Những tấm biển lớn với 8 chữ “ái quốc, sáng tân, bao dung, hậu đức” đã xuất hiện rất nhiều trong vài tuần qua ở thủ đô của Trung Quốc.


Những biển quảng cáo này nằm trong một chiến dịch do chính quyền phát động để cổ xướng cho 4 giá trị hay đức tính “yêu nước, sáng tạo, bao dung và đạo đức” – được gọi là “Tinh thần Bắc Kinh” và được cho là đại diện cho những tính cách hay phẩm chất độc đáo của người dân ở thủ đô Trung Quốc ngày nay.



Chiến dịch này đã nhanh chóng gặp phải sự chỉ trích của nhiều người, đặc biệt là những nhà trí thức và những đảng viên kỳ cựu của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.


Ông Hoàng Lương Thiên, cựu tổng biên tập tạp chí Bách Tính được nhiều người ưa chuộng, phát biểu như sau trong cuộc phỏng vấn dành cho đài truyền hình mạng NTD:


"Tôi là cư dân Bắc Kinh, nhưng tôi không muốn lý gì tới cái gọi là Tinh Thần Bắc Kinh. Những người Cộng Sản các ông nói tới bao dung, nhưng các ông chỉ bao dung với chính mình. Các ông có lúc nào bao dung các đảng khác hay không? Đây chính là một hành động thể hiện sự khinh miệt và chà đạp văn hóa truyền thống của Trung Quốc."


Tuy không chỉ trích dữ dội như thế, nhưng ông Châu Quế Điền, giáo sư Đại học Sư phạm Bắc Kinh, cũng đề cập tới sự hẹp hòi trong lối suy nghĩ của nhiều người trong giới học thuật Trung Quốc mà ông cho là phương hại tới tinh thần sáng tạo.


Giáo sư Châu phát biểu như sau tại một cuộc hội thảo mới đây ở Bắc Kinh.


"Bao dung có tác dụng rất tốt đối với sáng tạo. Phải làm sao cho mọi người ai nấy đều muốn nói lên cái nhìn của riêng mình, có tư duy độc lập, có tự do tư tưởng. Không nên hễ thấy người khác nói ra những điều không giống với mình thì cho là ngụy khoa học."


Giáo sư Quách Đạo Huy, một nhà luật học nổi tiếng của Trung Quốc, tán đồng nhận định vừa kể. Ông nói rằng sự kiềm kẹp tư tưởng của Đảng Cộng Sản đã làm thui chột sức sáng tạo của người dân.


"Tại sao sau ngày giải phóng Trung quốc không còn xuất hiện những học giả thuộc hàng đại sư? Đó chính là vì sự kềm kẹp của chính trị, vì có sự độc quyền, lũng đoạn đối với tư tưởng. Một khi đã bị lũng đoạn thì làm sao mà sáng tạo được? Cạnh tranh mới có thể sáng tạo, suy nghĩ độc lập mới có thể sáng tạo."


Ông Quách Đạo Huy, một trong ba học giả hàng đầu Trung Quốc chuyên nghiên cứu về thể chế dân chủ pháp trị được tặng mỹ danh “Pháp Trị Tam Lão”, cũng đã đề cập tới tệ nạn độc quyền yêu nước ở Trung Quốc trong nhiều thập niên qua.


Ông Quách phát biểu như sau:


"Trước ngày giải phóng tôi đã gia nhập Đảng và tham gia những hoạt động bí mật để chống lại sự thối nát của chính phủ Quốc Dân Đảng. Tôi có phải là người yêu nước hay không? Tôi cho rằng đó là yêu nước. Vì yêu nước cho nên mới chống chính phủ."


Ông Châu Chí Hưng là một nhà nghiên cứu ở Bắc Kinh hiện giữ chức chủ nhiệm tạp chí Người Lãnh Đạo. Ông cũng lên tiếng than phiền về nạn chụp mũ ở Trung Quốc ngày nay. Ông nói:


"Lớn tiếng ủng hộ Đảng Cộng Sản Trung Quốc mới là yêu nước, hay là trình bày một số ý kiến cho chính phủ của mình là yêu nước? Có rất nhiều người chỉ vì bày tỏ ý kiến đối với các chính sách của chính phủ, của nhà nước mà bị gán cho nhãn hiệu "Hán gian." Khi nói tới tinh thần Bắc Kinh, chúng ta cần phải xác định rõ nội hàm của khái niệm yêu nước là gì. Đây là một việc vô cùng quan trọng."


Một học giả khác, giáo sư Vương Chiêm Dương của Học viện Chủ nghĩa Xã hội Trung ương ở Bắc Kinh, cũng than phiền về tình trạng những người chủ trương rằng các giá trị dân chủ nhân quyền là những giá trị phổ quát cũng bị chụp mũ. Ông khẳng định:


"Yêu nước ngày nay là phải theo đuổi hiện đại hóa, thực thi dân chủ, pháp trị, phải tôn trọng nhân quyền và các giá trị phổ quát. Như vậy mới gọi là yêu nước."


Trong khi đó, giáo sư Quách Đạo Huy đã đề cập tới một tư trào nguy hiểm ở Trung Quốc hiện nay. Ông cho biết có những người muốn cho tất cả mọi người trên thế giới đều nói tiếng Trung Quốc, toàn thể thế giới đều phải chịu sự lãnh đạo của Trung Quốc, và thậm chí có người còn nói rằng Trung Quốc phải đánh nhau với nước Mỹ càng sớm càng tốt.


Ông Quách nói thêm như sau:


"Đó chính là chính sách pháo hạm. Lòng yêu nước của chúng ta không nên là chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, và càng không nên là chủ nghĩa sô vanh nước lớn."


Hai chữ đạo đức trong khẩu hiệu Tinh Thần Bắc Kinh cũng được các học giả nêu lên để đả kích tình trạng suy đồi đạo đức trong xã hội Trung Quốc ngày nay. Về việc này, nhà luật học Quách Đạo Huy phát biểu như sau:


"Giáo dục tinh thần cũng vậy mà giáo dục đạo đức cũng vậy. Trước hết là nhắm vào cán bộ Đảng và nhà nước. Chúng ta hãy so sánh, trong vài năm qua, tỉ lệ phạm tội giữa 1 tỉ 300 triệu dân với khối quan chức hơn 10 triệu, bên nào tỉ lệ phạm tội cao hơn? 1 trên 16! Dân chúng là 1, cán bộ là 16. Vì thế cho nên giáo dục đạo đức trước hết phải nhắm tới cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo của Đảng."


Trong khi đó, giáo sư Hồ Tinh Đẩu của Đại học Kỹ thuật Bắc Kinh, cho đài VOA biết rằng những sự cố gắng của chính phủ Trung Quốc nhằm chấn hưng đạo đức đã không mang lại kết quả vì đảng Cộng Sản Trung Quốc đã đánh mất niềm tin của người dân. Ông nói thêm như sau:


"Không phải là Trung quốc không coi trọng văn minh tinh thần mà là không có người ra sức xây dựng đạo đức xã hội từ góc độ dân chủ, pháp trị. Tôi đọc một mẫu tin trên internet như thế này: có một người mang rất nhiều vật dụng biếu cho những dân oan khiếu kiện đang bị đói rét, nhưng các giới chức chính quyền đã tịch thu tất cả những quần áo, thức ăn mà người đó mang biếu. Trên thực tế thì đó chính là một sự tấn công nhắm vào một người có lòng thương người. Nếu chúng ta chỉ đứng trên bục để thuyết giảng về văn minh tinh thần, thì càng nói nhiều về văn minh tinh thần chừng nào thì đạo đức xã hội càng suy đồi nhiều chừng đó. Bởi vì mọi người đều biết rằng chúng ta đang làm dáng, nói một đàng làm một nẻo."


Khẩu hiệu “ái quốc, sáng tân, bao dung, hậu đức” được dùng để mô tả “Tinh Thần Bắc Kinh, theo báo chí Trung Quốc, đã được chọn sau một cuộc bình chọn hồi tháng 9 với sự tham dự của gần 3 triệu người.