Có nên chờ một lãnh tụ Gorbachev tại Việt Nam? Hay là chờ cho tới khi một nhóm lãnh tụ Đảng CSVN bỗng nhiên có tinh thần tự giác xây dựng dân chủ tự do mà không cần áp lực nào của ngưòi dân?
Nghĩa là, chờ một nền dân chủ tự do được ban phát? Thí dụ, một hôm, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng “hốt nhiên đại ngộ,” và tuyên bố rằng Việt Nam sẽ khẩn cấp chuyển sang chế độ dân chủ đa đảng?
Chuyện như thế có vẻ như chỉ có trong mơ, khi chờ đợi một nền tự do được ban phát như thế. Thực tế, chuyển thân mà không bị áp lực thì dường như chỉ xảy ra có một lần trong lịch sử nhân loại, khi vương quyền Bhutan quyết định đổi sang chế độ dân chủ đa đảng năm 2008. Mà đó phần lớn là nhờ nền văn hóa Phật Giáo Kim Cang Thừa (ảnh hưởng Phật Giáo Tây Tạng) với 76% dân số, và cũng do vương triều thành tâm.
Câu hỏi là, tại sao CS Việt Nam và CS Trung Quốc cũng có một vài lãnh tụ cấp tiến, như Võ Văn Kiệt, hay Ôn Gia Bảo, nhưng tại sao lại không chuyển hóa thành dân chủ được? Có phải vì họ cô đơn, bị cô lập giữa một rừng cán bộ hung hiểm? Hay có phải họ chỉ nói lên đôi lời lương tâm, và rồi buông xuôi vì cũng không muốn chế độ thay đổi theo hướng mà họ không tiên liệu hết tương lai?
Bài báo nhan đề “China’s Premier Seeks Reforms and Relevance” (Thủ Tướng TQ Đi Tìm Cải Tổ và Vấn Đề Thực Tế) của một nhóm phóng viên trên tờ New York Times hôm 7-8-2011 cho thấy rằng, một con én, cho dù là cán bộ gộc cỡ Thủ Tướng, vẫn không làm nổi mùa xuân.
Nổi bật nhất là khi Thủ Tướng Ôn Gia Bảo hồi tháng trước, đứng giữa những vòng hoa tang lễ ở Wenzhou, nơi một tai nạn xe lửả cao tốc làm chết 40 người, và cam kết thực hiện cuộc điều tra của chính phủ “công khai và minh bạch. Chìa khóa là người ta có thể tìm ra sự thật hay không.”Tuyệt vời, khi có một lãnh tụ CS tuyên bố sẽ đi tìm sự thật.
Ngay ngày hôm sau, bàn tay kiểm duyệt của chính phủ bưng bít tất cả các thông tin về tham nhũng và sai trái trong ngành đường sắt, và sau đó ra lệnh kiểm duyệt luôn các trang blog bày tỏ phẫn nộ về tai nạn xe lửa cao tốc này.
Rồi mới tuần trước, ngay cả cuộc điều tra của chính phủ lại bị tố cáo là “dàn dựng,” điều hành bởi một ủy ban trong đó có Thứ Trưởng Bộ Đường Sắt và các chuyên gia trung thành tuyệt đối với Đảng CSTQ. Thế là còn điều tra gì nữa.
Nhưng điển hình này cho thấy Thủ Tướng Ôn Gia Bảo, người quyền lực thứ ba tại TQ, đã được nhiều nhà phân tích nhận ra là đã bị cô lập về ý thức hệ bởi ủy ban thường vụ Bộ Chính Trị Đảng CSTQ.
Báo New York Times nhận ra rằng bản thân Thủ Tướng họ Ôn đã kình với ông xếp là Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào. Nhưng trong nội bộ, phe bảo thủ CSTQ nắm quyền vững chắc, những lời kêu gọi cải tổ chính trị của họ Ôn chỉ làm suy yếu chính ảnh hưởng của họ Ôn.
Tình hình này có thể liên tưởng rằng, nếu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi dân chủ đa đảng, ông có thể bị bắt ngay tức khắc, hay là bị chích cho một mũi thuốc để đứng tim chết liền?
Nhưng những người từng ủng hộ vai trò cấp tiến của Thủ Tướng Ôn Gia Bảo cũng mất kiên nhẫn. Mọi chuyện không thấy nhúc nhích gì hết.
He Weifang, một luật gia cấp tiến ở Bắc Kinh, nói, “Khi Ôn Gia Bảo lên nắm chức Thủ Tướng hồi 8 năm trước, người ta có kỳ vọng cao vì các bài diễn văn của ông luôn luôn cho người ta hy vọng. Nhưng bây giờ thì 8 năm rồi. Thời hạn của ông ta sắp kết thúc. Đáng ngờ là ông ta có ý chí vững mạnh muốn cải tổ hay không, bởi vì không có vẻ gì ông ta có hành động mạnh mẽ chống lại phe bảo thủ.”
Thực tế là họ Ôn chưa bao giờ được xem là mạnh mẽ. Một vài học giả về chính trị TQ nói rằng các lời kêu gọi mơ hồ của ông về dân chủ và về quyền lực nhân dân thực ra là phù hợp trong việc củng cố quyền lực tuyệt đối của Đảng CSTQ.
Những học giả khác thì chất vấn về lập trường thật tâm cải tổ của ông, nói rằng họ Ôn không có vẻ gì là nhà cải tổ, mà chỉ là một “công an tốt bụng” trong một hệ thống hầu hết là “công an xấu xa.”
Susan Shirk, chuyên gia lâu năm về TQ tại University of California, San Diego, nói, “hình ảnh của Ôn Gia Bbảo là khuôn mặt nhân đaọ trong chế độ, và ông ta hiệu quả như thế. Một khả thể khác làm Ôn Gia Bảo có 2 khuôn mặt. Ông bênh vực sự minh bạch trong các lời tuyên bố công khai, nhưng chỉ khi nào không đe dọa tới quyền lực của đảng.”
Một hình ảnh minh họa cụ thể ở cách xử lý sau tai nạn đường sắt cao tốc ở Wenzhou. Một phân tích gia chính trị gần với các quan chức cao cấp, nói rằng Ôn Gia Bảo không dự tính tới thăm nơi xảy ra tai nạn. Một Phó Thủ Tướng về an toàn lao động tên là Zhang Dejiang giữ nhiệm vụ này.
Thế nhưng khi Zhang tới chỉ huy, thì xe ủi lô được đưa tới cán bẹp, vùi chôn một toa xe lửa đã bị đụng nát nơi hiện trường, có vẻ như muốn xóa sổ các chứng cớ có thể bị điều tra — thế là các bloggers phóng lên lời phẫn nộ, tố cáo chính phủ bưng bít.
Thế là, Thủ Tướng Ôn Gia Bảo, lúc đó đang nằm viện trong Bệnh viện Quân Đội và đang hạn chế xuất hiện, liền được đưa tới để trấn an dư luận.
Ông Ôn lúc đó cũng nói rằng ông đang bệnh (một tiết lộ hiếm gặp) và rồi tuyên bố là cần phải điều tra cho ra sự thật, để đòi hỏi công lý, “minh bạch từng bước một” để công chúng hiểu rõ, thấy rõ.
Truyền thông nhà nước lúc đó xem lời Ôn Gia Bảo như mệnh lệnh, bèn viết bài đàò sâu về tình trạng bê bối ở Bộ Đường Sát. Nhưng chỉ một ngày hôm sau, là mọi chuyện lại bưng bít hoàn toàn.
Tình hình tai nạn xe lưả tháng trước cũng y hệt như khi Ôn Gia Bảo đứng trước gạch vụn cuộc động đất ở tỉnh Sichuan năm 2008, và hứa điều tra minh bạch vụ sụp đổ nhiều ngôi trường xây quá sập xệ để làm chết nhiều ngàn trẻ em. Báo TQ nói lúc đó có 2,500 điều tra viên được cử tới điều tra các công ty xây cất trường học ở đó. Kết quả: không có gì sai trái cả. Và cùng lúc, nhiều nhà hoạt động đòi hỏi điều tra ở Sichuan bị tống giam vào tù.
Còn nhớ hồi tháng 8 năm ngoái ở Thẩm Quyến, Thủ Tướng Ôn Gia Bảo cũng tuyên bố, “Nếu không cải tổ chính trị, TQ có thể mất những thành quả đạt được xuyên qua cải tổ kinh tế.”
Rồi tháng 10-2010, họ Ôn nóí với CNN rằng “ước muốn và nhu cầu của dân TQ về dân chủ và tựï do là ‘không thể kháng cự’ được,” và rằng dân TQ nên được phép chỉ trích chính phủ tự do hơn. Báo chí TQ im lặng, không đăng một dòng nào.
Nhưng một thời gian ngắn sau đó, Nhân Dân Nhật Báo đăng loạt bài bình luận 5 bài liền, ca ngợi Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào có tài lãnh đạo chiến lược.
Một câu nói được báo chí Tây Phương ghi nhận vang dội từ loạt bài viết đó, “Kháí niệm rằng cải tổ chính trị đang nghiêm túc trì trệ” thì không chỉ “trái với quy luật khách quan, nhưng cũng không phù hợp với sự kiện khách quan.”
Nghĩa là, không nên chờ dân chủ tự do từ các lãnh tụ?
Hình như là thế, vì cơ cấu đã bị lỗi hệ thống rồi, thì làm sao mà bỗng nhiên có “từ bi bất ngờ”
0 comments:
Post a Comment