Wednesday, October 28, 2015

CHUYỆN CON NÍT HAY SỰ Ù LỲ TRÍ THỨC?



Hà Văn Thùy Nguồn: Ba Sàm 2015-10-28

Bài “Lạm bàn về thoát Trung” của tôi được nhà văn Nguyễn Quang Lập đăng lại trên trang nhà của anh với lời bình: “Đăng để các nhà văn hóa có dịp phản biện. Những ức đoán lịch sử theo lối ” Triết lý cái đình” của Kim Định đọc để biết cho vui chứ bảo đó là những căn cứ lịch sử thì khó xực lắm. Nói bác Hà Văn Thùy đừng giận, món lịch sử “mày không phải bố tao, tao mới là bố mày” là lý lẽ tranh nhau theo kiểu rất con nít, thế kỉ 21 rồi nên bỏ đi. Vả, cái lý “cùng một dòng máu” dù vô tình đến mấy cũng khiến cho thiên hạ nghi ngờ đó là cái lý để bao che “16 chữ vàng”. Quan trên vớ phải cái lý này sẽ mừng rỡ vô cùng, cảm ơn bác lắm lắm.”
Tôi xin thưa lại đôi lời.
I. Quá trình tìm lại cội nguồn.
Hơn 40 năm trước, khi từ bỏ cái nghề có chỗ đứng vững chắc của một chuyên gia bảo quản lương thực – giữ kho gạo thời bao cấp – để theo nghiệp văn chương, tôi tâm niệm: “Muốn viết được câu văn tử tế, phải hiểu thấu đáo lịch sử dân tộc.” Từ năm 1977 khi vào Nam, tôi đã học và tìm hiểu tới tận cùng mảnh đất Nam Bộ. Nguyễn Trọng Tín, một bạn văn Cà Mau gọi tôi là “Thằng Nam Kỳ nói giọng Bắc.” Nhưng cho tới cuối thế kỷ trước, tôi chỉ biết sử Việt không hơn người khác: “Con người sinh ra ở vùng Tây Tạng rồi vào Trung Quốc. Sau đó, bị người Hán đánh đuổi, tổ tiên ta từ Trung Quốc xuống Việt Nam. Do vậy, từ máu huyết tới văn hóa chúng ta đều nhận từ Trung Quốc. Tiếng Việt muợn 70% từ ngôn ngữ Trung Hoa.” Dù không muốn tin nhưng đó là kiến thức được nhiều lần dạy dỗ. Cho tới tháng 8 năm 2004, đọc Việt lý tố nguyên của Kim Định, tôi được chỉ cho một lịch sử Việt Nam khác hẳn: “Người Việt vào chiếm Trung Quốc trước, đã tạo dựng ở đây nền văn hóa nông nghiệp Việt nho rực rỡ. Từ tiếng nói, chữ viết tới Kinh Dịch, Thư, Thi, Nhạc, Lễ… đều là sản phẩm của Việt tộc. Sau này người Hán vào chiếm Trung Hoa, đã cướp đoạt đất đai, văn hóa và làm sa đọa Việt nho thành Hán nho, Tống nho đậm sắc thái du mục.” Tuy không hề được chứng minh nhưng những điều mang vẻ hoang tưởng ấy không hiểu sao lại giành trọn niềm tin của tôi!
May sao, ít lâu sau tôi đọc được bài báo nhỏ của tác giả Hoài Thanh trên tờ báo Người Việt ở Mỹ, nói rằng, các nhà di truyền người Mỹ gốc Hoa phát hiện, “con người được sinh ra ở châu Phi rồi theo bờ biển Ấn Độ tới Việt Nam. Sau đó từ Việt Nam họ lan tỏa ra các hải đảo Đông Nam Á rồi lên khai phá Trung Hoa” . Như tia chớp lóe sáng trong đêm, tôi nhận ra: nếu điều này là sự thật thì nó không chỉ làm thay đổi lịch sử mà còn thay đổi cả số phận dân tộc Việt! Từ đó tôi tập trung tâm trí tìm thông tin về việc này. Nhờ bạn bè ở Mỹ, Canada và Úc, tôi có thêm tài liệu để hoàn thành tiểu luận: Tìm lại cội nguồn tổ tiên cội nguồn văn hóa , công bố trên talawas và BBC Việt ngữ đầu năm 2005. Trong năm 2005, nhờ có thêm tư liệu, tôi viết cuốn Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt , in năm 2006. Do có thêm tư liệu và nhận thức sâu hơn, năm 2008 tôi cho in cuốn Hành trình tìm lại cội nguồn và năm 2011 in cuốn thứ ba: Tìm cội nguồn qua di truyền học . Thông qua ba cuốn sách và hàng trăm bài viết, tôi trình bày những phát hiện mới nhất của khoa học nhân loại cho thấy: đất Việt Nam là nơi phát tích của con người và văn hóa châu Á. Tiếng Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa. Chữ Giáp cốt là sáng tạo của người Việt. Và cố nhiên, các kinh Thư, Thi, Dịch… là sản phẩm của tộc Việt! Lạ lùng thay, ở cuối sự phát hiện, tôi thấy mình không đi xa hơn dự báo của Kim Định nửa thế kỷ trước!
Càng đi sâu vào quá khứ dân tộc Việt, tôi thấy mình càng hiểu thêm về Trung Hoa. Vì vậy năm 2013 tôi hoàn thành cuốn Viết lại lịch sử Trung Hoa . Đây là lần đầu tiên bằng giấy trắng mực đen chỉ cho người Trung Hoa biết tổ tiên thực sự của họ là ai, tiếng nói họ từ đâu ra, chữ viết của họ do ai sáng tạo, văn hóa của họ được hình thành như thế nào? Một khi đi tới tận cùng lịch sử Trung Hoa cũng là lúc hiểu sâu hơn sử Việt. Tôi cho ra cuốn thứ năm: Tiến trình lịch sử văn hóa Việt. Có sự thực là, dân tộc Việt từng nhiều lần bị đô hộ và cũng nhiều lần tự giải phóng về đất đai, về thân xác con người nhưng chưa bao giờ được giải phóng về văn hóa vì luôn bị đè nặng dưới cái bóng khổng lồ văn hóa Trung Hoa. Với khám phá này, lần đầu tiên dân tộc Việt được giải phóng về văn hóa: Không phải đám Tàu lai trôi sông lạc chợ mà người Việt chính là tổ tiên của người Trung Hoa, cho người Trung Hoa tiếng nói, chữ viết và nền văn hóa Việt rực rỡ. Khám phá như vậy không chỉ thay đổi lịch sử mà chắc chắn sẽ thay đổi số phận dân tộc, vì nó giúp người Việt “ngửng đầu lên được” như mơ ước của bao thế hệ cha ông. Do không được xuất bản trong nước, bạn bè giúp tôi in hai cuốn sách bên Mỹ và phát hành trên Amazon.




II. Cái mới và sự tiếp nhận
Cuối năm 2004, tôi gửi một bản Tìm Lại Cội Nguồn Tổ Tiên Cội Nguồn Văn Hóa cho nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung Ương với mấy dòng: “Đây là những phát hiện với cơ sở khoa học vũng chắc, không chỉ thay đổi lịch sử mà có thể làm thay đổi số phận dân tộc. Là nhà thơ, anh cần biết để có cảm hứng sáng tác. Là người lĩnh xướng công tác tư tưởng văn hóa đất nước, anh càng cần biết để chỉ đạo công việc.” Rất tiếc là tôi đã cất tiếng gọi vào chốn-không-người! Nhà thơ Nguyễn Duy trước khi ra Hà Nội, bảo: “Bác đừng gửi ra nước ngoài vội, đề tôi chuyển cho anh Thỉnh.” Hơn tháng sau, anh trở về, buồn bã: “Thằng nào đọc cũng thích nhưng chẳng thằng nào dám đăng.” Không còn cách nào khác, tôi công bố trên talawas và BBC tiếng Việt.
Hè năm 2008, hai vợ chồng ông lão Việt kiều sống 50 năm ở Pháp về nước, tới thăm tôi. Ông nói: “Tôi về hôm kia, hôm qua tới thăm người duy nhất trên đời này tôi gọi là thầy. Còn nay tới thăm tiên sinh vì tiên sinh cho tôi một vũ khí kỳ diệu để bảo vệ sự vinh quang của tộc Việt.” Ít lâu sau ông giúp tôi 10.000.000 đồng góp vào in cuốn Hành Trình Tìm Lại Cội Nguồn. Sách in xong, nhà văn Hoàng Lại Giang gọi điện xin tôi một cuốn. Ông đọc rất kỹ rồi viết bài bình luận dài, gửi cho cô học trò cũ, là biên tập viên văn nghệ tờ báo lớn. Mấy bữa sau, cô trả lời ông: “Chuyện mới quá, Ban Biên tập không dám quyết, phải xin ý kiến nhà sử học tên tuổi. Ông giáo sư nói: 'Tài liệu này phần nhiều lấy trên mạng, không đủ độ tin cậy!' Bài báo bị dẹp bỏ."
Cuối năm 2013, tạp chí Tia Sáng dự kiến làm hội thảo về những nghiên cứu của tôi. Để chắc ăn, họ trưng cầu ý kiến một số nhà khoa học tên tuổi và nhận được những lời như sau:
– Một vị giáo sư, phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội: “ Ông Hà Văn Thùy theo một vệt Kim Định và Trần Ngọc Thêm. Mấy năm trước, một học giả Đài Loan định dịch sách của Thêm để in bên Đài, có hỏi tôi. Tôi bảo cuốn đó không đáng tin. Họ không dịch nữa.”
– Một vị giáo sư khác: Ông Hà Văn Thùy là người ghen ăn tức ở. Thấy những người khác nổi tiếng như Nguyễn Tài Cẩn là ông ấy phản bác.
– Một vị giáo sư người Mỹ: “Ông Hà Văn Thùy chỉ là thường dân. Ở phương Tây không có chuyện thường dân lại phản đối các giáo sư!”
– Một vị khác: “Ông Hà Văn Thùy chỉ là người nghiên cứu độc lập, không học hàm học vị, không ở trong cơ quan, tổ chức nào!”
Do những lời “phản biện” như vậy, cuộc hội thảo không thành.
Nhà văn Vũ Hạnh là người quan tâm nhiều tới công việc của tôi. Ngay từ khi tiểu luận “Tìm Lại…” ra đời, ông đã photo hàng chục bản đem biếu. Tôi gửi cho ông một bản cuốn Viết Lại Lịch Sử Trung Hoa. Ông đọc rồi photo tặng bạn bè. Thấy cuốn sách không được in, ông rất bức thúc, nói: “Anh cho tôi mấy cuốn đã in của anh kèm theo bản thảo cuốn sách mới để lần họp Hội đồng lý luận Trung ương tới, tôi gửi cho Đinh Thế Huynh.” Ông mang sách ra Hà Nội. Lần đó ông trưởng ban tuyên giáo không dự, ông gửi sách cho thơ ký của sếp, kèm theo lá thư dài, nói rằng “cuốn sách rất tốt về nội dung, nên in vì có lợi cho dân tộc.” Và tới nay lá thư vẫn chờ hồi đáp!
Mấy năm trước, sau khi phát hiện cái sai của giáo sư Nguyễn Tài Cẩn trong cuốn Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt , tôi viết bài gửi nhiều tạp chí danh tiếng nhưng không tờ nào chịu đăng, đành công bố trên mạng. Tôi cũng gửi thư tới ông Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm và Viện trưởng Viện ngôn ngữ học, yêu cầu các ông “nếu tôi sai thì viết bài phê bình để công chúng khỏi hoang mang.” Nhưng tất cả rơi vào im lặng!
Tuy nhiên cuộc đời không chỉ có vậy. Một người bạn hồi học phổ thông gọi cho tôi: “Lạ lắm Thùy ạ. Hôm qua dự một hội nghị, tao thấy ngày càng nhiều thằng nói theo giọng của mày.” Khuya hôm trước, một ông cụ gọi cho tôi: “Tôi vừa đọc ở báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, có bài của ông Nguyễn Phương nào đó, không dẫn nguồn nhưng ý tứ rất gần những nghiên cứu của anh. Họ không nêu tên mình nhưng nói theo tư tưởng của mình, thế là vui rồi.” Cụ an ủi.
III. Nghịch lý của cuộc đời
Có một nghịch lý là trong khi những phát hiện mới về lịch sử dân tộc Việt ở Việt Nam bị cấm đoán thì bên Trung Quốc tình hình khác hẳn. Trước đây vài năm, nhiều học giả Trung Quốc vẫn giữ quan điểm: tổ tiên họ là người Vượn Bắc Kinh. Nhưng trước áp lực của sự thật được khám phá từ giới khoa học quốc tế, năm 2014, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc thừa nhận, tổ tiên họ từ châu Phi tới. Nhưng họ cho rằng “Người Hán là trung tâm của khối Bách Việt, đã lãnh đạo Bách Việt sáng tạo những thành tựu kinh tế, văn hóa vĩ đại. Trong khi đó, Việt Nam là đám ly khai nên dốt nát, cần được dạy dỗ!” Lý Khắc Cường dạy người Việt “lãng tử hồi đầu” là theo lời mớm của những bậc thầy văn hóa đại Hán ấy! Một lần nữa lịch sử lại bị đánh tráo một cách trắng trợn. Không chỉ vậy, từ bên kia đại dương, những sử gia người Mỹ như K.W.Taylor, L.C. Kelley… kiến văn nông cạn nhưng hận thù sâu thẳm không ngừng xuyên tạc lịch sử, xúc phạm dân tộc Việt! Trong khi đó, những giáo sư, viện sĩ học hàm học vị cùng mình, mũ cao áo dài vinh thân phì gia bịt mắt bưng tai làm mù làm điếc!
Thế đấy, trong khi giặc cướp thỏa sức nói bậy, làm càn còn người nói lên sự thực về nguồn cội chẳng những bị trói tay bịt miệng mà còn bị đồng bào mình ném đá!
Đọc mạng Quê Choa, thấy có vẻ cấp tiến, tôi thăm dò gửi chủ trang một bài khảo cứu về nguồn cội. Ông lịch sự “cảm ơn bác”. Không sao, nhân tâm tùy thích! Nhưng với sự việc trên thì tôi thất vọng. Không phải vì bị ném đá mà về thái độ trí thức ở nhà văn mà tôi yêu mến. Đến bây giờ một nhà văn, “kỹ sư tâm hồn”, “người dẫn đường dân tộc” mà còn hiểu như vậy về Kim Định sao? Chả nhẽ nhà văn với những truyện ngắn, những tản văn sắc sảo lại ù lỳ, thiếu cả tâm thiếu cả trí đến thế?! Buồn thay cho trí thức Việt!
Một người bạn, dân xứ Quảng gửi cho tôi link từ trang mạng của nhà văn Nguyễn Quang Lập cùng dòng sau:
Với Bác NQL, em nghĩ là người nắm bắt được tinh thần văn hóa của chúng ta để đi đến chân lý. Tiếc thay, Bọ cũng thuộc nhóm chân không đến đất và cật thì chẳng biết ở đâu. Con đường vẫn ở phía trước, bởi đây là Hành trình vạn dặm Anh ạ.
Không hiểu đó là chuyện con nít hay sự ù lý trí thức?

0 comments:

Powered By Blogger