Sunday, January 5, 2014

Sân Sau

Nhiều bài viết về người tỵ nạn VN ở Kampuchia và Thái Lan đã được ghi lại. Từ đó, có câu hỏi được đặt ra là tại sao một số lượng nhiều như vậy đã được thực hiện. Câu trả lời là vì đó là sân sau của diễn tiến những sự việc có tính chính trị đã xảy ra …và tiếp tục sẽ xảy ra.
Nhiều năm trước năm 75, xứ chùa Tháp, với chính phủ Sihanouk, được xem là nơi trung lập. Điều đó có nghĩa là, chính phủ này không nghiêng về phía các chính phủ Tây phương và cũng không về phía các quốc gia theo chế độ CS. Nhưng trên thực tế, chính quyền Sihanouk đã có những biểu hiện dung dưỡng, nếu không nói là hậu cứ của Mặt trận quốc gia giải phóng miền Nam (MTQGGPVN) – một tổ chức bù nhìn của CS Bắc Việt. Do đó một chiến dịch đã được thực hiện trước đây. Chiến dịch Campuchia (còn gọi là Cuộc xâm nhập Campuchia) là tên kế hoạch vượt biên giới Campuchia vào năm 1970 của quân đội Hoa Kỳ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa theo yêu cầu của Thủ tướng Campuchia Lon Nol nhằm truy quét các lực lượng của Trung ương Cục miền Nam nằm trong lãnh thổ Campuchia trong Chiến tranh Việt Nam (1)
Ngược lại, sau khi cưỡng chiếm toàn bộ miền Nam năm 1975, chính phủ CS đã có chiến dịch phản công biên giới Tây-Nam Việt Nam vào năm 1979. Chiến dịch phản công biên giới Tây-Nam là một loạt các chiến dịch quân sự do Việt Nam tiến hành nhằm trả đũa các hoạt động quân sự của quân Khmer Đỏ tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, giết chóc người dân và đốt phá làng mạc Việt Nam trong những năm 1975-1978 (2)
Nhờ sự giúp đỡ của Trung Quốc, Mỹ và Thái Lan, Khmer đỏ phục hồi lực lượng vào cuối năm 1980 và tái xâm nhập Kampuchia từ biên giới Thái Lan. Năm 1989, chính quyền của Cộng Hòa nhân dân Kumpuchia được thành lập nên quân đội CS Việt Nam rút về nước. Từ năm 1989 trở về sau, chính phủ thân VN của Kampuchia đã hợp tác trở lại; nói đúng hơn, chính quyền đó chịu một ảnh hưởng rất mạnh của chính quyền CSVN.
Từ năm 1990 trở đi, một số đông người Việt bắt đầu qua sinh sống tại xứ chùa Tháp. Họ, hoặc có bà con còn sinh sống bên đó, hoặc do hoàn cảnh cuộc sống, phải tha phương cầu thực. Cùng với những thành phần trên, có một số vì thuộc thành phần đối kháng với chính phủ CS, đã trốn lánh sang đất nước này.
Ngoài số liệt kê như trên, một số tổ chức chống đối chính quyền CSVN, cũng tìm cách gây cơ sở ở đất nước này. Nổi bật nhất, có tổ chức của hai đảng, có tên gọi: Đảng nhân dân hành động và Đảng Vì Dân. Một tổ chức khác có tên “Trà đàm Dân chủ”, nhưng chúng ta không rõ thực lực và cũng không rõ những bài viết được đưa lên trang mạng với cùng tên đó, có phải cùng một đơn vị hay không. Hội thánh Tin Lành Mennonite, Hội Ái hữu Khmer Krom là hai đơn vị có tính tôn giáo và ái hữu…nhưng không loại trừ vai trò hỗ trợ cho các hoạt động dân chủ, dân quyền của cả sắc dân Kampuchia và Việt Nam.
Các tổ chức trên không được nhà cầm quyền CSVN nhìn nhận với con mắt thiện cảm …( Với họ, chỉ có đảng CS duy nhất cầm quyền) và dĩ nhiên bị họ cùng với tổ chức tình báo của Kampuchia truy lùng việc bắt giữ (Bắt luôn tổ chức do họ ngụy tạo, để rồi dùng tiếp tục dùng những người bị bắt của họ làm “con mồi” cho những lần giăng bẫy khác). Không biết phải vì lý do đó nên những người tỵ nạn CS bên Kampuchia gọi đảng “Vì dân” là đảng “Giết dân” (?) …và cho rằng việc bắt giữ 87 người của đảng “Nhân dân hành động” là do CS đã gài được người vào tổ chức nói trên. Tin đồn lại còn đi quá hơn thế, khi cho rằng, những thủ lãnh của tổ chức nói trên là người của đảng CS. Tuy nhiên, vụ Nguyễn Công Bằng (Tổng thư ký Đảng Vì Dân) bị VC mưu sát gần đây tại Siêm Riệp có phần đánh tan luận điệu nói trên.
Dù sao, thời gian rồi, cuộc chiến giữa những đơn vị tình báo Việt Cộng với những người, những tổ chức phản kháng đã nghiêng phần thắng lợi về phía bọn tình báo. Những người thuộc những tổ chức phản kháng nói trên, đã phải tìm cách trốn chạy sang Thái Lan.
Nhưng nói chung, Kampuchia phải được coi là “sân sau” của những tổ chức chống đối chính quyền CS, dù tổ chức đó tự phát tại VN, hay do sự tài trợ của những người Việt ở hải ngoại. Nhận định này, không phải của riêng người Việt hải ngoại mà cũng là của nhà cầm quyền CS hiện nay tại VN.
Không có cuộc tranh đấu nào của người dân được gọi là cuộc tranh đấu tự phát hoàn toàn. Và, giả sử, nếu có một sự thật như thế xảy ra, việc tiếp thu sự quản lý một chính quyền mới sẽ không thể nào xảy ra một cách tốt đẹp. Do đó, những thành viên của những tổ chức phản kháng cần phải có “sân chơi” để thao dợt những kỹ năng cần thiết!… Tạm thời, sân chơi đó chưa thành lập được trong nước nên Kampuchia phải là sân sau.
May thay, một số tin tức gần đây, xảy ra tại Kampuchia, củng cố cho những dự tính trên.
Trước hết là tin xấu. Nguồn tin cho biết, Nhân chuyến thăm của Thủ tướng Hun Sen sang Hà Nội, từ 26.12 – 28.12.13, Việt Nam ký hiệp định dẫn độ với Campuchia nhằm tăng cường ‘chống tội phạm xuyên quốc gia’.
Tin hay, cho biết, ngày 20.12.13, một cuộc biểu tình đã xảy ra tại Kampuchia. Ngày 22.12, cuộc biểu tình lên đến hàng chục ngàn người. Hai cuộc biểu tình đó nằm trong hàng loạt cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử mà Đảng Cứu quốc (CNRP) của ông Sam Rainsy cho là gian lận. Đảng của Sam Rainsy là đảng đối lập với đảng cầm quyền của Hun Sen (thân CSVN).
Nhà báo tự do Lý Định Phát, nhận định với BBC, tại Phnom Penh rằng, chuyến đi VN của ông Hun Sen là một bất lợi, vì dư luận cho rằng, Hun Sen đi Việt Nam là để tìm kiếm sự giúp đỡ. Nhiều người còn phê phán rằng, Ông Hun Sen mang trong mình không phải dòng máu Khmer mà là Việt Nam. Cũng theo đài RFA thì người biểu tình nói rằng họ đã chán nản với những vấn đề của đất nước như tham nhũng, thất nghiệp, bất công xã hội và cưỡng chế đất đai.
Sáng 27/12, cảnh sát chống bạo động ra tay đàn áp làm 10 công nhân bị thương. Theo ông Khieu Sopheak, phát ngôn viên Bộ Nội vụ Campuchia cho biết, Quyền Thủ tướng Sar Kheng, kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã yêu cầu lãnh đạo phe đối lập Sam Rainsy giúp xoa dịu tình hình, đừng để ảnh hưởng đến các nhà máy, xí nghiệp khác đang hoạt động (4)
Sáng ngày 3/1, cảnh sát Campuchia nổ súng vào các công nhân dệt may đang tham gia biểu tình tại thủ đô Phnom Penh, làm ít nhất ba người đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Những công nhân này đã biểu tình để yêu cầu được nâng mức lương cơ bản lên 160 đôla/tháng (5)
Với một loạt những cuộc biểu tình như trên, trang mạng của người Việt hải ngoại sôi nổi đưa bài với mong muốn, qua câu hỏi: liệu rằng các cuộc bạo loạn bên Kampuchia sẽ lan tới VN?… Câu hỏi đó như là một đoán mò về sự việc sẽ xảy ra trong tương lai. Sự trả lời chắc chắn phải dựa trên những thực tế là: các cá nhân người Việt ở nước ngoài, bằng bất cứ cách nào (làm thơ, viết văn, đưa kiến nghị, đốt đuốc, biểu tình…v..v..) nói lên quyết tâm giải trừ CS và có thể đưa ra bất cứ phương thức nào để hỗ trợ các hoạt động chống đối chính quyền CS ở trong nước. Nhưng các tổ chức chống Cộng thật sự, không thể chỉ dừng ở những cấp độ như vậy, mà phải tạo được một “sân sau” tại đất nước láng giềng, sát cạnh đất nước của mình. Một “sân sau” như thế sẽ là câu trả lời thiết thực cho đoán mò nói trên, trong hoàn cảnh hiện bây giờ. Và nơi đó chính là câu trả lời cho yêu cầu của một số cá nhân, đoàn thể hiện nay, khi đặt ra vấn đề, phải có nhân sự cho một sự thay thế chế độ CS hiện nay. “Sân sau” mãi mãi là một việc thiết yếu và quan trọng hàng đầu phải được thực hiện; không cứ chờ đợi tình hình Kampuchia biến động mới nghĩ đến điều này.
Đặng Quang Chính
Ghi chú:
(1)   http://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_d%E1%BB%8Bch_Campuchia
(2)   http://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_d%E1%BB%8Bch_ph%E1%BA%A3n_c%C3%B4ng_bi%C3%AAn_gi%E1%BB%9Bi_T%C3%A2y-Nam_Vi%E1%BB%87t_Nam
(3)   http://sg-mg61.mail.yahoo.com/neo/launch#mail, bbc.co.uk navigation, Hun Sen sang Việt Nam ‘tìm sự hỗ trợ’?
(4)   RFA, Quốc Việt, thông tấn viên, Kampuchia (2013-12-27)
(5)   http://sg-mg61.mail.yahoo.com/neo/launch#mail, Cảnh sát Campuchia bắn người biểu tình, thứ sáu, 3 tháng 1, 2014.

0 comments:

Powered By Blogger