Saturday, December 31, 2011

Kinh Tế Thị Trường đối với Kinh Tế Chỉ Huy

Tình Trạng Khốn Khổ của Bắc Triều Tiên Chứng Minh Sức Mạnh của Thị Trường

Bill Flax – PBD dịch

Kim Chính Nhật, nhà độc tài theo chủ nghĩa Mác xít bị khinh bỉ của Bắc Triều Tiên đã về chầu trời. Tuy không bao nhiêu người luyến tiếc gì y nhưng cũng có các bài học có thể rút tỉa trong khi chúng ta nóng lòng chờ đợi xem tương lai có thể đem lại được gì cho người dân đã phải sống trong cảnh tù hãm dưới quyền cai trị của y hay không.


Kim Chính Nhật

Bắc Triều Tiên thuộc trong số những nước nghèo nhất tại Á Châu. Dân chúng tại đây bị những kẻ độc tài bạo ngược ờ Bình Nhưỡng đàn áp khủng bố dã man và đã dùng võ lực để cấm đoán hầu như bất cứ hoạt động kinh tế tư nhân nào. So với các thị trường sinh động của Nam Triều Tiên, hoàn cảnh đánh thương của Bắc Triều Tiên trông thật là hết sức không đáng phải như vậy.

Từ thuở sơ khai là đã có bàn cãi về các yếu tố nào giúp đem lại thịnh vượng. Có nhiều cách giải thích khác nhau để cho thấy tại sao một số người thì phát triển thịnh vượng còn số khác lại có vẻ như số mạng đã được định đoạt trước là phải chịu nghèo khổ mãi mãi. Chuyện kế vị của Bắc Triều Tiên là cơ hội để phân tích các yếu tố nào giúp tăng trưởng kinh tế.

Văn hóa và tôn giáo ảnh hưởng đến mức phát triển như thế nào? Muốn tích lũy của cải, xã hội phải đón nhận tiến bộ. Cần phải khuyến khích chăm chỉ làm việc và muốn phát triển mậu dịch thì cần phải giao dịch lương thiện. Cần có một cơ cấu hợp pháp, công bằng và đạo đức về thương mại.

Khi xã hội chấp nhận tiến bộ kinh tế thì sẽ càng đem lại thịnh vượng. Trong các nền văn hóa mà người giàu bị khinh bỉ vì bị cho là đã lấy trộm của hàng xóm thì của cải thường sẽ bị đình trệ. Người Mỹ mặc nhiên cho là khi thịnh vượng về vật chất thì sẽ tăng cường xã hội, nhưng từ trước đến giờ hiếm khi thấy có lối suy nghĩ đó. Tiến bộ cũng thế.

Có thể nào một số người thịnh vượng hơn những người khác là nhờ vào địa lý hay chăng? Những vùng đất phì nhiêu, khoáng sản hữu dụng, các thủy lộ có thể đi lại, ở gần các tuyến mậu dịch và có các nguồn năng lượng dễ dàng giúp đem lại lợi thế hơn so với những người sinh sống tại các địa điểm kém may mắn hơn. Nhưng không phải chỉ có vậy mà còn cần có thêm các yếu tố khác nữa.

Tuy là nước có nhiều tài nguyên thiên nhiên, Nga đã lúng túng dưới chủ nghĩa cộng sản. Nhiều vùng đất tại Phi Châu và Nam Mỹ có nhiều tài nguyên trù phú, nhưng lại thua những nước như Thụy Sĩ hoặc Nhật Bản vốn không được may mắn có các nguồn tài nguyên như vậy. Tiền kiếm được dễ dàng từ dầu hỏa có lẽ lại hạn chế mức phát triển tại nhiều quốc gia trong khối OPEC.

Liệu khí hậu có quan trọng hay không? Có đường phân đôi rõ rệt giữa “Bắc” và “Nam”; một hiện tượng mọi người đều thấy được tại Tân Thế Giới, Âu Châu và cả Á Châu. Có lẽ các dân tộc cách xa Đường Xích Đạo hơn và có các mùa rõ rệt hơn thấy cần phải có lịch trình rõ rệt và các sáng kiến khác trong khi những vùng khí hậu ôn hòa hơn lại không cần phải chính xác lắm. Mùa đông băng giá khiến người ta cần phải cấp bách có sáng kiến hơn.

Rồi đến vốn liếng từ con người. Hoa Kỳ rõ ràng có lợi vì nhiều người chọn nơi này. Là một nước của di dân, nước này gồm phần lớn là di dân có gốc tổ tiên là những người dám bắt đầu lại từ đầu tại một vùng đất mới. Một quốc gia tiên phong là những người dám chấp nhận rủi ro và vẽ ra những đường hướng tương lai bạo dạn đã tạo ra ý chí hăng say xông xáo kinh doanh mà cho đến nay vẫn đẩy mạnh mức sống thêm cao.

Yếu tố khác biệt có liên quan nhất ngày nay là vai trò hướng dẫn thị trường của chính quyền. Tuy mỗi yếu tố nói trên chắc chắn đều quan trọng nhưng sẽ mất rất nhiều thì giờ để tách riêng từng yếu tố đó mà thí nghiệm. Nhưng một nước Triều Tiên chia đôi cho thấy được cảnh tương phản rõ rệt giữa một nửa may mắn theo đuổi một nền kinh tế thị trường và nửa kia áp dụng nền kinh tế trung ương hoạch định.

Theo Tập Sách Dữ Kiện Thế Giới của CIA, Nam Triều Tiên có lợi tức đầu người(1) là 30.000$ và GDP cả nước tổng cộng là 1.459 ngàn tỷ đô la. Bắc Triều Tiên, với dân số bằng khoảng phân nửa dân số của Nam Triều Tiên, lẽo đẽo phía sau với mức GDP(2) được ước tính là 40 tỷ đô la và lợi tức đầu người chỉ có1.800$.

Tuổi thọ của người sinh tại Nam Triều Tiên là hơn 79 tuổi. Những người sinh ở phần đất phía bắc của khu vực DMZ(3) thì thọ không tới 69 tuổi. Có thể thấy được rõ ràng các khác biệt về sức khỏe này đến mức mà thanh niên Nam Triều Tiên trung bình cao hơn thanh niên Bắc Triều Tiên từ hai đến ba inches(4).

Có các thí dụ khác về các dân tộc thịnh vượng nhờ thị trường tự do, nhưng lại phải chịu thiếu thốn dưới các chế độ xã hội chủ nghĩa. Người Cuba tại Miami đều khá giả trong khi thân nhân của họ tại Havana lại sống trong cảnh bần hàn.

Việc tiếp xúc với nền văn hóa Hoa Kỳ và những người đến đây vốn đã có sẵn lòng can đảm và kiên nhẫn để tránh né Castro cũng làm lệch lạc kết quả phân tích. Hoa Kỳ thu hút những người có khả năng nhất của Cuba. Nhiều di dân từ các quốc gia thuộc Thế Giới Thứ Ba cũng trở nên khá giả đến mức chưa từng thấy tại quê nhà của họ. Chúng ta thu hút những người có ý chí cương quyết nhất để tự nâng cao đời sống của chính họ.

Tương tự như thế, tại sao người Hoa sống ở Singapore hay Hong Kong theo chủ nghĩa tư bản lại khá giả hơn nhiều so với người Hoa sống tại Trung Cộng? Theo ước tính thì lợi tức đầu người tại Hong Kong nhiều hơn khoảng gấp 20 lần lợi tức đầu người tại Trung Cộng trước khi Bắc Kinh tỉnh ngộ mà áp dụng kinh tế tự do.

Đông Đức và Tây Đức cũng cho thấy được sức mạnh của thị trường, nhưng không nơi nào lại có thể cho thấy được mức chênh lệch quá nhiều về tiêu chuẩn cuộc sống như giữa Bắc và Nam Triều Tiên. Không còn cách nào khác có thể giải thích được mức thành công kinh tế trong trường hợp trái ngược nhau của hai nước Triều Tiên. Nguyên nhân đưa đến các kết quả khác nhau quá nhiều này hầu như hoàn toàn là từ các lập trường kinh tế của họ.

Người Triều Tiên tại hai miền đều giống hệt nhau về phương diện di truyền và có cùng một nền văn hóa trước khi chia đôi nước này. Không phải các yếu tố địa lý, khí hậu hoặc di dân đưa đến mức chênh lệch đó. Miền Bắc chắc chắn lạnh hơn, nhưng cả hai miền cộng lại thì bằng khoảng diện tích của Utah. Nhưng thời tiết khắc nghiệt lại là thường là yếu tố thúc đẩy thêm sáng kiến.

Khi cuộc đua kinh tế hậu chiến bắt đầu, Bắc Triều Tiên được kỹ nghệ hóa hơn một chút vì Nhật Bản trước đó đã tập trung công trình phát triển thuộc địa của họ phần lớn vào miền bắc có nhiều tài nguyên hơn. Nhưng cả hai miền Triều Tiên đều rất nghèo. Đa số người dân Triều Tiên đều sống chật vật lây lất bằng nghề nông và không có bao nhiêu tiện nghi vật chất.

Từ khởi điểm kém may như vậy mà Nam Triều Tiên đã vươn mình lớn mạnh trong nửa thế kỷ qua cho thấy được tác động huyền diệu của thị trường. Nông dân Nam Triều Tiên ngày nay sống sung túc hơn ai hết, có lẽ ngoại trừ đám cộng sản gộc đang cầm quyền ở “thiên đàng của công nhân” tại Bắc Triều Tiên.

Thí dụ về Triều Tiên cũng nhấn mạnh đến các vấn đề khác, nhất là ý tưởng cho rằng tiền bạc của cải của một người là do bóc lột những người khác. Nam Triều Tiên mở cửa thị trường của họ với thế giới. Nước này đứng hàng thứ tám về số lượng xuất cảng và hàng thứ mười một về số lượng nhập cảng trên toàn cầu. Trong khi đó thì hệ thống trung ương hoạch định của Bắc Triều Tiên vẫn được cố tình duy trì tình trạng cô lập. Không thể nào mà lại có chuyện mức thành công của bên này có thể tác hại đến bên kia cho được. Nam Triều Tiên theo chủ nghĩa tư bản thực ra còn trợ giúp cho phần đất cộng sản cạnh tranh với họ ở miền bắc.

Có thể học hỏi được nhiều từ các viễn ảnh kinh tế cạnh tranh nhau của Triều Tiên. Bài học này không hề khuyên các chính khách Hoa Kỳ nào đang xâm phạm các quyền tài sản, thị trường và tự do lại đi áp dụng cách nào từa tựa như lối đàn áp chuyên chế của Bình Nhưỡng, nhưng Triều Tiên cho thấy được chắc chắn là nền kinh tế thị trường vượt xa các nền kinh tế nhà nước chỉ huy trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân.

Hy vọng rằng con trai của “Lãnh Tụ Kính Yêu” sẽ tỉnh ngộ.


Kim Chính Ân

Source: http://www.forbes.com/sites/billflax/2011/12/27/north-koreas-plight-proves-the-power-of-markets/
__________________
Chú thích của người dịch:
(1) per capita income
(2) Gross Domestic Product (Tổng Sản Lượng Quốc Nội)
(3) Demilitarized Zone (Khu Phi Quân Sự)
(4) khoảng 5 đến 7 cm

0 comments:

Powered By Blogger