Monday, August 22, 2011

Nhìn lại một chặng đường biểu tình phản đối Trung Quốc ở Việt Nam

Khi những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc nổ ra vào đầu tháng 6 sau vụ tàu Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam, có lẽ không mấy ai nghĩ rằng nó sẽ tiếp tục kéo dài suốt hơn 2 tháng qua.

Tại Sài Gòn những cuộc biểu tình chỉ diễn ra được 2 lần, vào 2 Chủ Nhật liên tiếp của tháng 6, trong lúc tại Hà Nội, đã là 10 lần, tính cho đến ngày Chủ Nhật tuần trước, 14 tháng 8. Và đã dần dần trở thành một hoạt động tự giác, tự nguyện, có trật tự, quy củ, với sự có mặt của mọi tầng lớp nhân dân. Ðặc biệt là sự tham gia của các nhân sĩ, trí thức tên tuổi.

Không chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu phản đối chính sách bành trướng, gây hấn của Trung Quốc trên biển Ðông, những cuộc biểu tình dần dần mở rộng hơn, có chính kiến rõ rệt hơn.

Vừa đi sát với những vấn đề mang tính thời sự như phản đối tàu TQ đánh cướp ngư dân VN, phản đối tình trạng người lao động TQ không có giấy phép ở VN, hay việc tập trận gần đây của TQ sát với biên giới Việt-Trung… Vừa phản ứng nhanh nhạy với nhà cầm quyền qua các khẩu hiệu “Không được kết tội trí thức yêu nước!”, “Bảo vệ các trang mạng yêu nước!”, sau khi VTV đưa bản tin về tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ và quy chụp Bauxite Vietnam là trang “phản động”.

Ðồng thời có những đòi hỏi cao hơn như yêu cầu Quốc Hội phải thông qua luật biểu tình, phải có những chính sách rõ ràng để bảo vệ ngư dân, bảo vệ chủ quyền VN trên biển, đảo…

Mục đích của những cuộc biểu tình dần dần không chỉ dừng lại ở việc phản đối Trung Quốc. Bởi lịch sử VN đã nhiều lần chứng minh, nước nhỏ hơn, lực yếu hơn kẻ thù, không sợ. Những người lãnh đạo hèn yếu cũng chưa phải là đáng sợ nhất.

Cái đáng sợ nhất là sự vô cảm, ích kỷ, u mê của đa số người dân trước vận mệnh đất nước. Bởi, vẫn còn đó những suy nghĩ lệch lạc do kém hiểu biết, sự sợ hãi, thờ ơ của không ít người khi đoàn biểu tình đi ngang qua. Cái họa 1000 năm Bắc thuộc xa xưa một lần nữa lại treo lơ lửng trên đầu dân tộc VN.

Chính vì thế, nhắc nhở nhà nước VN hãy đồng hành với nhân dân, đặt chủ quyền và lợi ích quốc gia lên trên hết, và thức tỉnh lòng yêu nước trong người dân mới là mục đích quan trọng của những cuộc biểu tình ôn hòa này.

Song, nhà cầm quyền thì không vui. Cái tâm trạng sợ hãi do chưa quen với bất cứ một hoạt động biểu tình nào của người dân lúc đầu tưởng như có lúc đã bớt đi. Và mặc dù những cuộc biểu tình đã chứng tỏ không hề có những biểu ngữ chống phá nhà nước, đòi lật đổ chế độ, cũng không thấy bóng dáng các “thành phần phản động” thuộc các đảng phái nào khác phía sau. Nhưng nỗi ám ảnh về một “diễn biến bất ngờ” có thể xảy ra bất cứ lúc nào vẫn khiến nhà cầm quyền mất ăn mất ngủ. Sự tham gia của giới trí thức cũng khiến họ e ngại.

Cái khó xử nhất là họ không biết xử lý vụ biểu tình yêu nước này như thế nào. Mới mạnh tay đàn áp thì những hình ảnh người biểu tình bị vác xốc trên vai, bị khiêng giang hai tay hai chân giữa đường phố, bị đạp thẳng vào mặt… đã lan truyền khắp thế giới. Bị dư luận chỉ trích nặng nề, giới chức công an Hà Nội bèn chọn cách “mặt dày” là chối biến mọi sự.

Mặt khác, để “cứu nguy” một bàn quá xấu hổ cho bộ mặt của ngành công an nói chung và hành vi của tay đại úy đạp vào mặt người biểu tình nói riêng, Trung Tướng Nguyễn Ðức Nhanh, giám đốc công an Hà Nội đã phải tuyên bố “Không có chủ trương trấn áp người biểu tình yêu nước”.

Cách hành xử lúng túng, bất nhất đó có nguyên do từ sự sai trái, tính không chính danh của nhà cầm quyền. Ngược lại, về phía những người biểu tình, đây là một thắng lợi lớn. Sau lời tuyên bố của ông Nhanh, những người yêu nước đã có được một ngày tuần hành êm ả.

Nhưng nhà cầm quyền thì không thể để yên như vậy. Thêm vào đó, “ông bạn vàng” TQ cũng không để yên cho Hà Nội khi những cuộc biểu tình phản đối TQ vẫn cứ tiếp tục diễn ra. Không còn cách nào khác, phải cấm! Thế là cái “Thông báo của UBND thành phố Hà Nội về công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Hà Nội” ngày 18 tháng 8, tức là thông báo cấm người dân tiếp tục biểu tình, ra đời.

Cũng vừa tức thì khi bản thông báo vừa ban ra, thì báo chí VN đưa tin một tàu cá cùng chủ tàu và 4 thuyền viên VN lại bị tàu TQ bắt giữ, đòi hơn 6,000 USD tiền chuộc khi đang ở hoàn toàn trong hải phận VN! Thật là bi hài.

Sau khi bản thông báo được đăng tải trên hàng loạt tờ báo của nhà nước, trên đài quốc gia VTV, đã có rất nhiều phản ứng từ phía công luận. Có lẽ không cần phải nói lại về ý kiến của nhiều người trước cái bản thông báo vi hiến, đầy những luận điệu chụp mũ và đe dọa. Ðồng thời “trái Pháp luật, không có căn cứ pháp luật, không được ban hành theo những thủ tục hành chính thông thường và đặc biệt không có người ký để xác định cá nhân chịu trách nhiệm. Thông báo này không có hiệu lực pháp lý.” (Trích kiến nghị về việc phản đối thông báo trái pháp luật của UBNDTP Hà Nội cấm thực hiện quyền biểu tình theo Hiến pháp đã được 25 trí thức, nhân sĩ và người dân VN ký tên.)

Giáo Sư Ngô Bảo Châu từng nói: “Không thể lấy sự cẩu thả và sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ.” Câu nói đó, một lần nữa, quá đúng với cách thức ban hành bản thông báo này. Một bản thông báo cẩu thả, không có chữ ký, vì sợ nghe dân chửi. Chứng tỏ những người ra cái bản thông báo cũng biết rằng lẽ phải từ lâu không ở về phía họ và cái nhà nước này.

Bản thông báo cũng một lần nữa, cho thấy tính không chính danh đã nói ở trên của nhà nước VN. Không chính danh nên thiếu tự tin, đầy nghi kỵ, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, và luôn luôn đổ thừa. Có một thời bao nhiêu cái đói nghèo, trì trệ, lạc hậu… đều được đổ thừa cho chiến tranh, cho “tàn dư của chế độ Mỹ-Ngụy”. Nay thì mọi yếu kém tồi tệ, mọi sự bất ổn trong xã hội lại được đổ thừa cho các thế lực thù địch đang tìm mọi cách để đánh phá “đảng ta”.

Những cuộc biểu tình yêu nước cũng thế, có sự giật dây của “thế lực thù địch”!

Sự thật rất đơn giản mà nhà cầm quyền cố tình/làm ra vẻ không hiểu: Vì sao người dân phải xuống đường?

Vì họ mất lòng tin vào đường lối ngoại giao của nhà nước này, vì họ bất bình, phẫn nộ trước mối quan hệ bất xứng giữa hai nhà nước Việt Trung.

Bao nhiêu sự việc sờ sờ trước mắt: Nền kinh tế bị lệ thuộc nặng nề vào TQ. Ngư dân bị TQ đánh cướp, đòi tiền chuộc không biết bao nhiêu lần. Người lao động “chui” TQ tràn ngập khắp nơi, lấy mất công ăn việc làm của người lao động VN, trong lúc người VN phải đem thân đi làm thuê xứ người… Nếu những vấn đề này đã được giải quyết rốt ráo, người dân đã không cần phải xuống đường.

Hoặc nếu đảng và nhà nước VN không độc quyền lòng yêu nước, không che giấu những sự việc liên quan đến độc lập chủ quyền, cương quyết hơn trong vấn đề lãnh thổ lãnh hải, người dân đã không phải xuống đường.

Người dân xuống đường phản đối TQ bởi vì đó là cách duy nhất để họ thức tỉnh những người lãnh đạo đang mê muội trong mối quan hệ “đồng chí, anh em, 16 chữ vàng” với những kẻ chỉ muốn thôn tính VN. Và thức tỉnh những người đồng bào đang được ru ngủ bởi sự ổn định chính trị giả tạo và luận điệu “mọi chuyện đã có nhà nước lo”.

Và khi nào tất cả những điều này vẫn tồn tại, thì mọi sự cấm đoán, đàn áp… người biểu tình sẽ chỉ làm cho mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân, giữa nhân dân với nhau thêm chia rẽ, thiếu lòng tin mà thôi.

Song Chi

0 comments:

Powered By Blogger