Về núi Đồng Thơm ta sẽ bắt gặp Nghĩa trang Đồng Nhi (Cách TP. Nha Trang 10 km) ở đó ta sẽ bắt gặp 10.000 ngôi mộ của các hài nhi bị bở rơi. Có cháu chưa đủ hình hài, có cháu đã ra hình người nhưng không được làm người. Ở đây, 10.000 đứa bé bất hạnh này đều cùng chung một người cha, đó là ông Tống Phước Phúc. Bảy năm qua, một tay ông gom góp những hài nhi bị vứt bỏ và đem chôn cất tại nghĩa tràn Đồng Nhi này.
Những cháu bé không tên tuổi, không có cơ hội được cất tiếng khóc chào đời. Một chút sơ sẩy ngoài ý muốn của người mẹ hay một sự cố tình nào đó đã không cho các em được khóc tiếng tròn. Đa số các em ở nghĩa trang Đồng Nhi là do ba mẹ chúng không dám đem về, hoặc có em dị tật, không như bao đứa trẻ mới sinh khác nên bị bỏ lại.
Ông Phúc tích góp những sinh linh nhỏ đem về đây, cho chúng một ngôi nhà và một đóa hoa tự tay ông làm. Ta không biết gì thêm về tên tuổi của chúng, bởi khi sinh ra chúng quá bé, chưa kịp có tên đã về thế giới bên kia.
Ông Phúc khắc tên bia mộ hầu hết theo quê hương cho chúng với hi vọng sau này, những người cha, người mẹ lầm lỡ có thể nhận lại con. Ở đó có cả ngày tháng năm mà cháu bé bị bỏ rơi, những cái tên như Huỳnh Ninh Hòa, Huỳnh Cam Ranh… là nơi mà ông đã nhận thi hài các cháu.
Ông Phúc đã bỏ ra mua miếng đất khô cằn này trên núi Hòn Thơm với giá 10 triệu đồng vào năm 2004 chỉ với một mục đích: Chôn cất những hài nhi xấu số. Có ngày ông nhận chôn gần 30 cháu 1 ngày.
Từ khi lập mộ đến nay, 7 năm thôi nhưng đã có tới 10.000 ngôi mộ – 10.000 đứa trẻ không được làm người. Những con số ấy nói lên một sự thật phũ phàng. Đó là hậu quả của nạn nạo phá thai và sự tàn nhẫn của các bậc làm cha, làm mẹ lầm lỡ.
Khi chuông điện thoại reo từ các bệnh viện, phòng khám… ông Phúc lại thu xếp công việc và vội vã đi đón nhận những đứa trẻ vô thừa nhận, chưa hưởng được ánh sáng cuộc đời kia.
Lúc mới xây dựng nghĩa trang, ông Phúc được xếp vào diện tình nghi của mọi người trong xóm. Ai cũng nghĩ ông có mưu đồ bất chính, kiếm lợi cho bản thân, có người cho là ông bị “tâm thần”, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”… Ông luôn được các cơ quan chức năng “chăm sóc” cẩn thận. Thanh tra phường, xã liên tục mời ông lên để hỏi về công việc ông đang làm, lí do ông làm những việc như vậy? Có những lần ông bị áp lực, buồn tủi tính nghỉ việc, nhưng vì lòng nhân ái cộng thêm lá thư khen tặng của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vào năm 2006 đã giúp ông Phúc thêm vững tin để tiếp tục đóng góp, hi sinh thầm lặng cho những hài nhi vắn số.
Ông Phúc còn lập ra mái ấm Phước Phúc không chỉ để cưu mang những em bé bị bỏ rơi mà ông còn giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn khác. Tất cả những ai mang ý định hủy hoại đi cái bào thai đang gượng sống đều được ông ân cần khuyên nhủ, mang về cưu mang dưới mái ấm của mình.
Ông Phúc có mặt khắp mọi nơi trong TP để có thể tiếp nhận những hài nhi vắn số. Câu chuyện làm ông nhớ nhất là một người mẹ đi nạo phá thai và đã mang túi bọc xác thai nhi của mình để trước cửa nhà ông. Nhân viên thu gom rác đã thu dọn túi đen ấy vào xe rác nhưng linh tính có chuyện không lành, họ báo cho ông biết. Vừa mở bọc ni lông ra, một mùi tử thi khủng khiếp bốc ra khiến tất sững sờ một hồi lâu. Một hình hài thai nhi chưa kịp là một em bé đã bị mẹ vội nạo phá đi.
Ông Phúc lấy hết can đảm và tin tưởng vào sự tín thác của Chúa đã cho thai nhi này một quan tài nhỏ rồi đưa lên nghĩa trang Đồng Nhi.
Nhìn thấy nghĩa trang hài nhi, mọi người sẽ thấy tim mình quặng thắt, những sinh linh tội nghiệp xếp thành hàng dài nằm dưới cái nắng khô cằn của miền Trung. Những sinh linh bé bỏng chưa được làm người và chưa một lần được khóc. Đó là sự lầm lỡ một thời, là sự nhẫn tâm của những người mẹ. Đau đáu một suy nghĩ trong lòng những ai đến đây rằng trên đời liệu còn bao nhiêu người tốt như ông Phúc? Còn bao nhiêu thai nhi nữa sẽ bị bỏ rơi? Có hết chăng nạn nạo phá thai và những người mẹ đành lòng không nhận khúc ruột do mình đẻ ra? Thương lắm những ngôi mộ nhỏ và con người hi sinh thầm lặng cho những sinh linh nhỏ bé.
Tác giả: Trúc Ly – Yume
0 comments:
Post a Comment