Thế là mọi người có thể an tâm, trong nhiệm kỳ này, tức từ nay cho đến năm 2016, Quốc Hội Việt Nam sẽ bàn thảo và có lẽ, sẽ thông qua bộ luật biểu tình lần đầu tiên trong chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam.

Chưa biết, cuối cùng, bộ luật ấy sẽ ra sao, nhưng nhìn lại các tuần vừa qua, người ta đã thấy nó rất…vui.

Vui vì nó bắt đầu như một hài kịch với một tên hề mới có tên Hoàng Hữu Phước, lúc nào cũng gắn cái đuôi: Thạc sĩ Kinh doanh – Quốc tế.

Đọc những bài phát biểu của ông Phước, người ta thấy rõ ba đặc điểm nổi bật: Dốt, hoang tưởng và nịnh bợ.

Đã có nhiều người vạch ra những cái dốt của ông Phước. Chẳng hạn, trong bài phát biểu về luật biểu tình trước Quốc Hội vào ngày 17 tháng 11 vừa qua, ông cho cuộc biểu tình “đầu tiên trong lịch sử loài người” là vào năm 1913 “do Gandhi tổ chức nhằm phản đối chính phủ Vương quốc Đại Anh và Bắc Ái Nhĩ Lan áp bức nhân dân Ấn Độ”.

Dốt vì sai lịch sử. Nhưng dốt nữa vì đầy mâu thuẫn.

Dưới đó mấy dòng, ông Phước hùng hồn khẳng định tiếp: “Điều nhất thiết phải khẳng định ở đây là ngay từ khởi thủy và cho đến tận ngày nay, biểu tình là hành động để chống lại chính phủ nước mình hoặc chống lại một chủ trương của chính phủ của nước mình”.

Rồi thêm mấy dòng nữa: “Biểu tình không bao giờ là hình thức bày tỏ chính kiến chống lại một nước khác ngay cả khi nước ấy có đang xâm lược nước mình.”

Ủa, vậy thì cuộc biểu tình mà ông Phước gọi là “đầu tiên trong lịch sử loài người” do Gandhi tổ chức năm 1913 là để chống lại ai vậy cà?

Hay ông Phước cho Gandhi là người Anh hoặc Bắc Ái Nhĩ Lan chăng?

Có thể lắm! http://hhphuoc.blog.com/

Cái con người có kiến thức và khả năng lập luận như vậy cũng huênh hoang là đã từng gửi thư cho Saddam Hussein để bày kế liên hoành chống lại Mỹ (dĩ nhiên là trước khi Hussein bị treo cổ!). Cũng lại cái con người ấy sẵn sàng nhảy xổ vào các cuộc tranh luận về giáo dục và cả ngôn ngữ.

Ở đâu cũng một kiểu nói linh tinh trời ơi đất hỡi như vậy.

Còn nịnh bợ? Khi chống lại luật biểu tình, với lý do “tôi tin rằng nếu được hỏi ý kiến đa số nhân dân sẽ không ủng hộ Luật Biểu Tình”, chủ yếu Hoàng Hữu Phước muốn đón gió, chiều ý của giới lãnh đạo vốn muốn tránh né cái chuyện cần làm cho quá trình dân chủ hóa đất nước và xã hội.

Chỉ tiếc là ông bị hớ. Chỉ đúng một tuần sau, chính Nguyễn Tấn Dũng, kẻ ông muốn vuốt đuôi, đã chính thức yêu cầu Quốc Hội bàn thảo về luật biểu tình.

Coi như màn một của tấn hài kịch luật biểu tình đã chấm dứt.

Còn sau này? Dĩ nhiên, chúng ta chưa thể biết được.

Không ai biết được mặt mũi bộ luật ấy rồi sẽ ra sao. Nhưng tôi tin là nó sẽ không quá tệ.

Giới lãnh đạo và giới làm luật Việt Nam thừa hiểu hai điều căn bản:

* Một, văn bản luật ấy sẽ được nhiều người trên thế giới săm soi dò xét, do đó, họ sẽ chải chuốt các điều luật cho sạch sẽ, giống hoặc gần giống với các văn bản luật ở các quốc gia tự do. Như họ đã từng làm với vô số loại luật khác.

*Hai, hơn ai hết, họ biết, ở Việt Nam, những gì được viết trong các bộ luật chả có gì quan trọng. Quan trọng nhất là việc áp dụng và thi hành luật. Mà điều đó lại nằm trong tay họ.

Bởi vậy, với nhà cầm quyền, bộ luật biểu tình, dù được soạn thảo như thế nào, cũng chẳng có gì quan trọng. Nó sẽ chẳng thay đổi được gì cả. Và chắc chắn sẽ không phải là một sự đe dọa đối với chính quyền.

Có một điều hầu như ai cũng có thể hình dung được, là trong bộ luật biểu tình sẽ được thông qua, thế nào cũng có điều khoản: Muốn tổ chức biểu tình thì phải xin phép trước. Được phép thì tiến hành. Không thì thôi.

Theo tôi, chính điều khoản đơn giản ấy sẽ dẫn đến một số bi hài kịch trong tương lai.

Bi kịch:

Khi nhận được đơn xin tổ chức biểu tình với đầy đủ tên tuổi, địa chỉ và chữ ký của ban tổ chức, công an sẽ huy động ngay một chiến dịch trấn áp từ trong trứng nước.

Buổi tối, sẽ có hàng chục người, từ tổ dân phố đến công an khu vực, công an quận hay công an thành phố gõ cửa nhà từng người, từng người. Để thuyết phục người ta rút lại đơn.

Thuyết phục không được thì đe dọa.

Đe dọa bản thân những người ấy không được thì đe dọa thân nhân họ để thân nhân họ làm sức ép lên họ.

Đe dọa không được nữa thì sẽ có ba khả năng:

*1- ngăn không cho ra khỏi nhà;

*2-bắt nhốt;

*3- dàn dựng một tai nạn gì đó.

Kịch bản trên không phải do tôi tưởng tượng. Tất cả những điều ấy đã và đang xảy ra. Ở Sài Gòn. Ở Hà Nội. Ở khắp nơi.

Có hay không có luật biểu tình thì chúng không có gì khác cả.

Lý do: những việc thuyết phục, đe dọa và trấn áp riêng biệt, nhắm đến từng người như vậy, đều ở ngoài luật.

Và được thực hiện bởi những người vốn ở trên luật.

Chẳng ai làm được gì họ.

Còn hài kịch?

Tôi tưởng tượng một hoạt cảnh như sau:

Một số người muốn tổ chức một cuộc biểu tình chống tham nhũng.

Họ nộp đơn xin. Đơn cứ bị ngâm mãi. Đến hối, công an cứ hẹn lần hẹn lữa.

Gần ngày, khi mọi khâu chuẩn bị đã hoàn tất, thông báo đã gửi đi, biểu ngữ đã in xong, đơn vị nòng cốt đã được tập luyện kỹ lưỡng, giấy phép vẫn chưa có.

Cuối cùng, sốt ruột, một người nào đó trong ban tổ chức, vốn tháo vát, cầm một phong bì đến dúi vào tay công an. Một lát sau, người nọ hí hửng cầm giấy phép ra về.

Về nhà, khoe với mọi người trong ban tổ chức, ai cũng hí hửng.

Rồi mọi người lại thức suốt đêm hì hục sửa lại các tấm biểu ngữ.

Ngày biểu tình, người ta nhìn thấy các tấm biểu ngữ ấy như sau:

ĐẢ ĐẢO CÁN BỘ THAM NHŨNG (trừ công an)!

Lúc ấy, các công an, với số tiền trong phong bì, rủ nhau ra quán nhậu.

Vừa nhậu vừa khen Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có…viễn kiến.


Nguồn: Blog Nguyễn Hưng Quốc (VOA)

http://www.danchimviet.info/archives/47514