Wednesday, July 20, 2016

Đại hội đảng Cộng hòa và chiến lược giành phần thắng

Đại hội đảng Cộng hòa và chiến lược giành phần thắng



Ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump phát biểu trong ngày đại hội đầu tiên của đảng ở Cleveland, Ohio ngày 18/7. Ảnh: EPA/TTXVN
Ông Trump thường có những phát biểu gây nhiều tranh cãi và chia rẽ trong nội bộ đảng Cộng hoà, vì vậy, Đại hội đảng cũng là thời điểm để người ta chiêm nghiệm khả năng tái lập sự thống nhất, đoàn kết trong đảng, cho dù có phần gượng gạo. Dường như không còn ai tin vào khả năng có một “cuộc đảo chính” để thay đổi ứng cử viên vào phút chót.
Sức nóng đã lan tỏa toàn khu vực nơi diễn ra hội nghị khi hàng nghìn đại biểu đảng Cộng hòa bị chia rẽ về quan điểm đối với ông Trump. Những người phản đối ông Trump nói rằng họ sợ phải chứng kiến cảnh đảng Cộng hòa bị dẫn dắt bởi một nhân vật coi người Mexico là "những kẻ cưỡng hiếp", một nhân vật có ác cảm và định "cấm cửa" người Hồi giáo. Các cựu tổng thống, các ứng cử viên chính thức trước đây không giấu giếm sự chống đối nhắm vào “ứng cử viên dân túy và không mấy chính thống” này. Họ không dự Đại hội.
Còn các đại diện “nổi loạn”, những người đã thành lập phong trào "Không bao giờ chấp nhận Trump" thì tìm cách làm rối loạn việc bỏ phiếu đề cử ứng cử viên. Trong khi đó, những người ủng hộ ông Trump thì cố gắng gạt bỏ quan điểm trái chiều kể trên bằng mọi cách, trong đó có cả biện pháp "cả vú lấp miệng em", hô vang những khẩu hiệu của riêng mình.
Với ông Trump, đây là thời khắc rất có ý nghĩa trong đời sống chính trị ông đang dấn thân. Trong bốn ngày đại hội, ông sẽ phải thuyết phục được những người còn đang chỉ trích ông và tìm kiếm sự thống nhất trong đảng khi công bố chọn Thống đốc bang Indiana Mike Pence làm bạn đồng hành tranh cử.
Việc chọn ông Pence liên danh tranh cử ở vị trí Phó Tổng thống Mỹ được coi là sự lựa chọn khôn ngoan của ông Trump. Nhà tỷ phú 70 tuổi này biết rằng ông Pence có thể là hạt nhân đoàn kết nội bộ đảng, và đó là điều ông Trump đang cần hơn bao giờ hết.
Chủ đề của ngày họp đầu tiên là "Đưa nước Mỹ trở lại an toàn", một phần được lấy cảm hứng từ khẩu hiệu tranh cử của ông Trump "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại". Đây là chủ đề nóng khi nước Mỹ vừa trải qua những vụ xả súng, còn đâu đó trên thế giới vẫn là những vụ tấn công khủng bố, bắt cóc con tin, đảo chính. Đại gia đình ông Trump (vợ và các con) cũng tham gia các sự kiện trong dịp Đại hội đảng, giúp ông truyền đi những thông điệp cần thiết trong quá trình vận động.



Ông Trump và vợ trên sân khấu Đại hội đảng Cộng hòa tối 18/7.
Ban lãnh đạo đảng Cộng hoà hy vọng sẽ có một điều kỳ diệu xảy ra. Nếu đó không thể là những thay đổi các quy định của đảng và ông Trump trở thành ứng cử viên tổng thống chính thức, người ta chờ đợi ông Trump sẽ "lột xác" thành một người nhã nhặn.
Cũng có những hy vọng là kinh nghiệm và phong cách của ứng cử viên phó tổng thống Pence sẽ làm cho những người chống đối ông Trump thay đổi ý kiến. Ông Pence được coi là một chính trị gia bảo thủ thuần khiết, đã chứng tỏ được sự gắn bó với các giá trị của đảng Cộng hoà. Nhiệm vụ của ông Pence là tìm kiếm từng lá phiếu ủng hộ trong số các đại biểu còn đang do dự.
Theo giới phân tích, nếu muốn trở thành chủ nhân Nhà Trắng, ông Trump cần biến cuộc bầu cử thành một cuộc trưng cầu dân ý đối với đối thủ là ứng cử viên sáng giá của đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton. Cử tri Mỹ có cơ sở để chọn bà Clinton, bởi trong mắt họ, bà không giống một Donald Trump nóng tính và thiếu tố chất để trở thành tổng thống. Có vẻ như mọi ánh mắt đang đổ dồn vào ông Trump, với những ưu điểm và nhiều hơn thế là những nhược điểm.
Chính vì vậy, nếu ông Trump có thể xoay ngược tình thế, khiến dư luận quay sang "mổ xẻ" các vấn đề của bà Clinton qua vài vụ xì căng đan của bà thì khả năng chiến thắng của ông trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng mới trong tầm tay. Ford O' Connell- chiến lược gia thuộc đảng Cộng hòa nhận định: "Hiện giờ, cuộc bầu cử là một cuộc trưng cầu dân ý nhằm vào ông Trump. Nếu ông ta có thể biến nó thành cuộc trưng cầu về bà Hillary Clinton, ông ta sẽ chiến thắng. Ai giành lợi thế trong cuộc chiến trưng cầu dân ý này, người đó sẽ là chủ nhân Nhà Trắng".
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cảnh báo người dân thận trọng trong phát ngôn, không làm gia tăng căng thẳng và thể hiện tinh thần xây dựng hơn nữa trong bối cảnh cuộc bầu cử quan trọng đang tới gần. Nhưng chia rẽ lại là điểm mà ông Trump đang khai thác, dù thực tế thì ông đang cần một động thái ngược lại. Ông Trump nhấn mạnh: "Nước Mỹ bị chia rẽ và mất kiểm soát. Thế giới đang dõi theo những gì chúng ta làm. Chúng ta phải thiết lập lại trật tự, luật pháp cho đất nước, dù muốn hay không". Ông Trump tự tin mình có thể làm được điều đó.
Trong khi đó, ông Trump luôn phê phán bà Clinton là bất tài khi ở cương vị Ngoại trưởng Mỹ trong Chính quyền Obama. Theo ông, thế giới đã trở nên bất ổn hơn và bà Clinton đóng một vai trò nhất định trong việc làm hồi sinh chủ nghĩa khủng bố.
Những vụ bạo lực chết người gần đây tại Mỹ cũng cho thấy sự sụp đổ hoàn toàn trong hệ thống luật pháp và trật tự ở "Xứ sở cờ hoa". Chiến thắng của bà Clinton sẽ làm tình hình thêm tồi tệ. Nếu ông Trump tiếp tục thúc đẩy "cuộc trưng cầu" theo hướng này, ông sẽ chiến thắng.
TTXVN/Tin Tức

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ.- Qua những lần phát biểu với lời lẽ cộc cằn, nếu không nói là thô lỗ, nhiều người đã phê bình rằng ông Trump thiếu ngoại giao, không đáng bầu trong chức vị một vị tổng thống. Ngay cả đảng Cộng Hòa đã nổ lực góp công của và sức lực cố triệt hạ Donald Trump, mà không hiểu cho rằng đó là kế hoạch có chủ đích nhằm đánh bật cội rễ nền văn hoá của một nước Mỹ tư bản.
Donald Trump cho rằng sở dĩ nước Mỹ đứng vào bậc nhất thế giới hôm nay là nhờ vào số đông bàn tay lớp người trung lưu. Chính lớp người nầy đã chuyển hoá những sáng tạo phát triễn của toàn dân nước Mỹ, nhưng đã lâu họ đã bị người Mỹ tư bản bỏ quên. Người Mỹ tư bản đã tạo ra một nếp sống văn minh chỉ dành đặc quyền cho một lớp thiểu số cai trị. Những lời tuyên bố "nặng nề" đi ra ngoài cái văn hoá cố hữu đó có một chủ đích khơi dậy tâm tư của lớp trung lưu. Có thể nói đó là một cuộc "cách mạng văn hoá" tại Mỹ do Donald Trump chủ trương.
Như mọi người đều biết, nhà tỷ phú Trump đã từng giúp đở cho bà Clinton, đến nỗi khi nào có cú điện thoại của Trump mời là cả 2 vợ chồng Clinton đều có mặt tại tư thất. Trong những lúc đàm đạo, chính ông nguyên TT Clinton cũng từng đề nghị Trump ra ứng cử tổng thống và điều nầy nói gì, nếu không phải là sự "minh xác tầm mức và khả năng điều khiển" của ông Trump khi trở thành vị lãnh đạo nước Mỹ.
Theo tôi, chuyện khai thác các e-mail của bà Clinton hay chuyện một dại sứ Mỹ bị giết ở Trung Đông, chưa phải là điều quan trọng để Donald Trump quan tâm. Donald Trump còn biết nhiều về bà vợ ông cựu TT Clinton suốt thời gian làm đệ nhất phu nhân và nắm chức nguyên thủ của vùng Hoa Thịnh Đốn. Donald Trump chưa nói hết và chúng ta chỉ nên chờ những mủi tên sắc bén nhất mà Trump bắn ra trong nay mai.
Tôi không thích nước Mỹ, nhưng tôi ủng hộ lập trường của Donald Trump, cũng vì ước mơ ngày trở về Việt nam Tự do của người tỵ nạn VC trên thế giới sẽ sớm hiện thực. Tôi biết TT Obama đang vận động cho bà Clinton đắc cử, nhưng tôi không tin người Mỹ gốc Việt dành lá phiếu của mình cho bà Clinton. Bởi lẽ, hành động thiếu ý thức như vậy là gián tiếp kéo dài thêm tình trạng thế giới hôm nay
Lê Hùng bruxelles.

0 comments:

Powered By Blogger