Monday, August 22, 2016

Quán “Xin Chào” hay quán: “Xin Lạy Mấy Ông”

Bài viết gửi Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng và Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong. 

Như mọi người đều biết (kể cả ông Thủ tướng), hồi cuối tháng 4/2016 sự việc quán café “Xin Chào” và “cái chòi vịt” tại huyện Bình Chánh bị Trưởng CA/Huyện và viện KSND cưỡng chế trái pháp luật gây khó khăn cho người dân tạo ra hình ảnh xấu trong môi trường kinh doanh. Hậu quả là Trưởng CA, Viện Phó viện KSND và một Kiểm Sát Viên huyện Bình Chánh bị cách chức vì lạm quyền. Tưởng đâu qua đó vụ việc đã được các cấp chính quyền tại khu vực “sâu sắc” rút kinh nghiệm để tránh “dẫm phải vết xe đổ” thì mới đây tại quán Xin Chào lại tái diễn màn hành dân “tập 2” mà sự lộng quyền không thua gì lần trước.

Là người từng bị truy tố oan về tội kinh doanh trái phép, như con chim một lần chết hụt sợ cành cây cong, ông chủ quán Xin Chào Nguyễn Văn Tấn không dám đụng đến gạch cát sắt thép xi măng dù quán café của ông chưa có cửa nẻo ban đêm khó bảo quản vật dụng bán buôn, vạn bất đắc dĩ mới đây ông phải tìm mua một cái container 20 feet phế thải tận dụng mang về sơn phết sạch sẽ làm cửa nẻo lắp trên bốn bánh xe đặt tạm phía sau liền kề bên quán làm chổ chứa bàn ghế nồi niêu, ly tách (ông chủ quán đã xin phép đăng ký và cam kết tự phá dỡ khi nhà nước qui hoạch nhưng bị ông CT/Thị Trấn từ chối).

Ngày 16-8, ông Tấn lại bị chủ tịch UBND thị trấn Tân Túc ra quyết định đình chỉ thi công “xây dựng” công trình kèm theo đề nghị các cơ quan nhà nước tại thị trấn này cắt điện, nước và buộc tự tháo dỡ.



Từ văn bản này, người dân và công luận báo chí phải đặt ra nhiều câu hỏi về kiến thức phổ quát, năng lực chuyên môn của một cán bộ trong vị trí chủ tịch lãnh đạo một ủy ban (gồm các trưởng đầu ngành) thừa ủy quyền thay mặt nhân dân để điều hành công việc phục vụ nhân dân tại địa phương.

Về nguyên tắc, các văn bản mang nặng phần hồn của pháp luật thường thì rất cần sự chính xác và thận trọng bởi “bút sa gà chết”! Đầu tiên nói về ngữ nghĩa liên quan pháp lý trong văn bản này. Câu chữ “đình chỉ thi công xây dựng công trình” trong Quyết định của ông CT thị trấn (buộc phải dùng từ ngữ khó nghe tại đây) là hoàn toàn bá láp nếu không muốn nói là vu oan áp đặt, bởi tại hiện trường ông chủ quán Xin Chào có “xây” cục gạch hay “dựng” cây cột, thanh sắt nào đâu mà đình chỉ “xây dựng”? Cái containe cố định trên 4 bánh xe đặt nằm trên phần đất tư nhân có chủ quyền hợp pháp, không gây ra bất cứ tác động công trình nhà cửa lân cận nào, cũng không làm xáo trộn đe dọa môi trường sống công cộng thì sao gọi là vi phạm xây dựng trật tự đô thị? Ông CT thị trấn hãy bước ra khỏi văn phòng, kiểm đếm xem quanh ông trên vỉa hè và dưới lòng đường có bao nhiêu vấn nạn vi phạm trật tự đô thị? Và ông xử lý nó như thế nào chứ không cần thiết để ông phải châm bẩm vào cái thùng sắt vô hại an cư tách biệt ổn định nằm trên đất có chủ quyền của người dân.

Tiếp theo ông CT thị trấn Tân Túc rất trịnh trọng mở đầu văn bản rằng: Căn cứ vào Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ban hành ngày 7/12/2007 để đưa ra quyết định đình chỉ thi công công trình bất hợp pháp, nhưng oái oăm thay chính ông CT thị trấn mới là người đang làm chuyện phi pháp bởi chính xác khẳng định ngay rằng nghị định 180 của chính phủ mà ông căn cứ đề cập đã hết hiệu lực từ ngay sau khi Luật xây dựng 2014 ra đời (thay cho Luật xây dựng 2003) và Quốc Hội cũng biểu quyết chính thức xóa bỏ vào ngày 1/7/2016.

Điều rất buồn cười là từ đầu văn bản đếm xuống không ít hơn 8 lần trong nội dung nhắc đi nhắc lại khẳng định chủ quán vi phạm “xây dựng công trình” nhưng khi quyết định đình chỉ thi công thì lại ghi lý do rằng: Chủ quán Xin Chào có hành vi vi phạm tổ chức thi công công trình khác (công trình container) chứ không ghi “công trình xây dựng”!? Tại sao văn bản này lại tiền hậu bất nhất né tránh như vậy? Đó là vì: Công Văn số 2326/BXD-HĐXD ngày 23/9/2014 của Bộ Xây dựng trả lời việc hướng dẫn về giấy phép xây dựng nêu rõ: Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật xây dựng về giải thích từ ngữ thì cái thùng container di động đặt trên nền đất không phải là công trình xây dựng. Nếu cứ đình chỉ buộc phá dỡ là ông CT thị trấn sẽ hiển nhiên phạm pháp, vì vậy văn bản phải bẻ “lái” qua hướng khác tự đẻ ra hành vi phạm thi công công trình khác (công trình container). Nhưng tránh vỏ dưa thì lại trúng phải vỏ dừa. 

Bởi cũng trong Công văn số 2326 ngày 23-9-14 của Bộ Xây dựng thể hiện cái thùng sắt container không phải là công trình xây dựng, nên không cần phải xin giấy phép xây dựng, nếu của hộ cá thể đặt trên đất có chủ quyền hợp pháp thì chỉ cần đăng ký với chính quyền địa phương và cam kết khi Nhà nước giải phóng mặt bằng để thực hiện quy hoạch theo Luật đất đai thì chủ container phải tự tiến hành phá dỡ hay dời đi là đủ.

Như con chuột tự mò vào lồng sắt bị sập cửa chạy lòng vòng không lối thoát nên tức tối làm càn, CT thị trấn Tân Túc như ra lệnh dưới công văn:

“Thủ trưởng các đơn vị cấp điện nước phải dừng ngay việc cấp điện cấp nước đối với công trình xây dựng vi phạm trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được Quyết định này... Quá hạn 3 ngày (kể cả ngày nghĩ) tính từ ngày ký QĐ này nếu chủ quán không phá dỡ sẽ bị cưỡng chế.”

Rõ ràng chính tâm lý hình thành thói quen và dần trở nên quán tính trong tư duy không ít cán bộ giỏi “hành” nhưng dỡ “học” tự cho mình như là ông vua con khi ngồi vào ghế Chủ tịch ủy ban (dù chỉ là UB/Phường, xã) - rất thích thể hiện mệnh lệnh mà không thấy sự sai trái đến lố bịch như trường hợp này. 

Bởi về bản chất, việc cung cấp điện, nước là quan hệ dân sự, kinh tế, giữa doanh nghiệp điện lực và doanh nghiệp cấp nước với người dân, không lệ thuộc theo mệnh lệnh hành chính. Các doanh nghiệp cung cấp điện, nước cũng không phải là đơn vị thừa hành quyết định hành chính của một UBND cấp xã-phường như thị trấn Tân Túc. Ngoài ra, Luật Xây dựng năm 2014 cũng hủy bỏ quy định về biện pháp cắt điện, nước đối với công trình xây dựng vi phạm. Chủ tịch UBND thị trấn Tân Túc gần như là “mù” hay ít nhất không biết vào mạng internet cập nhật các văn bản thông tư nghị định thay thế hay sửa đổi của pháp luật còn hay hết hiệu lực thi hành trong lĩnh vực xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị hoặc giả là thiếu năng lực chỉ nghe theo các nhân viên “thầy dùi” tham mưu vì động cơ không trong sáng nên đã ký ban hành quyết định dựa vào các văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực, áp dụng các biện pháp chế tài trái phép. 

Tuy nhiên dù có “mù pháp luật” thì CT thị trấn Tân Túc cũng phải biết qua truyền hình và báo chí là tòa nhà số 8B Lê Trực tại Thủ Đô Hà Nội vi phạm nghiêm trọng như thế nào nhưng không ai (kể cả ông Thủ tướng) ra lệnh cắt điện nước, bởi Pháp Luật không cho phép. Vậy thì ông CT thị trấn Tân Túc Nguyễn Thanh Vũ tự cho mình là ai?. 

Chủ tịch UBND thị trấn Tân Túc - Nguyễn Thanh Vũ (bìa trái)

Vị trí và cái thùng Container của ông chủ quán Xin Chào 

Rất cần nhắc lại, ngày 03/07/2016 tại hội nghị gặp gỡ với trên 150 doanh nghiệp (DN) tư nhân, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cam kết nhắn nhủ rằng: Thành phố sẽ luôn đồng hành, chia sẻ và phục vụ vô điều kiện để hỗ trợ các doanh nghiệp cá thể hoạt động kinh doanh. Đồng thời, yêu cầu chính quyền UBND thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hạn chế tối đa các thủ tục, giấy tờ gây phiền hà, rắc rối để DN phát triển; hướng đến khát vọng xây dựng khởi nghiệp. 

Tiếp theo, ông chủ tịch UBND Tp. HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu: Nghị quyết 35 của Chính phủ xác định 5 nhiệm vụ lớn, gồm: Cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN; tạo môi trường cho DN khởi nghiệp, UBND TPHCM hứa khẳng định luôn sẵn sàng hỗ trợ và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để doanh nghiệp yên tâm hoạt động.

Vậy thì ông CT UBND thị trấn Tân Túc huyện Bình Chánh có còn trực thuộc Tp HCM hay tỉnh thành nào khác? 

- BT Thành Ủy Đinh La Thăng: Quái lạ, Luật xây dựng 2014 đang hiện hành, thay cho Luật xây dựng 2003, thì không áp dụng lại quật mồ lên lấy cái Luật đã khai tử hơn 10 năm làm cơ sở để ra Quyết Định bất hợp pháp lại đóng dấu đỏ nhà nước hẳn hoi!? Thế là thế nào? (ảnh minh họa)

- CT UBND TP- Nguyễn Thành Phong: Cái này thì báo cáo đ/c Bí Thư - Tôi sẽ kiểm tra lại bằng cấp văn hóa và chỉ đạo đưa Chủ Tịch/Thị Trấn Tân Túc Nguyễn Thanh Vũ đi khám thần kinh ngay. (ảnh minh họa)

Tóm lại, dù sự việc “quán Xin Chào” xảy ra trước đó chưa lâu với vết thương lộng quyền hành dân chưa liền sẹo thì hôm nay cũng tại quán Xin Chào, Chủ tịch UBND thị trấn Tân Túc huyện Bình Chánh không lấy đó làm gương rút kinh nghiệm mà vẫn lộng quyền không vị nể bất cứ ai (kể cả lãnh đạo các cấp thượng tần quốc gia và TP/HCM) tự ý ban hành quyết định dựa vào các văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực, áp dụng các biện pháp chế tài trái phép như vậy cần phải được nghiêm khắc xem xét về trách nhiệm cũng như đánh giá lại năng lực của cán bộ, công chức, kể cả những người tham mưu, giúp việc cho vị Chủ tịch thị trấn này (Luật sư Trịnh Bá Thân - Đoàn luật sư TPHCM).

Còn theo LS Phạm Công Út của Đoàn Luật sư TPHCM) thì việc ra các văn bản đình chỉ thi công hay yêu cầu cắt điện, cắt nước không nằm trong thẩm quyền cho phép của UBND thị trấn Tân Túc. UBND thị trấn Tân Túc tương đương với UBND xã, phường thì không có quyền đe dọa cắt điện, cắt nước đối với cơ sở kinh doanh của gia đình ông Tấn. Về luật xây dựng, bộ luật này không cho phép chủ tịch UBND thị trấn Tân Túc áp dụng xử phạt đối với những loại nhà “container”. Tôi đã cập nhật tham khảo không thấy có bất cứ quy định nào hướng dẫn cho phép như vậy.

Riêng người viết bài này xin gửi đến ông Bí thư Đinh La Thăng: Còn nhớ hồi tháng 5/2016 khi thân hành kiểm tra huyện Hóc Môn bức xúc trong cách làm việc không vì dân, không đặt vị trí mình vào người dân để làm việc ông đã chỉ đạo cách chức Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường của huyện này và thông qua báo chí ông khẳng định: “Cán bộ công chức vô cảm, không đặt mình vào vị trí người dân, đã đến lúc cần đưa ra khỏi bộ máy chính quyền những cán bộ ngồi chơi xơi nước, sáng cắp ô đi tối cắp ô về, những cán bộ chỉ biết “năng nổ sáng tạo những kiểu hành dân”.

23.08.2016

0 comments:

Powered By Blogger