Thursday, August 18, 2011

Phế anh hùng

Thưở nhỏ phó thường dân tui mê đọc truyện, hầm bà lằng từ truyện tranh đến truyện chữ, luyện truyện chưởng xong tìm tòi truyện trinh thám, hết mơ truyện cổ tích thì chuyển sang truyện giả tưởng, xơi hết truyện tàu thì xực truyện tây, cái gì cũng mê tít thò lò. Chuyên là thích những truyện có anh hùng để mơ làm anh hùng.

Lúc đó phó thường dân nghĩ là cả đám con nít đứa nào cũng muốn làm anh hùng. Oai, ngon lành dzô cùng chứ giỡn chơi sao. Trừ gian diệt bạo mà ai hổng ưa! Trí dũng vẹn toàn mà sao hổng thích! Siêu nhân siêu phàm có ai hổng muốn!

Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão, Trần Bình Trọng, Thạch Sanh. Một trăm lẻ tám anh hùng hảo hớn Lương Sơn Bạc hổng biết chọn ai rồi lại còn Tề Thiên Đại Thánh với Z28 có mà tẩu hoả nhập ma. Đắc ý nhứt là Tôn Ngộ Không rứt lông thổi một cái thì hiện ra bao nhiêu Tôn hành giả khác, không phân biệt ai thật ai giả. Hổng biết nghĩ như dzậy có thiệt là như dzậy không. Nhưng mà quay đi ngoảnh lại thì chẳng thấy anh hùng ở đâu hết, chỉ thấy rặc mấy thằng ma-cà-bông và các tay “anh chị” trong xóm chợ hoặc ngoài ngõ hẻm.

Nghĩ qua nghĩ lại thì anh hùng đã chết mất đất từ thưở nào đó xa xưa. Có mơ cũng hổng rờ tới được. Rất may là phó thường dân tui hổng được/bị ở dưới một nước “xã hội chủ nghĩa” vào cái thời mà “ra ngõ gặp anh hùng, về nhà gặp dũng sĩ” chứ không thì chắc đã thành … liệt sĩ. Thiệt đó, cỡ anh hùng “Lê Văn Tám” thì thôi bỏ qua đi tám. Còn anh hùng cỡ Bác Hồ “tìm đường cứu nước” có mà vẫy tay chào mi vì bộ đội cụ Hồ tới thì em chạy toé khói tìm đường cứu thân. Từ đó hết mơ gặp anh hùng, hết mơ làm anh hùng.

Hổng biết ai sao chứ phó thường dân nay nghe tới chữ “anh hùng” là muốn xỉu. Nhất là các anh hùng được tuyên dương. Anh hùng trong cổ tích, anh hùng trong huyền thoại, anh hùng trong lịch sử xa xưa đã thành những biểu tượng nghe còn lọt lỗ tai chứ các anh hùng thời đại thì hơi bị oải. Thời bây giờ là thời phế-anh-hùng, người anh em cột chèo của các tay anh hùng đương đại. Văn hào Voltair thời khai sáng mà còn phải than rằng: “Tôi hổng ưa đám anh hùng (thời đại), họ làm chuyện ồn ào quá cỡ … Hào quang họ càng tỏa sáng chừng nào thì họ càng khả ố chừng đấy.” (I do not like heroes; they made too much noise in the world… The more radiant their glory, the more odious they are.)

Bởi lẽ nàng thiếu nữ nằm ngủ trong lâu đài chờ hoàng tử trong mộng cỡi ngựa đến rước về trao vương miện công chúa thì sao mà đặng được thời nay. Chờ dài cổ thì nàng Bạch Tuyết có mà còm cõi thành Bạch Cước Bà Bà. Vậy thì chờ ai và ai là người anh hùng bây giờ?

Người anh hùng là người không bao giờ mơ làm anh thư/anh hùng. Họ chỉ hành xử như một con người để tranh đấu vượt lên những nhiễu nhương thời cuộc mang tiếng nói của số đông trong thời thế đó. Và họ sẽ tự trở thành biểu tượng của lương tri thời đại. Họ không là người chỉ mỗi có hy vọng. Nhưng họ có một niềm tin hy vọng, với can đảm và hành động. Vì Hy vọng mà không có người chị Dũng cảm làm chỗ tựa thì chỉ là hy vọng bơ vơ. Còn Hy vọng mà không có người anh Hành động thì chỉ là hy vọng vu vơ.

Phan Thanh Nghiên, Đỗ Thị Minh Hạnh-Đoàn Huy Chương-Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Cù Huy Hà Vũ và các anh chị khác đang trong lao tù nào cần gì tiếng anh thư, anh hùng. Họ sống chung với chúng ta, không xa rời nhưng cùng chung nhịp đập với người khốn cùng, cô thế, người bị áp bức, mất tiếng nói. Họ không phải là loại “trí thức” tha hóa dửng dưng với thời cuộc vì họ sống thực – không trong những huyền thoại anh hùng – bằng xương bằng thịt trong bi hài kịch ở chế độ độc tài, tham tàn thời kỳ “đồ đểu” [1].

Khi sống thật và hoà đồng với nhịp đập của mọi người thì những hành động dũng cảm anh hùng bộc lộ. Ta đã thấy Phan Thanh Nghiên tọa kháng trương biển Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam; Điếu Cày Nguyễn Văn Hải ấn tượng với mũ an toàn, áo, bảng HS-TS-VN; Cù Huy Hà Vũ với yêu cầu xoá bỏ điều 4 Hiến pháp; Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng cùng tranh đấu cho công nhân. Ta lại thấy cảnh giải cứu binh nhì Nguyễn Tiến Nam, em Nguyễn Văn Phương đọc tuyên cáo chống bá quyền Trung Quốc, em Nguyễn Kim Tiến gác thù nhà vì nợ nước, cô Minh Hằng “quản ca” suốt các buổi biểu tình, GS Nguyễn Xuân Diện kiên trì giữ ngọn lửa, cháu Oanh hăng hái cùng anh chị, cô chú, ông bà bước chân không mỏi.

Anh hùng theo ý nghĩa và dạng cổ điển thì làm chuyện đại sự, đội đá vá trời. Họ có trí, dũng vô biên và tài năng vượt trội. Họ làm được chuyện gần như vô vọng và hy sinh cả tính mạng. Ta có thể nào mong chờ một anh hùng cứu tinh.

Chỉ còn lại một lựa chọn. Sống tử tế, chân thật, đùm bọc lẫn nhau bất chấp cái nhiễu nhương, độc đoán, ác tà của cơ chế và hệ thống. Đó là chúng ta mỗi người hành xử bình thường, làm những điều bình thường nhất.

Trong xã hội Việt Nam dưới chế độ cộng sản (bất bình thường) thì những điều rất đỗi bình thường trở thành một cái gì quá bất bình thường. Biểu tình, lập công đoàn độc lập, tự do bầu cử, tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại là những quyền căn bản rất bình thường thì được xem là “bất bình thường” và bị cấm đoán, trù dập, đàn áp.

Những con người muốn được sống bình thường trong xã hội bất bình thường thì hay bị cô lập, quản thúc, áp chế, giam cầm thành phế-anh-hùng.

Thương cho những phế-anh-hùng, muốn sống làm người nào có được chăng!

Nếu chúng ta đã giải cứu được binh nhì Nguyễn Tiến Nam, đã cực lực lên án và phản đối với “cú đạp lịch sử” trên mặt Nguyễn Chí Đức thì lòng nào chúng ta không lên tiếng đồng tình với Đỗ Thị Minh Hạnh bị hành hạ đánh đập bầm tím thân người, với Điếu Cày Nguyễn Văn Hải bị “mất tay”(?), với các tù nhân lương tâm [2] trong lao tù khổ ải. Hãy đọc một đoạn trong Bình Ngô Đại Cáo [3] để thử so sánh thời xưa và thời nay:

Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế
Gây thù kết oán trải mấy mươi năm
Bại nhân nghĩa nát cả đất trời.
Nặng thuế khoá sạch không đầm núi.
Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập thuồng luồng.
Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng, khốn nỗi rừng sâu nước độc.
Vét sản vật, bắt dò chim sả, chốn chốn lưới chăng.
Nhiễu nhân dân, bắt bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt.
Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ,
Nheo nhóc thay kẻ goá bụa khốn cùng.
Thằng há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán,
Nay xây nhà, mai đắp đất, chân tay nào phục dịch cho vừa?
Nặng nề những nổi phu phen
Tan tác cả nghề canh cửi.
Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi!
Lẽ nào trời đất dung tha?
Ai bảo thần dân chịu được?

Yêu nước và thương giống nòi là tình cảm cao cả. Nhưng yêu dân và thương đồng bào thì lại thực tiễn, chân chất, và gần gũi hơn.

Chúng ta cần thương yêu bảo bọc bạn bè, đồng bào trước hết. Hãy giăng tấm biểu ngữ đòi hỏi công lý cho những phế-anh-hùng đang trong lao tù khổ ải. Họ yêu dân và thương đồng bào và chúng ta nỡ lòng nào không đáp lại tấm lòng ấy một bằng nghĩa cử nhỏ chân tình.

© 2011 Vietsoul:21

______________________

[1] “… the imprisoned political activist as one with the people living an antiheroic life under oppressive regimes, rather than as yet another category of “intellectual” alienated from those people’s everyday lives.” (… các nhà hoạt động chính trị bị tù đày là người cùng với mọi người sống cuộc đời phế-anh-hùng dưới chế độ áp bức, khác hơn với loại người “trí thức” tha hóa dửng dưng với đời sống thường ngày của mọi người.)

Randa Abou-bakr, The Political Prisoner as Antihero: The Prison Poetry of Wole Soyinka and 'Ahmad Fu'ad Nigm, Comparative Literature Studies, Volume 46, Number 2, 2009, pp. 261-286 (Article)

[2] Con tin lương tâm, Vietsoul21.net

[3] Bình Ngô đại cáo (Ngô Tất Tố dịch), vi.wikisource.org

0 comments:

Powered By Blogger