Friday, August 19, 2011

20 năm trước, Liên Xô tan rã

Người Nga vẫn còn mơ hồ về sự kiện diễn ra cách đây 20 năm (AFP)

Người Nga vẫn còn mơ hồ về sự kiện diễn ra cách đây 20 năm (AFP)

Hôm nay nhiều báo Pháp nhắc lại một sự kiện « Liên bang Xô Viết tan rã » cách đây vừa đúng 20 năm. Ngày 19/8/1991, trên đường phố của Matxcơva bất ngờ xuất hiện xe tăng, xe thiết giáp và quân đội đổ về trung tâm thủ đô. Mục tiêu của họ : chấm dứt sự tan rã của Liên Bang Xô Viết.

Theo Le Figaro, vụ đảo chính cách đây 20 năm vẫn tồn tại trong ký ức người Nga một tâm trạng mơ hồ, khó hiểu. Chỉ một số rất ít (khoảng 8% số người được hỏi) cho rằng cuộc đảo chính năm đó là « một chiến thắng của dân chủ ».

Nhưng phần đông vẫn nghĩ rằng « đó là những sự kiện bi kịch để lại những hậu quả thảm khốc ». Còn tệ hơn nữa, « nó còn thúc đẩy nhanh hơn sự tan rã và đặt dấu chấm hết cho sự hiện diện của Liên Bang Xô Viết ».

Đa phần những người tham gia đảo chính năm đó đều nhìn nhận rằng cú đảo chính thất bại do không được chuẩn bị kỹ càng, và đã đánh giá thấp sự trỗi dậy dân chủ trong dân chúng mong muốn tránh một cuộc đổ máu. Thế nhưng, sau hai mươi năm, họ vẫn cho rằng chính Mỹ là kẻ đã gây ra sự tan vỡ của Liên Bang Xô Viết.

Còn nhật báo Công giáo La Croix nhận định rằng người Nga hay chính bản thân ông Mikhail Gorbachov vẫn lấy làm luyến tiếc cho chế độ Xô Viết.. Một sự luyến tiếc mà người phương Tây lấy làm khó hiểu. Dĩ nhiên, là « họ không khóc cho sự độc tài của giai cấp vô sản, nhưng họ thấy tiếc cho một hình thái kinh tế và xã hội ổn định ».

Ngoài ra, La Croix cũng quan tâm đến số phận những người tham gia đảo chính cách đây 20 năm. Theo bài báo, « những người tham gia đảo chính Nga năm 1991 đều có sự rút lui an toàn ». Theo La Croix, hầu hết những người làm đảo chính sau khi bị xử án tù về tội phản bội, đều được cựu Tổng thống Nga Boris Eltsine ân xá vào năm 1994.

Ngoài việc ông cựu Bộ trưởng Nội vụ tự tử ngay sau khi đảo chính thất bại, những người khác sau khi được ân xá đều tiếp tục sự nghiệp của mình. Họ vẫn nắm giữ những vị trí quan trọng trong các lãnh vực kinh tế hay chính trị. Và họ cũng không bao giờ hợp lại thành một nhóm thống nhất và có tầm ảnh hưởng. Có thể nói, họ đã có được một sự rút lui yên tĩnh.

Hoa Kỳ ra sức trấn an Trung Quốc

Liên quan đến quan hệ Mỹ – Trung, nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến chuyến thăm Trung Quốc 5 ngày của phó Tổng thống Mỹ. Dĩ nhiên là ông Joe Biden đến Bắc Kinh lần này không ngoài mục đích duy nhất là lấy lại niềm tin của Trung Quốc, chủ nợ số một của Hoa Kỳ, sau vụ việc Standard and Poor’s hạ điểm tín nhiệm của Mỹ từ AAA xuống còn AA+.

Theo Les Echos, vấn đề nợ công tại Mỹ vẫn là chủ đề chính trong các buổi trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo. Trung Quốc không thể nào không lo khi họ đang nắm giữ gần 1.200 tỷ đô-la công trái phiếu, chiếm khoảng 1/3 trong dự trữ ngoại tệ. Tuy rằng, số nợ này chỉ chiếm có 12% trong tổng nợ của Mỹ.

Thế nhưng, Les Echos cho rằng việc này có lẽ khiến Trung Quốc lệ thuộc nhiều vào Mỹ hơn là trong trường hợp ngược lại, như ngạn ngữ có câu : « Nếu anh nợ ai một ngàn đô la, thì anh đang gặp khó khăn ; nhưng nếu anh nợ ai một triệu đô la, thì chính người đó mới phải lo lắng ». Vấn đề ở đây không chỉ riêng phần Mỹ phải gánh trách nhiệm như lời «dạy bảo » của Trung Quốc, mà « các ông cũng có phần trong công việc nội bộ của chúng tôi » theo như lời đáp trả của ông Joe Biden với người đồng nhiệm của mình.

Về phần Trung Quốc, ông Tập Cận Bình ngoài việc lặp lại những lời chỉ trích được đưa ra hồi đầu tháng 8 này, ông này cũng chỉ có tuyên bố « Trung Quốc và Mỹ vẫn còn có nhiều quyền lợi chung theo nghĩa rộng… ». Trước những lời than phiền của phía Mỹ về việc Trung Quốc vẫn định giá thấp đồng nhân dân tệ, ông Tập Cận Bình đã tự kềm chế khi nhấn mạnh rằng Trung Quốc dự định sẽ phát triển thị trường nội địa của mình. Ông cũng lưu ý Washington không nên can thiệp vào Đài Loan và Tây Tạng.

Ngoài những vấn đề nêu trên, thì mục đích chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Joe Biden cũng nhằm mục đích làm quen với ông Tập Cận Bình, được xem là người kế vị ông Hồ Cẩm Đào vào năm 2013. Les Echos nhận xét rằng ông Joe Biden tỏ ra « rất hài lòng » về mối quan hệ mới này khi ông nhẹ nhàng lịch sự đẩy nhẹ món « gan heo ngâm giấm chiên giòn » được phục vụ trong bữa tối.

Ấn Độ, trung tâm xử lý máy vi tính cũ của thế giới

Theo ước tính, mỗi năm có gần 400.000 tấn chất thải điện tử được tái xử lý ở Ấn Độ. Bài viết « Các loại máy vi tính trên thế giới được khai tử tại New Delhi » trên nhật báo Công giáo La Croix, cho biết tuy đây là một lãnh vực mang lại lợi nhuận nhưng cũng rất độc hại cho sức khỏe và môi trường.

Chỉ riêng trong khu phố nhỏ Seelampur, ở phía Đông Nam thủ đô New Delhi đã có 400 gian hàng chuyên tái chế các loại chất thải điện tử. Tất cả những gì có thể bán được, từ kim loại, cho đến nhựa hay thủy tinh, đều được nhặt lại. Với giá thu mua khoảng vài trăm rupi cho 1 kg, những nguyên liệu tái chế này lại sẽ cung cấp cho những ngành công nghiệp khác nhau ở xung quanh thủ đô.

La Croix cho biết, một gian hàng với 60 công nhân có thể tháo gỡ từ 200-300 máy vi tính mỗi ngày. Những chiếc máy cũ kỹ này đến từ các thành phố lớn của Ấn Độ. Còn lại là chủ yếu được nhập khẩu từ Mỹ và Châu Âu thông qua hệ thống các nhà buôn trung gian.

Các Tổ chức phi chính phủ tố cáo các tập đoàn sản xuất lớn đã không làm tròn trách nhiệm của mình. Theo họ, những tập đoàn này đã vi phạm Công ước Bâle do 173 nước đồng ký kết, cấm các nước phát triển xuất khẩu các chất thải độc hại sang các nước đang phát triển. Để né tránh luật lệ, « những chiếc máy vi tính này được gửi đến dưới danh nghĩa trợ giúp nhân đạo và nhằm giúp đỡ các trường học hay các tổ chức phi chính phủ ».

La Croix trích một nhận định của Ruhi Kandhari trên Down to Earth, một tạp chí môi trường, thì « gần 50% chất thải điện tử trên thế giới được xử lý tại Ấn Độ ».

Mặt khác, điều kiện làm việc của công nhân trong lãnh vực này thật là ngặt nghèo. Không những lương rất thấp (dưới 200 rupi mỗi ngày – tương đương với khoảng 3€), những ông nhân trẻ tuổi phải tiếp xúc hàng ngày với những kim loại nặng như chì hay thủy ngân.

Do phải tiếp xúc thường xuyên hay hấp thu nhiều chất độc hại, nên tỷ lệ bị mắc các chứng bệnh hiểm nghèo như ung thư, rối loạn tăng trưởng hay sinh sản là rất cao. Đó là chưa nói đến các loại hóa chất này thấm sâu vào trong đất, nước hay trong không khí, không những gây ra ô nhiễm môi trường mà còn có thể lây nhiễm bệnh cho nhiều người khác.

0 comments:

Powered By Blogger