Từ Paris, ngày 2 tháng 9, ba vị Chủ tịch của 3 Tổ chức Nhân quyền Quốc tế: ÔngDimitris Christopoulos, Chủ tịch Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH), ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, và bà Françoise Dumont, Chủ tịch Hội Nhân quyền Pháp, đã ký thư chung gửi đến Tổng Thống Pháp François Hollande, yêu cầu Tổng thống can thiệp cho nhân quyền và tôn giáo tại Việt Nam trong chuyến viếng thăm Việt Nam từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 9 này.
Sau đây là bản dịch Việt ngữ thư gửi Tổng thống Pháp.
THƯ GỬI TỔNG THỐNG PHÁP FRANÇOIS HOLLANDE
Ông François Hollande
Tổng Thống Cộng hoà Pháp quốc
Điện Élysée
55 Faubourg Saint-Honoré
75008 Paris, Pháp
Paris, ngày 2 tháng 9 năm 2016
Thưa Tổng Thống,
Nhân chuyến Tổng Thống viếng thăm Việt Nam từ ngày 5 đến 7 tháng 9, Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và hai thành viên của tổ chức chúng tôi, Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, và Hội Nhân quyền Pháp, muốn được trình bày một số quan ngại của chúng tôi trước những vi phạm nhân quyền đang tiếp diễn trên đất nước này.
Nhà cầm quyền mới được Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ XII công cử hồi tháng giêng 2016, đã tăng cường các cuộc đàn áp đối với những ai phê phán chính quyền và những thành viên xã hội dân sự. Các nhà hoạt động đấu tranh cũng như những nhà bảo vệ nhân quyền là đích nhắm thường xuyên nhận chịu những cuộc bạo hành, theo dõi, ngăn cấm tự do đi lại, bắt bớ, giam giữ tuỳ tiện.
Trong số những trường hợp điển hình cho khuynh hướng đàn áp này, hồi tháng 8, nhà cầm quyền gia hạn thời hạn tạm giam, tổng cộng lên 12 tháng, cho luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài. Năm ngoái, luật sư Đài bị bắt giam tuỳ tiện một ngày trước cuộc Đối thoại Nhân quyền với Liên Âu, vì lý do ông mở khoá dạy về nhân quyền. Mặt khác, các toà án tiếp tục tuyên án tù giam nặng nề cho các nhà tranh đấu và các nhà bảo vệ nhân quyền chỉ vì họ hành xử quyền tự do ngôn luận, như trường hợp nhà bloggeur nổi tiếng Nguyễn Hữu Vinh, còn được biết qua biệt hiệu Anh Ba Sàm, bị kết án 5 năm tù giam hồi tháng 3 đầu năm nay.
Trong bốn tháng vừa qua, nhà cầm quyền đàn áp dữ dội làn sóng biểu tình ôn hoà trên toàn quốc chống thảm trạng môi sinh chưa từng có, gây cảnh cá chết hàng loạt, và ảnh hưởng trầm trọng tới sinh kế của nhân dân tại các tỉnh Miền Trung. Trong nhiều trường hợp, công an đã hành hung võ đoán và bắt bớ hàng chục người biểu tình.
Hậu quả cuộc đàn áp đang diễn hành chống lại những ai phê phán chính quyền, làm cho Việt Nam nổi bật một cách đáng buồn, là quốc gia có nhiều tù nhân chính trị hơn hết tại Đông Nam Á. Khoảng 130 nhà bất đồng chính kiến đang nằm sau chấn song nhà tù.
Một trường hợp tượng trưng là Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (giáo hội bị ngăn cấm hoạt động từ năm 1981), hiện bị quản thúc tại thành phố Hồ Chi Minh. Ngài Thích Quảng Độ, người được đề cử ứng viên Giải Nobel Hoà bình năm 2016, bị giam giữ tuỳ tiện qua nhiều hình thức tù đày hơn 30 năm qua.
Chúng tôi xin Tổng Thống tạo áp lực lên giới lãnh đạo Việt Nam để họ ra lệnh trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho tất cả các tù nhân chính trị, và chấm dứt mọi hình thức sách nhiễu đối với các nhà hoạt động đấu tranh và các nhà bảo vệ nhân quyền.
Nền pháp lý hiện hữu tại Việt Nam phạm-tội-hoá mọi hành xử quyền tự do ngôn luận và tư tưởng, quyền tự do hội họp ôn hoà và quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng. Mối lo lắng đặc biệt của chúng tôi, là những điều luật trong Bộ Luật Hình sự về “an ninh quốc gia” được suy diễn quá bao quát, mơ hồ, giúp cho nhà cầm quyền những phương tiện hợp pháp che đậy cuộc đàn áp không ngừng chống giới bất đồng chính kiến. Một số các điều luật này không phân biệt những hành vi khủng bố với những bất đồng chính kiến ôn hoà, dẫn tới án tử hình, hoàn toàn trái chống với các nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam chiếu theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của LHQ.
Bộ Luật Hình sự sửa đổi mới đây, thông qua hồi tháng 11 năm 2015, bãi bỏ án tự hình cho bảy tội phạm. Tuy nhiên, vẫn còn 18 tội phạm bị án tử hình. Chúng tôi xin Tổng Thống kêu gọi giới lãnh đạo Việt Nam khẩn cấp cam kết huỷ bỏ án tử hình tại Việt Nam và cải giảm án tử hình thành án tù giam.
Một điểm quan tâm khác là Dự án Luật tôn giáo hay tín ngưỡng sắp được thông qua ngày gần đây. Nếu được thông qua như văn bản hiện nay (theo Dự thảo luật ngày 8 tháng 8 năm 2016), Luật tôn giáo sẽ là sự thoái bộ trầm trọng cho tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, và sẽ vi phạm các nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam chiếu theo điều 18 trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự vả chính trị của LHQ. Luật tôn giáo này pháp-lý-hoá sự xâm phạm quốc gia vào đời sống tôn giáo khi bắt các nhóm tôn giáo phải phục tùng cơ chế đăng ký hà khắc. Chế độ đăng ký gia tăng gay gắt những hạn chế đối với các tín đồ tôn giáo “không được thừa nhận”, vốn đã phải chịu đựng muôn vàn sách nhiễu, bắt bớ và giam giữ tuỳ tiện.
Chúng tôi trông mong Tổng Thống nêu bật các vấn nạn này trong các cuộc trao đổi, với Chủ tịch Nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để yêu sách chính quyền Việt Nam tôn trọng, thăng tiến, và hoàn tất các nghĩa vụ quốc tế của họ cũng như đáp ứng những khuyến cáo cất lên từ các cơ cấu bảo vệ nhân quyền của LHQ.
Chúng tôi hy vọng rằng, Tổng Thống hậu thuẫn các xã hội dân sự độc lập thông qua thông điệp mà Tổng Thống sẽ trao gửi tại Đại học Quốc gia Việt Nam ở Hà Nội. Vào lúc mà ngày càng đông đảo người Việt, đặc biệt giới trẻ Việt Nam, càng lúc càng yêu sách những cải cách dân chủ, tôn trọng nhân quyền, và đòi hỏi một Nhà nước Pháp quyền. Thật là điều quan trọng để chứng minh nước Pháp chung vai kết cánh với họ.
“Tự do - Bình đẳng - Huynh đệ” không là những khái niệm lỗi thời. Các từ ngữ này là hoạt kính (vecteur) cơ bản mà nước Pháp gắn bó. Nước Pháp phải thăng tiến các giá trị này ngay nơi xứ sở đang hiện hành những xiềng xích nặng nề không cho thụ hưởng chính đáng các quyền dân sự và chính trị.
Chúng tôi xin cảm ơn sự quan tâm của Tổng Thống và xin Tổng Thống nhận nơi đây lòng kính trọng của chúng tôi.
Dimitris Christopoulos
Chủ tịch Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền
Võ Văn Ái
Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam
Françoise Dumont
Chủ tịch Hội Nhân quyền Pháp
*
(Cơ sở Quê Mẹ dịch từ bản Pháp văn)
Bạn đọc có thể vào Trang nhà Quê Mẹ đọc trên Trang nhà Quê Mẹ:
bản tiếng Pháp:
và tiếng Anh
0 comments:
Post a Comment