Friday, August 21, 2015

TIN Á CHÂU


Tập trận Nga-Trung : Bắc Kinh không giấu ý đồ chống Mỹ-Nhật ?


Trọng Nghĩa


media
Các đơn vị Trung Quốc thực tập chiến đấu tại Murom, Nga ngày 08/08/2015.

Hải quân hai nước Trung Quốc và Nga đã khởi động vào hôm nay 20/08/2015, một cuộc tập trận chung được đánh giá là có quy mô rất rầm rộ tại miền bắc Biển Nhật Bản, một vùng nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Trong lúc Tân Hoa Xã xác định rằng đợt diễn tập hải quân này không nhắm vào ai, Hoàn cầu Thời báo không ngần ngại gắn liền động thái chung của Bắc Kinh với xu thế ngày càng chặt chẽ thêm trong liên minh Mỹ-Nhật.

Một trong những ý nghĩa quan trọng nhất của một cuộc tập trận là phô trương uy lực quân sự. Điều này được thể hiện rõ qua lực lượng được cả Bắc Kinh lẫn Mátxcơva tung vào cuộc tập trận mang tên Joint Sea-2015 (II) : Hơn 20 chiến hạm, hai tầu ngầm, hàng chục phi cơ chiến đấu và trực thăng, nhiều phương tiện đổ bộ và 400 lính thủy quân lục chiến. Trong 9 ngày ròng rã, hải quân hai nước sẽ thực hiện các bài tập khác nhau, trong đó có nội dung chống tàu ngầm và phòng không. Ngoài ra, một bài tập đổ bộ lên bờ biển cũng được dự trù.
Theo các nhà phân tích, rõ ràng là khi cùng với Nga đẩy mạnh các cuộc tập trận chung, đối tượng mà hai bên nhắm tới là liên minh Mỹ Nhật. Hãng tin Hàn Quốc Yonhap vào hôm nay đã đặc biệt nhấn mạnh trên tín hiệu thị uy mà Trung Quốc và Nga muốn gởi đến Mỹ và Nhật Bản.
Trong một bài xã luận nói về cuộc tập trận, Hoàn cầu Thời báo, một nhật báo thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cho rằng nhân tố thúc đẩy Bắc Kinh và Mátxcơva tăng cường hợp tác quân sự chính là sự kiện liên minh Mỹ-Nhật ngày càng được cũng cố thêm, đặc biệt trong lãnh vực an ninh quân sự :
« Một số người đang lo ngại rằng việc Mỹ tăng cường hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương đã tạo ra sức ép trên cả Bắc Kinh lẫn Mátxcơva… Không thể phủ nhận rằng sự chuyển biến trong liên minh Mỹ-Nhật là động lực lớn nhất khiến cho Trung Quốc và Nga tiếp tục xích lại gần nhau về mặt quân sự ».

Hoàn cầu Thời báo Trung Quốc đã nói thẳng như trên về mục tiêu chống liên minh Mỹ-Nhật được Bắc Kinh và Mátxcơva thể hiện qua các cuộc tập trận hỗn hợp gần đây.

Tuy nhiên, Tân Hoa Xã, cũng trong một bài xã luận về cuộc tập trận, đã bác bỏ lập luận cho rằng Trung Quốc và Nga muốn thị uy trước Mỹ và Nhật khi cùng nhau tập trận. Đối với với Tân Hoa Xã, các cuộc tập trận thường niên của hải quân Nga Trung từ năm 2012 không hề nhằm mục tiêu thị uy với bất kỳ ai, mà chỉ nhằm phát huy an ninh hàng hải và ổn định khu vực.

Lo ngại kinh tế Trung Quốc, chứng khoán châu Á đồng loạt sụt điểm


Thanh Phương
media
Bảng giá cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Sydney, Úc, 06/08/2015.REUTERS/David Gray

Chỉ số các thị trường chứng khoán châu Á đã đồng loạt sụt giảm ngày 20/08/2015 do các mối quan ngại về tình hình kinh tế Trung Quốc.

Thị trường chứng khoán Thượng Hải hôm nay lại sụt 3,42%, kéo một loạt thị trường chứng khoán khác ở châu Á tụt giảm theo ( Hồng Kông -1,77%, Tokyo - 0,94%, Seoul -1,28%, Sydney -1,70%..... ).

Các nhà giao dịch chứng khoán cho biết là các thị trường vẫn lo ngại về tình hình kinh tế Trung Quốc sau khi Bắc Kinh bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ vào tuần trước, thêm vào đó là khả năng tăng trưởng của nước này sẽ thấp hơn là dự báo.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ( Ngân hàng Trung ương ) hôm qua cho biết là nhiều thành viên của cơ quan này cũng đang rất lo ngại về mức tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc, vì tình trạng này chứa đựng nhiều nguy cơ cho viễn cảnh kinh tế của Hoa Kỳ.

Không chỉ có chỉ số chứng khoán, mà tại các thị trường châu Á, giá dầu cũng tiếp tục giảm và hôm nay xuống gần đến mức thấp nhất kể từ 6 năm qua và gần đến ngưỡng 40 đôla/thùng, sau khi có thông báo bất ngờ về tăng dự trự dầu thô của Mỹ, khiến mọi người thêm lo ngại là mức cung quá lớn so với mức cầu, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại, trong khi đây là quốc gia nhập khẩu năng lượng nhiều nhất thế giới.

Thiên Tân : Độc chất cyanure gấp 356 lần mức cho phép

Trọng Thành
media

Nước bị ô nhiễm hóa chất được dẫn ra khỏi hiện trường vụ nổ ở Thiên Tân, 19/08/2015.REUTERS/Stringer

Hàng nghìn tấn hóa chất độc hại đã thoát ra ngoài sau vụ nổ tại Thiên Tân, cách nay một tuần. Người dân địa phương hết sức phẫn nộ vì chính quyền che giấu thông tin. Hôm qua, 19/08/2015, cơ quan môi trường Thiên Tân, Trung Quốc lần đầu tiên ra thông báo : nồng độ độc chất cyanure trong nước tại khu vực công nghiệp cảng Thiên Tân vượt gấp 356 lần mức cho phép. Trong khi đó, cơ quan y tế địa phương khẳng định nước máy trong vùng vẫn bảo đảm về chất lượng.

Theo Reuters, trong một báo cáo được công bố hôm qua, cơ quan bảo vệ môi trường Thiên Tân cho biết nồng độ cyanure trong nước sông và nước biển tại khu vực này tăng vọt kể vụ nổ, khiến ít nhất 114 người chết và hơn 700 người bị thương. Tại tám điểm đo lường, có nơi nồng độ cao đến 356 lần mức quy định.

Sau các điều tra, chính quyền Trung Quốc khẳng định kho chứa hàng trước khi nổ có khoảng 2.500 tấn hóa chất, với 40 sản phẩm độc hại, gồm ba loại chính. Ngoài khoảng 700 tấn natri xyanua, một hóa chất rất độc, tại nhà kho bị nổ còn có 1.300 tấn chất tẩy như ammonium nitrate hay potassium nitrate, và 500 tấn hóa chất bắt lửa như sodium và magnesium.

Chính quyền địa phương cũng thông báo hàng ngàn dân cư tại khu vực này sẽ phải sơ tán khẩn cấp, do hóa chất độc hại tràn ngập trong không khí.

Vụ nổ tại Thiên Tân vừa qua phơi bày tình trạng các chuẩn mực về phòng hỏa hoạn và an ninh môi trường tại Trung Quốc bị coi nhẹ như thế nào. Hôm qua, báo chí Trung Quốc tố cáo các lãnh đạo công ty Thụy Hải (Ruihai – chủ của các kho hàng nói trên) đã lợi dụng quan hệ để được cấp phép dễ dãi. Một số nhà ở và một ga đường sắt nằm gần kho hàng hơn so với quy định chính thức.

Dân cư địa phương đã nhiều lần biểu tình phản đối chính quyền đã bỏ mặc họ, không trợ giúp, bồi thường như cam kết. Vụ nổ Thiên Tân khiến khoảng 17.000 căn hộ bị hư hại, hơn 6.000 người phải sơ tán tính đến nay.

Thiên Tân : Chuyên gia Liên Hiệp Quốc chỉ trích Bắc Kinh thiếu minh bạch

Thu Hằng
media

Lực lượng an ninh Trung Quốc kiểm soát nghiêm ngặt lối vào hiện trường vụ nổ ở Thiên Tân.REUTERS/Kim Kyung-Hoon

Một chuyên gia của Liên Hiệp Quốc về các loại hóa chất nguy hiểm đánh giá chính quyền Trung Quốc thiếu minh bạch trong việc xử lý và bảo quản vật liệu nguy hiểm sau vụ nổ tại Thiên Tân. Lời chỉ trích trên được đăng ngày hôm qua, 19/08/2015, trong bản thông cáo của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền.

Ông Baskut Tuncak, báo cáo viên đặc biệt về các vấn đề liên quan tới chất nguy hiểm và chất thải, tuyên bố : « Tình trạng thiếu thông tin vào lúc đang cần nhất là một thực tế đáng buồn, đặc biệt khi những thông tin này lẽ ra đã có thể giúp giảm bớt, thậm chí ngăn chặn tai họa này ».

Ngoài ra, ông cũng đánh giá « đáng lo ngại » những hạn chế về quyền của người dân tiếp cận thông tin liên quan tới sức khỏe, an toàn và hạn chế về quyền tự do báo chí. Ông Tuncak kêu gọi chính phủ Trung Quốc phải tỏ ra minh bạch hoàn toàn trong cuộc điều tra về các vụ nổ tại Thiên Tân.

Hơn nữa, vẫn theo chuyên gia trên, Trung Quốc phải xem xét lại các đạo luật quy định các chất nguy hiểm của nước này để xem những luật đó có phù hợp với các tiêu chí quốc tế hay không. Cuối cùng, ông Tuncak nhấn mạnh công chúng phải được tiếp cận mọi thông tin liên quan tới các chất độc hại.

Công việc dọn dẹp tại Thiên Tân trở nên phức tạp hơn do mưa lớn tại khu công nghiệp bị tai nạn, trong khi đó người ta ngày càng lo ngại về quy mô nhiễm độc. Chính quyền địa phương nhấn mạnh rằng không khí cũng như nguồn nước tại thành phố không bị nhiễm độc.

Theo Tân Hoa Xã, công ty Tianjin Rui Hai International Logistics là chủ sở hữu kho hàng và được cấp phép xử lý các hóa chất độc hại. Nhưng vấn đề đặt ra là trữ lượng hóa chất độc hại tại đây cao gấp nhiều lần với mức quy định cho phép.
Khoảng 700 tấn chất cyanure, một chất vô cùng độc hại, được cất giữ trong kho chứa hóa chất tại Thiên Tân. Các vụ nổ trong khu vực kho bãi này cách đây đúng một tuần đã khiến ít nhất 114 người thiệt mạng.

Trung Quốc lại vỡ mộng trong âm mưu thao túng Sri Lanka

Trọng Nghĩa

media

Cựu Tổng thống Rajapaksa đã thất bại trong cuộc bầu cử.REUTERS/Dinuka Liyanawatte

Trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 17/08/2015 vừa qua, cử tri Sri Lanka, một quốc gia vùng Nam Á láng giềng của Ấn Độ đã lại từ chối không cho cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa trở lại nắm quyền trong cương vị Thủ tướng. Đây là lần thứ hai trong không đầy một năm mà nhân vật này bị người dân Sri Lanka chối bỏ, lần trước đây là nhân cuộc bầu cử Tổng thống vào Tháng Giêng.

Theo giới phân tích, nước bị đau nhất trong vụ này chính là Trung Quốc, vốn đã đầu tư mạnh mẽ vào ông Rajapaksa, với hy vọng là nhân vật độc đoán thân Bắc Kinh này sẽ nắm quyền lâu dài tại Sri Lanka, cho phép Trung Quốc biến quốc gia này thành tiền đồn tấn công vào vùng ảnh hướng của Ấn Độ, giúp Trung Quốc thao túng cả vùng Nam Á và Ấn Độ Đương.

Vào thời ông Mahinda làm Tổng thống Sri Lanka, Trung Quốc hầu như đã có thể tự do tung hoành tại quốc gia Nam Á này, dùng đó làm địa bàn mở rộng thanh thế, kể cả về quân sự.

Giới quan sát đã ghi nhận con số 5 tỉ đô la mà Bắc Kinh đã bơm vào Sri Lanka nhằm biến nước này thành một trục quan trọng trong chiến lược xây dựng Con đường Tơ lụa trên biển, mà các chuyên gia Ấn Độ cho là biến thể mới của chiến lược « Chuỗi ngọc trai », một hệ thống cảng mở cửa cho Hải quân Trung Quốc quanh vùng Ấn Độ Dương.

Nhờ hậu thuẫn của cựu Tổng thống Rajapaksa, Bắc Kinh chẳng hạn, đã xây dựng xong cảng Hambantota tại Sri Lanka. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn được trao cho nhiều hợp đồng béo bở nhằm thực hiện những công trình phục vụ cho Con đường Tơ lụa trên biển đó.

Dưới thời ông Rajapaksa chẳng hạn, Trung Quốc hầu như đã được toàn quyền sử dụng các cơ sở dân sự mà họ xây dựng tại Sri Lanka vào mục tiêu quân sự. Một ví dụ điển hình là hải cảng thương mại mới thuộc quyền sở hữu của Bắc Kinh tại thủ đô Colombo của Sri Lanka, vào năm ngoái, đã ngang nhiên mở cửa cho hai chiếc tàu ngầm nguyên tử của Trung Quốc vào neo đậu.

Thời kỳ tự do tung hoành của Trung Quốc tại Sri Lanka như đã cáo chung từ tháng Giêng vừa qua, sau khi ông Rajapaksa bị cử tri phủ nhận. Ngay sau đó, Tân Tổng thống Sirisena đã ra lệnh tạm hoãn nhiều đề án quan trọng Trung Quốc để chờ kết quả điều tra về các nghi vấn tham nhũng trong việc cấp phát hợp đồng, và về các tác hại môi trường bị cho là đã không được quan tâm đứng mực.

Dĩ nhiên là đặc quyền sử dụng « kép » các cơ sở dân sự vào mục tiêu quân sự cũng đã bị hủy bỏ.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn có nguy cơ bị vạch mặt chỉ tên trong một cuộc điều tra tham nhũng trực tiếp nhắm vào cựu Tổng thống Rajapaksa. Các thanh tra đang tìm hiểu thực hư trong lời cáo buộc theo đó một tập đoàn Nhà nước Trung Quốc đã hối lộ 1,1 triệu đô la cho chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống của ông Rajapaksa hồi tháng Giêng vừa qua.

Với thất bại lần thứ nhì trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa rồi, giới quan sát cho rằng rất có nhiều khả năng cựu Tổng thống Sri Lanka thân Trung Quốc bị truy tố, cũng như người vợ và hai người anh em của ông, bị tình nghi biển thủ công quỹ.
Theo giới phân tích, triển vọng làm ăn của Trung Quốc tại Sri Lanka không phải là đã hoàn toàn tiêu tan. Hai lãnh đạo hiện thời của quốc gia này là Tổng thống Sirisena và Thủ tướng Wickremesinghe đã từng cam kết duy trì các đầu tư của Trung Quốc vào Sri Lanka, nhưng theo các điều kiện của Chính quyền Colombo.

Trung Quốc đã từng hy vọng là tình hình Sri Lanka sẽ đảo ngược lại nhân cuộc bầu cử đầu tuần này. Thế nhưng phán quyết lần hai của cử tri quốc gia Nam Á này đã làm cho Bắc Kinh vỡ mộng thêm một lần nữa.

Mao gặp Churchill: Phim Trung Quốc bóp méo lịch sử


Thụy My
media

Mao Trạch Đông nổi bật trên áp-phích của phim "Tuyên bố Cairo".DR

Một bộ phim Trung Quốc kể lại hội nghị Cairo năm 1943 – giai đoạn quan trọng của Đệ nhị Thế chiến – đã bị cư dân mạng tha hồ chế nhạo: áp-phích của bộ phim dài này cho thấy Mao Trạch Đông đứng cạnh Thủ tướng Anh Churchill và Tổng thống Mỹ Roosevelt…trong khi Mao chưa hề tham dự sự kiện này.

« Tuyên bố Cairo » là một bộ phim chiến tranh có ngân sách rất lớn, do một công ty của quân đội Trung Quốc sản xuất, nằm trong chương trình phim chào mừng kỷ niệm 70 năm Nhật Bản đầu hàng trong Đệ nhị Thế chiến.

Giai đoạn lịch sử này được ghi lại rất rõ : khi chiến tranh thế giới chuyển sang một bước ngoặt, nguyên thủ các cường quốc đồng minh là Hoa Kỳ, Anh và Trung Hoa đã gặp gỡ cuối tháng 11/1943 tại Ai Cập để thảo luận về phương cách tìm chiến thắng trước Nhật Bản ở châu Á.

Phim chưa chiếu ra rạp, nhưng áp-phích thổi phồng lòng ái quốc một cách quá đáng, đã hân hoan viết lại lịch sử.

Khuôn mặt của diễn viên đóng vai Mao Trạch Đông xuất hiện với cận cảnh lớn, cho thấy đây là nhân vật quan trọng nhất của hội nghị, đang tranh luận với Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt. Trong đoạn trích giới thiệu của phim, người ta thấy Mao tuyên bố một cách đanh thép : « Nhiệm vụ của những người cộng sản trên toàn thế giới là lãnh đạo cuộc chiến đấu chống phát-xít ».
Vấn đề là ở chỗ, nhà lãnh đạo Trung Hoa cộng sản chưa một lần gặp mặt ông Churchill, cũng chưa bao giờ đặt chân lên đất Ai Cập !

Vào thời kỳ đó, Mao Trạch Đông đang trốn chui trốn nhủi ở vùng nông thôn Thiểm Tây. Chính là nhà lãnh đạo Trung Hoa Dân Quốc, thủ lãnh quân đội Quốc dân đảng, ông Tưởng Giới Thạch đã đại diện cho nước Trung Hoa tại hội nghị Cairo, cùng với phu nhân nổi tiếng duyên dáng là bà Tống Mỹ Linh.

Việc phổ biến các áp-phích và đoạn phim giới thiệu của « Tuyên bố Cairo » đã gây ra một trận đại hồng thủy những lời chế nhạo, các lời bình xỏ xiên trên mạng xã hội Trung Quốc.

Một người sử dụng Vi Bác mỉa mai: « Tôi rất phẫn nộ khi đóng góp của tôi trong Hội nghị Cairo không được bộ phim nhìn nhận ». Những cư dân mạng nghiêm túc hơn nhắc nhở rằng đây chỉ là ví dụ mới nhất trong vô số những trường hợp viết lại lịch sử của chế độ cộng sản Trung Quốc.

Tấm áp-phích cũng bị chế lại thành vô số phiên bản gây cười. Có cả một trang web được thành lập bởi các cư dân mạng có óc hài hước để tha hồ chế nhạo. Chẳng hạn bên cạnh Mao Trạch Đông, họ cho xuất hiện các lãnh đạo khác (như Tổng thống Mỹ Barack Obama, lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un…), thậm chí quái vật Gollum trong « Chúa tể của những chiếc nhẫn ».

Một áp-phích chế khác thay thế Mao bằng…đương kim Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dù ông Tập năm 1953 mới sinh ra.

Nhận ra tình trạng lố bịch này, ngay cả báo chí nhà nước cũng giữ một khoảng cách. Tờ Global Times của đảng Cộng sản cho rằng việc khai thác hình ảnh của Mao để quảng bá bộ phim là « không thích hợp ».

TT Hàn Quốc sẽ tới Bắc Kinh dự lễ kỷ niệm chấm dứt Thế chiến 2

Thu Hằng

media

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye và ông Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, 27/06/2013.REUTERS/ Wang Zhao/Pool
Hôm nay 20/08/2015, Hàn Quốc cho biết Tổng thống Park Geun Hye sẽ tới dự buổi lễ kỷ niệm Trung Quốc chiến thắng Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai. Nhiều nguyên thủ quốc gia từ chối tham dự buổi lễ được tổ chức tại Bắc Kinh vào ngày 03/09 tới.

Cố vấn ngoại giao và an ninh Phủ Tổng thống Ju Chul Ki phát biểu trước giới báo chí rằng hiện chưa có quyết định cuối cùng về việc liệu bà Park có tham dự sự kiện quan trọng nhất, là lễ diễu binh tại thủ đô của Trung Quốc hay không.
Theo ông Ju Chul Ki, hai bên đang thảo luận về vấn đề này. Ông cũng đồng thời cho biết Tổng thống Hàn Quốc dự định gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình trong ba ngày lưu lại Bắc Kinh.

Trung Quốc đã mời nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài tham dự buổi lễ. Song nhiều ý kiến cho rằng buổi lễ diễu binh dường như nhằm mục đích phô trương và biểu dương lực lượng quân sự Trung Hoa, với tinh thần chống Nhật Bản ngày càng mạnh. Về phần Bắc Kinh thì luôn nhấn mạnh rằng sự kiện trên hoàn toàn mang mục đích hòa bình.

Tổng thống Vladimir Putin là một trong số ít các nhà lãnh đạo khẳng định sẽ có mặt. Ông chủ điện Kremli cũng đã tổ chức một buổi lễ diễu binh tương tự như vậy vào tháng Năm vừa qua và rất nhiều nguyên thủ phương Tây đã tẩy chay buổi lễ này.
Với tư cách là nhà lãnh đạo một quốc gia đồng minh thân Mỹ và của một nước dân chủ tại Châu Á, sự có mặt của Tổng thống Hàn Quốc tại Bắc Kinh sẽ góp phần nâng cao tính chính đáng quốc tế của buổi lễ.

Hàn Quốc và Trung Quốc có chung lịch sử đau buồn trong giai đoạn bị Nhật Bản chiếm đóng với nhiều tàn dư và vết thương chưa lành cho cả hai dân tộc. Mối quan hệ giữa Seoul và Bắc Kinh đã cải thiện đáng kể trong những năm trở lại đây. Cả Tổng thống Park Geun Hye và Chủ tịch Tập Cận Bình đã hai lần gặp gỡ đàm thoại riêng, và họ được cho là có mối quan hệ cá nhân khá thân mật.

Ngoài ra, Trung Quốc và Hàn Quốc có mối quan hệ thương mại vững chắc. Seoul cũng muốn Bắc Kinh gây thêm ảnh hưởng tới Bình Nhưỡng để kìm hãm bớt tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên, Tổng thống Hàn Quốc vẫn phải giữ mối quan hệ ngoại giao cân bằng giữa Bắc Kinh và Washington. Lliên minh quân sự 60 năm giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ vẫn là nền tảng đối với quốc phòng của Seoul, song Hàn Quốc không muốn trở thành một con tốt trong cuộc chiến giữa Trung Quốc và Mỹ để tranh giành ảnh hưởng tại Châu Á.
Theo một số thông tin được đưa ra vào tuần trước thì Nhà Trắng đã cố thuyết phục Tổng thống Park không tới Bắc Kinh dự buổi lễ kỷ niệm ngày 03/09 tới. Tuy nhiên, Nhà Trắng phủ nhận thông tin này.

Kim Jong Un làm đường băng riêng cho máy bay cá nhân


Trọng Thành

media

Kim Jong Un kiểm tra máy bay của quân đội Bắc Triều Tiên, 30/10/2014.REUTERS/KCNA/Files

Lãnh đạo trẻ của Bắc Triều Tiên, một quốc gia cô lập và nghèo hàng đầu thế giới, rất mê máy bay. Các ảnh vệ tinh mới đây cho thấy một loạt đường băng riêng đã được làm để phục vụ cho thú máy bay của Kim Jong Un.

Theo Reuters, các đường băng nói trên nằm sát với một số dinh thự của gia đình họ Kim, theo chuyên gia Curtis Melvin, Viện Hoa Kỳ - Triều Tiên, Đại học John Hopkins, Washington. Các đường băng cá nhân của lãnh đạo Bình Nhưỡng được khởi sự năm ngoái, một số đường vừa được hoàn tất vào tháng trước.

Ngược lại với nỗi sợ máy bay của người cha, vốn chỉ du hành bằng xe bọc thép trong các chuyến công du, ngay từ khi cầm quyền cuối năm 2011, Kim Jong Un đã thể hiện là tay chơi máy bay. Một số bức ảnh hồi tháng Tư năm ngoái cho thấy Kim Jong Un trong bộ quân phục phi công, với kích cỡ thiếu niên.

Một trong năm đường băng mới được chuyên gia Hoa Kỳ mô tả nằm sát một dinh thự của Kim Jong-un gần cảng biển Wonsan. Đường băng dài 500 mét chỉ cách vài trăm thước khu trại thiếu nhi Sondowon, và một bãi biển du lịch mở cho khách ngoại quốc. Tại khu vực này,  lãnh tụ Bắc Triều Tiên có nhiều du thuyền sang trọng và biệt thự.
Một đường băng khác được nhận dạng nằm không xa một khu dinh thự, nơi đầu bếp Nhật Bản Kenji Fujimoto kể lại từng trải qua nhiều mùa hè với cha đẻ của ông Kim Jong-un.
Vào tháng 2/2015, truyền thông Bắc Triều Tiên công bố ảnh Kim Jong-un thanh tra các công trình xây dựng tại Bình Nhưỡng trên một chiếc máy bay tư, với nội thất sang trọng : ghế bọc da, gạt tàn pha lê, nhiều bàn lớn bằng gỗ.
Còn tháng 4 vừa rồi, tuyên bố với truyền thông chính thức, Kim Jong-un trực tiếp lái thử một phi cơ hạng nhẹ sản xuất tại một xí nghiệp Bắc Triều Tiên. Thống chế  quân đội Bắc Triều Tiên  tuyên bố phải thử máy bay, vì đây là « sản phẩm của giai cấp công nhân chúng ta ».

Nổ súng tại biên giới liên Triều


Thu Hằng
media

Lính Bắc Triều Tiên tuần tra ở khu vực Bàn Môn Điếm, 11/08/2015.REUTERS/Kim Hong-Ji

Quân đội Bắc Triều Tiên bắn rocket về phía Hàn Quốc tại khu vực đường biên giới liên Triều Tiên. Quân đội Hàn Quốc bắn trả bằng đạn súng cối.

Hãng tin Yonhap trích dẫn các nguồn tin quân sự cho biết là hôm nay, 20/08/2015, Bắc Triều Tiên đã oanh kích vào một đơn vị của quân đội Hàn Quốc ở phần phía Tây đường biên giới phân chia hai miền Triều Tiên. Ngay sau đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc loan báo là quân đội nước này đã bắn trả hàng chục đạn súng cối về phía Bắc Triều Tiên để trả đũa một vụ dường như là tấn công bằng rocket của Bình Nhưỡng. Những quả đạn súng cối này được bắn vào đúng nơi mà quân đội Bắc Triều Tiên bắn rocket.

Trong một thông cáo, bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết đã tăng cường mức báo động và đang theo dõi sát mọi di chuyển của quân đội Bắc Triều Tiên.

Một đại diện chính quyền địa phương của hạt Yeoncheon, nằm cách Seoul khoảng 60 km về phía Bắc, cho hãng tin AFP biết rằng người nhiều ngôi làng dọc biên giới đã được lệnh rời khỏi nhà và tìm nơi trú ẩn.
Vụ nổ súng nói trên có thể được coi là một đòn trả đũa mà Bắc Triều Tiên liên tục đe dọa tiến hành trong những ngày qua. Gần đây, Bình Nhưỡng không ngừng tố cáo Seoul đã sử dụng lại biện pháp tuyên truyền bằng loa phóng thanh hướng về phía Bắc Triều Tiên và dọa sẽ trả đũa.

Seoul đã sử dụng lại các loa phóng thanh nói trên để phản ứng lại một vụ nổ mìn cách đây khoảng 10 ngày tại khu phi quân sự (DMZ), khiến hai quân nhân của Hàn Quốc bị cụt chân. Seoul cáo buộc Bình Nhưỡng đã cài loại mìn này, nhưng phía Bắc Triều Tiên phủ nhận.

Căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên lại nổi lên vào đúng thời điểm Quốc khánh của hai miền, ngày 15/08, đồng thời đánh dấu sự kiện 70 năm Nhật Bản đầu hàng và chấm dứt thời kỳ chiếm đóng bán đảo Triều Tiên.

0 comments:

Powered By Blogger