mẹ, thế nào Đức Mẹ cũng giúp chúng tôi sẽ xây nhà thờ khác rộng rãi và khang trang hơn nhiều.
À! Tôi vừa gửi email cho Liên Thành đấy. Nhớ mở cả hai bài kèm theo và đọc kỹ, nhé!”
- Yes, Sir.
- Good luck! God bless you!
Sau đó, tôi vội mở email và mở hai bài đính kèm do anh H. gửi, dưới đây:
****
Chúng tôi dâng lễ tại hang đá nơi Đức Mẹ hiện ra. Cạnh bàn thờ dâng lễ là mạch nước chảy không ngừng từ trong Hang Đá ra. Ngày nay, mạch suối này được dẫn xuôi theo Nhà thờ tới chân tháp để khách hành hương tới lấy nước và uống nước suối này. Tôi uống liền mấy ly và đem về 5 lít nước để tặng cho bà con giáo dân.”……
Sau khi nói chuyện với anh H., nhất là đọc hai bài viết trên, tồi bồi hồi nôn nóng mong chờ cao Lá Vằng và nước suối Đức Mẹ Lộ Đức.
Việc gì đến sẽ đến. Khoảng hai giờ chiều ngày 29-4-2016 tôi nhận được cao Lá Vằng và nước suối Đức Mẹ Lộ Đức. Tôi liền gọi điện báo tin cho anh H. biết. Đầu dây kia, anh H. nói:
- Liên Thành uống chưa? Nếu chưa, Liên Thành uống ngay đi!
- Nhà tôi đang chờ nước sôi.
- Nhớ làm đúng những điều tôi đã dặn.
- Yes, sir.
Tôi liền cắt cao Lá Vằng bỏ vào tách nước sôi, khuấy cho tan; rồi nhỏ thêm vài giọt nước suối Đức Mẹ Lộ Đức vào. Trước khi uống, tôi thành tâm lâm râm cầu nguyện trong niềm tin thiết tha nơi Đức Mẹ. Uống xong, tôi cảm thấy rần rần như kiến bò nơi hai đốt xương sống ép vào nhau. Sau đó tôi cảm thấy buồn ngủ và thiếp đi. Tỉnh dậy, tôi nhờ nhà tôi nâng tôi đứng dậy và dìu tôi ra khỏi xe lăn. Ban đầu nhà tôi và con gái tôi dìu tôi bước đi chậm chậm, từ từ; nhưng rồi tôi bước đi nhanh hơn và đi được năm vòng trong nhà. Đến tối tôi lại tập đi, rồi bước đi một mình và đi nhanh hơn nhiều. Tôi đi vòng quanh nhà bếp, ra phòng khách trước sự chứng kiến của nhà tôi và các con tôi. Mọi người đều sững sờ, hốt hoảng nhìn thấy tôi bước đi như vậy. Riêng tôi, tôi cảm nhận ƠN TRÊN thương tôi đến nỗi tôi muốn ứa nước mắt. Sau khi chúng tôi bình thản lại, tôi bàn với nhà tôi và các con tôi: Tôi quyết định đi mổ trong niềm tin và phó thác vào Đức Mẹ. Tất cả đều đồng ý với tất cả tấm lòng cậy trông vào Đức Mẹ.
Sáng ngày 2-5-2016, tôi liền xin liên lạc với bác sĩ mổ xương sống cho tôi. May mắn tôi gặp trực tiếp ông ta. Đó là:
Dr. Kiester, P. Douglas
Phone: 888-546-7002
Bệnh viện UCI của Trường Đại Học UCI. Orange County. CA. 92868.
Hồ sơ bệnh lý của tôi (MRN): 2405944. ACCT: 2053060907
Dept: Orthopaedics and Spine Center.
101 City Dr. PAVIII
Orange, CA. 92868
Trong khi nói chuyện với ông ta, tôi đã nêu lên những lo lắng của gia đình và bạn bè về xác suất thành công của cuộc giải phẫu thường rất thấp. Bác sĩ Kiester cho biết: ông ta sẽ cố gắng hết sức, nhưng ông ta không dám bảo đảm mặc dầu ông ta chuyên về mổ xương sống từ lâu rồi, và cuộc giải phẩu của tôi có thể kéo dài từ bốn đến năm tiếng đồng hồ vì trường hợp của tôi rất khó. Sau đó ông ta sẽ giữ tôi lại bệnh viện vài ngày để theo dõi và y tá tập đi cho tôi đến khi nào tôi có thể đi được.
Chương trình mổ ban đầu ấn định lúc hai giờ chiều ngày 9-5-2016.
Nhưng trước đó một ngày, tức là ngày 8-5-2016 văn phòng Bác Sĩ Kiester thay đổi giờ mổ là 7:15 sáng cũng ngày 9-5-2016, như vậy tôi phải có mặt tại bệnh viện lúc 5:00 sáng ngày 9-5-2016.
CHUYỆN LẠ XẨY ĐẾN
Để chuẩn bị “lên đường”. Chiều ngày 8-5-2016, tôi đã lấy cao Lá Vằng bỏ vào ly nước sôi, khuấy tan, đồng thởi tôi nhỏ vài giọt nước suối Đức Mẹ Lộ Đức vào. Trước khi uống tôi lại thầm thĩ cầu nguyện một cách tha thiết với Đức Mẹ:
“Lạy Đức Mẹ, con là một Phật tử. Xin Đức Mẹ cứu giúp con. Con biết đời người sinh lão bệnh tử là chuyện thưởng tình phải đến, nhưng nếu cuộc giải phẩu nầy không thành công, con sẽ trở thành kẻ tàn phế suốt đời thì công việc chung của đất nước chúng con, mà lâu nay anh em chúng con hằng ấp ủ sẽ tiêu tan hết. Con lạy Mẹ! XinMẹ cứu giúp con”
Sau lời cầu xin đó tôi uống hết ly nước cao Lá Vằng với nước suối Đức Mẹ Lộ Đức trong niềm tin yêu và phó thác, rồi tôi cảm thấy yên lòng thư thả nghỉ ngơi.
Sáng hôm sau, tức ngày 9-5-2016 con trai tôi, Huy Dũng đưa tôi đến bệnh viện UCI tại thành phố Orange , CA khi trời chưa sáng.
Trên đường đi tôi ngồi im lặng, không lo, không sợ, mà chỉ nghĩ đến quê hương Việt Nam
“41 năm rồi, dân tộc và quê hương tôi vẫn còn bị chìm đắm dưới chế độ cộng sản. Những người Việt Quốc Gia trong nước và ngoài nước đã làm được gì cho đất nước; tôi và anh em chiến hữu của tôi đã làm được gì. Tôi xúc động”. Xe gần đến bệnh viện, bỗng con trai tôi hỏi tôi:
- Ba!
- Gì con,
- Ba lo hả?
- Không! Con. Ba cảm thấy bình thản.
- Ba yên tâm đi! Hồi đêm anh chị em chúng con đã đọc kinh cầu xin Đức Mẹ cho ba.
Tôi nhìn con và trả lời âu yếm:
- Ba cám ơn các con.
Đến đây tôi xin mở một dấu ngoặc đơn.
(* Nhà tôi, Nguyễn Thị Ngọc Phú theo đạo Công Giáo từ năm 1957.
* Con trai tôi, Huy Dũng sau ngày tốt nghiệp Electrical Engineer từ Đại Học Cal State Fullerton, CA, nó đã xin phép tôi theo đạo Công Giáo, tôi bằng lòng. Vú bọ của nó là cha mẹ của một người bạn học thân tình với nó; tính đến nay cũng đã hơn hai mươi năm rồi.
* Con trai trưởng tôi, Antony Huy hiện là Đại Tá trong Lực Lượng Lục Quân Hoa Kỳ đã tham chiến tại Irac, và A Phú Hãn, cũng đã xin phép tôi theo đạo Công Giáo; tôi cũng bằng lòng
* Con gái tôi, Công Huyền Tôn Nữ Xuân Thi, Nha Sĩ, phòng mạch tại Las Vegas, cũng đã xin phép tôi được theo đạo Công Giáo; tôi cũng bằng lòng.
* Con gái tôi, Công Huyền Tôn Nữ Nhật Thi, Bác Sĩ chuyên khoa về thần kinh, có chồng cũng là bác sĩ chuyên khoa mổ mắt hiện cùng làm tại bệnh viện Kaisser tại Milpitas, Bắc Cali, cũng đã xin phép tôi được theo đạo Công Giáo, tôi cũng bằng lòng.
* Con gái tôi, Công Huyền Tôn Nữ Mộng Thi, chồng là Bác sĩ gây mê tại bênh viện ở Las Vegas cũng đã xin phép tôi được theo đạo Công Giáo; tôi cũng bằng long.
* Con trai tôi, Huy Quang, một trong 100 kỹ sư điện toán của hệ thống Hỏa Tiễn Lá Chắn của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ. Nó cũng là Mục Sư của một nhà thờ Tin Lành tại Thành phố Brea, Nam Cali; tôi cũng bằng lòng .
Tôi còn nhớ năm nó 31 tuổi, nó đã tặng một quả thận của nó để cứu sống một bé gái. Gần đây nó đã nhận hai em bé tàn tật 100% về thể xác và trí não, về làm con nuôi, để nó săn sóc cho hai em nhỏ tật nguyện đó.)
Trở lại việc mổ xương sống của tôi.


GIẤY NHẬP VIỆN
Lúc 5:15 sáng ngày 9-5-2016, con trai tôi đã làm xong thủ tục nhập viện cho tôi. Sau đó tôi được đưa về phòng chờ đợi để đưa vào phòng mổ.
Khoảng 7 giờ sáng tôi được đưa đến phòng mổ, thời gian di chuyển khoảng 5 phút. Nằm trên chiếc giường được y tá đẩy đi, tôi lập lại lời cầu xin:
“Xin Đức Mẹ, xin Đức Mẹ giúp con”
Người đầu tiên tôi gặp trong phòng mổ là bác sĩ Kiester P. Duoglas, ông ta là một bác sĩ lớn tuổi với gương mặt rất hiền, ông nói nhỏ nhẹ với tôi:
- Yên tâm!
- Thank you, Dr.
Người kế tiếp là bác sĩ gây mê (tôi không nhớ tên) cũng là một bác sĩ người Mỹ, ông ta đứng sát đầu giường tôi, và nói rất nhỏ nhẹ:
- Tôi là bác sĩ gây mê, anh sẽ ngủ trong bình yên, ông ta nhìn tôi và mở mụ cười rất bình yên.
- Thank you, Dr.
Sau đó ông ta chụp vào mặt mũi tôi bộ phận để thở và gây mê, tôi chờ đợi... chỉ khoàng vài giây đồng hồ sau tôi có cảm giác nóng ở đầu và… đi vào hôn mê……. Rồi…


TÔI MỚI TỪ PHÒNG MỔ RA
Tôi nghe tiếng gọi rất xa… rất xa… vọng lại... Ba!… Ba!…
Tôi mở mắt nhìn thấy khuôn mặt xinh xắn của con gái út tôi, tôi nghe nó nói:
- A! Ba tỉnh rồi, tỉnh tồi.
Tôi nhìn thấy nhà tôi và các con tôi đứng chung quanh.
Nhiều người hỏi:
- Ba tỉnh rồi, ba có đau không, đau lắm không?
Tôi trả lời:
- Không đau gì cả, các con ạ!
Con gái út tôi nói:
- Có lẽ còn thuốc tê nên ba chưa đau, mà sao bác sĩ mổ nhanh vậy. Ông ta nói phải từ 4 đến 5 tiếng mà, sao chưa đầy hai tiếng đã xong.
Tôi hỏi con tôi mấy giờ rồi, ngày hay đêm?
- 9:45 sáng ba à. Ba mới từ phòng mổ ra mà.
Từ giờ đó cho đến gần 12 giờ khuya ngày 9-5-2016 tôi vẫn không thấy đau nơi chỗ mổ sau lưng.Y tá lâu lâu lại hỏi tôi có đau không? Họ lấy thuốc giảmđau cho tôi. Tôi trả lời:
- Không, tôi không thấy đau gì cả.
Bà y tá nói:
- Đây là việc hết sức ngạc nhiên, bởi vì vết mổ của ông dài gần 12 inches. Nhiều người như ông đã phải uống thuốc giảm đau liên tục. Còn ông không đau là làm sao? Thật lạ quá!
Tôi lại ngủ thiếp đi lúc nào tôi không biết. Rồi vì có ai đang lay nhẹ vai tôi, tôi mở choàng mắt ra, đó là bác sĩ Kiester.
Bác sĩ Kiester nhìn tôi với nụ cười thật hiền hỏi:
- Anh khỏe không? Có đau lắm không?
- Không, Dr. Cám ơn Dr. Mấy giờ rồi, thưa bác sĩ?
- 6:30 sáng ngày 10-5-2016. Anh đã ngủ yên suốt đêm.
Tôi nhìn khuôn mặt ông ta thoáng có vẻ đăm chiêu và hoài nghi, nên tôi hỏi:
- Sao Dr. đến sớm vậy?
- Tôi đến xem anh như thế nào. Cuộc mổ ngày hôm qua tôi đã sắp xếp phòng mổ và dự trù trong năm tiếng đồng hồ, nhưng tôi đã mổ rất nhanh và chính xác, chỉ trong vòng hai tiếng. Trong khi mổ tôi cảm thấy có điều gì huyền nhiệm nên mới nhanh và chính xác như vậy. Thật khó diễn giải theo y khoa. Cuộc giải phẫu thật tốt đẹp. Tuyệt vời! Suốt đêm qua tôi trằn trọc và cảm thấy hình như có ơn lạ về trường hợp của anh, nên sáng nay tôi đến sớm xem anh thế nào.
- Cám ơn Dr.
- Chốc nữa, khoảng 9 giờ tôi cho người đến tập cho anh đi, ngày nào anh đi được tôi mới cho anh về.
Khoảng hơn 9 giờ sáng, một nam y tá therapist đến phòng với walker và một dây bằng vải.
Anh ta giới thiệu anh là người sẽ tâp cho tôi đi mỗi ngày một lần theo lệnh của bác sĩ Kiester, và anh sẽ trình cho bác sĩ biết, đến khi nào tôi đi bình thưòng, vững chắc, bác sĩ sẽ cho tôi về nhà.
Trong phòng tôi lúc đó có nhà tôi và các con tôi. Anh y tá đỡ tôi dậy bước xuống giường và chỉ cho tôi cách dùng walker, đồng thởi anh ta cũng cột giây vải bề ngang gần bằng bàn tay quanh eo tôi, tay mặt anh nắm lấy dây vải đề phòng tôi ngã quỵ, sẽ kéo đỡ tôi dậy.
Chúng tôi bắt đầu đi. Tôi đi trước với waiker và anh y tá đi sau sát tôi.
Trước sự quan sát theo dõi của y tá, và sự chứng kiến của nhà tôi và các con tôi, tôi đi một cách bình thường chân dơ cao, bước ra khỏi phòng.
Ra khỏi phòng tôi bước đi như một người bình thường, đi nhanh và chân dơ cao như lính đi duyệt binh. Anh y tá vừa mừng vừa ngạc nhiên, anh ta hỏi tôi:
- Anh không đau sao, nhìn anh đi, tôi tưởng anh như không phải là bệnh nhân.
Tôi trả lời:
- Không, tôi không thấy đau gì cả, và rất mừng không còn đi cà nhắc như trước khi chưa mổ.
Anh ta để tôi đi hai vòng trong hành lang dài của bệnh viện. Anh ta cười và nói với tôi:
- OK, tốt lắm, tốt lắm. Tôi cho anh diểm A+. Tôi sẽ trình cho bác sĩ Kiester biết ngay.
Tôi nói với anh y tá tôi muốn đi một vòng nữa được không?
- Được chứ! Đi một vòng nữa đi!
Sau đó tôi trở về phòng, anh y tá nói cho các con tôi nghe, bọn chúng rất mừng và ngạc nhiên lắm.
Khoảng 30 phút sau anh y tá trở lại bảo con tôi đến văn phòng ký giấy vì bác sĩ cho tôi về. Mọi người đều sửng sốt, ngỡ ngàng. Ai cũng lắc đầu khó hiểu.
Tôi rời khỏi bệnh viện UCI vào hồi 10:54 sáng ngày 10-5-2016. Thời gian tính từ khi tôi bắt đầu vào phòng mổ lúc 7:15 sáng ngày 9-5-2016, và tôi rời bệnh viện về nhà sáng lúc 10:54 sáng ngày 10-5-2016. Tính ra tôi chỉ ở trong nhà thương 27 tiếng 39 phút.
Bác sĩ Kiester, các y tá, nhất là y tá therapist cho tôi, ai ai cũng ngạc nhiên về trường hợp của tôi. Vì Những ai đã bị thương tích hay giải phẫu dù nhỏ hay lớn, sau khi thuốc tê hết hiệu lực, nhất là từ khoảng 10 tiếng đồng hồ trở đi, nơi vết thương hay vết mổ đó đau buốt thật khó diễn tả. Vì thế, các bác sĩ điều trị thường cho bệnh nhân thuốc giảm đau, và y tá phụ trách luôn luôn hỏi bệnh nhân có đau không để họ cho uống thuốc. Trường hợp của tôi cũng vậy, bác sĩ Kiester cho tôi thuốc ENDOCET TAB 5-325 MG, số lượng: 58 viên để giảm đau. Ông ta còn dặn tôi cách sáu tiếng đồng hồ uống một viên, và uống hết. Sau đó, nếu cần ông ta lại cho thêm. Lạ thay! Tôi không đau chút nào, nên tôi không uống một viên nào cả. Bác sĩ Kiester, các y tá đều rất ngạc nhiên, họ xem tôi như không phải bệnh nhân vừa mới mổ xương sống ngày hôm trước.


GIẤY XUẤT VIỆN
Trước khi ra về, Bác sĩ Kiester dặn tôi rất kỹ: phải dùng walker để di chuyển ít nhất một tuần; đứng lên ngồi xuống v.v. phải hết sức cẩn thận, mặc dù ông ta đã biết rất rõ tôi đã đi lại bình thường ngay trong bệnh viện.
Về nhà, trong hai ngay đầu, vâng lời bác sĩ dặn, tôi đi bằng walker, nhưng đến ngày thứ ba tôi bỏ nó vào một góc tường vì thấy không cần dùng nó nữa.
Một điều lạ lùng là từ khi được đưa từ phòng mổ về phòng tỉnh dưỡng ở bệnh viện và sau đó về nhà, tôi không hề bị đau nhức ở vết mổ. Ai ai cũng ngạc nhiên. Đúng là chuyện khó tin nhưng có thật.
Như quý vị đã biết, 100 % những người bị mổ xương sống và dây thân kinh sau lưng hầu như tất cả đều bị bại liệt nằm trên giường từ sáu tháng đến một năm, hay vài năm hoặc vĩnh viễn. Thế mà tôi mổ sáng ngày hôm trước, sáng hôm sau tôi đã dậy đi, và gần 10:54 giờ sáng bác sĩ cho về. Đây chính là PHÉP LẠ.
Bác sĩ Kiester còn dặn thêm: Nếu mọi việc đều tốt đẹp hoàn toàn, thì phải từ bốn đến sáu tuần tôi mới có thể lái xe được. Nhưng tuần lễ thứ hai vì công việc rất cần mà không tiện nhờ ai, tôi đã tự lái xe đi và về khoảng 200 miles mà vẫn bình thường, chỉ hơi mỏi lưng một tí chứ không đau gì cả.
Ngày 9-6-2016, đúng một tháng sau ngày mổ, tôi trở lại tái khám với bác sĩ Kiester P. Douglus, sau khi chụp quang tuyến X nơi chỗ mổ để xem bên trong, bác sĩ Kiester cười và nói với tôi :
- Ông về được rồi. Từ nay trở đi, tôi không còn lý do gì để gặp ông nữa.
Lòng đầy xúc động, tôi nắm chặt tay ông ta và nói:
- Tôi, gia đình tôi, bạn bè tôi xin hết lòng cám ơn bác sĩ.
Vẫn nụ cười hiền lành đó, Dr. Kiester bắt tay tôi và chúc tôi may mắn, bình yên….
**** *
Một Chuyện lạ nữa. Một ngày trước ngày tái khám với bác sĩ Kiester, tức ngày 8/6/2016, tôi theo định kỳ đi khám căn bệnh ung thư máu với bác sĩ của tôi là:
Dr.Gurpreet S.Multani
Phone: 714-432-9200
Địa Chỉ: 11180 Warner Ave, Ste: 467
Fountain Valley, CA.92708
Sau khi thử máu và khám xong, bác sĩ Multami nói với tôi:
“Chúc mừng ông, căn bệnh hầu như không còn nữa. Số lượng bạch huyết cầu đã trụt xuống như ý tôi mong muốn, từ nay ông là người bình thường. Nếu cần, từ nay tôi chỉ gặp ông khoảng ba tháng một lần, để thử máu, theo dõi số lượng bạch huyết cầu mà thôi….”
Tôi ngước mặt lên trời, nghẹn ngào, ứa nước mắt thầm thĩ: Con cám ơn Đức Mẹ. Lại một PHÉP LẠ nữa!


VẾT MỔ SAU BA NGÀY


VẾT MỔ SAU BẨY NGÀY
Được biết tôi vừa trải qua căn bệnh ung thư máu và trải qua một cuộc mổ xương sống đầy nguy hiểm, các chiến hữu, nhất là anh em cảnh sát quốc gia cùng sát canh với tôi trước đây, họ kéo nhau đến thăm, và sửng sốt khi tôi vén áo cho họ nhìn vết mổ sau lưng tôi còn đỏ. Thế mà tôi bước đi bình thương, không đau buốt gì hết.
Rồi Chúa Nhật, ngày 19-6-2016 vừa qua, kỷ niệm ngày QLVNCH, cũng là ngày nhớ ơn cha (Father’s Day) của Hoa Kỳ, quê hương thứ hai của chúng ta, một số bạn hữu và chiến hữu (khoảng gần 20) người, trong đó có những người ở tiểu bang khác được tin cũng về thăm tôi. Sau khi biết rõ mọi diễn tiến về bệnh tình của tôi, ai ai cũng sửng sốt, thốt lên. Thật khó tin, khó hiểu. Đây chính là PHÉP LẠ! Phép lạ nhiệm mầu.
Sau đó, trong tình thân mật, tôi vui đùa hỏi:
- Ai Công Giáo? Giơ tay lên!
Nhiều người giơ tay.
- Ai Phật giáo hay ngoài Công Giáo? Giơ tay lên!
Cũng nhiều người giơ tay.
Tôi vui đùa nói tiếp: Đức Mẹ không chơi với các bạn Công Giáo nữa, vì các bạn được ơn Đức Mẹ nhiều rồi. Bây giờ Đức Mẹ chỉ chơi với những người ngoài Công Giáo hay Phật giáo như tôi thôi. Thế là cả phòng khàch của chúng tôi ồn ào như “Ong vỡ tổ”. Vui ơi, là vui! Vui ơi, là vui!
Ngay lúc ấy bình nước đang trên bếp cũng vừa sôi, nhà tôi pha trà, không quên nhắc tôi bỏ vào một miềng cao Lá Vằng nhỏ và nhỏ thêm mấy giọt nước suối Đức Mẹ Lộ Đức vào bình trà, rồi mời anh em cùng uống để chia sẻ niềm vui với gia đình tôi và cùng chúng tôi tạ ơn Đức Mẹ….
Rồi, cuộc vui nào cũng mau qua. Xum họp nào rồi cũng chia tay.
Tôi bịn rịn bắt tayvà tiễn biệt các bạn cùng các chiến hữu. Nhìn họ ra về, người ngồi trong chiếc xe lăn, người đi sau chiếc walker, người với cây gậy chậm chạp bước đi, vừa đi vừa ngoái lại vẫy tay từ biệt. Tôi cố cắn môi ngăn dòng nước mắt và thầm nghĩ: Ôi thời oanh liệt của đất nước tôi, cũng là của chúng tôi! Nay chữ “oanh” đã mất, chỉ còn lại chữ “liệt”.
Tôi bùi ngùi trở vào phòng, ngước nhìn tượng Đức Mẹ Lộ Đức (do anh chị Đoàn Q. trên San Jose, cung kính mang từ hang đá Loudes, Pháp về tặng anh H. đã trên 10 năm. Nay anh H. tặng lại chúng tôi) đang ngự trên bàn làm việc của tôi. Tôi xúc động thưa với Đức Mẹ:
Lạy Mẹ! Con xin Mẹ hỏi Chúa giúp con, nhé! Sao Chúa và Mẹ tương con đến thế! Vì Người đã trao quyền phép cho Mẹ để cứu đứa con hoang này….
Thầm thĩ với Đức Mẹ xong, tôi vội nghĩ mình cần phải ghi lại những sự kiện trên đây, với mục đích gì thì quý vị quá biết.
Đồng thời tôi xin ghi ơn quý ân nhân, (nhưng vì khiêm tốn quý vị không cho phép tôi nêu tên quý vị ra đây) đã dâng lời cầu nguyện ƠN TRÊN cho tôi, nên bệnh ung thư máu và việc mổ xương sống của của tôi đem lại kết quả tốt đẹp không thể tưởng tuợng được. Đúng là Phép Lạ nhiệm mầu.
Tuy nhiên con xin mạn phép và cám ơn cha già cố H., mặc dù con chưa hân hạnh gặp cha lần nào, nhưng qua anh H. và tình thương, cha hằng dâng lễ cầu nguyện, rồi lại gửi thêm nước suối Đức Mẹ Lộ Đức cho con. Tuy số lượng rất khiêm tốn, nhưng “…nghĩa so nghìn trùng”.
Anh không quên cám ơn em, ba cũng không quên cám ơn các con, hằng cầu nguyện, an ủi, khích lệ ba, nên gia đình chúng ta mới được diễm phúc như ngày hôm nay…
****
California mới bắt đầu vào mùa Hè nên thời tiết hơi nóng. Tôi mở cửa sau bước ra vườn. Đêm trăng rằm tối nay tuyệt đẹp. Tôi chạnh lòng nhìn về quê mẹ nằm bên kia bờ biển Thái Bình; thổn thức đến ứa nước mắt vì: Đất nước Việt Nam cũng đang bị những “tế bào ung thư máu” hoành hành và lưỡi giao mã tấu đang chuẩn bị đè xuống “mổ xương sống” đất nước tôi như trường hợp của tôi vậy. Vì thế, tôi lại nhớ đến lời nhắc nhở:
Nếu Cộng Sản miền Bắc chiếm được miền Nam, thì toàn thể nước Việt Nam sẽ trở thành quận hay tỉnh nhỏ của Trung Cộng. Yếu tố còn lại chỉ là thời gian”.(Đồng Tâm, Tuy Hòa ngày 17-9-1955)
Biết làm sao đây? Tôi chỉ biết cúi đầu khấn nguyện: Xin Đức Mẹ cứu đất nước chúng con thoát khỏi “hai căn bệnh trầm kha” trên, như Mẹ đã vừa cứu con vậy. Mà chỉ có Mẹ mới cứu được thôi.
Đang miên man, thổn thức thì đâu đây văng vẳng tiếng hát Mỹ Huyền réo rắt đưa tôi về thực tại, nhưng lại càng làm tôi tê tái cõi lòng:
Đêm khuya trăng mơ mắt trông về trong cõi xa mờ,
Nơi xa xăm kia tôi say nhìn quê cũ dấu yêu.
Ôi tình quê hương nới chốn xưa có người mẹ hiền,
Tóc màu hoa bạc chiều chiều mắt ngấn lệ vì con.
Ra đi con dâng đời cho gió mưa,
Quê người ngồi nhớ đến ngày vui qua.
Gió chiều thường nhắc khúc ca biệt ly,
Cố nhìn quê cũ lẩn trong sương mờ.
Mẹ ơi! Ra đi đời con sá chi,
Mơ ngày ngồi dưới ánh đèn lâm ly.
Bên mẹ thường hát khúc ca ngày đi,
Ai ngờ rồi cũng đến khúc phân ly.
Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ Việt Nam ơi...!”
Liên Thành
Đêm 19-6-2016 tại nam California
Chú thích: (1) Liên Thành, đang chỉ huy trấn áp cuộc biểu tình chống chính phủ VNCH của sinh viên thân cộng đại học Huế. (Trích T.T.Q.T.T. hay T.Đ.D.T., tr. bìa sau))
Liên Thành
P.O.Box: 6147
Fullerton, CA 92834
Phone: (626) 257-1057
------------------------
SỰ KIỆN ĐỨC MẸ LAVANG, VIỆT NAM
Dưới triều vua Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản, con vua Quang Trung), nhà vua bách hại đạo Công Gìáo rất gắt gao, nên các nhà truyền giáo và giáo dân phải trốn lên rừng sâu núi thẳm để giữ đạo.
Nhắc đến “giáo dân phải trốn lên rừng sâu núi thẳm để ẩn trốn và giữ đạo”, chúng ta ai cũng biết: Ngày 17-8-1798 vua Cảnh Thịnh ban hành một chiếu chỉ cấm đạo rất gắt gao, một số các tín hữu ở gần đồi Cổ Vưu, Dinh Cát, Quảng Trị, phải tìm nơi trốn ẩn. Họ đã đến lánh nạn tại khu rừng có cây “lá vằng”. Nơi này là chốn rừng thiêng nước độc; lại thêm hoàn cảnh ngặt nghèo, thiếu ăn, bệnh tật, sợ hãi quan quân lùng bắt, thú dữ ăn thịt. Các tín hữu chỉ biết một lòng tin cậy phó thác vào Thiên Chúa vàĐức Mẹ. Họ thường tụ tập nhau dưới gốc cây đa cổ thụ, cùng nhau cầu nguyện, an ủi và giúp đỡ nhau.
Một hôm đang khi cùng nhau lần chuỗi Mân Côikính Đức Mẹ, bỗng nhiên họ nhìn thấy một người phụ nữ xinh đẹp, mặc áo choàng rộng, tay bồng Chúa Giêsu Hài Đồng, có hai thiên thần cầm đèn chầu hai bên. Họ nhận ra ngay là Đức Mẹ Maria. Mẹ bày tỏ lòng nhân từ, âu yếm, và an ủi giáo dân vui lòng chịu khó vì đạo. Mẹ bảo họ hái một loại lá cây (lá vằng) có sẵn chung quanh đó, đem nấu nước uống sẽ lành các chứng bệnh. Mẹ lại ban lời hứa: "Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn Mẹ tại chốn này, Mẹ sẽ che chở chúng con trong cơn hoạn nạn"…
Sau cơn bách hại, các tín hữu cùng các giới chức địa phương đã dựng một ngôi đền khiêm tốn tại đây để tạ ơn và tôn kính Đức Mẹ. Rồi họ thường tới đây lấy “lá vằng” về sắc thành thuốc uống khi mắc bệnh hiểm nghèo. Vì thế một vài thầy lang thuốc Bắc đã sắc “lá vằng” làm thành cao để bán cho những ai cần đến.
Từ đó nơi núi đồi Cổ Vưu, Dinh Cát, Quảng Trị với rừng cây “lá vằng” xanh tươi đã trở nên Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang (La Vang đọc theo tếng Pháp) của toàn thể Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.
Rồi, thể theo sự thỉnh cầu của HĐGMVN ngày 13-4-1961 họp tại Huế, ĐGH Gioan XXIII ban hành sắc lệnh nâng ngôi Đền Thánh Đức Mẹ La Vang khiêm tốn đó lên hàng Tiểu Vương Cung Thánh Đường. Sắc lệnh được ban hành ngày 22-8-1961 tại Roma, cạnh Đền thờ thánh Phêrô, có Ấn Ngư Phủ.
Thừa lệnh ĐGH Gioan XXIII, ký thay: HY Quốc Vụ Khanh Angelo Dell Acqua.
(Trích tài liệu từ TTGM Huế. Bài viết đầu tiên về sự kiện trên do một linh mục thừa sai người Pháp (M.E.P.) viết bằng tiếng Pháp, mà tiếng Pháp không có chữ “á, ằ”, nên họ viết theo âm “La Vang”. Từ đó người Việt chúng ta cũng quen gọi “La Vang” luôn.”



Cao Lá Vằng
---------------
SỰ KIỆN ĐỨC M Ẹ LỘ ĐỨC (LOURDES), PHÁP
Linh mục Giuse Nguyễn Hữu An
Đức Vô Nhiễm Nguyên Tội Maria, Mẹ Thiên Chúa, đã thực sự hiện ra với Bernadette Soubirous ngày 11 tháng 02 năm 1858 và những ngày kế tiếp, tất cả là 18 lần
Lộ Đức là trung tâm hành hương quốc tế. Tôi được diễm phúc hành hương đến Đức Mẹ Lộ Đức. Từ Rôma qua hướng Tây Ban Nha, vượt đỉnh Pyréné đến miền Nam nước Pháp. Lộ Đức nằm ở một vị trí khá hẻo lánh, thuộc một tỉnh nhỏ. Nơi đây, từng giờ từng phút, khách thập phương tấp nập đổ về để dâng lễ, cầu nguyện và xin ơn với Đức Mẹ.
Khi bước vào Vương Cung Thánh Đường Vô Nhiễm Nguyên Tội, tôi thấy bên phải, có phiến đá cẩm thạch ghi lời tuyên bố long trọng của Đức Giám Mục Laurence về những lần hiện ra của Đức Mẹ: "Chúng tôi tuyên bố rằng Đức Vô Nhiễm Nguyên Tội Maria, Mẹ Thiên Chúa, đã thực sự hiện ra với Bernadette Soubirous ngày 11 tháng 02 năm 1858 và những ngày kế tiếp, tất cả là 18 lần trong hang động Massabielle, gần thành Lộ Đức (Lourdes); rằng sự hiện ra này mang tất cả những tính cách của sự thật, và các giáo hữu đều đã tin là chắc chắn. Chúng tôi xin dâng cách khiêm nhượng sự phán đoán của chúng tôi cho Sự Phán Đóan của Đức Giáo Hoàng, Vị được giao trọng trách chèo lái Giáo Hội hoàn vũ".


Hang Đá Nơi Đức Mẹ Hiện Ra
Đức Mẹ đã hiện ra 18 lần tại Hang đá Lộ Đức, từ ngày 11 tháng 02 đến ngày 16 tháng 07 năm 1858.
Ngày 28 tháng 07 năm 1858, Đức Giám Mục địa phận Lộ Đức đã thiết lập Ủy Ban Điều Tra về những lần Đức Trinh Nữ Maria hiện ra tại hang đá Massabielle. Công việc điều tra kéo dài trong 4 năm.
Trang web: lourdes-france.com, cho biết công việc nghiên cứu điều tra tỉ mỉ và sự phân định sáng suốt, trong lời kinh nguyện. Sau bốn năm, ngày 18 tháng 01 năm 1862, Đức Giám Mục, nhân danh Giáo Hội, nhìn nhận những lần hiện ra là đích thực. Giáo Hội nhìn nhận chính thức những lần Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, dựa trên chứng từ xác quyết của cô Bernadette Soubirous.
Đức Giáo Hoàng Lêô XIII chấp thuận mừng lễ Đức Mẹ Lộ Đức và Đức Giáo Hoàng Piô X cho phép toàn thể Giáo Hội mừng lễ này vào ngày 11-2 hàng năm.
Hành hương về Lộ Đức, tôi được hiểu biết thêm nhiều về lịch sử và sứ điệp Đức Mẹ nhắn gửi qua thiếu nữ Bernadette.
Bernadette là một cô bé 14 tuổi, không biết đọc, không biết viết, con một gia đình nghèo ở Lộ Đức. Gia đình cô tạm trú tại một nơi trước kia dùng làm nhà giam. Nơi tồi tàn này, cả gia đình gồm ông bà thân sinh và bốn chị em Bernadette làm nơi nương thân. Đức Mẹ muốn chọn một cô bé nơi nghèo hèn để làm sứ giả của Mẹ.
Theo lời kể của Bernadette: Hôm đó là thứ Năm, ngày 11.02.1858, cô được nghỉ học, Bernadette xin phép mẹ đi nhặt củi. Bình thường theo dọc bờ sông Gave, có rất nhiều cành cây khô. Nhưng suốt buổi sáng đó, dường như chị em của Bernadette không nhặt được bao nhiêu. Bernadette mới tiến đến một hang động gần đó mà dân làng quen gọi là Massabielle. Cô đang loay hoay nhặt củi, từ trong hang đá, một thiếu nữ diễm lệ xuất hiện và đứng trên một tảng đá, ánh sáng bao trùm cả hang Massabielle. Theo lời cô mô tả, người thiếu nữ chỉ trạc độ 16, 17 tuổi. Bernadette tưởng mình như đang mơ. Cô bước thêm bước nữa. Người thiếu nữ diễm lệ chỉ mỉm cười. Trong cơn xúc động, Bernadette lấy tràng chuỗi từ trong túi áo ra và bắt đầu đọc kinh Kính Mừng. Khi Bernadette vừa lần xong chuỗi Mân Côi, người thiếu nữ làm hiệu cho cô tiến lại gần hơn. Bernadette say sưa ngắm nhìn và tiếp tục đọc kinh cho đến khi ánh sáng bao trùm người thiếu nữ nhạt dần và tắt hẳn.
Cô về nhà kể lại biến cố ấy, nhưng chẳng ai tin cô. Chính cha mẹ cô cũng không muốn cho cô trở lại hang đá nữa. Nhưng như có một sức hấp dẫn lạ kỳ nào đó khiến cô vẫn trở lại hang đá ấy.
Sau lần này, cô còn được trông thấy “người thiếu nữ diễm lệ” hiện ra 17 lần nữa.
Khi hiện ra lần thứ ba, ngày 18.02.1958, người thiếu nữ ấy mới bắt đầu nói với cô:“Con có vui lòng đến đây liên tiếp 15 ngày nữa không? Ta không hứa sẽ cho con được sung sướng ở đời này, nhưng là ở đời sau.”.
Trong 15 ngày tiếp đó, người thiếu nữ đã nhắn nhủ và truyền cho Bernadette nhiều điều. Cô kể: “Bà dặn tôi nhiều lần rằng: Hãy sám hối, hãy nói với các linh mục xây một nhà nguyện ở đây, hãy đến uống và rửa ở suối này, phải cầu nguyện cho những người tội lỗi được ơn hối cải. Trong vòng 15 ngày ấy, Bà còn nói với tôi ba điều và dặn tôi không được nói với ai. Tôi vẫn trung thành giữ kín. Sau ngày thứ 15, tôi hỏi Bà ba lần liên tiếp: Bà là ai? Nhưng Bà chỉ mỉm cười. Tôi đánh bạo hỏi thêm lần thứ tư. Lúc ấy, Bà mới buông tay xuống, ngước mắt nhìn lên trời rồi vừa nói vừa chắp tay trước ngực: ‘QUE SOY ERA IMMACULADA COUNCEPTIOU’”. Đó là thổ âm của vùng Lộ Đức lúc bấy giờ, được dịch ra tiếng Pháp là: “Je suis l’Immaculée Conception”, và dịch sang tiếng Việt Nam là: ‘Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội’.
Các bậc khôn ngoan chống đối, dân chúng xúc động, cảnh sát thẩm vấn Bernadette nhiều lần. Cô bình thản trả lời và không hề nao núng trước những lời đe dọa. May mắn là cô không bị vướng mắc vào những tiểu xảo của người thẩm vấn. Các nữ tu dạy học cũng tỏ ra bất bình, còn Bernadette vẫn luôn giữ được thái đô khiêm tốn lịch sự.
Ngày 25.2.1858, một đoàn người cảm kích theo cô, sau khi cầu nguyện Bernadette đứng dậy, ngập ngừng tiến tới gần hang đá rồi quì xuống. Theo lệnh của “người thiếu nữ diễm lệ”, cô Bernadette cúi xuống lấy tay cào đất, rồi lật một hòn đá nhỏ lên. Bỗng dưng một dòng nước vọt lên. Dòng nước đó đến nay cứ chảy mãi, cứ 24 tiếng đồng hồ là có khoảng 120.000 lít nước chảy ra. 


Khách hành hương đang lấy nước suối Đức Mẹ Lộ Đức.
(TRỞ VỀ BÀI) 

0 comments:

Powered By Blogger