“…có tờ báo mạng đã mạnh dạn bầu “nhân vật của năm 2011″ cho các anh hiệp sĩ đường phố, có nơi thì tổ chức cho các anh Lục Vân Tiên hiện đại lên sân khấu, lên truyền hình. Thật là tiện lợi, vì đa số các hiệp sĩ này không cần phải đào tạo…”
“Hot” tiếng Anh, là “nóng” của tiếng Việt, đơn giản như vậy. Nhưng ở xứ Việt mình thì lại không đơn giản như thế, mở báo hàng ngày hoặc lên mạng mở các trang tin điện tử ra xem thì thấy chuyện xứ mình quá phức tạp. Ở xứ người, nhất là những xứ như Bắc Âu, chỉ cần một gã say rượu đập phá tài sản cá nhân là đã thành tin nóng thì ở xứ ta, tin ấy không phóng viên nào màng đến, vì xứ mình say rượu mà không gây lộn, không đập phá mới thành vấn đề(!). Thử lên mạng, mở Google tra cụm từ “tin hot” có ngay 36.700.000 kết quả, trong 0,07 giây.
Tin “hot” về an ninh trật tự ở xứ ta là phải dính dáng đến giết người bằng cách nào ghê rợn nhất, chẳng hạn tẩm xăng đốt chồng, chẳng hạn hiếp dâm rồi đâm vài chục nhát hoặc cướp tiệm vàng rồi nhân thể giết vài người mới làm báo chí xúc động. Ăn trộm chó bị chặt cụt bàn tay ư? Chuyện nhỏ. Ăn trộm chó bị đập chết, bị đốt cả xe lẫn xác mới thành tin “sốc”. Nữ sinh nghèo học giỏi ư? Chuyện vặt. Nữ sinh phải xúm vào đánh bạn, phải lột quần áo, quay thành phim, tung lên mạng mới mau nổi tiếng. Đi biểu tình bị công an khiêng như khiêng súc vật, rồi bị đạp vào mặt ư? Đi xe không đội mũ bảo hiểm bị công an bắn thủng đùi, bị đạp ngã, bị đánh gãy cổ chết ư? Xoàng. Phải rút gậy đánh nhau với công an hoặc phải tát lốp bốp vào mặt công an mới là bản lĩnh… Những chuyện tương tự như vậy kể cả ngày không hết.
Những chuyện kể cả ngày không hết về văn hóa, nghệ thuật cũng thế. Một nghệ sĩ nhạc giao hưởng thính phòng lừng danh của nước ngoài sang xứ ta trình diễn ư? Kiếm mòn con mắt không thấy một mẩu tin nhỏ. Nhường chỗ cho tin đó phải là chuyện các loại ca sĩ hở vú, hở ngực, cởi áo, cởi quần… nói chung là “lộ hàng” mới là tin sốt dẻo. Người mẫu phải lên giường với bầu sô, diễn viên, ca sĩ phải đút lót đạo diễn ư? Chuyện thường ngày thôi. Diễn viên phải tung cliptình dục, người mẫu phải cởi truồng rồi phát biểu ngớ ngẩn với báo chí là hợp thời. Nói chuyện diễn viên mà không dính dáng đến đại gia cũng là chưa đủ, phải có dàn siêu xe, nào là Limousine, Maybach, Lamborghini, Bentley vài chục tỷ; rồi du thuyền, rồi trực thăng vài triệu đô… Thế là “hot”. “Hot boy, hot girl” xứ Việt giờ cứ loạn cả lên với chuyện khoe thân, khoe của.
Bất chấp xứ Việt đang có nguy cơ phá sản về kinh tế, bất chấp hàng triệu công nhân, nông dân sống phập phù với mức thu nhập chết đói. Chuyện đại gia luôn là mãnh lực thu hút dư luận, từ đại gia chơi những ván cờ 5 tỷ, đại gia nhậu nhẹt tắm sông cùng mỹ nữ cho đến đại gia vung tiền mua biệt thự tặng gái, bọn tiểu gia choai choai phá của trong sàn nhảy discotech hàng đêm bỗng biến thành chuyện vặt. Dường như bình luận việc kẻ khác đốt tiền cũng gây khoái cảm cho kẻ không tiền và họ tạm thời quên thân phận nghèo túng của mình.
Cuối năm, Tết sắp đến. Hàng triệu kẻ xa quê đang méo mặt để dành tiền quà, tiền vé xe về quê, còn biết bao người nghèo sống giữa phố cũng lo sốt vó để kiếm tiền xài cho vài ngày tết. Rồi sau Tết lại tiếp tục thắt lưng buộc bụng, kéo cày trả nợ. Cuối năm, bọn đạo tặc cũng hoành hành mạnh hơn, ngang nhiên hơn, trắng trợn hơn; các chú công an càng bận rộn “hỏi thăm” người buôn bán, “làm luật” người lương thiện thời giờ đâu mà bắt cướp, dân mất của trình báo thì cứ trình, nhưng nếu biết điều hứa hậu tạ các chú thì may ra mới kiếm lại được. Còn không, cứ chép miệng “của đi thay người” cho đỡ tiếc.
Bởi thế, có tờ báo mạng đã mạnh dạn bầu “nhân vật của năm 2011″ cho các anh hiệp sĩ đường phố, có nơi thì tổ chức cho các anh Lục Vân Tiên hiện đại lên sân khấu, lên truyền hình. Thật là tiện lợi, vì đa số các hiệp sĩ này không cần phải đào tạo, không cần lương bổng, họ có tử vong hay thương tật thì cũng chỉ cần trao bằng truy điệu, rồi kêu gọi quần chúng hỗ trợ. Đã là hiệp sĩ có lẽ chẳng ai thèm đòi hỏi ghi nhận công trạng hay thù lao làm gì. Điều mà bộ máy tuyên truyền cần làm là tuyên dương tối đa, nhằm khích lệ nhiều thường dân biến thành hiệp sĩ. Suy ra, lợi cả đôi đàng.
Nhân nhắc đến các hiệp sĩ đường phố xả thân cho xã hội lại nhớ đến các hiệp sĩ trên biển, họ cũng được tuyên dương là “sói biển”, vì chỉ có họ dám liều thân nơi ngư trường biển Việt. Bao lần bị bọn Trung Quốc bắt cóc đòi tiền chuộc, rồi cướp bóc, đâm chìm ghe… Họ vẫn vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió. Các sói biển cũng chẳng cần ai ghi nhận công lao, mái ấm gia đình nơi có những người vợ, người mẹ, nơi những ánh mắt trẻ thơ đang mong chờ là sức mạnh trong họ.
Những hiệp sĩ đường phố và sói biển chưa bao giờ và cũng chẳng muốn làm một thứ “hot boy” cho dư luận, vì họ biết cái mà họ đánh đổi là mạng sống. Thứ ấy không có tiền bạc hoặc danh tiếng phù du nào có thể thay thế được.
Nhã Nam
0 comments:
Post a Comment