Là hiệp định mậu dịch cấp khu vực lớn nhất trong lịch sử, sự Đối tác
Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership - TPP) sẽ thiết lập các
điều kiện đầu tư, kinh doanh và mậu dịch mới cho mười một nước trên
vành đai Thái Bình Dương và Hoa Kỳ. Đây là một nhóm rộng lớn trên thế
giới có tổng sản lượng quốc nội GDP gần tới 28 ức Mỹ kim, chiếm 40 phần
trăm GDP toàn cầu và 1/3 mậu dịch thế giới.
Sau các cuộc thảo luận ráo riết dài năm ngày các bộ trưởng mậu dịch đạt
được thỏa thuận chung vào hôm thứ Hai tại Atlanta sau một thất bại đầy
chán nản vì không thống nhất ý kiến được hồi tháng Bảy ở Hawaii.
Là thành quả của 10 năm hiệp thương, thỏa thuận trên là một thắng lợi
mang dấu ấn của Tổng thống Barack Obama trong công cuộc vận động cho một
chính sách ngoại giao xoay trục sang vành đai Thái Bình Dương. Nhưng
TPP bây giờ sẽ phải được mang ra bàn thảo lại tại Quốc hội Hoa Kỳ và
liệu nó có được thông qua hay không hiện vẫn là đề tài gây phân hóa
chính trị trong lưỡng viện.
Trong tháng Sáu năm nay ông Obama khắc phục được sự phản đối của một số
dân biểu ngay trong đảng Dân chủ và được Quốc hội ban cấp thẩm quyền
thúc tiến mậu dịch (trade promotion authority). Đây là quyền được điều
đình các thỏa thuận mậu dịch với các nước khác mà không bị Quốc hội sửa
đổi hoặc cản trở. Bây giờ ông phải thuyết phục được Quốc hội mà đặc biệt
là các dân biểu đồng đảng Dân chủ phê chuẩn hiệp ước TPP. Các nhà lập
pháp Hoa Kỳ cũng như 11 quốc gia khác có 90 ngày để cứu xét các chi tiết
của hiệp ước.
Cuộc tranh luận trong Quốc hội sẽ soi mói mọi yếu tố của hiệp định mậu
dịch. Đây là bước cuối cùng để Hoa Kỳ chấp thuận TPP, một thỏa thuận mậu
dịch tham vọng nhất kể từ sau Hiệp định Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ (North
American Free Trade Agreement - NAFTA) trong thập niên 1990.
Tại sao hiệp ước này gây phân hóa Quốc hội Hoa Kỳ
Những người ủng hộ TPP biện hộ rằng nó là lợi ích lớn lao cho tất cả
những quốc gia tham dự, nó sẽ "mở ra nhiều cơ hội" và "giải quyết những
vấn đề trọng yếu của thế kỷ 21 trong nền kinh tế toàn cầu" và nó được
lập ra theo một cách thức khuyến khích thêm nhiều nước khác, thậm chí kể
cả Trung quốc, tham gia.
Những người phản đối thì coi thỏa thuận này hầu như là sự phản bội lại
lợi ích của giới lao công và tiểu thương Hoa Kỳ vì nó khuyến khích thêm
sự xuất cảng việc làm hãng xưởng ở Hoa Kỳ sang các quốc gia có mức lương
căn bản thấp, đồng thời giới hạn sự cạnh tranh và khuyến khích sự tăng
giá dược phẩm và các sản phẩm giá trị cao khác bằng cách cho các quốc
gia khác trong TPP được áp dụng các tiêu chuẩn bảo vệ bằng sáng chế Hoa
Kỳ. Điều khoản cho phép các công ty đa quốc gia được thách thức các luật
lệ và phán quyết tòa án trước các hội đồng tài phán đặc biệt cũng bị
mạnh mẽ phản đối.
Tại sao phải là TPP và tại sao vào thời điểm này?
Hiệp định này là yếu tố vô cùng quan trọng trong chính sách "xoay trục"
của Tổng thống Obama. Nó là một trong các cách để ràng buộc các đối tác
mậu dịch Thái Bình Dương thân cận với Hoa Kỳ hơn, đồng thời gia tăng
thách thức với cường quốc đang lên của Á châu là Trung quốc.
Nó là một trong những cách để giải quyết một số vấn đề tồn đọng mà có
nguy cơ trở thành các chướng ngại vật khi mậu dịch toàn cầu tăng vụt,
bao gồm thương mại điện tử, dịch vụ tài chánh và truyền thông internet
xuyên biên giới.
Ngoài ra, một số vấn đề mậu dịch truyền thống cũng có cơ hội được giải
quyết. Hoa Kỳ rất nôn nóng thiết lập thỏa thuận mậu dịch với các quốc
gia thành viên TPP như Nhật Bản, Mã Lai Á, Brunei, New Zealand và Việt
Nam; và củng cố NAFTA, tức là hiệp định mậu dịch hiện hành giữa Hoa Kỳ
với Gia Nã Đại và Mể Tây Cơ.
Hiệp định TPP giải quyết được vấn đề gì?
Thuế quan và hạn ngạch: Từ lâu được dùng để bảo vệ các
ngành kỹ nghệ nội địa trước những hàng hóa ngoại quốc giá rẻ, thuế trên
hàng nhập cảng từng có thời là đặc điểm chuẩn mực và thiết thực của
chính sách mậu dịch, và tạo ra nhiều thu nhập cho Bộ Ngân khố Hoa Kỳ
trong thế kỷ 19. Tuy nhiên, sau cuộc Đại Suy thoái Kinh tế 1929 và Đại
chiến Thế giới II, Mỹ đã lãnh đạo một phong trào mậu dịch tự do hơn bằng
cách hạ thấp và bãi bỏ thuế quan.
A shoe factory in Vietnam. The United States imposes tariffs on imported shoes. Credit Aaron Joel Santos for The New York Times |
Hiện nay Hoa Kỳ và các quốc gia phát triển đều bớt áp đặt thuế lên hàng
hóa nước ngoài nhiều, mặc dù vẫn còn một số. Chẳng hạn như Hoa Kỳ hiện
vẫn bảo hộ thị trường đường nội địa trước các quốc gia xuất cảng đường
giá rẻ toàn cầu và áp đặt thuế lên giày dép nhập cảng. Trong khi đó Nhật
đánh thuế nặng lên nông phẩm như gạo, thịt bò và bơ sữa.
Môi sinh, nhân công và các luật lệ bảo vệ tài sản trí tuệ: Các thương
thuyết gia Hoa Kỳ khẳng định rằng thỏa thuận TPP tìm cách san bằng mặt
sân cạnh tranh bằng cách áp dụng các chuẩn mực nhân công và môi sinh gắt
gao với các đối tác mậu dịch, và giám sát các luật lệ bảo vệ tài sản
trí tuệ.
Dòng dữ liệu: Hiệp định TPP sẽ giải quyết được một số vấn
đề nảy sinh kể từ khi các hiệp ước trước được điều đình. Một là các quốc
gia liên hệ đồng ý không được ngăn chặn các chuyển giao dữ liệu xuyên
biên giới bằng internet, và không đòi hỏi các máy chủ phải được đặt
trong nước mà chủ nhân đang làm ăn. Đề nghị này gây lo ngại cho một số
quốc gia, Australia là một ví dụ điển hình, bởi vì nó có thể xung đột
với các luật lệ và qui định tư ẩn chống lại dữ liệu cá nhân lưu trữ ở
nước ngoài.
Dịch vụ: Mục tiêu lớn lao của hiệp định là tăng cường cơ
hội cho những ngành kỹ nghệ dịch vụ, vốn đảm trách hầu hết những việc
làm tư nhân trong nền kinh tế Hoa Kỳ. Mỹ hiện chiếm lợi thế cạnh tranh
trong một loạt nhiều dịch vụ; bao gồm tài chánh, thiết kế, nhu liệu,
giáo dục, luật pháp và kỹ thuật thông tin. Mặc dù các dịch vụ này không
bị đánh thuế nhập cảng nhưng các qui định và hạn chế mang tính quốc tịch
trên sự đầu tư hiện được nhiều nước đang phát triển áp dụng để bảo vệ
các doanh nghiệp sở tại.
Các doanh nghiệp nhà nước: Các thương thuyết gia Hoa Kỳ đã
thảo luận về nhu cầu giải quyết sự ưu đãi dành cho các doanh nghiệp nhà
nước. Mặc dù VN và Mã Lai Á có rất nhiều doanh nghiệp nhà nước nhưng
Hoa Kỳ cũng có một số (ví dụ như Bưu Điện và Fannie Mae). Hiệp định
chung kết có thể bao gồm một số điều kiện nhằm bảo đảm sự cạnh tranh
công bằng trong khi vẫn để cửa cho Trung cộng gia nhập sau này.
Tại sao không có Trung quốc?
Trung cộng chưa bao giờ bày tỏ ý muốn tham dự các cuộc hiệp thương nhưng
từng bộc lộ lo ngại về hiệp định TPP, coi nó là một đe dọa tiềm ẩn khi
Hoa Kỳ nỗ lực thắt chặt quan hệ với các đối tác mậu dịch Á châu. Nhưng
mới vừa rồi, khi các cuộc điều đình tăng tốc, nhiều quan chức cao cấp
Hoa lục bày tỏ những ý kiến nghe có vẻ như muốn chấp nhận hiệp định hơn,
và thậm chí nói bóng gió rằng họ có thể tham dự vào một thời điểm nào
đó.
Các quan chức Hoa Kỳ, trong khi xác định rõ rằng họ coi hiệp định TPP là
một trong những nỗ lực chống lại ảnh hưởng của Trung quốc trong khu
vực, tuyên bố họ hy vọng "cấu trúc mở" của hiệp định rốt cuộc sẽ thúc
giục Trung cộng gia nhập, cùng với các cường quốc kinh tế khác như Đại
Hàn.
Cái bóng của NAFTA và cuộc tranh luận ở Hoa Thịnh Đốn
President Bill Clinton won congressional backing for Nafta, but most lawmakers in his own party voted against it. Credit Doug Mills/Associated Press |
NAFTA là do cựu Tổng thống Bill Clinton ký kết trong năm 1993 và dẫn tới
sự bùng nổ mậu dịch giữa Hoa Kỳ, Mễ Tây Cơ và Gia Nã Đại. Cả ba nước
này đều xuất cảng nhiều hàng hóa và dịch vụ sang hai nước đối tác, đầu
tư ngang biên giới tăng trưởng, và nền kinh tế Hoa Kỳ đã gia tăng hàng
triệu việc làm kể từ ấy. Nhưng dĩ nhiên không phải tất cả những xu hướng
đó là đều do NAFTA, và các lợi lộc không hề bình đẳng: Hoa Kỳ có một sự
thặng dư mậu dịch nhỏ với Mễ Tây Cơ khi hiệp định được ký kết, nhưng
thặng dư ấy mau chóng trở thành thâm thủng mậu dịch hơn 50 tỷ mỗi năm.
Những người công kích NAFTA còn chỉ ra rằng tăng trưởng việc làm tại Hoa
Kỳ không hề tính đến sự tổn thất việc làm cho Mễ Tây Cơ hoặc Gia Nã
Đại; theo số liệu thống kê, Hoa Kỳ bị mất hoặc bị chuyển dịch 700 ngàn
việc làm vì NAFTA.
NAFTA là chiến thắng trọng đại của cựu Tổng thống Clinton sau một trận
chiến hết sức cam go trong Quốc hội. Ông giành vừa đủ số phiếu ủng hộ
của các đảng viên Dân chủ để thông qua hiệp định. Tỷ số ủng hộ là 234 và
200 dân biểu tại Hạ viện; và 61 và 38 nghị sĩ trên Thượng viện.
Tổng thống Obama vẫn chưa giành được thành quả như ông Clinton. Làm việc
với giới lãnh tụ Cộng hòa trong Hạ và Thượng viện, ông giành được quyền
thúc tiến mậu dịch. Đây là một bước cực kỳ trọng yếu cho phép Tòa Bạch
Ốc được đệ trình hiệp định mậu dịch cho Quốc hội biểu quyết mà không cần
bị tu chính.
Nhưng tiến trình lập pháp đầy nhiêu khê này đã khiến mối quan hệ giữa
ông Obama và nhiều dân biểu đồng đảng Dân chủ cũng như là các nghiệp
đoàn lao công và hiệp hội tiểu thương trở nên chua cay. Nhiều đảng viên
Dân chủ tuyên bố rằng ông Obama phải giải quyết các quan ngại về các
tiêu chuẩn lao công và môi sinh cũng như là bảo hộ các nhà đầu tư khi
ông quay lại Quốc hội để tìm sự phê chuẩn cho hiệp định mậu dịch.
Nguồn:
05/10/2015
0 comments:
Post a Comment