Trong một chiều mưa tầm tã chú Răng ghé thăm tôi. Hai chú cháu ngồi
tâm sự bên tách cà phê đắng. Chú đã ôn lại quá khứ bi hùng trong đời
lính và nhắc lại những kỷ niệm vui buồn trong chốn lao tù cũng như bao
nỗi gian truân khốn khó sau thời gian chú vượt ngục.
Chú Nguyễn Văn Răng sinh năm 1952 là một cựu tù nhân chính trị vừa mãn án ngày 18/9/2015.
Một người lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), dù trong mọi hoàn cảnh vẫn nêu
cao tinh thần Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm. Một tù nhân chính trị, dù
trong mọi tình huống vẫn giữ được ý chí kiên cường và tinh thần bất
khuất, luôn trung thành với lý tưởng của mình đã chọn - chống chế độ độc
tài toàn trị.
Chú Răng xuất thân từ gia đình nông dân thật thà chất phác sinh sống tại
vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đôi bàn tay của chú chai sạn, thô kệch
với những vết sẹo đã vẽ lên một quãng đời gian nan nguy khó, trải qua
bao thống khổ cùng cực và đau buồn. Đặt tách cà phê lên bàn, đôi mắt chú
nhìn xa xăm, hồi tưởng lại...
Ký ức thời lính
“Vào một buổi trưa, trên chiếc xuồng chở đầy ắp mía mới thu hoạch,
chú hớn hở chèo về. Khi vừa tới nhà thì có một người quen chạy đến báo
tin: “Chị Chiến của mầy và chồng của chỉ bị Việt Cộng giết rồi. Sau đó
Chú hốt hoảng chạy theo người báo tin để xác nhận thông tin này thực hư
ra sao.”
Đầu Xuân năm 1968, Nguyễn Thị Chiến chị ruột của chú Răng đến thăm chồng
tại đồn Cồng Cộc, xã Phú Quới, huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long. Bất
ngờ Việt Cộng ồ ạt tấn công vào đồn. Lúc bấy giờ chị Chiến đang có mặt
cùng chồng dưới hầm truyền tin. Chị đã kịp thời chạy thoát ra ngoài. Vì
không thấy chồng mình đâu nên chị vội trở xuống hầm và thấy chồng và một
số chiến hữu đã chết. Chồng chị là Âm Thoại Viên và bản thân chị cũng
học được từ chồng một số thao tác sử dụng máy để truyền tin. Không thể
chậm trễ thêm nữa, chị bắt máy lên kêu gọi “hủy diệt” đồn Cồng Cộc. Liền
sau đó, phía sau chị một người lính Việt Cộng từ ngoài xông vào, liên
tục đâm “ba nhát” lưỡi lê vào lưng chị - Số phận của người lính “không
số quân” Nguyễn Thị Chiến đã cùng chồng ra đi vĩnh viễn.
“Biết được sự thật này chú đau khổ lắm” Chú Răng xót xa giọng nói trở nên trầm buồn hơn, "Chú uất ức không nói nên lời, lặng lẽ nhận xác hai người về nhà để mai táng và chôn cất".
Cái chết của người chị và anh rể quá thê thảm. Chú Răng đã quyết định
đăng lính. Vì thời gian đó chú mới 17 tuổi nên không đủ tuổi để nhập
ngũ. Tuy nhiên không vì thế mà chú từ bỏ quyết tâm của mình. Chú đã tìm
người để giúp làm “khai sinh giả” cho mình. Cuối cùng anh Nguyễn văn
Răng sinh năm 1951 chính thức được vinh dự đứng vào trong hàng ngũ của
quân lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) năm 1968.
Đơn vị đầu tiên của chú Răng là đơn vị Biệt Kích 8, tỉnh Vĩnh Long. Sau
đó chú qua tiểu đoàn 3, trung đoàn 16, sư đoàn 9 đóng tại huyện Châu
Thành, Vĩnh Long. Thời gian này, một lần nữa chú Răng đã tự tay mình đem
xác của người anh rể khác là lính thuộc Địa Phương Quân tử trận tại Ba
Kè - Vĩnh Long, về quê nhà mai táng và chôn cất.
Năm 1972 chú vào đơn vị Địa Phương quân tiểu đoàn 520 - Vĩnh Long.
“Đơn vị của chú liên tục “đụng độ” nhiều trận chiến ác liệt, đã khiến cho Việt Cộng phải khiếp sợ”, chú tự hào kể thêm,
“Vào đêm 30/4/1975, tiểu đoàn 520 - Vĩnh Long, chú đã cùng tỉnh trưởng
tỉnh Vĩnh Long, đại tá Lê Chí Thành quyết tử thủ đến giờ phút cuối cùng.
Nếu ai đã từng ở đơn vị Địa Phương quân tiểu đoàn 520 - Vĩnh Long cũng
đều biết đến những chiến công oanh liệt tại đây”.
Năm tháng tù đày
Sau 1975 chú Răng đã lẻn vào kho vũ khí tại xã Phú Quới, huyện Châu Thành - Vĩnh Long và lấy một số súng M16 và M79.
Sau đó chú đã liên kết một số anh em “ít ỏi” gồm Trần Hữu Phước, Trần
văn Lợt, Nguyễn Văn Tư, Hoàng (đã quên họ) cùng một số người khác, thành
lập tổ chức chống lại chế độ Cộng sản.
Ngày 23/6/1976 nhận thấy sự việc đã bại lộ, chú Răng cùng các anh em
giải tán đến nơi khác. Trên đường di chuyển, người bạn tên Hoàng xin
phép anh em ghé nhà bà ngoại mình để từ giã. Vì quá thương cháu và không
hiểu hết tầm nghiêm trọng của vấn đề nên bà ngoại Hoàng đã báo lại công
an địa phương. Cuối cùng chú Răng và tất cả anh em bị bắt ngay trong
ngày hôm đó.
Những ngày đầu tiên tạm giam tại nhà khám lớn Vĩnh Long, họ nhốt chú
cùng phòng với linh mục Nguyễn Ngọc Đạt và cùm hai giò của chú cùng 'sâu
cùm' với linh mục Đạt.
“Tuy họ không đánh đập gì nhiều, nhưng dùng hình thức tra tấn nhục
hình khác còn “quá cha” hơn, đó là suốt một tuần lễ họ hoàn toàn không
cho chú ngủ. Sau tuần lễ đó, liên tục nhiều tháng họ thay phiên nhau kêu
chú làm việc không kể ngày hay đêm. Họ muốn khủng bố tra tấn tinh thần
của chú, có lần chú đã ngất xỉu vì kiệt sức”.
Phiên tòa sơ thẩm tại tòa án nhân dân tỉnh Cửu Long đã kết án chú Nguyễn
Văn Răng mức tử hình với tội danh “âm mưu nhằm lật đổ chính quyền”. Chú
không đồng ý với mức án đó vì có một số tình tiết áp đặt không đúng với
bản chất sự việc, do đó chú đã kháng án, nhưng cuối cùng tòa án tối cao
vẫn giữ mức y án ban đầu.
Sau hơn 6 tháng bị giam cùm trong ngục tối, chú đã nhận được quyết định của chủ tịch nước giảm án từ tử hình xuống chung thân.
Sau khi nhận mức án chung thân họ giải chú tới trại tù Bến Giá tỉnh Trà
Vinh. Nơi đây chú Răng đã một lần cướp súng “cán bộ” để vượt ngục nhưng
không thành. Họ lại giam cùm chú lần nữa nữa.
Năm 1989, Chú Răng bị giải về trại A20, Xuân Phước. Tại đây chú đã làm
quen và kết thân cùng nhiều anh em tù nhân chính trị và tôn giáo như
thầy Thích Thiện Minh, Phan Văn Bàng và một số tu sĩ Dòng Đồng Công. Chú
Răng cho biết:
“Trại tù Xuân Phước là trại tử thần. Các cai ngục xem tù nhân như là rơm rác, hầu hết bọn họ đều không có nhân tính.
Tất cả các tù nhân dù già hay trẻ đều bị bắt lao động khổ sai. Chú bị
phân công vào đội 1 đào ao cá, mỗi người phải đào “hoàn thành”
2m3/ngày. Mặt bằng ở đây đều là đất đá các tù nhân phải vất vả dùng xà
beng để phá lớp đất đá trên mặt là đã mất cả buổi trời, rồi mới xuống
được lớp đất mềm phía dưới.
Còn chế độ sinh hoạt của tù nhân bị chèn ép thật tàn nhẫn, mỗi buổi
ăn chỉ là một chén và canh thường là “rau muống già luôn cả rễ” thêm
chút muối. Chăn mềm không đủ ấm, và áo không đủ măc... Chú chứng kiến
rất nhiều anh em khi ra hiện trường lao động chưa làm gì thì đã ngất xỉu
vì đói rét."
Vào năm 1990, một số tù nhân chính trị và tôn giáo bị giải về trại tù Z30A Xuân Lộc.
Vượt ngục và duyên tình
Ngày 10/7/ 1991 chú Răng đã vượt ngục thành công. Chú nói: “Sau khi
vượt khỏi ngục chú đi đến các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang… vào
tận các phum sóc của người Campuchia để mà làm ăn. Sau đó chú lần đến Bệ
Ba Dong, Vườn Cả Hơn mong gặp các chiến hữu xưa. Vì nơi đây là một
trong những mật khu của lính VNCH sau 1975”.
Trong suốt ba năm làm ăn và chờ đợi. Tình cờ chú làm quen được với cô
Nguyễn Thị Kim Khoa, một thôn nữ ở tỉnh Đồng Tháp hiền lành cũng làm
mướn trên đây. Ông trời đã xót thương một con người bất hạnh và tác hợp
cho cô chú được bên nhau. Chú Răng vui vẻ nói tiếp:
“Thật tội nghiệp cho cô Khoa lắm, con gái lấy chồng mà không được
rước dâu. Lễ cưới được tổ chức tại nhà mẹ của cô Khoa, ấp Bình An xã
bình Thành huyện Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp. Chú nhờ người giúp lén lút đến
gia đình chú để mời cha mẹ anh em đến đây dự”.
Họ đã sống hạnh phúc bên nhau được hơn 10 năm và có được hai mặt con. Cuối cùng giờ “định mệnh” đã đến. Chú xót xa kể lại:
“Vào ngày 4/1/2012 là ngày giỗ của ba chú. Vì chú không thể đưa vợ
con về nhà ba mẹ tại xã Phú Quới, huyện Châu Thành - Vĩnh long, để thắp
cho ông 1 nén nhang được. Mà bé Nguyễn Thị Hoàng Nhi con chú nó nhớ bà
nội, nên xin phép chú được cùng mẹ về nội dự đám đồng thời được thăm bà.
Về đây thì công an xã địa phương đã bắt hết cả ba mẹ con. Lần theo giấy
tờ của cô Khoa công an biết được nơi ở của chú, rồi ngay đêm khuya hôm
đó công an đến bố ráp bắt chú”.
1 giờ đêm ngày 5/1/2012, Chú Răng đã bị bắt trở lại và bị giải về ngay
trại tù Z30A- Xuân Lộc, và đến 5/3/2014 hay tin cô Nguyễn Thị Kim Khoa
đã vĩnh viễn ra đi trong cơn đột qụy.
Dường như chú quá đau lòng khi kể tới đây nên chú chỉ biết nhìn trời,
nhìn vào những hạt mưa cuối cùng đang rơi xuống... Tôi cảm thông được
nỗi lòng của chú lúc bấy giờ nên không hỏi gì thêm.
Viết những dòng chữ này, tôi không chỉ muốn những người Việt Nam yêu tự
do biết về người tù Nguyễn Văn Răng, mà còn biết về những người đã hy
sinh và chịu tù đầy trong thầm lặng như thế nào.
Còn và còn nhiều lắm những người sẵn sàng chết cho đất mẹ, cho tự do và
những điều tốt đẹp. Để thấy rằng mỗi chúng ta không thể nằm ngoài trách
nhiệm với tổ quốc thân yêu này.
Chú Nguyễn Văn Răng cùng con gái Nguyễn Thị Hoàng Nhi
28/10/2015
0 comments:
Post a Comment