Friday, September 23, 2016

Và này, cái mới đã thành sự


AuthorJos Ngô văn KhaSourceVRNsPosted on: 2016-09-23
 

Chỉ trong hai ngày 20 và 22/9/2016, toà án cộng sản “xử” – chứ không “xét” – hai vụ án lớn, lớn đối với những người đang quan tâm tới công lý và công bằng, đang đấu tranh cho những quyền căn bản của con người, đang thao thức với sự tụt hậu về mọi mặt của quê hương và dân tộc Việt Nam, với cái giá sẽ phải trả là vô cùng to lớn, không biết khi nào mới trả xong, cho những quyết định “dại dột” đến ngu xuẩn của nhà cầm quyền đang nắm vận mệnh đất nước.

Đó là vụ án xử chị Cấn thị Thêu về tội gây rối trật tự công cộng với mức án 20 tháng tù giam và xử y án sơ thẩm chủ blog “Anh Ba Sàm” Nguyễn Hữu Vinh 5 năm tù giam, và chị Nguyễn thị Minh Thuý 3 năm tù giam theo điều 258 Bộ luật hình sự.
Điều 258 của Bộ luật hình sự Việt Nam là một điều luật vi hiến, đi ngược lại các quyền tự do và các quyền chính đáng của con người đã được hiến pháp Nước CHXHCN công nhận theo công ước quốc tế cũng như các luật quốc tế khác. Đây là điều luật “mơ hồ và nguy hiểm” được nhà cầm quyền cộng sản đặt ra nhằm thao túng, áp bức và giam cầm những người dám lên tiếng một cách thẳng thắn, trung thực cũng như dám phản biện các vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế, giáo dục… gây khó khăn, bất lợi cho chế độ độc tài cộng sản.
Rất nhiều người thức tỉnh lương tâm, chỉ được theo dõi cách gián tiếp hai phiên toà công khai mà “kín như bưng” ấy, mặc cho nhà cầm quyền ra sức xua đuổi, cấm đoán, đánh đập hoặc bắt bớ.
Và kết quả không có gì mới, không có chuyển biến. Điều đó nói lên lập trường ngoan cố trước cái sai, chủ trương bất dịch theo cái xấu, định hướng cho cả dân tộc lao vào cõi vô định của nhà cầm quyền cộng sản, còn số phận người dân, không biết đến khi nào mới “ngóc lên” làm người.
Nhưng thật ra, “cái cũ, dù chưa qua đi, nhưng cái mới đã có dây rồi” (2Cr 5, 17).
Theo FB. Luân Lê, Ls Nguyễn Hà Luân, người bào chữa cho Anh Ba Sàm và cô Minh Thuý đã ghi lại lời nói sau cùng của anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh trong phiên toà phúc thẩm vào lúc 18g24′ ngày 22/9/2016 ở TAND cấp cao tại Hà Nội:
Một lần nữa, tôi tuyên bố là tôi vô tội. Tôi tự hào vì những gì mình đã làm từ 9 năm qua (Tức 7 năm với trang blog Anh Ba Sàm và 2 năm trong tù.). Tôi cảm ơn tấm lòng của mọi người, của những độc giả trong nước và quốc tế. Tôi thực sự bất ngờ với những bài báo, cuốn sách đã viết về tôi. Tôi cảm kích với Minh Thuý vì sự chia sẻ và những gì mà cô ấy đã gánh chịu. Đề nghị Toà án giảm án và hãy trả tự do ngay cho cô ấy. Tôi cũng cảm ơn các Luật sư của tôi. Tất cả những gì đang diễn ra ngày hôm nay trên đất nước chúng ta đã chứng minh rằng, những việc tôi đã làm, và những người đã làm trước tôi là đúng đắn. Tôi chấp nhận tất cả, kể cả cái chết cũng không làm tôi phải ân hận
Cái mới đó là lời tuyên bố hùng hồn về niềm tự hào đi đúng đường, là tấm lòng của mọi người dành cho, trong đó có sự chia sẻ đáng mặt anh thư của người đồng sự và khí phách kiêu hùng, kiên cường và ngạo nghễ xứng bậc anh hùng trước mọi gian nan, kể cả đối với cái chết.
Cái mới đó là ánh sáng loé rạng giữa phong ba bão táp của cuộc sống, của những người dân chân chất chao đảo, bị cuốn hút giữa giòng xoáy kim tiền, của thứ chủ nghĩa vô đạo đức, của bạo quyền, của bất công; giữa những phong ba của phong trào đòi dân chủ, dân trí và dân sinh, của sự nhập nhằng tranh tối tranh sáng giữa những hoa từ mỹ miều với thực tế thảm hại. Người ta có thể giam cầm được thể xác nhưng không thể giam hãm được ý chí, xiềng xích được thân thể nhưng không thể trói buộc được giấc mơ tự do.

Cái mới đó là sự đối kháng đến đỉnh điểm, rõ ràng và không khoan nhượng với việc thoả hiệp với nhà cầm quyền cộng sản, mà trước đây “Anh Ba Sàm” là một thành phần. Cái lực “hút hoặc đẩy” vào trong tâm điểm của vòng xoáy “theo thời là thức thời”, theo đảng là “còn”, bỏ đảng là “mất” tuy vô hình mà mãnh liệt, gắn liền với sự mất – còn của bản thân để tìm con đường sống cho chính mình.
Bản án bất công và bất minh đã tuyên. Mỗi ngày sống của anh “Ba Sàm” là mỗi ngày anh phải đối diện với sự chọn lựa giữa những “cái cũ và cái mới”, là đối diện với “sự thất bại và chiến thắng”, là nhìn thấy và cảm nghiệm được thế nào là “ngạo nghễ và sự ô nhục” của việc đấu tranh để hiện hữu theo những xác tín. Mỗi ngày của anh như mầm sống chỉ nảy mầm, bắt đầu sự sống khi những gì anh “gieo xuống” đã huỷ hoại, chịu tan rã.
Có lẽ chỉ với anh và một ít người khác mới hiểu sống là sự tranh đấu không ngừng giữa “cái cũ và cái mới”, giữa cái giả chân lý và chân lý. Đó là hai mặt của một thực tại, và ở giữa cái ranh giới mong manh đó, bao giờ cũng chất chứa một sự đối kháng mãnh liệt, giữa sống vinh hơn chết nhục.
Nhớ khi xưa lúc Đức Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể và sống với nhân loại, Người đã thấy được bộ mặt nhợt nhạt, giả trá đến tởm lợm của những giá trị truyền thống của con người nhân danh Thiên Chúa mà áp bức con người, vì thế, Người đã trình bày một khuôn mặt mới về Thiên Chúa, giải phóng con người ra khỏi tình trạng nô lệ của lề luật, của những tiên kiến, của những giá trị cố chấp “ Anh em đã nghe Luật dạy rằng… còn Thầy, Thầy bảo thật anh em…” (Mt 5, 21-26).
“Thầy bảo thật anh em” là để cho Chân lý được tỏ bày, để làm cho con người hiểu biết được thế nào là sự tự do của con cái Thiên Chúa. Cho nên Người chấp nhận mọi sự chống đối, mọi sự hiểu lầm, hận thù và thậm chí, chấp nhận cả cái chết cũng không ân hận.
Nhà cầm quyền cộng sản sợ đổi mới, vì họ nghĩ rằng đổi mới là đạp đổ, là chôn vùi vào quên lãng, là phủ nhận tất cả những gì của quá khứ, mà không nghĩ rằng, đổi mới là đi vào trong một tiến trình phân định, gạn lọc để làm cho cái sai trở nên đúng, cái xấu trở nên tốt, cái cũ được đổi mới, được đẹp hơn và ý nghĩa hơn.
Thái độ là lập trường kiên định của “anh Ba Sàm” trong phiên toà lịch sử định hướng cho một thể chế mới đáp ứng cho cuộc sống mới của dân tộc, là sàng lọc và loại thải những gì không còn chất sống và đặt nền tảng trên những giá trị căn bản, đúng đắn; là biết mở to đôi mắt để nhìn thẳng vào vấn đề của thời cuộc, để lượng giá, phân định được “cái cũ”, mà tìm ra “cái mới” chân lý, để “trời mới đất mới” được hình thành trên quê hương.
Nhưng sẽ chẳng có “trời mới, đất mới” nếu người dân Việt vẫn để mình bị cuốn vào giòng xoáy của sự sợ hãi, của tính ích kỷ, hưởng thụ và vô cảm mà cúi đầu cam chịu trước những cái xấu, cái sai. Như thế là tự mình chọn con đường diệt vong cho chính mình, cho gia đình và cho dân tộc mình.
Phiên toà xử “Anh Ba Sàm” đã kết thúc, nhưng những lời sau cùng anh nói có thức tỉnh mọi người, là hiên ngang đứng lên đổi mới và chấp nhận trả giá cho lập trường “sống – còn” của mình hay không, tuỳ vào mỗi người!.
Chợt nhớ lời bài hát Việt Nam quê hương ngạo nghễ của nhạc sỹ Nguyễn Đức Quang, như sáng tác “cho riêng anh và những người bạn”:
Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang
Lê sau bàn chân gông xiềng một thời xa xăm
Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loàng xoàng
Ta khua xích kêu vang dậy trước mặt mọi người
Nụ cười muôn đời là một nụ cười không tươi
Nụ cười xa vời nụ cười của lòng hờn sôi
Bước tiến ta tràn tới tung xiềng vào mặt nhân gian
Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại
Xương da thịt này cha ông ta miệt mài
Từng ngày qua,
cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi.
Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang,
trên bàn chông hát cười đùa vang vang.
Còn Việt Nam
Triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng
Ta như giống dân đi tràn trên lò lửa hồng.
Mặt lạnh như đồng cùng nhìn về một xa xăm,
da chân mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng gân trời
Ôm vết thương rĩ máu ta cười dưới ánh mặt trời.
Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người.
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam;
Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian.
Hỡi những ai gục xuống ngồi dậy hùng cường đi lên
.”
Và bài hát “Dậy mà đi” của nhạc sỹ Nguyễn xuân Tân như cổ vũ:
Dậy mà đi. Dậy mà đi. 
Ai chiến thắng không hề chiến bại?
Ai nên khôn không khốn một lần?
Dậy mà đi. Dậy mà đi.
Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi!
Đừng tiếc nữa can chi khóc mãi.
Dậy mà đi núi sông đang chờ.
Dậy mà đi. Dậy mà đi.
Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi!
Bao nhiêu năm qua dân ta sống không nhà.
Bao nhiêu năm qua dân ta chết xa nhà.
Dậy mà đi. Dậy mà đi.
Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi
!”
Chỉ khi thức tỉnh, với cái nhìn mới, người ta mới thấy và đánh giá đúng vấn đề, mới trải nghiệm được những vấn đề họ lựa chọn, để thấy ranh giới giữa cái cũ và cái mới, để can đảm chọn lựa và sẵn sàng trả giá cho sự chọn lựa đó.
Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.

0 comments:

Powered By Blogger