Thursday, August 25, 2011

Sự nghiệp tan vỡ của ông Gaddaf

http://wscdn.bbc.co.uk/worldservice/assets/images/2011/08/25/110825132401_gaddafi_304x304_gaddafi_nocredit.jpg

Theo: BBC

-

Cho đến trưa thứ Năm 25/8/2011 không ai biết rõ Đại tá Muammar Gaddafi trốn ở đâu, còn sống hay đã chết, nhưng chế độ của ông xem ra đã tan rã và “hoàn toàn chấm dứt”, như lời Ngoại trưởng Anh, William Hague nói cùng ngày.

Anh Quốc và Hoa Kỳ đang thúc đẩy để Liên Hiệp Quốc ra một nghị quyết mở khóa các tài sản của Libya bị đóng băng từ trước cho phe nổi dậy được cả London và Washington công nhận.

Ông Hague nói:

“Chế độ Gaddafi đã chấm dứt. Không có lối quay lại cho chế độ Gaddafi và điều rõ ràng là các nhân vật chủ chốt của chế độ đó đang chạy trốn.”

London, theo lời ông William Hague cần ít nhiều thời gian để thuyết phục Nga và Trung Quốc ủng hộ cho bước đi ngoại giao này nhằm tạo dựng lên một chính quyền mới ở Libya.

Phe đối lập Libya trong Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia (NTC) ra giải thưởng để truy bắt ông Gaddafi.

Theo phóng viên BBC Jonathan Marcus, đây là lần đầu tiên Mùa Xuân Ảrập đem lại một cuộc thay đổi thể chế.

Vì tại Ai Cập, dù ông Hosni Mubarak ra đi, chế độ với hệ thống quan chức, quân đội, an ninh vẫn còn, chỉ thay đổi chiều hướng chính trị.

Còn tại Libya, cuộc nổi dậy của dân chúng phía Đông đất nước đã dẫn tới tình trạng gần như nội chiến trong hơn nửa năm và đem lại một chuyển biến mới sau cuộc tràn ngập Tripoli của phe nổi dậy hôm 23/8.

Cầm quyền 42 năm

Hồ sơ chính trị của Libya vẫn còn chưa rõ nhưng sự tan rã của gia tộc Gaddafi sau 42 năm cầm quyền cũng để lại nhiều bài học.

Khi lên cướp chính quyền với hàm đại uý vào năm 1969, và cho suốt thập niên 1970, ông Muammar Gaddafi là một sĩ quan trẻ, đẹp trai và hấp dẫn quần chúng.

Từng là người theo Tổng thống thiên tả của Ai Cập, Gamal Abdel Nasser, ông Gaddafi, người Libya cũng bắt chước nhà lãnh đạo Ai Cập qua cử chỉ tự phong mình lên làm đại tá, không thèm làm tướng sau cuộc binh biến.

Nếu ông Nasser dùng kênh đạo Suez làm bàn đạp chính trị để mặc cả với Phương Tây, ông Gaddafi coi dầu mỏ là vũ khí.

Sau khi Tripoli bị phe nổi dậy tiến chiếm không ai rõ ông Gaddafi trốn ở đâu

Lên cầm quyền, việc đầu tiên của ông làm là đàm phán lại các hợp đồng khai thác dầu với chủ nước ngoài.

Dầu mỏ có vẻ gắn liền với cuộc đời ông, và trong những giờ phút chế độ Gaddafi tan rã khi phe đấu tranh lật đổ tiến vào Tripoli đêm 21/8 sang ngày 22/8, giá dầu Brent xuống với hy vọng tình hình sớm ổn định.

Trở lại thời những năm 1970 ông Gaddafi nói với các chủ công ty dầu ngoại quốc “người dân đã sống 5000 năm qua không cần dầu và có thể sống thêm vài năm để giành quyền khai thác”.

Và ông đã thành công.

Libya trở thành nước đang phát triển đầu tiên có phần cổ đông đa số trong nguồn thu từ dầu mỏ của chính họ.

Sau đó, nhiều nước Ảrập đi theo, mở đường cho làn sóng dầu khí trong vùng vào thập niên 1970.

Nhờ dân ít với chỉ chừng chưa tới ba triệu vào khi đó, và lại có thu nhập từ dầu tương ứng với các nước Ảrập vùng Vịnh, nước Libya của ông Gaddafi đã nhanh chóng làm giàu nhờ nguồn ‘vàng đen’.

Nhưng dù từng theo Nasser của Ai Cập bản thân ông Gaddafi muốn tìm con đường riêng, không mặn mà với chủ nghĩa dân tộc Ảrập.

“Chế độ Gaddafi đã chấm dứt. Không có lối quay lại cho chế độ Gaddafi và điều rõ ràng là các nhân vật chủ chốt của chế độ đó đang chạy trốn”

Ngoại trưởng Anh William Hague

Sinh ra trong một gia đình có cha mẹ là dân du mục Bedouin năm 1942, ông Muammar Gaddafi được cho là người thông minh dù không được học cao ngoài việc đọc kinh Koran và học ở trường sĩ quan.

Nhưng sau khi lên cầm quyền ông cũng nghĩ ra thuyết chính trị riêng và gọi đó là “Học thuyết Vũ trụ thứ ba”, ghi trong Sách Xanh màu lá cây.

Ông cũng xác định Libya trước hết là một nước châu Phi và cổ vũ cho liên minh châu Phi.

Có lúc, như vào tháng 3/2007, tức giận với sự phê phán của Liên đoàn Ảrập, ông tuyên bố trên truyền hình rằng “Hãy để Thánh Allah giữ bọn Ảrập thật xa khỏi Libya”.

Ông cũng ngang nhiên nói với các lãnh đạo Liên đoàn Ảrập hồi tháng 3/2009 rằng:

“Ta là một lãnh đạo quốc tế, thầy của các ông chủ Ảrập, vua của các vị vua châu Phi, trưởng lão của người Hồi giáo và tư cách cao quý của không cho phép ta hạ mình xuống thấp hơn.”

Thái độ kiêu căng này đã khiến một số nước châu Phi và Ảrập không chấp nhận ông.

Khi nổ ra cuộc chiến Libya, các nước Qatar và Ảrập Saudi đã ủng hộ phe liên quân Nato oanh kích Libya.

Ông Gaddafi ra thuyết kêu gọi ‘giải phóng mọi dân tộc bị áp bức’ nhưng lại nghiêm cấm mọi hành vi, cử chỉ phê phán chế độ của ông tại Libya.

Trên thực tế, việc bổ nhiệm con cái vào mọi vị trí cao trong hệ thống, ông Gaddafi cũng không khác nhiều các nhà lãnh đạo trong vùng với chính sách gia đình trị hoặc đặc quyền dòng tộc, bộ lạc.

Những người đấu tranh nói rằng công an Libya “tra tấn, bỏ tù không án, xử tử và bắt đi mất tích” những ai phản đối chế độ.

Phe đối lập hải ngoại Libya cũng nói một số nhà hoạt động của họ bị mật vụ của Gaddafi sát hại, kể cả khi sống ở nước ngoài.

Ông Gaddafi nay đã mất quyền còn ông Chavez bị mắc bệnh ung thư phải sang Cuba chữa bệnh

Những nước Phương Tây bị ông Gaddafi coi là thù địch cũng trở thành mục tiêu.

Năm 1986, tại Berlin xảy ra một vụ đánh bom vào hộp đêm nơi thường có quân Mỹ đến chơi, và người ta cho rằng mật vụ Libya đứng đằng sau.

Tổng thống Hoa Kỳ, Ronald Reagan ra lệnh ném bom Tripoli và Benghazi để trả đũa cho hai quân nhân Mỹ và một thường dân bị giết tại Berlin.

Nhưng phải vụ đánh bom máy bay hành khách Pan-Am 103 của Mỹ trên bầu trời Lockerbie, Scotland năm 1988 mới thực sự làm phương Tây nghĩ lại về ông Gaddafi.

Có 270 người bị giết cả trên không và trên mặt đất trong vụ khủng bố lớn nhất Anh Quốc gặp phải từ trước tới đó.

Ban đầu, ông Gaddafi không chịu trao nộp hai nhân vật của Libya, khiến quốc tế áp dụng lệnh trừng phạt.

Mãi đến năm 1999 Tripoli mới nhượng bộ và vụ xử Abdelbaset Ali al-Megrahi, một trong hai nghi phạm đánh bom Lockerbie, bị xử tù.

Quan hệ với Hoa Kỳ dần cải thiện sau khi Anh Quốc, qua hoạt động của Thủ tướng Tony Blair thăm ông Gaddafi trong thập niên 2000, ông Gaddafi tuyên bố từ bỏ chương trình hạt nhân và dần mở lại làm ăn với phương Tây.

Cùng lúc, ông Gaddafi vẫn tiếp tục làm thân với các lãnh đạo thuộc phái Nam Bán Cầu chống lại “chủ nghĩa đế quốc phương Tây” như Tổng thống Hugo Chavez của Venezuela.

Ông cũng được ủng hộ từ một số nước châu Phi vốn nghi ngờ các dự án thúc đẩy dân chủ của Hoa Kỳ và châu Âu trên thế giới.

Sau khi cấm vận được xóa bỏ và ông Gaddafi tưởng như đã yên tâm với vị trí được “phục hồi” trong cộng đồng quốc tế và chuẩn bị chuyển giao dần quyền lực cho con trai Saif al-Islam.

Kế hoạch này tưởng như khả thi cho đến khi cuộc nổi dậy của chính người dân Libya bùng ra tháng 2/2011.

Đã có nhiều bình luận về nguyên nhân gây ra cuộc nổi dậy nhưng nhìn chung thì trong phong trào dân quyền toàn vùng Bắc Phi được công nghệ thông tin thúc đẩy, Libya không thể là một ngoại lệ, sau khi Cách mạng Mùa xuân Ảrập tràn đến Tunisia, Ai Cập, Yemen và một số nước trong vùng.

Và dù có khả năng vận động, lèo lái chính trị quốc tế, ông Gaddafi cuối cùng đã bị chính làn sóng nổi dậy trong nước, được khối Nato hỗ trợ mạnh về hỏa lực, đưa tới chỗ thất bại.

0 comments:

Powered By Blogger