Ls Nguyễn Văn Đài - Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ đã phát biểu trước hội đồng xét xử phúc thẩm: “Tôi không chống đối Đảng cộng sản Việt Nam, tôi chỉ yêu cầu xây dựng một hệ thống đa đảng cho phép cạnh tranh lành mạnh vì lợi ích cuối cùng của nhân dân và đất nước.”. Tôi chia sẻ và ủng hộ quan điểm này của tiến sĩ Vũ. Sau đây tôi đặt ra một số câu hỏi và tự trả lời cũng như lý giải cho các câu hỏi ấy:
1. Công dân Việt Nam có quyền kiến nghị về việc xây dựng một hệ thống chính trị đa đảng không?
Theo Hiến pháp Việt Nam năm 1992 qui định tại Điều 69 “công dân có quyền lập hội” và tại Điều 50 “Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị,… được tôn trọng,..” điều này được hiểu rằng các quyền con người về chính trị như quyền tham gia đảng phái, tổ chức chính trị hoặc quyền thành lập đảng phái, tổ chức chính trị được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo vệ.
Tại Điều 52 qui định: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.” điều này được hiểu là công dân Việt nam dù là đảng viên đảng cộng sản hay là đảng viên của một đảng khác hay không theo một đảng phái nào thì đều bình đẳng như nhau trước pháp luật. Pháp luật không trao một đặc quyền nào cho những công dân là đảng viên đảng cộng sản. Và pháp luật cũng không tước đi một quyền nào của những công dân theo đảng phái khác hay không theo đảng phái.
Điều 53 qui định “Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước,” và Điều 69 qui định “Công dân có quyền tự do ngôn luận” qua hai Điều này được hiểu là công dân Việt Nam có quyền được tự do bày tỏ hay thảo luận các vấn đề có liên quan đến chính trị hay cải cách chính trị, cải cách dân chủ mà Nhà nước đang đề cập đến, đồng thời cũng có quyền kiến nghị với cơ quan Nhà nước về những điều mong muốn của mình. Thảo luận, bày tỏ quan điểm hay kiến nghị việc xây dựng hệ thống chính trị đa đảng ở Việt Nam là quyền của công dân được Hiến pháp qui định.
Điều 4 Hiếp pháp 1992 chỉ qui định đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, không qui định rằng ở Việt Nam chỉ được phép tồn tại duy nhất đảng cộng sản. Trong khi Điều 69 qui định công dân Việt Nam có quyền lập hội tức quyền lập đảng.
Hiện nay, Nhà nước do đảng cộng sản lãnh đạo đang kêu gọi cải cách hệ thống chính trị và dân chủ hóa xã hội. Mà công cuộc cải cách dân chủ phải bắt đầu từ hai phía đảng cầm quyền và người dân. Đồng thời sự ra đời và phát triển của các đảng phái đối lập là một yếu tố cần thiết của tiến trình dân chủ.
Bởi vậy, bất kỳ công dân Việt Nam nào cũng có quyền bày tỏ quan điểm hay kiến nghị xây dựng một hệ thống chính trị đa đảng ở Việt Nam. Điều này không trái với Điều 4 với Hiến pháp nhưng lại phù hợp với thực tiễn của tiến trình dân chủ hóa đất nước.
2. Kiến nghị xây dựng hệ thống chính trị đa đảng có phải là chống lại đảng cộng sản Việt Nam không?
Từ năm 1945 đến giữa năm 1988 ở Việt Nam đã tồn tại một hệ thống chính trị đa đảng, trong đó có đảng cộng sản, đảng dân chủ và đảng xã hội. Mặc dù Hiến pháp năm 1980 tại Điều 4 có qui định đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội. Nhưng hệ thống chíng trị đa đảng này vẫn tồn tại cho tới giữa năm 1988 thì hai đảng dân chủ và đảng xã hội tự tuyên bố giải thể do đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Hai đảng này không bị giải tán do vi phạm Điều 4 Hiến pháp 1980. Ngày nay, đảng cộng sản Việt Nam với gần 4 triệu đảng viên, có hệ thống cơ sở vật chất và tổ chức đảng từ trung ương đến địa phương. Đảng cộng sản với đội ngũ đảng viên có trình độ cao và kinh nghiệm hơn 80 năm tồn tại và hoạt động, cho dù có thêm những đảng phái chính trị khác được thành lập và hoạt động thì họ cũng không phải là đối thủ của đảng cộng sản, nhưng nó lại là cần thiết cho tiến trình dân chủ hóa đất nước.
Đảng cộng sản không nên coi các đảng phái chính trị đối lập là kẻ thù của mình mà nên coi họ như một chất xúc tác giúp cho đảng cộng sản có ý thức và động lực để nhìn lại mình, hoàn thiện chính mình giúp cho đảng cộng sản có thể duy trì được sự ủng hộ của nhân dân. Đồng thời việc thành lập các đảng phái chính trị đối lập không phải là để chống lại đảng cộng sản mà quá trình phát triển tự nhiên và tất yếu của xã hội Việt Nam. Nhưng họ sẽ là sự thử thách đối với bản lĩnh, trình độ và kinh nghiệm của đảng cộng sản, giúp cho đảng cộng sản nỗ lực hơn, sáng tạo hơn trong việc lãnh đất nước. Và do vậy nhân dân và đất nước sẽ được hưởng lợi và đảng cộng sản cũng trở nên mạnh mẽ hơn.
Như vậy hệ thống chính trị đa đảng đã là một phần của lịch sử dân tộc Việt Nam với hơn 40 năm tồn tại và phát triển song hành với đảng cộng sản. Hệ thống chính trị đa đảng không hề mâu thuẫn hay chống lại đảng cộng sản. Ngày nay dân chủ hóa đất nước phải luôn gắn liền với việc xây dựng lại hệ thống chính trị đa đảng. Do vậy bất kể công dân Việt Nam nào mà kiến nghị việc xây dựng hệ thống chính trị đa đảng hay đứng ra thành đảng không phải là chống lại đảng cộng sản Việt Nam.
3. Xây dựng hệ thống chính trị đa đảng sẽ đem lại lợi ích gì?
Các đảng phái đối lập là một thành phần cần thiết và bắt buộc phải có của tiến trình dân chủ hóa. Sự cạnh tranh và sự giám sát giữa các đảng phái sẽ giúp cho hệ thống chính trị hoạt động hiệu quả, nhân dân cũng sẽ thông qua các đảng phái đại diện cho mình để thực hiện quyền giám sát với đảng cầm quyền. Điều này giúp cho đảng cộng sản cầm quyền phải luôn luôn tự xem xét, kiểm điểm lại mình nhằm phát huy hết khả năng, trí tuệ để phục vụ nhân dân và đất nước.
Sự cạnh tranh và giám sát giữa các đảng phái sẽ chống tham nhũng một cách hiệu quả. Bởi dưới sự giám sát của các đảng khác và của nhân dân, buộc đảng cộng sản cầm quyền phải dân chủ hóa trong nội bộ của mình để lựa chọn những đảng viên ưu tú, có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh và kinh nghiệm để tham gia chính quyền các cấp, đồng thời loại bỏ được những đảng viên yếu kém về phẩm chất đạo đức và năng lực, đảng viên tha hóa và cơ hội. Những điều này sẽ mang lại sức mạnh và uy tín cho đảng cộng sản, duy trì được sự ủng hộ của nhân dân với họ.
Xây dựng hệ thống chính trị đa đảng, dân chủ hóa đất nước sẽ xóa bỏ đi sự khác biệt về chính trị giữa Việt Nam với các nước dân chủ, văn minh trên thế giới. Giúp cho đất nước chúng ta có thể hội nhập một cách toàn diện với cộng đồng quốc tế. Từ đó chúng ta có thể xây được các mối quan hệ đồng minh với các cường quốc, nhằm giúp cho sự phát triển kinh tế, thương mại, hợp tác an ninh quốc phòng để bảo vệ chủ quyền lãnh hải quốc gia.
Như vậy khi xây dựng hệ thống chính trị đa đảng ở Việt Nam, tất cả mọi người dân, đất nước và đảng cộng sản đều được lợi và tất cả đều chiến thắng.
Tóm lại trong bài viết ngắn ngủi này tôi chưa thể trình bày hết được những vấn đề xung quanh việc xây dựng hệ thống chính trị đa đảng ở Việt Nam. Tôi sẽ trình bày thêm ở các bài viết khác về vấn đề này. Trong bài viết này tôi chỉ muốn chia sẻ và ủng hộ quan điểm của tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ về vấn đề này. Tôi mong muốn và ước ao nhận được sự chia sẻ đồng tình cũng như phản đối của các quí vị độc giả về bài viết này của tôi.
Hà Nội, ngày 3 tháng 8 năm 2011.
0 comments:
Post a Comment