Trải qua một thời gian dài nước mất nhà tan, bị tù đày, gia đình ly tán, phải sống dưới một chế độ thù nghịch, ngày được ra khỏi đất nước, được đứng nghiêm trang, mắt ngước nhìn lá quốc kỳ thân yêu xa vắng bao nhiêu năm, tai nghe lại điệu nhạc hùng tráng năm xưa, lòng bỗng dưng xôn xao bao kỷ niệm, hai dòng nước mắt tuôn rơi.
Ðã bao nhiêu người mang tâm trạng như tôi vào những ngày đầu đặt chân đến xứ người.
Phải chăng những điều gì đã mất khiến cho lòng chúng ta tiếc nuối và xót xa.
Nhớ mới một buổi sáng ngày nào, buổi chào cờ cuối cùng tại đơn vị và không ai ngờ đó là buổi chia ly, tan đàn xẻ nghé.
Anh em đồng ngũ mỗi người đi về một hướng, người vượt thoát ra đi bỏ lại quê hương, người vào chốn lao tù nơi chốn rừng sâu nước độc. Gia đình miền Nam bỗng dưng tan tác, mỗi người lâm vào cảnh, không cách biệt giữa hai bên bờ sinh tử thì cũng nghìn trùng biệt ly.
Có những bản quốc ca xưa hàng trăm năm như quốc ca Hà Lan từ thế kỷ XVI, nhưng cũng có những bản quốc ca chỉ vang vọng trong một thời, non yểu trong hoàn cảnh chiến tranh, của một quốc gia vừa thành hình đã bị định mệnh chôn vùi.
Trong đất nước ấy, tuổi trẻ bị dập vùi trong lửa đạn, tương lai mờ mịt trong khói súng, và những niềm hy vọng sớm tàn phai.
Ðể bảo vệ cho tự do của miền Nam, một triệu thanh niên dưới lá quốc kỳ, đã nằm xuống, xương tàn cốt mục, mà bây giờ đã gần bốn mươi năm hài cốt vẫn còn xiêu lạc.
Quốc ca đâu phải là một bản nhạc của một nhạc sĩ si tình nào đó viết cho một người, để đời sau những người ca sĩ hát lại cho những người mang cùng tâm trạng riêng lẻ ấy thưởng thức.
Quốc ca là nhạc phẩm của một người viết cho triệu người nghe.
Xin đừng ai dạy bảo cho chúng ta biết định nghĩa thế nào là một bản nhạc hay.
Lời đẹp, nhạc hay, nhưng tiếng “hay” không nói lên được một điều gì cả.
Một bản nhạc mới được tác giả sáng tác xong, nếu mới nghe qua chỉ là đợt sơ khảo, mang cho người nghe cái cảm giác ban đầu hời hợt.
Suối từ nguồn chỉ là những dòng nước, trở thành những con sông, chảy qua những bờ lau, cánh đồng, qua những chiếc cầu, qua xóm làng, tới những bình minh rực rỡ, đến những buổi chiều nắng xế và chan hòa với đại dương.
Nhạc vô hồn nếu nhạc không mang những kỷ niệm, không in dấu được thời gian, không có quá trình vui buồn với cuộc sống của con người.
Có ai nghe một bản nhạc mà không nhớ đến một quãng đời, không nhớ đến một kỷ niệm, không nhớ đến một người, ví dụ như trong câu hát nghe rất ngậm ngùi, liên tưởng trong thời chiến tranh: “Ai có nghe tiếng hát hành quân xa, mà không nhớ thương người mẹ già” (PD).
Tiến Sĩ Schubert là học giả nghiên cứu nghệ thuật trình diễn của Ðại Học New South Wales Úc cho rằng:
”Nếu hỏi bất cứ ai bài hát họ ưa thích nhất là bài nào, nhiều người đã trả lời, đó là những bài hát mà họ đã từng nghe ở thiếu thời hay lúc mới trưởng thành”.
Theo ông, những bản ca khúc luôn đọng lại trong tâm trí người nghe với nhiều nguyên do khác nhau như các khái niệm văn hóa, qua kinh nghiệm và sự việc được lặp lại nhiều lần.
Chúng ta, vì vậy không lấy làm lạ khi những ca khúc thời chinh chiến hay những bản tình ca xuất hiện trong thời gian 65-75, gần 40 năm sau đều được đón nhận nồng nhiệt bởi những người bước vào tuổi 60 ngày nay ở ngoài hay trong đất nước.
Chúng ta thường mủi lòng nhớ đến quê hương đã bỏ xa khi nghe những khúc dân ca, những tiếng đàn bầu như lời than thở, những tiếng nhị hồ như lời khóc than. Và những con đò, những đêm trăng, những dòng sông, những bờ tre, những cánh đồng, những tiếng hò, những gì của làng mạc đã xa của một thời thơ ấu như sống lại.
Ðó không chỉ là tiếng gọi của quê hương mà là tiếng thì thầm của dĩ vãng, bỗng dưng hiện về.
Trong âm nhạc, dân ca hay những bản nhạc mang âm hưởng dân ca thường đánh động đến lòng người và dễ gây xúc động làm người ta rơi nước mắt.
Không phải ngày đầu tiên lìa xa đất nước ra đi, bỏ lại tất cả những gì gọi là thân yêu từ quê hương ruột thịt mà người ta đã khóc khi nghe lại bài quốc ca, mà cho đến bây giờ, gần mấy mươi năm qua, tất cả tưởng như đã rơi vào quên lãng, nhạt nhòa theo thời gian, những dòng nhạc như đã khơi lên những “trào lệ cảm”(*) trong lòng chúng ta.
Nhiều bản nhạc chỉ nhắc cho chúng ta nhớ đến một người, hôm nay bài quốc ca làm cho chúng ta nhớ đến hàng triệu người. Những người đã phải rời bỏ đất nước vì tự do, xa cội nguồn, đã bị xô đẩy đi khắp chân trời góc biển.
Bài hát nhắc cho chúng ta nhớ đến những người đã chiến đấu, hy sinh thân xác và chết dưới cờ trong suốt một thời gian giữ nước.
Bài hát làm cho chúng ta nhớ lại những cánh rừng, những con đường, những bãi biển, là chiến trường, nơi mà anh em ta đã gục ngã.
Bài hát làm cho chúng ta nhớ lại nỗi nhục tù đày, những chiến hữu cụt què bất hạnh, những góa phụ cô đơn.
Bài hát nhắc lại cho chúng ta khoảng thời gian ba mươi năm, dù là ngắn ngủi nhưng tràn đầy kỷ niệm.
Bạn đã thấy người khác khóc và chính bạn đã hơn một lần nhỏ lệ cho quốc ca.
Xin hãy hát lên bài quốc ca, hãy ràn rụa nước mắt để khóc cho một nền tự do đã bị đánh mất, hổ thẹn cho một nền hòa bình trong tủi nhục và để nghĩ đến những người chết cho chúng ta sống, những người bị thương tật cho chúng ta lành lặn, những người ở lại cho chúng ta ra đi.
(*) Chữ của Hà Mai Anh trong “Tâm Hồn Cao Thượng.”
Huy Phương
http://nguoivietutah.org/2011/?p=19334
0 comments:
Post a Comment