(Kính xin vong linh tác giả “Tôi Đi Học” thứ tội cho - NBC)
Nguyễn Bá Chổi - Hàng tuần, cứ vào sáng Chúa Nhật, kể từ ngày 5 tháng 6 năm 2011, bất chấp công an và bọn phản động nối giáo cho giặc bố trí đầy đường và không có nơi nào thiếu vắng rào cản, bảng cấm, xe búyt trương bảng “Xe về ga-ra không chở khách” chực sẵn để chở “tù” biểu tình, và những cặp mắt cú vọ, những cái mồm phùng mang nhí nhố xeo-phôn, lòng tôi lại nao nức đi biểu tình chống Trung Cộng xâm lăng đất nước tôi.
Tôi không thể nào quên được những cảm giác bàng hoàng và uất nghẹn trong lòng tôi như muốn nổ tung lên giữa bầu trời Hà Nội.
Những cảm xúc ấy tôi chưa lần nào có, vì tình huống không ai có thể tưởng tượng lại xảy ra như thế được trên cõi đời này: nhà cầm quyền chẳng những dùng bạo lực cấm cản mà còn đàn áp một cách cực kỳ thô bạo dã man những người xuống đường bày tỏ rất ôn hoà và lịch sự tấm lòng yêu nước...
Buổi mai hôm ấy, một buổi mai ngày Chúa Nhật vào cuối mùa Hạ, chơm chớm sương thu và thoang thoảng gió lạnh, tôi phải trốn mẹ già đi biểu tình, vì mẹ tôi vốn tính dễ tin người đã nghe theo lời dụ dỗ lẫn hăm dọa răn đe của một đoàn “khách không ai mời mà đến”, gồm công an khu vực, tổ trưởng dân phố, đại diện Mặt trận Tổ quốc, đại diện Hội Cựu Chiến Binh, Ủy ban Nhân dân Phường. Mẹ tôi bảo,”mọi chuyện đã có nhà nước lo, con đừng lo, con chớ dại dột đi biểu tình mà mắc mưu bọn phản động chống phá tổ quốc”. Đường phố Hà Nội tôi đã quen nhẵn mặt như tôi quen mặt tôi mỗi lần tôi nhìn tôi trong gương, nhưng hôm nay tôi thấy lạ hoắc. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi: vì chính nhà nước đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay nhà nước quyết đàn áp người dân biểu tình chống Tàu Cộng xâm lăng...
Tôi không theo mấy đứa con đại gia đi siêu thị trong khu sang trọng dành riêng cho khách nước ngoài và giới thượng lưu để đứng xem chúng sắm toàn đồ hiệu, như Carter, Hermes, Coach, Gucci..., và tôi cũng không bị lôi cuốn đi xem Văn Nghệ Sexy do Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh mà cô nào cũng con mắt ti hí, mặt mày lớ ngớ, lại mặc toàn kiểu xường xám khiến tôi có ý nghĩ “chắc mấy người này thuộc Đoàn TNCS Hồ Cẩm Đào mới từ bên ấy qua”, trình diễn ở dưới chân tượng vua Lý thái Tổ, tượng đài Cảm Tử cho Tổ Quốc Quyết Sinh...
Trong bộ quần bò và cái áo gió mỏng, tay cầm cái biểu ngữ ghi mấy chữ "Hoàng Sa -Trường Sa là của Việt Nam" và câu “Đả đảo Trung Quốc Xâm Lược”, tôi cảm thấy tự hào, trân trọng việc tôi làm hôm nay, và tôi cũng chẳng sợ nhưng sẵn sàng cho Công an đánh đập, bắt bớ, quẳng lên xe hay thậm chí bị CA đạp vào mặt, như Đại Úy Minh đứng trên xe búyt đạp giày vào mặt anh Nguyễn Chí Đức.
Dọc đường tôi thấy công an mặc sắc phục và thường phục rất đông, cùng nhiều xe cộ trang bị đủ thứ như ăng ten phá sóng, vòi nước cứu hỏa và khí tài như họ đang bố binh bày trận chuẩn bị giao tranh với một kẻ thù hung hiểm. Tôi biết những người mặc đồ thường dân là công an vì họ dùng xeo phôn gọi nhau ơi ới báo cáo tình hình và xin chỉ thị, đặc biệt nhìn cái mặt vừa bặm trợn vừa núc ních thịt, thân hình to lớn, bụng thì phệ; có những tên hai tay cầm hai bảng cấm di động; dân biểu tình đến đâu xách bảng cấm đến đấy, bất chấp nơi đó là vườn hoa hay dưới chân tượng đài. Tôi nhìn cảnh này mà lờm lợm; tôi đã có dịp đi sang Kampuchia và Lào, chứng kiến cảnh công an của họ mà thèm; tôi không dám mơ ước Thái. Ồ mà nghe nói trước Giải Phóng,Thái còn thua miền Nam về nhiều mặt văn minh tiến bộ. Bổng dưng tôi mơ ước đất nước trở lại thời Ngụy, để tha hồ đi biểu tình, miễn là đừng bạo động.
Tôi thấy người biểu tình bắt đầu xuất hiện lác đác. Có người mẹ dắt theo đứa con nhỏ khoảng ba hay bốn tuổi.
Tôi thấy đứa bé dễ thương quá. Cháu cũng cầm trên tay tấm biểu ngữ. Tôi tiến lại gần người mẹ chào bà; trong lòng đầy cảm phục một người mẹ đã biết dạy cho con từ tấm bé lòng yêu nước, bảo vệ tổ quốc.
May cho bé này là đã về nhà bằng yên. Có một bé khác mới được mấy tháng tuổi lại không được “may mắn”.Mẹ bế em từ một tỉnh xa lên thăm bà con ở Hà Nội, gặp lúc biểu tình, bà gửi bé cho người quen ẳm hộ để lại khu vực bà con đang tụ tập hô “Đã đảo Trung Quốc xâm lược”, thì bị bắt. Bà mẹ năn nỉ xin CA cho bà đi gặp con nhỏ đang cần sữa mẹ, nhưng bà vẫn bị tống lên xe đưa về đồn.
Tôi thấy người đi biểu tình gồm đủ cỡ tuổi tác và thành phần trong xã hội. Tôi đã chua xót khi thấy lực lượng công an đàn áp, nạt nộ, xua đuổi những khuôn mặt trí thức hàng đầu mà có không ít người gọi họ là cái “Túi Khôn của đất nước”, như Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, nhà giáo Phạm Toàn, nhà văn Nguyên Ngọc... Trong đầu tôi hiện lên hình ảnh cái “túi khôn” treo lủng lẳng và một đống dùi cui lố nhố và những tiếng tiếng nạt nộ hống hách.
Tôi đến vườn hoa Lê Nin, nơi trước đây mỗi lần phải đi ngang qua là tôi tăng ga phóng xe thật nhanh để khỏi thấy cái tượng đen thủi đen thui đứng đó ám hại tôi như nó đã và đang ám hại dân tộc đất nước tôi; nhìn thấy nó, tôi lại oán hận ai đó đã rước cái của nợ ấy về đây.Nhưng hôm nay tôi lại đi bộ đến đây, chân rảo buớc với lòng phấn chấn. Nhờ đọc thông báo trên mạng, tôi biết được hôm nay bà con chọn vườn hoa này làm địa điểm tập trung biểu tình. Tôi nghĩ vườn hoa là chỗ dành cho mọi người đến thư giãn, không là bộ mặt thì cũng là cái nút ruồi duyên của thành phố, là nơi du khách thích vãng lai; đặc biệt vườn hoa có ông “sinh ở nước Nga” đứng ngự thì nhà nước sẽ không mang bảng cấm di động đến bao vây.
Nhưng tôi đã lầm, như mọi người đã lầm. Người biểu tình lại bị chửi, bị xô bị đẩy, bị đấm bị đạp, bị lôi lên xe búyt “về ga-ra không chở người”. Hồn ông Lê Nin nếu có ngụ nơi cái tượng đồng kia chắc cũng đã di tản xa khu vực vườn hoa đi lánh nạn tiếng loa oang oang liên tục phát ra cái nghị định 38/2005/NĐ-CP về cấm biểu tình. Tự dưng tôi thấy tội nghiệp ông Lê Nin. Sở dĩ ông vượt đại dương lặn lội nửa vòng trái đất sang đứng đây, chịu bao năm dãi nắng dầm mưa để giải phóng dân Việt Nam thoát vòng nô lệ, lên cõi thiên đàng Xã nghĩa; ấy vậy mà đồng bào tôi lại rơi vào tay bọn chủ nô mới gian xảo tinh ma và tham lam ác độc gấp bội phần. Chủ nô mới lại là dân bản xứ, những kẻ tự mệnh danh học trò xuất sắc và thấm nhuần tư tưởng của ông.
Lực lượng Công an và côn đồ hiệp đồng tác chiến nhuần nhuyễn quá; ngón nghề “bốc hốt, bắt, thẩy lên xe, đạp vào mặt đám tù binh “tự phát tụ tập”, xem qua thấy rõ họ được huấn luyện chuyên ngành rất thấu đáo; quân số lại đông gấp bội. Người biểu tình chịu không thấu. Những người còn lại đành tạm thời giải tán, rồi tái nhóm ở bờ hồ Hoàn Kiếm.
Hơi nước theo gió đưa phơn phớt lên mặt làm tôi “hạ hoả” căm phẫn hành động trấn áp biểu tình. Bây giờ tôi mới cảm thấy cổ họng mình khô cứng ; có lẽ do tôi hô Hoàng Sa-Trường Sa - Việt Nam và Đả đảo Trung Cộng xâm lược” đã rán hết sức để át tiếng loa từ xe Công an. Sực nhớ trong ba lô trên lưng còn chai nước suối do bà cụ bán hàng bên lề đường chạy theo dí vào tay biếu tôi ban sáng, và lấy ra uống. Tôi nhìn xuống mặt hồ, thấy nước đỏ au và lềnh bềnh rác rưởi. Tôi chợt nhớ tới hình ảnh con rùa già lở nơi cổ, chân, mà người ta gọi bằng cụ, “Cụ Rùa”, rồi tôi tự hỏi không biết bệnh tình “cụ” bây giờ ra sao. Và ngay cả số phận “cụ” nữa. Nếu “người lạ” hôm nay khám phá ra chính “Cụ” là “người “đã trao cây kiếm khắc hai chữ “Thuận Thiên” cho vua Lê Lợi để đánh tan quân Nhà Minh 583 năm về trước (1428-2011)... Tôi lo cho “Cụ” quá.
Thế là tôi đã đi biểu tình và tôi sẽ tiếp tục đi biểu tình vào mỗi sáng Chúa Nhật, hay bất cứ ngày nào cần phải đi. Cho đến khi Tổ Quốc Việt Nam tôi không còn bị giặc xâm lăng.
0 comments:
Post a Comment