Sunday, October 25, 2015

Hồ sơ vụ án Lê Văn Mạnh

Bà Việt và cháu Kiên, con của Mạnh cầm thư viết trên áo của Mạnh gửi ra. Photo Chau Doan
Trong các phiên tòa, Lê Văn Mạnh đều phản cung, cho rằng mình bị đánh đập, tra tấn dã man trong trại giam. Lê Văn Mạnh tố cáo Nguyễn Kế Hiền bắt ép viết thư để nhờ Hiền gửi ra ngoài. Bức thư đó lại trở thành vật chứng để kết tội bị cáo. Ngoài ra, Mạnh còn tố cáo nhiều phạm nhân khác đánh đập, hành hung và dụ cung anh trong tù là Phạm Văn Bình và Trương Công Định. Hai người này lại trở thành nhân chứng khi ra tòa về việc “nghe Mạnh nhân tội trong tù”.... Ngày 16/10/2015, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa gửi thông báo về gia đình biết về việc thi hành án tử hình đối với Lê Văn Mạnh để gia đình làm đơn nhận tử thi đưa về an táng. Thời hạn cuối cùng nhận đơn là ngày 26/10/2015.

*

1. Tiểu sử: 

Lê Văn Mạnh, sinh ngày 25/12/1982 tại Thanh Hóa.
Địa chỉ: Thôn 4, xã Yên Thịnh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa

Gia đình: 

Bố: Lê Văn Chính, mẹ: Nguyễn Thị Việt
Vợ: Nguyễn Thị Thanh Bình
Con: Con trai Lê Văn Kiên, sinh năm 2004 và con gái Lê Thịnh Hà, sinh năm 2005.

Bị bắt ngày 20/04/2005 tại nhà, thôn 4, xã Yên Thịnh, Yên Định, Thanh Hóa.

Tội danh bị cáo buộc: “Giết người” , “Hiếp dâm trẻ em”, “Cướp tài sản”.

Ngày 29/07/2005, Tòa sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa kết án tử hình vì 3 tội danh “Giết người”, “Hiếp dâm trẻ em” và “Cướp tài sản”. 

Ngày 27/10/2005, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội hủy bỏ tội danh “Giết người” và “Hiếp dâm trẻ em”, giao tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa tiến hành tố tụng lại từ giai đoạn điều tra.

Ngày 13/03/2006, Tòa sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa kết án tử hình vì 2 tội danh “Giết người” và “Cướp tài sản”.

Ngày 26/07/2006, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội xử y án tử hình.

Ngày 23/04/2007, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị 2 bản án trước đó và giao hồ sơ về Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải quyết vụ án từ giai đoạn điều tra. 

Ngày 04/06/2007, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tiến hành giám đốc thẩm và hủy bỏ 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm gần nhất. 

Ngày 29/07/2008, Tòa sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa kết án tử hình vì tội “Giết người” và “Hiếp dâm trẻ em”. 

Ngày 25/11/2008, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội xử y án tử hình. 

Ngày 16/10/2015, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa gửi thông báo về gia đình biết về việc thi hành án tử hình đối với Lê Văn Mạnh để gia đình làm đơn nhận tử thi đưa về an táng. Thời hạn cuối cùng nhận đơn là ngày 26/10/2015.

2. Tiến trình vụ án: 

Ngày 21/03/2005, xảy ra một vụ Giết người và Hiếp dâm tại xã Yên Thịnh, Yên Định, Thanh Hóa. Nạn nhân là Hoàng Thị Loan, sinh ngày 15/08/1991. 

Vào lúc 17 giờ ngày 21/03, Hoàng Thị Loan đi ra bờ sông Cầu Chày, thuộc địa phân xã Yên Thịnh đi vệ sinh. Đến tối, gia đình phát hiện Loan mất tích liền tổ chức đi tìm nhưng không phát hiện. Đến 13 giờ ngày 22/03/2005, phát hiện xác Loan tại bờ sông Cầu Chày thuộc xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân. 

Khám nghiệm tử thi xác định:

- Có vết tụ máu ở vùng mi và mí mắt phải.
- Cổ bị thắt bởi áo của nạn nhân.
- Nách bị xây xát.
- Âm hộ chứa chất dẻo, tổn thương. 
- Tầng sinh môn tổn thương, tụ máu.
- Màng trinh bị rách.
- Rách da đầu.
- Viện khoa học hình sự Bộ Công an kết luận trong dịch âm đạo của nạn nhân có xác tinh trùng (ít) (BL 147)

Ngày 30/03/2005, Tổ chức giám định pháp y Thanh Hóa kết luận Hoàng Thị Loan chết do thắt cổ, trên nạn nhân có ngạt nước, có bị hiếp dâm ( BL 145-146). 

Ngày 20/04/2005, Lê Văn Mạnh bị bắt theo lệnh bắt tạm giam số 01 ngày 14/04/2005 của cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Đồng Nai do hành vi cướp tài sản và bỏ trốn. 

Ngày 23/ 04/2005, xuất hiện bức thư của Lê Văn Mạnh từ trong tù gửi cho bố với nội dung nhận tội, công an thu giữ bức thư này làm bằng chứng kết tội.

Từ 2005-2008, Lê Văn Mạnh trải qua tổng cộng 07 phiên tòa bao gồm 03 lần sơ thẩm, 03 lần phúc thẩm và 1 lần giám đốc thẩm. Trong tất cả các phiên tòa có mặt, Mạnh đều phản cung, tố cáo rằng mình bị đánh đập dã man bởi các phạm nhân cùng phòng và điều tra viên. Phiên xử phúc thẩm gần nhất vào ngày 25/11/2008 của Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội vẫn kết án tử hình đối với Lê Văn Mạnh. 

Ngày 16/10/2015, gia đình Mạnh nhân được thông báo từ Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc chuẩn bị tiến hành thi hành án tử hình. 

3. Những sai phạm trong quá trình tố tụng hình sự: 

3.1 Không xác định ADN mẫu xác tinh trùng trong người nạn nhân:

Viện Khoa học hình sự Bộ Công an kết luận trong dịch âm đạo nạn nhân Hoàng Thị Loan có xác tinh trùng đã chết. Tuy nhiên, cơ quan điều tra không hề giám định xem mẫu tinh trùng này có chính xác của Lê Văn Mạnh không.

3.2 Lấy lời khai trẻ em không có người giám hộ:

Em Lê Thị Lệ, thời điểm đó mới 9 tuổi, em gái Lê Văn Mạnh bị điều tra viên đến lấy lời khai tại trường học. Tuy có sự hiện hiện của cô giáo, nhưng đây không phải là người giám hộ được sự đồng ý của gia đình. Gia đình cũng không hề được thông báo về việc lấy lời khai của em. 

3.3 Chứng cứ kết án chỉ dựa vào lời khai nhận của bị cáo:

Tất cả chứng cứ kết án Lê Văn Mạnh đều là lời khai của bị cáo hoặc bức thư bị cáo gửi ra ngoài trong thời gian tạm giam và không có ai làm chứng việc Lê Văn Mạnh viết bức thư trong thời điểm nào, tình trạng ra sao. 

Ngoài ra, cơ quan công an còn dựa vào lời khai của các phạm nhân cùng phòng nói rằng “Mạnh thú tội trong thời giam bị giam” để làm bằng chứng kết tội. Việc này không hề có ai ngoài những người bị giam chung nói, nên không hề có giá trị pháp lý.

3.4 Thời gian chết trong các phiên tòa án không trùng với thời gian trong biên bản khám nghiệm hiện trường và giám định pháp y:

Theo bản khám nghiệm hiện trường và trưng cầu pháp y của Cơ quan pháp y Thanh Hóa, thời gian chết của nạn nhân Loan là 17 giờ. Tuy nhiên, trong bản cáo trạng các phiên tòa nêu ra rằng Loan chết lúc 17 giờ 30 phút. Thời gian 30 phút ảnh hưởng quan trọng đến việc ngoại phạm hay không của bị cáo. Đây là hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án rất nghiêm trọng. 

3.5 Bị cáo từ chối luật sư chỉ định nhưng tòa vẫn tiến hành xét xử

3.6 Không sử dụng biện pháp khoa học để xác định hung thủ (mẫu mắt, dấu vân tay và xác định ADN)

Nạn nhân bị chết trong tình trạng bị hành hung, hiếp dâm và thắt cổ bằng chính chiếc áo của mình. Tuy nhiên, cơ quan điều tra không hề xác định mẫu vân tay, mẫu mắt hay giám định ADN tinh trùng trong người nạn nhân. Đối với những vụ trọng án, đây là những chi tiết hết sức quan trọng để xác định hung thủ. Tuy nhiên, trong bản cáo trạng không hề nhắc đến những chứng cứ khoa học này. 

3.7 Có dấu hiệu bức cung, dụ cung

Trong các phiên tòa, Lê Văn Mạnh đều phản cung, cho rằng mình bị đánh đập, tra tấn dã man trong trại giam. Lê Văn Mạnh tố cáo Nguyễn Kế Hiền bắt ép viết thư để nhờ Hiền gửi ra ngoài. Bức thư đó lại trở thành vật chứng để kết tội bị cáo. Ngoài ra, Mạnh còn tố cáo nhiều phạm nhân khác đánh đập, hành hung và dụ cung anh trong tù là Phạm Văn Bình và Trương Công Định. Hai người này lại trở thành nhân chứng khi ra tòa về việc “nghe Mạnh nhân tội trong tù”.

3.8 Không ghi ý kiến luật sư bào chữa trong phiên tòa phúc thẩm 

3.9 Cơ quan công an thu giữ một chiếc quần sooc của Mạnh làm bằng chứng phạm tội. Tuy nhiên, những nhân chứng trong làng xác nhận rằng chiếc quần đó Mạnh mặc khi cùng nhiều người đi tìm xác Loan dọc sông Cầu Chày vào ngày 22/03. Chiếc quần đó bị rách và Mạnh vứt bỏ trước mặt nhiều người. Một thời gian sau, công an nhặt chiếc quần đó trong bụi cây và làm bằng chứng kết tội Hiếp dâm trẻ em của Mạnh. 

4. 4 Mâu thuẫn trong nội dung bản cáo trạng:

4.1 Gia đình Mạnh có mất trâu hay không? Nếu mất những ai đi tìm, ai tìm ra?

Trong bản cáo trạng nói rằng buổi chiều hôm đó, em Lê Thị Lệ, 9 tuổi, em gái Mạnh đi chăn trâu và đã làm mất trâu. Sau đó Mạnh đi tìm trâu, thấy Loan và tiến hành phạm tội. Tuy nhiên, gia đình Mạnh khẳng định không hề có chuyện mất trâu. Em Lệ sau khi chăn trâu về thì mới nấu cơm. Như vậy có một sự mâu thuẫn lớn trong bản cáo trạng mà cơ quan tố tụng đưa ra. Giả sử có chuyện mất trâu thì Lệ có về nấu cơm hay đi tìm trâu? Trâu được tìm ra lúc nào? Ai là người tìm thấy? 

4.2 Việc Mạnh lột quần nạn nhân đến 2 lần, trước và sau khi bế nạn nhân qua sông? 

Trong bản cáo trạng nói rằng Mạnh lột quần nạn nhân để hiếp dâm, sau đó đánh ngất xỉu nạn nhân và bế qua sông. Sau khi bế qua tiếp tục lại lột quần nạn nhân và nhét vật mềm vào âm hộ. Vậy thì việc hiếp dâm như thế nào khi vẫn mặc quần để qua sông, sau đó bị cáo lại lột tiếp? 

4.3 Việc em gái Lệ 9 tuổi thấy gì khi đang nấu cơm trong bếp và không thể nhìn ra vườn?

Nhà của gia đình Mạnh hình chữ L, bếp ở góc khuất. Việc Lệ đang nấu cơm thì không thể nhìn được ra vườn theo như bản khai mà điều tra viên làm việc với Lệ ( trong khi không hề có người giám hộ). 

4.4 Thực nghiệm học sinh tiểu học đi bộ với tốc độ 1,389m/s là không khả thi.

Trong quá trình điều tra, công an tiến hành thực nghiệm việc một học sinh tiểu học đi từ trường học đến nhà Lê Thị Nhài, em gái Mạnh để xác định thời gian có thể Mạnh gây án. Quãng đường đó là 750m. Cơ quan công an xác định mất 9 phút. Tức là tốc độ 1,389m/s. Đối với học sinh tiểu học, điều này là khá vô lý. Chưa kể việc các em còn phải mất thời gian tan lớp và việc chơi đùa dọc đường. 

4.5 Lấy lá thư nhận tội ra làm bằng chứng kết án, tuy nhiên những bức thư kêu oan không nhắc đến

Ngoài bức thư nhận tội gửi cho bố sau 03 ngày bị bắt mà Mạnh phản cung, Mạnh còn gửi ra khá nhiều những bức thư khác để cầu cứu và kêu oan. Tuy nhiên, cơ quan điều tra chỉ quan tâm đến duy nhất 01 bức thư nhận tội, còn những bức thư kêu cứu khác đều không được đoái hoài. Đặc biệt, cơ quan tố tụng còn dùng chính bức thư nhận tội làm bằng chứng kết tội Mạnh. Đây là điều không công bằng và trái luật. 

4.6 Bắt em trai Mạnh là Lê Văn Cương vì đồng phạm, sau đó, ép cung sang tội cưỡng đoạt tài sản rồi kết án 09 tháng tù.

4.7 Mực nước thời điểm thực nghiệm là 1,7m; nhưng thực tế thời điểm xảy ra vụ án, mực nước rất cạn; chỉ tới đầu gối. Việc bế một người qua sông sâu 1,7m như thế nào khi Mạnh chỉ cao 1,68m; chưa tính mức lún của bùn. 

Bản kết luận điều tra nói Mạnh bế nạn nhân Loan ở mực nước sâu 1,7m làm nạn nhân bị ngạt nước và chết. Thời điểm đó sông Cầu Chày mùa cạn nước, theo gia đình và nhân chứng kể lại, khi vớt được xác nạn nhân và lội qua sông mang về, sông chỉ lõm bõm nước. Như vậy việc thực nghiệm là không phù hợp với thực tế, nên bản kết luận điều tra như vậy cũng hoàn toàn thiếu tính thực tế. 

Giả sử mực nước 1,7m là có thật, việc Mạnh (chỉ cao 1,68m) bế một người đi qua sông là không thể. Mà việc vừa bơi vừa vác người diễn ra như thế nào? Mất bao nhiêu thời gian để có phù hợp với hoàn cảnh thời gian hay không? Tuy nhiên, cơ quan điều tra không hề tiến hành thực nghiệm việc Mạnh bế nạn nhân qua sông ở mực nước 1,7m và xác định thời gian đi lẫn về mất bao lâu. 

Trịnh Anh Tuấn

0 comments:

Powered By Blogger