Liệu
sự đối tác của Luân Đôn với Bắc Kinh, vượt khỏi phạm vi kinh tế để lấn
sang các vấn đề quốc tế, có gây tổn thất cho các quốc gia Tây phương
không?
Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình kết thúc chuyến công du Anh quốc vào
hôm thứ Sáu bằng cuộc quá cảnh ở Manchester. Ông ta có khoảng thời gian
hữu ích ở Luân Đôn. Anh và Trung cộng ký kết các thỏa thuận giao dịch:
nhà máy nguyên tử năng, các công ty Trung quốc sẽ sở hữu phần ba nhà máy
nguyên tử năng Hinkly Point C ở Anh; các tàu khách, hãng đóng tàu
Carnival sẽ bán các chiếc tàu trị giá khoảng 4 tỷ cho Trung quốc; và các
động cơ phản lực, hãng Rolls Royce thắng được các hợp đồng trị giá 2,2
tỷ Mỹ kim để thiết chế các động cơ phản lực mới cho Hoa lục. Tổng cộng,
Tàu và Anh ký kết các thỏa thuận trị giá 40 tỷ Mỹ kim.
Tầm mức các thỏa thuận nêu trên không hề bất bình thường. Dù sao đi nữa,
khi họ Tập tới Hoa Kỳ, các công ty Trung quốc hứa mua các phi cơ trị
giá 38 tỷ Mỹ kim trong thỏa thuận đơn với hãng Boeing. Xét từ lập trường
chính trị, điều đáng quan tâm hơn nằm ở lời hứa của Anh quốc là sẽ trở
thành đối tác cấp cao nhất của Tàu cộng trong khối các nước Tây phương.
Lập lại những gì hình như đã trở thành câu kinh nhật tụng của chính phủ Anh, Thủ tướng David Cameron tuyên bố: “Tôi chắc chắn rằng Anh là đối tác tốt đẹp nhất của Trung quốc ở Tây phương”.
Tuy nhiên, họ Tập lý luận có khác hơn chút đỉnh bằng cách kêu gọi Anh quốc hãy “hoàn thành nguyện vọng trở thành nước cổ xuý mạnh nhất cho Trung quốc ở Tây phương”.
Có sự khác biệt lớn giữa “nước đối tác” và “nước cổ xúy”. Ba từ ngữ sau
ám chỉ vai trò tích cực hơn nhiều của Luân Đôn trong nỗ lực vận động
các quốc gia Tây phương và thậm chí cả Mỹ hãy nhìn nhận cội nguồn phát
triển của Trung cộng là chính đáng và đúng đắn.
Trên mặt trận kinh tế, điều trên có nghĩa là Luân Đôn sẽ hoàn tất sớm
hơn các lời hứa rằng họ sẽ giúp thúc đẩy các cuộc đàm phán về Hiệp định
Tự do Mậu dịch Trung-Âu (Free Trade Agreement – FTA), thậm chí dù các
thành viên khác trong Liên hiệp Âu châu vẫn còn ngần ngại. Bản thông cáo
chung được phổ biến trong chuyến công du của họ Tập tiết lộ: “Cả hai
bên đều ủng hộ sự kết thúc sớm sủa Hiệp định Đầu tư đầy tham vọng và
toàn diện Trung-Âu (Investment Agreement – IA); và lời kêu gọi nhanh
chóng phát động cuộc nghiên cứu liên hợp về tính khả thi của Hiệp định
Tự do Mậu dịch Trung-Âu.
Tuy nhiên, ý tưởng Anh quốc là “nước cổ xúy mạnh mẽ cho Tàu cộng” có thể
vượt khỏi phạm vi kinh tế. Trong bản tuyên bố chung, hai bên cam kết
tạo dựng “sự đối tác chiến lược tổng hợp toàn cầu”. Bản thông cáo cho
biết chuyến công du của họ Tập “mở ra kỷ nguyên hoàng kim cho mối bang
giao Trung-Anh với đặc điểm là lâu bền, bao hàm và hợp tác đôi bên cùng
hưởng lợi”.
Xét về tính hiệu quả, sự đối tác Trung-Anh được miêu tả bằng một ngôn
ngữ trích thẳng từ cuốn cẩm nang chính sách ngoại giao của Trung cộng,
đó là: “Đôi bên đều củng cố thêm sự tín nhiệm chính trị dựa trên phẩm
chất và lòng tương kính, và trong tinh thần đó công nhận tầm quan trọng
mà mỗi bên gắn kết với hệ thống chính trị riêng, với lộ trình phát
triển, với các lợi ích cốt lõi và với các vấn trọng đại khác”. Chấp
nhận công thức “lòng kính trọng lẫn nhau” của Trung cộng vô hình trung
đồng nghĩa với việc Anh quốc phải công nhận các lợi ích cốt lõi của
Trung cộng, kể cả yêu sách chủ quyền của Trung cộng ở biển Hoa Nam tức
Biển Đông của Việt Nam, trong khi hạn chế tối đa việc “lên lớp” về các
vấn đề nhân quyền.
Trên mặt trận nhân quyền, Luân Đôn vốn đã khởi sự hành động. Theo tin
tức báo chí, chính phủ Anh bắt giữ và lục soát tư gia của ba người biểu
tình phản đối các sự vi phạm nhân quyền của Trung cộng, tổ chức gần đoàn
công xa của họ Tập. Một là người sống sót sau biến cố Thiên An Môn và
hai người kia là người Tây Tạng. Một trong ba người biểu tình phản đối
bị bắt giữ cho tờ The Guardian biết rằng: “Sự đàn áp này giống y như sự đàn áp khi mà tôi còn ở Trung quốc”.
Trên mặt trận ngoại giao, Luân Đôn và Bắc Kinh tiến vài bước ngập ngừng
trong nỗ lực khuếch trương sự đối tác trong các vấn đề an ninh. Tàu cộng
và Anh quốc đồng ý “thiết lập cuộc đối thoại an ninh cấp cao nhằm
tăng cường các cuộc trao đổi và hợp tác về các vấn đề như không phát
triển các vũ khí nguyên tử, hoạt động hình sự có tổ chức, hoạt động hình
sự mạng và di cư bất hợp pháp”. Hai điểm khác trong bản thông cáo chung cho biết hai bên đồng ý “tăng cường hợp tác giải quyết các vụ tranh chấp cấp quốc tế và cấp khu vực bằng các biện pháp hòa bình” và “gia
tăng hợp tác đa phương nhằm giúp giải quyết xung đột bằng các phương
thức ngoại giao và chính trị ngõ hầu đạt được tình trạng ổn định”.
Thủ tướng David Cameron tuyên bố tại cuộc họp báo chung với họ Tập:
“Quan hệ chúng tôi vượt khỏi phạm vi mậu dịch và đầu tư. Trung quốc và
Anh quốc đều là nước lớn trên thế giới với viễn cảnh toàn cầu”.
Sự thay đổi trong chính sách ngoại giao của Luân Đôn với Trung cộng xảy
ra thậm chí dù nước đồng minh truyền thống là Hoa Kỳ ngày càng lo ngại
về các hành động của Bắc Kinh trên không gian mạng và ở khu vực Á
châu-Thái Bình Dương. Trong bối cảnh này, Anh quốc trong vai trò “nước
cổ xúy cho Trung cộng” đặt lợi ích của mình vào tình trạng mâu thuẫn với
lợi ích của hầu hết các nước Tây phương và có thể làm suy yếu các nỗ
lực ngoại giao của nhiều quốc gia thuộc Liên hiệp Âu châu và Hoa Kỳ. Như
Giáo sư Chính trị và Quốc tế Sự vụ tại trường Đại học Princeton, ông
Aaron Friedberg cho tờ tuần báo Times biết rằng: “Khi Trung cộng hành
xử tồi tệ trên một số lãnh vực như: không gian mạng, đàn áp người bất
đồng chính kiến, xiết chặt kiểm soát sinh hoạt internet, thì chúng ta sẽ
ít có cơ hội hơn nhiều để thuyết phục họ rằng họ cần phải điều hòa các
chính sách, nếu các quốc gia như Anh lại đứng về bên họ”.
Ngoại trưởng Anh, ông Philip Hammond bác bỏ ý kiến rằng Anh quốc sẽ
nhượng bộ các lợi ích quốc gia để theo đuổi sự đầu tư của Trung cộng.
Trong cuộc phỏng vấn với đài BBC, ông Hammond cho biết: “An ninh quốc gia phụ thuộc vào an ninh kinh tế”.
Trong khi đó, ông Cameron tự biện minh trong cuộc họp báo chung với họ Tập rằng: “giao
dịch kinh tế, kinh doanh và các sự đối tác khác của chúng ta càng mạnh
mẽ hơn và mối bang giao của chúng ta càng mạnh mẽ hơn, thì chúng ta càng
có thể có những cuộc thảo luận cần thiết và thẳng thắn hơn về những vấn
đề khác”, chẳng hạn như vấn đề nhân quyền.
Tuy nhiên, câu hỏi lý thú hơn là liệu Luân Đôn sẽ đề cập tới không chỉ
các chính sách quốc nội Trung quốc mà còn cả chính sách an ninh và ngoại
giao của Bắc Kinh bằng cách nào, đặc biệt là trong các lãnh vực mà Hoa
Kỳ đang cực lực chỉ trích. Liệu Luân Đôn trong tư cách là “đối tác tốt
nhất của Trung cộng trong khối Tây phương” có cản trở các nước khác
trong khối Thất Cường G7 bày tỏ nỗi lo ngại về hành động bá đạo của
Trung cộng ở biển Hoa Đông và Hoa Nam tức biển Đông của Việt Nam không?
Nói cách khác, liệu Anh có bắt đầu thủ vai một kẻ phá bĩnh phù Tàu cộng,
tương tự như những gì Cambodia thường làm trong các hội nghị của khối
ASEAN trong mấy năm gần đây không?
Trong khi đó, mặt thú vị của hiệu ứng phụ trong chính sách ngoại giao
mới giữa Anh với Trung cộng là Bắc Kinh hình như đã nâng cấp sự đánh giá
về tầm quan trọng toàn cầu của Luân Đôn. Trong năm 2013, khi mối bang
giao Trung cộng-Anh quốc còn lung lay, thì tờ Global Times của Trung
cộng đã bác bỏ vị thế cường quốc của Anh và cho rằng thời của Anh đã
qua: “Anh không còn là một cường quốc trong nhãn quan của Trung quốc.
Họ chỉ là một quốc gia Âu châu già nua, chỉ để du lịch và học tập”.
Bây giờ Bắc Kinh lại kỳ vọng Luân Đôn nhận lãnh vai trò đại diện cho
nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và nâng cấp Anh lên thành một “cường”
quốc “với ảnh hưởng quan trọng.”
Rốt cuộc, việc thuyết phục “một quốc gia Âu châu già nua” làm nước cổ xúy cho mình thì có lợi lộc gì trên bình diện thế giới?
24/10/15
0 comments:
Post a Comment