Wednesday, August 10, 2016

Việt Nam bí mật bố trí giàn pháo mới tại Trường Sa


AuthorTrọng NghĩaSourceRFIPosted on: 2016-08-10


Hải quân Việt Nam canh gác tại đảo Thuyền Chài, quần đảo Trường Sa, Biển Đông (ảnh chụp ngày 17/01/2013)REUTERS
Việt Nam đã kín đáo tăng cường võ trang bổ sung một số đảo ở vùng quần đảo Trường Sa bằng các giàn pháo di động mới, có khả có khả năng tấn công các phi đạo và cơ sở của Trung Quốc trên toàn khu vực. Hãng tin Anh Reuters ngày 10/08/2016 đã tiết lộ tin này, dựa theo một nguồn tin phương Tây.
Theo Reuters, giới ngoại giao và quan chức quân đội cho biết là nhiều thông tin tình báo đã xác định rằng Hà Nội đã vận chuyển các giàn pháo đất liền ra bố trí trên năm cơ sở ở quần đảo Trường Sa trong những tháng gần đây, một động thái có thể làm tăng căng thẳng với Bắc Kinh.
Theo ba nguồn tin khác nhau, các bệ phóng đã được giấu kín để tránh bị phát hiện từ trên không, chưa được gắn rocket, nhưng có thể được trang bị đạn pháo trong vòng hai hoặc ba ngày.
Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã bác bỏ thông tin nói trên, cho đấy là "không chính xác", nhưng không nói gì thêm.
Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, từng tuyên bố với Reuters tại Singapore vào tháng Sáu vừa qua rằng Hà Nội không có bệ phóng tên lửa hay vũ khí như vậy tại Trường Sa, nhưng cho rằng Việt Nam có quyền bố trí vũ khí trên các đảo.
"Quyền tự vệ chính đáng của chúng tôi cho phép chúng tôi đưa bất kỳ vũ khí nào, vào bất kỳ lúc nào đến trong vùng lãnh thổ có chủ quyền của chúng tôi".
Theo Reuters, động thái của Việt Nam nhằm đối phó với việc Trung Quốc quân sự hóa bảy hòn đảo vừa được bồi đắp trong quần đảo Trường Sa. Các chiến lược gia quân sự của Việt Nam lo ngại rằng các phi đạo, đài radar và căn cứ quân sự khác của Trung Quốc tại đấy ngày càng đe dọa tuyến phòng thủ các đảo và miền Nam của Việt Nam.
Các nhà phân tích quân sự cho rằng việc điều pháo ra Trường Sa là động thái phòng thủ quan trọng nhất mà Việt Nam đã thực hiện tại Biển Đông từ nhiều thập kỷ nay.
-------
Quân đội VN phủ nhận tin triển khai pháo phản lực ở Trường Sa
AuthorAn TônSourceVOAPosted on: 2016-08-10


Chiến sĩ Việt Nam đứng gác trên đảo Trường Sa Đông. (Ảnh tư liệu)
Hãng tin Reuters và một số báo nước ngoài hôm 10/8 đưa tin Việt Nam đã tăng cường sức mạnh cho một số đảo của mình ở Biển Đông có tranh chấp. Reuters trích dẫn 3 nguồn là các nhà ngoại giao và sỹ quan quân đội nước ngoài nói rằng Việt Nam đã triển khai các dàn pháo phản lực cơ động có năng lực đánh các đường băng và cơ sở quân sự của Trung Quốc.
Bài tường trình của Reuters cho hay 3 nguồn tin kể trên nói rằng thông tin tình báo cho thấy Hà Nội đã chuyển các dàn pháo phản lực từ đất liền lên 5 đảo ở Trường Sa trong những tháng gần đây, một động thái có thể tăng căng thẳng với Bắc Kinh.
Theo các nguồn tin đó, các dàn phóng chưa lắp đạn nhưng có thể sẵn sàng hoạt động chỉ trong vòng 2 đến 3 ngày.
VOA Việt ngữ trong ngày 10/8 đã liên lạc với Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, để xác minh tin này. Tướng Tuấn cho hay:
“Không có chuyện đấy đâu. Không có chuyện đấy. Hôm nay cũng có người hỏi rồi. Không có chuyện đấy”.
Một cán bộ cao cấp khác đề nghị không nêu tên thuộc Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng Việt Nam, đã hướng dẫn phóng viên VOA liên lạc với Bộ Ngoại giao. Ông nói:
“Tốt nhất là về phía Việt Nam có Vụ Thông tin-Báo chí, Bộ Ngoại giao, thì cơ quan đấy họ sẽ trả lời một cách đầy đủ”.
Tuy nhiên theo tin Reuters, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng thông tin về việc triển khai các dàn phòng là “không chính xác” mà không nói thêm chi tiết.
Các quan chức ngoại giao và các nhà phân tích quân sự nước ngoài tin rằng các dàn phóng nêu trên là một phần trong hệ thống pháo phản lực hiện đại có tên EXTRA mới mua của Israel.
Đạn của loại pháo này có thể bắn chính xác trong tầm 150 kilomet, có nhiều loại đầu đạn khác nhau nặng 150 kilogam có thể đánh nhiều mục tiêu đồng thời. Vũ khí này có thể tấn công cả tàu thuyền lẫn các mục tiêu trên mặt đất.
Với vũ khí này, các đường băng và cơ sở quân sự của Trung Quốc trên các đá Subi, Chữ Thập và Vành Khăn, rơi vào tầm bắn từ nhiều đảo hoặc đá do Việt Nam nắm giữ ở Trường Sa.
Các nhà phân tích quân sự cho rằng đây là bước đi phòng vệ nổi bật nhất mà Việt Nam thực hiện ở Biển Đông trong nhiều thập kỷ.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an, cũng nhấn mạnh với VOA rằng tuy chưa thể khẳng định tin Việt Nam đã triển khai các dàn pháo đó, song dù Việt Nam đã và sẽ triển khai vũ khí gì, việc đó cũng chỉ có tính phòng thủ, không mang tính răn đe hay tấn công. Ông nói:
“Việt Nam triển khai, nếu mà có, tất cả các loại vũ khí, pháo phản lực hay cái gì đi chăng nữa, Việt Nam chủ yếu chỉ làm nhiệm vụ phòng thủ, đối phó khi bị tấn công thôi. Việt Nam sẽ không bao giờ khởi binh và bắn trước một phát đạn nào cả. Tập trung toàn bộ cho bảo vệ mình trước cái uy hiếp của nước ngoài”.
Việt Nam có tranh chấp chủ yếu với Trung Quốc ở Biển Đông. Reuters tường thuật rằng Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 10/8 đã nói trong một tuyên bố gửi đi bằng fax như sau: “Trung Quốc kiên quyết phản đối nước có liên quan chiếm bất hợp pháp một phần các đảo và đá thuộc quần đảo Spratly [Trường Sa] của Trung Quốc, và trên các đảo và đá chiếm bất hợp pháp này vốn thuộc về Trung Quốc lại tiến hành xây dựng và triển khai quân sự bất hợp pháp”.
Mỹ cũng đang theo dõi các diễn biến này chặt chẽ. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Chúng tôi kêu gọi các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông tránh các hành động làm tăng căng thẳng, có các bước đi thực tế để xây dựng lòng tin và đẩy mạnh các nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình, ngoại giao cho các tranh chấp”.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã cải thiện đáng kể năng lực hải quân trong chương trình hiện đại hóa quân đội nói chung, trong đó có việc mua 6 tàu ngầm lớp Kilo hiện đại của Nga.
Thiếu tướng Lê Văn Cương nói Việt Nam tăng cường năng lực quân sự là điều bình thường. Ông nói Việt Nam có mối lo ngại thường về Trung Quốc không chỉ vì nước này đã phát triển sức mạnh quân sự trong nhiều năm qua mà cơ bản vì họ “có những hành động hung hăng, hiếu chiến, bất chấp luật pháp của Trung Quốc trong hàng chục năm nay ở Biển Đông và Biển Hoa Đông”.
Tướng Cương nhắc lại rằng kể cả các nước lớn là Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ cũng lo ngại về sự “hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc”.

-----------

0 comments:

Powered By Blogger