Sunday, July 17, 2016

Trung Quốc đề nghị Nhật Bản dừng can thiệp vào Biển Đông


SourceVOAPosted on: 2016-07-16


Thủ tướng Đức Angela Merkel đứng giữa Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải).
Hôm 15/7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nói với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe rằng Nhật cần dừng can thiệp và thổi phồng vấn đề Biển Đông. Vấn đề này đã nhận được nhiều sự chú ý tại hội nghị thượng đỉnh Á-Âu ở Ulaanbaatar, Mông Cổ.
Theo Tân Hoa Xã của Trung Quốc, trong một cuộc gặp, ông Lý nói với ông Abe như sau: “Nhật Bản không phải là một nước trực tiếp liên quan đến Trung Hoa Nam Hải [tức Biển Đông], và vì vậy nên thận trọng về lời nói và việc làm, và hãy dừng việc thổi phồng cũng như can thiệp”.
Hãng tin Kyodo của Nhật đưa tin ông Abe đã nói với ông Lý rằng một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp phải được tôn trọng. Theo Kyodo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí rằng phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế đưa ra hôm 12/7 phải được tuân thủ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Kawamura cho hay ông Abe đã nhắc lại những quan điểm cơ bản về Biển Đông trong cuộc gặp với ông Lý. Ông Kawamura nói: “Tình hình Biển Đông là mối quan tâm của cộng đồng quốc tế. Phán quyết của tòa ngày 12/7 có tính chung cuộc và ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên trong vòng tranh chấp”.
Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan có tranh chấp ở Biển Đông. Sau khi tòa trọng tài ra phán quyết bác bỏ giá trị của tuyên bố đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ đã kêu gọi các nước không hành động mạnh bạo để khai thác những điểm lợi cho họ trong phán quyết.
Theo Reuters, WSJ

-----------
Thượng đỉnh Á-Âu không nêu Biển Đông trong thông cáo chung
AuthorThu HằngSourceRFIPosted on: 2016-07-17


Thủ tướng Đức Angela Merkel (P) trao đổi với đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường (Li Keqiang) tại thượng đỉnh ASEM, Mông Cổ, ngày 15/07/2016REUTERS
Các nhà lãnh đạo châu Á và phương Tây đã không chính thức nêu « Biển Đông » trong bản tuyên bố chung của thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) diễn ra trong hai ngày 15 và 16/07/2016, tại thủ đô Ulan-Bator, Mông Cổ. Theo trang The Japan News, có thể là do sự phản đối của Trung Quốc về việc đưa tranh chấp lãnh thổ vào chương trình nghị sự.
Vào thứ Bẩy 16/07, lãnh đạo của 51 quốc gia và hai tổ chức (Liên Hiệp Châu Âu và ASEAN), thông qua chủ tịch ASEM, đã thông qua bản tuyên bố chung. Giống như bản tuyên bố ra năm 2014, các nhà lãnh đạo Á- Âu kêu gọi giải quyết các tranh chấp lãnh thổ theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Tuy nhiên, từ « Biển Đông » đã không được nêu rõ trong bản tuyên bố chung.
Trước đó, trong một cuộc thảo luận vào sáng thứ Bẩy (16/07), thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu rằng tình hình Biển Đông là « một mối bận tâm chung của cộng đồng quốc tế. Các quy tắc luật pháp là một nguyên tắc phổ quát ».
Thủ tướng Abe cũng yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết ngày 12/07 của Tòa Trọng Tài Thường Trực về tranh chấp tại Biển Đông. Ông nói : « Phán quyết của Tòa là quyết định cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý đối với các bên liên quan ».
Ngược lại, Trung Quốc bác bỏ phán quyết của Tòa La Haye và gay gắt phản đối đưa tình hình Biển Đông vào chương trình nghị sự của thượng đỉnh Á-Âu (ASEM). Nhân cuộc họp này, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đã có những buổi làm việc song phương với các nhà lãnh đạo Nga, Việt Nam, Cam Bốt và Lào, nhằm gây sức ép để họ ủng hộ lập trường của Trung Quốc.
Tại thượng đỉnh ASEM, các nước tham gia cũng đã thảo luận về vấn đề hợp tác chống khủng bố, sau vụ tấn công đêm ngày Quốc Khánh Pháp 14/07 tại thành phố Nice. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng trao đổi quan điểm nhằm tăng cường nỗ lực ổn định nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt từ sau khi Anh Quốc bỏ phiếu ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
--------

0 comments:

Powered By Blogger