Con yêu dấu,
Khi năm 2011 rơi những tờ lịch cuối
Con đã là một học sinh trung học
Rồi con sẽ vào đại học
Cũng như mọi người ở Xứ Cơ Hội này con cũng cần phải có cấp bằng
Ba không mong con nổi tiếng thần đồng
Ba chỉ mong con học được những điều nghĩa nhân, liêm sĩ
Và hãy sống một cuộc đời đáng sống
Cứ hội nhập nhưng đừng quên dòng giống
Như người Hòa Lan hàng trăm năm ở Pella (1)
Cứ mỗi năm làm lễ rước Nữ Hoàng khi tulip rộ mùa hoa.
“Ôi tội nghiệp Silicy! Chưa bao giờ có Tự Do, người dân khốn khổ.
Công lao động quá rẽ. Và máu rơi quá dễ…”
Nếu là nhà văn con hãy bắt chước nhà văn Mario Puzio viết những dòng như thế
Khi nói về quê hương yêu dấu Việt Nam.
Nếu vì tranh đấu cho Tự Do, Công Bằng, Nhân Ái mà phải bị tù đày
Con hãy sống như Doãn Quốc Sĩ, Phan Nhật Nam,
những nhà văn của Liêm Sỉ.
Hãy nói những tiếng nói bất khuất
của Trần Dần chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ
của Phùng Quán dùng dao khắc thơ trên đá;
của Vũ Hoàng Chương than vãn cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi;
của Nguyễn Chí Thiện thét lên từ đáy vực:
“Nếu nhân loại mọi người đều biết Cộng sản là gì tự nó sẽ tan đi.”;
Như Nguyễn Mậu Lâm với lời kêu gọi thức tỉnh lương tri:
“Mọi giấc mơ hoa đều có tội!”;
Như lời tuyên bố sắc như dao của Từ và Nhã: (2)
“Sẽ viết, nhưng không phải ở đây!”
Và biết bao nhà văn, nhà thơ anh dũng mà ba không được biết…
Đừng bắt chước những thằng nịnh bợ, “ăng-ten” ở trại tập trung
Qua xứ tự do vỗ ngực xưng danh là kẻ anh hùng.
Đừng, con hãy đừng làm phường đốn mạt
Con có thể nói dối mọi người nhưng con làm sao dối lương tâm con được.
Nếu là chiến sĩ con hãy noi gương Lê Quốc Quân, Trần Văn Bá
- những Kinh Kha thời đại, hiên ngang đi vào đất Tần bất trắc.
Con yêu dấu,
Khi năm 2011 rơi những tờ lịch cuối
Có thể con không nhớ hết, không làm được những điều ba nói hôm nay
Mà có cần gì. Con cứ sống thẳng ngay.
Con cứ sống, cứ làm những điều mà con cho là đúng.
Ba già rồi. Ba đã lỗi thời rồi!
Ở đâu. Thời nào chả vậy:
“Người ta sống với Yêu Thương và Lẽ Phải!”
NGUYỄN THIẾU NHẪN
(1). Một thành phố cư dân đa số là người Hòa Lan ở tiểu bang Iowa.
(2). Nhà thơ Trần Dạ Từ và nữ sĩ Trần Thị Nhã Ca.
0 comments:
Post a Comment