Cuộc sống chẳng ai muốn làm nông dân và công nhân lao động cả, ai cũng muốn giấc mơ vào đại học để rồi đổi đời làm kỹ sư, bác sĩ, làm cán bộ cho nó nhàn, nó oai. Xưa kia người ta không vào đại học được bỡi hai rào cản chính. Thứ nhất là năng lực học tập kém không thi đậu vào các trường đại học, thứ hai là tiềm lực tài chính cũng kém không đủ cho quá trình ăn học.
Từ khi ông Nguyễn Tấn Dũng lên làm thủ tướng, ông là ông “bụt” thật sự với những sinh viên nghèo. Ông làm cho giấc mơ vào đại học của những người nghèo thành hiện thực bất kể người đó học lực thế nào. Thật vậy: nếu mà ai đó không đậu vào trường công lập thì ông đã mở cho trường dân lập để mà học; còn nếu ai đó không đủ tiền học đại học thì cũng sẵn đây, quyết định 157/2007/QĐ-TTg Nhà nước cho vay tiền để mà ăn học.
Với chính sách đó, bất kể người dân dù là nhà nghèo và là học lực bình thường, hầu như đều thực hiện được giấc mơ đại học. Nhưng cuối cùng họ có thực hiện được cái mục đích chính là có cuộc sống đổi đời hay không?
-------------------------------
Xóm tôi có một nhà có đến những hai người con đi học đại học, sức học của họ là thường thường bậc trung, không thi đậu vào các trường đại học chính qui nên theo học ở các trường đại học dân lập. Bố mẹ không có tiền cho con đi học nhưng vì Nhà nước có chính sách cho vay tiền nên bố mẹ cũng phải ráng chạy kiếm thêm, đài thọ cho con đi học. Bao nhiêu năm con đi học bố mẹ ở nhà bán hết ruộng đất để có tiền. Hết ruộng rồi ngày ngày bố mẹ lăn lộn ở công trường xây dựng, làm phụ hồ để kiếm sống và kiếm thêm tiền cho con. Khó khăn bố mẹ ráng sức chịu đựng để mong con có được ngày mai
Và cái ngày mai đã đến, con tốt nghiệp đại học xong đi xin việc làm chỗ nào người ta cũng chê. Thời buổi này trình độ đại học nhan nhản, bằng chính qui trường công lập có đầy người ta còn chưa nhận làm việc, huống chi là cái bằng dân lập. Tiền đã hết, ruộng đã mất, việc làm không xin được. Giấc mơ đại học có rồi nhưng đâu có được đổi đời. Cái ngày người mẹ ráng sức chịu đựng để cho con có được ngày mai nó cứ còn mãi, còn mãi không những trong đời mẹ mà giờ đây lại chuyển sang đời con. Lại còn thêm món nợ vay Nhà nước ăn học nữa, biết làm sao đây ?
Đâu chỉ với những người đeo đuổi giấc mơ đại học, xóm tôi còn có cháu nhỏ học đến lớp 11 rồi bỏ đi bụi đời không học nữa, năm sau bố mẹ năng nỉ cháu đi học trở lại và xin cho cháu vào học ở cái trường trung cấp nghề. Thế mà cháu cũng được Nhà nước cho vay tiền để ăn học. Tiền vay vừa xong nó theo cháu đi bụi đời tiếp lần nữa. Biết khi nào cái đồng tiền mà Nhà nước cho vay đó nó trở lại hoàn vốn cho ngân hàng. Như vậy có phải Nhà nước cho vay sai đối tượng để làm thất thoát vốn hay không. Trả lời báo chí Ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho biết như vầy: “Chúng tôi vẫn tiếp tục đề nghị giữ nguyên đối tượng được vay vốn tín dụng học sinh, sinh viên (HSSV) theo Quyết định 157/2007/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ và đề xuất Chính phủ xem xét bổ sung thêm đối tượng là hộ gia đình có mức thu nhập trung bình, nhưng cùng lúc phải lo cho nhiều con đi học”. Nhà nước đã không cho vay sai đối tượng mà sao lại thất thoát vốn nhỉ. Việc thất thoát vốn cho vay đối với học sinh sinh viên nghèo là bao nhiêu tỷ đồng chưa thấy ai thống kê, chưa thấy ai công bố. Nhưng những gì tôi đã thấy xung quanh tôi đồng tiền ấy người ta đã vay là một đi không trở lại. Còn có người lợi dụng nữa, chả có nhu cầu học hành gì, xin giấy nhập học của nhà trường tư thục giả vờ đi học để được vay tiền. Cho vay như vậy cũng có thể là Nhà nước cấp không tiền cho những người nghèo, cũng có thể gọi là đi học, cũng có thể gọi là ăn chơi cho nó xướng. Dân đã nghèo rồi Nhà nước chỉ có cho thôi chứ làm sao mà đòi được nợ. Ngân hàng Chính sách xã hội trở thành cơ quan tài trợ. Nếu không được Nhà nước liên tục cấp vốn thì ngân hàng này chắc cũng đã sập rồi.
Ngày trước các trường ngoài công lập là giành để cho những cậu ấm, cô chiêu theo học. Những người chữ nghĩa ít không vào được trường đại học chính qui, nhưng bố mẹ là đại gia, là chủ doanh nghiệp, nên con phải học đại học để mà có cái chữ làm chủ cơ ngơi của bố mẹ để lại. Những người này ra trường không phải lo kiếm việc làm. Vậy mà bây giờ có người đã nhầm lẫn, đưa con em nông dân, con em lao động nghèo ngồi vào chỗ đó. Thật là tai hại.
Và giờ đây: Giấc mơ đại học của phần lớn người dân nghèo đã thực hiện được, nhưng giấc mơ có công việc để đổi đời thì phần lớn là không. Họ mất tất cả, cuộc sống còn tệ hại hơn. Ân huệ chính sách cho vay tiền đi học ngày nào của Thủ tướng Chính phủ giờ trở thành oán. Vậy nên nợ vay nhà nước ăn học bao nhiêu năm của người dân, Thủ tướng đừng có hòng mà đòi lại ở những người dân nghèo không xin được việc. Nhà nước mất tiền chứ Thủ tướng đâu có mất, cùng lắm là lạm phát lại tăng lên lần nữa thôi.
Giờ đây “chúng ta đang đào tạo ra những thợ vụng” nói như nhà giáo Vũ Cao Đàm. Tạo ra những người có trình độ đại học “xoàng” nhưng nhiều quá mức nhu cầu của xã hội, cuối cùng xã hội không sử dụng đến, lãng phí thuộc về ai?
Nhưng với chính sách đó, tiền từ ngân sách Nhà nước, đi đến ngân hàng chính sách xã hội, rồi đi đến tay sinh viên nghèo, rồi tập trung về trường dân lập, và cuối cùng là về lại cái nơi mà người ta ra quyết định thành lập trường dân lập. Chỉ biết tiền là thế, còn bao tai hại cho những sinh viên nghèo, cho xã hội thì mặc kệ ai.
Lợi dụng những ước mơ của con người để làm lợi, để kiếm lời, là lừa đảo, là tội ác ! Ông “bụt” ngày nào trong lòng những người dân nghèo giờ đây đã hiện hình thành con quỷ dữ.
---------------------------
Kiến nghị: Chính phủ nên xem xét lại đối tượng cho vay, chỉ cho những đối tượng thật sự học giỏi, thi đậu đại học các trường chính qui với số điểm cao mới được vay. Làm như vậy vừa đảm bảo được nhân tài cho đất nước, tránh lãng phí, vừa đảm bảo được khả năng thu hồi vốn cho vay. Vì những người học giỏi ít khi bỏ học và có tỷ lệ xin được việc làm cao, có khả năng trả nợ vay cho Nhà nước.
0 comments:
Post a Comment