Than ôi! Thời thế nhiễu nhương, “mặt trơ trán bóng” thế mà hay, mà có lợi bản thân “cán bộ ta” vô cùng. Thường dân ai có uất ức, phẫn nộ thì mờ đọc bài Chó Đá của nhà thơ Phạm Xuân Trường để giải khuây…
Tiếu lâm dân gian Việt Nam có chuyện anh chàng lười làm nhưng khoái đi ăn chực, đám ma, đám giỗ, đám cưới, đám thôi nôi, đám đầy tháng…. nào cũng có mặt anh ta đến, ăn no kễnh bụng rồi về. Riết rồi làng trên xóm dưới nhẵn mặt anh ta, không ai mời đi ăn đám tiệc nữa. Anh ta bèn giở chiêu lạng qua lạng lại trước bàn tiệc rồi nói lớn: “Ai kêu tui đó, có tui đây” rồi xông vô cầm đũa cầm chén liền. “Thưa bà con cô bác, có người kêu tui nhưng tui không biết là ai. Giờ tui đến trễ, xin tự phạt 3 ly”. “Mần” 3 ly xong, “cháp” một chập, anh ta tiếp tục: “Tui xin kính bà con mỗi người 1 ly”, vậy là có lý do để uống nữa. Uống rượu xong lại ăn như bão tố, chừng đã no say, anh ta đứng dậy: “Tui xin phép về trước. Tạ lỗi bà con 3 ly”, rồi anh ta tếch thẳng, để thực khách ngồi nhìn cái bàn tiệc, rồi nhìn nhau chưng hửng khi trên bàn rượu thịt sạch sành sanh.
Loại người không giữ danh dự, trơ trẽn không biết liêm sĩ, xấu hổ là gì, thành ngữ dân gian Việt Nam có câu “Mặt trơ trán bóng”, đồng nghĩa với câu này còn có các câu “Kẻ cắp già mồm”, “Trơ như mặt thớt”, “Gái đĩ già mồm”, “Vừa ăn cướp vừa la làng”, “Ăn cứt không biết thối”, “Bắt chuột không hay lại hay ỉa bếp”, “Nhổ nước miếng xuống đất rồi liếm lên”…
Anh chàng trong truyện dù sao cũng chỉ trơ mặt để kiếm miếng ăn ngon, chớ chưa làm phương hại đến ai trong làng. Dù sao đây cũng là chuyện tiếu lâm kể đề cười chơi, để răn đe giáo dục con cháu trong nhà phải biết trọng danh dự, giữ nhân cách đàng hoàng “lành cho sạch, rách cho thơm”, chớ thực tế ngoài đời chưa thấy ai chỉ đích danh được “thằng dân nào” mà trơ đến mức như vậy.
Tuy nhiên, trong thời buổi thông tin toàn cầu, thông tin xuất hiện chỉ cần 1 phút sau người khác đã kiểm chứng được tính chính xác của nguồn tin rồi nên người dân phát hiện kẻ bị “bệnh” “mặt trơ trán bóng” hơi bị nhiều. Ác thay, kẻ bị chỉ đích danh “bệnh” lại là “cán bộ ta” chớ không phải dân ta, hay là có một “âm mưu thâm độc” của “các thế lực thù địch” chúng dùng bạo lực uy hiếp, lừa dối, lợi dụng “cán bộ ta” chăng?
“Bệnh nhân” thì nhiều, nhưng tôi chỉ xin đơn cử mấy “ca” mới nhất gần đây thôi, mà thuộc loại “tầm cỡ” được xuất phát từ những cán bộ “tầm cỡ”, chớ loại “ăn tục nói phét” hàng trận tổ bảo vệ dân phố, Cảnh sát khu vực hay An ninh thành phố HCM thì có mà “xe chở đấu đong” đến hàng đàn.
“Ca” thứ 1 là Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh- Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II – Bộ Công an, Giám đốc Công an Hà Nội “mặt trơ trán bóng” tuyên bố: “Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội kết luận không có căn cứ xác định anh Nguyễn Chí Đức bị lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự đánh, đạp”. Có video, hình ảnh chụp được, ghi âm được, trước mặt hàng trăm nhân chứng (người cùng biểu tình) mà kết luận như thế được quả là đệ nhất trơ. Nhà báo Hồ Bất Khuất phẫn nộ: “Báo chí trích lời ông Nhanh nói rằng không thể căn cứ vào clip để kết luận là Đại úy Minh đạp anh Đức. Nhưng cũng chỉ căn cứ vào clip, cô gái tát cảnh sát giao thông ở TP. HCM đã bị truy tố. Vậy khác nhau ở chỗ nào? Đó là chưa kể cái cách mà công an dẫn ra là anh Đức không bị chấn thương nên không thể nói anh bị đánh”. Công an đinh ninh rằng nạn nhân đã chịu “không làm lớn chuyện” thì yên chí “phe ta” muốn nói “bẻ qua bẻ lại” thế nào tha hồ nói, không ngờ nạn nhân Nguyễn Chí Đức phản ứng lên RFA phản ứng lại dữ dội khi thấy “báo ta” đăng bài hàm ý anh Đức là kẻ dối trá, vu cáo.
Chuyện thứ 2 là vụ ông Tân Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia xài bằng Tiến sĩ giả. Quyết định bổ nhiệm do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký chưa ráo mực thì hai bọn “lề trái” lẫn “lề phải” đồng phanh phui quá khứ học hành không lấy gì làm minh bạch của ông Tân Chủ tịch. Trong khi báo Người Việt khẳng định ở Mỹ chỉ có một đại học Công Giáo ở thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania, tên là La Salle University, địa chỉ 1900 W. Olney Ave., Philadelphia, PA. 19141. “Trường này có một chương trình tiến sỹ về tâm lý (APA Accredited Psychology Doctor Program in Clinical Psychology), và tiến sỹ điều dưỡng (Doctor of Nursing Pratice).”, “Ðại Học La Salle không có chương trình tiến sỹ kinh tế hay tài chính” thì ông Vũ Viết Ngoạn trơ tráo lên báo Tuổi Trẻ “thanh minh thanh nga” rằng “Tôi học không vì thăng chức, thăng lương”. Cũng cần lưu ý thêm chi tiết có một trường đại học mang tên “La Salle univeristy” ở thành phố Mandeville tiểu bang Louisiana “là một trường bán bằng cấp dỏm, tiếng Mỹ gọi là “Diploma Mill” (xưởng sản xuất bằng cấp)”.
Chuyện thứ 3 là ngày 04/8/2011, “Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường đã phát hiện nhà máy xử lý nước thải của KCN Long Thành (Đồng Nai) xả hơn 9.000 m³ nước thải đen đặc, bốc mùi nồng nặc ra rạch nối sông Đồng Nai”. Ngay sau khi bị bắt quả tang, lãnh đạo công ty Sonadezi đã ký vào biên bản vi phạm hành chính của C49. Đại tá Phan Hữu Vinh, Phó Cục trưởng C49 nhận định “thủ đoạn xả thải của nhà máy này rất tinh vi, cống ngầm âm sâu khoảng 2-3 m dưới đất”. Ngày 05/8/2011, bà Đỗ Thị Thu Hằng – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Sonadezi, đại biểu Quốc hội khóa XIII, vẫn trơ tráo nói với báo chí: “Bảo đảm là Sonadezi không có gì gian dối (?!)”,”Đến giờ này tôi vẫn chưa có thông tin nên không trả lời được”. Nhà máy xử lý chất thải này của công ty Sonadezi trực thuộc Tổng công ty Sonadezi – là doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND tỉnh Đồng Nai. Nói như bà Hằng thì ông Phan Hữu Vinh đặt điều vu cáo, dùng quyền lực ức hiếp một doanh nghiệp nhà nước cỡ bự như công ty Sonadezi à?
Người ta còn nhớ bà Hằng oang oang hô hào bảo vệ môi trường khi ứng cử đại biểu Quốc hội, khi nghe nhắc lại lời hứa và sự việc Sonadezi bị bắt quả tang xả thải bẩn, bà Hằng vẫn khẳng định: “Đương nhiên, đấy là quan điểm của Sonadezi từ đầu đến đuôi”. (NLĐ ngày 06/08/2011). Điều cần nhấn mạnh là bà Hằng vừa mới “quyết tâm” làm đại diện nhân dân xong, nhưng không thấy bà bảo vệ nhân dân mà bảo vệ doanh nghiệp gây hại cho nhân dân và đất nước. Cũng chưa thấy lãnh đạo cấp trên của bà Hằng “ý kiến ý cò” gì, có lẽ đồng tình với bà Hằng chăng?
Chuyện thứ 4, có thể được liệt vào loại khôi hài “ngoại hạng”. Theo lời ĐBQH Dương Trung Quốc, “Một vị phó thủ tướng thường trực trình bày bản báo cáo của Chính phủ ở đầu kỳ họp trở thành chủ tịch Quốc hội chủ trì giám sát ngay chính bản báo cáo của mình”, tức ông Nguyễn Sinh Hùng.
Than ôi! Thời thế nhiễu nhương, “mặt trơ trán bóng” thế mà hay, mà có lợi bản thân “cán bộ ta” vô cùng. Thường dân ai có uất ức, phẫn nộ thì mời đọc bài Chó Đá của nhà thơ Phạm Xuân Trường để giải khuây:
I
Đầu làng thì thụp khói hương
Mặt trơ trán bóng gió sương dãi dầu
Chẳng hề được một tiếng gâu
Thản nhiên tọa hưởng cau trầu thế gian
II
Trăm năm bia đá thì mòn
Nghìn năm chó đá mặt còn trơ trơ
Bao giờ cho đến bao giờ
Ô hay phận chó mà thờ cũng thiêng.
Tạ Phong Tần - Source : http://taphongtan.wordpress.com/2011/08/19/4087/
0 comments:
Post a Comment