Đổ xô đi thu gom lá vải
Đã gần 1 tháng nay, nhà anh Nguyễn Đắc Đạo tại thôn Áp, xã Tân Quang (Lục Ngạn) lúc nào cũng tấp nập kẻ mua người bán. Mặt hàng được giao dịch là lá vải khô được chứa trong các bao tải, chất thành đống, cao chót vót ở trước cửa nhà. Để tiện cho công việc làm ăn, anh Đạo còn dành cả một nhà kho lớn với diện tích hàng trăm m2 để làm nơi tập kết hàng.
Anh Đạo cho biết: Gia đình anh được Công ty TNHH Thương mại Lâm Sơn có trụ sở tại Hà Nội chọn làm đại lý chính thức ở huyện Lục Ngạn để thu mua lá vải khô. Sau một tháng thu mua, anh Đạo đã gom được gần 100 tấn lá vải khô. Tự nhiên có được công việc hái ra tiền giữa thời buổi kinh tế khó khăn này, anh Đạo tỏ ra rất hào hứng. Anh bảo: “Tôi rất vui, vì việc mua bán lá vải khô mang lại một nguồn thu nhập cho bà con nông dân, tuy giá thành không phải là cao, khoảng 1.000 đồng/kg. Từ trước tới nay, chúng tôi thường mất nhiều công sức để thu dọn lá vải sau mỗi vụ thu hoạch. Sau đó, lại còn phải tốn công mang đi đốt. Nhưng nay, thứ rác chẳng có giá trị gì lại kiếm được ra tiền. Đúng là chuyện nằm mơ giữa ban ngày”.
Từ ngày lá vải bán được tiền, người già và trẻ con nơi đây đều hăng hái tham gia. Chỉ cần một cái chổi, vài cái bao tải, là người ta có thể dễ dàng kiếm được tiền để cải thiện bữa ăn gia đình. Thậm chí, nhiều người chẳng cần quan tâm xem thương nhân mua lá vải để làm gì.
Thời tiết những ngày mùa đông lạnh buốt cũng không làm bà Nguyễn Thị Lưu (69 tuổi) ở thôn áp nản lòng với công việc thu dọn lá vải khô của mình. Bà Lưu bảo: “Giờ tôi không còn sức để lao động nặng nhưng việc gom lá vải thì… vẫn ngon ơ. Vừa lao động cho đỡ buồn chân tay, lại vừa kiếm được tiền, tôi thấy như khỏe ra. Nhà nông kiếm được vài chục ngàn một ngày là quý lắm”.
Theo tìm hiểu của PV, Tân Quang là nơi đầu tiên xuất hiện việc thu mua lá vải khô. Sau gần một tháng, phong trào này đã lan rộng toàn huyện Lục Ngạn, thậm chí còn lan sang cả Lục Nam. Bà Dương Thị Thời, trú tại xã Lan Mẫu, Lục Nam là một trong những người nổi lên nhờ thu mua lá vải khô. Ngoài đại lý chính ở Lan Mẫu, bà Thời còn đặt đại lý chân rết ở khoảng 20 xã trong huyện. Gần đây, có rất nhiều nông dân trồng vải ở Chí Linh, Thanh Hà (Hải Dương) cũng qua đại lý của bà Thời để tìm hiểu thông tin và xin được thu gom lá vải để bán cho bà.
Lá vải để làm gì?
Việc mua bán lá vải rầm rộ là vậy nhưng khi được hỏi mua lá vải về làm gì thì nhiều người tỏ ra ngơ ngác, kể cả các “ông chủ” của đại lý lớn. Anh Đạo kể: Cách đây gần 1 tháng, có người đến đặt vấn đề nhờ anh thu mua lá vải khô, ban đầu anh cũng tỏ ra nghi ngại. Nhưng sau, thấy họ ứng tiền hẳn hoi, anh mới dám tin “chuyện lạ lùng” này là có thật. Hiện, trung bình mỗi ngày anh Đạo gom được 1,5 đến 2 tấn lá vải, đó là chưa kể đến lượng lá mà các đại lý chân rết chuyển về. Người bán chỉ việc bán, người mua cứ việc mua còn hỏi mua để làm gì thì họ cũng chịu. Bà Thời, đại lý ở Lan Mẫu cũng trả lời tương tự. Anh Đạo “bật mí” thêm: Với số lượng lá vải khô thu mua được ngày càng nhiều, sắp tới Công ty Lâm Sơn sẽ xây dựng hẳn một nhà máy sơ chế tại địa phương.
Ông Nguyễn Xuân Hường, phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lâm Sơn, cho biết: Chủ trương thu mua lá vải khô được Công ty thực hiện nhiều tháng nay ở Bắc Giang và sẽ đảm bảo thu mua lâu dài trong thời gian tới. Lá vải này, sẽ được xuất sang Nhật Bản. Tuy nhiên, khi được hỏi lá vải này để làm gì thì ông Hường không tiết lộ với lý do “bí mật kinh doanh”. Ông Hường cũng phủ nhận thông tin cho rằng thu mua lá vải là để bào chế thuốc, thậm chí là thuốc chữa ung thư. Một số chuyên gia trong lĩnh vực dược cũng như nông nghiệp cũng cho rằng, lá vải không có tác dụng về mặt y dược.
Về những lo ngại vì lợi nhuận, người dân có thể vặt lá vải tươi để bán, ông Chu Văn Bảo, trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn cho rằng: Khả năng đó khó xảy ra. Theo ông Bảo thì Phòng Nông nghiệp có biết việc thu mua lá vải khô từ vài tháng nay nhưng không can thiệp vì chuyện này không ảnh hưởng đến cây vải. Tuy nhiên, ông Bảo vẫn khuyến cáo, người dân không nên vặt lá tươi vì điều đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng của cây vải.
—0O0—
0 comments:
Post a Comment