Friday, August 28, 2015

Viễn tượng khủng hoảng kinh tế thế giới

Chu Chi Nam và Vũ Văn Lâm (Danlambao) - Phải chăng thế giới, một lần nữa lại đứng trước viễn tượng một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và toàn diện.

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, mà hậu quả của nó vẫn còn và vẫn chưa phai mờ trong ký ức người dân, thì một số những biến cố kinh tế quan trọng đến từ Trung Cộng, rồi ảnh hưởng tới thế giới, làm cho một số người bi quan nghĩ rằng thế giới lại đứng trước viễn tượng một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và toàn diện. Một số người khác lạc quan, cho rằng những hậu quả của kinh tế Trung Cộng không đủ sức mạnh để lay chuyển kinh tế thế giới... Chúng ta hãy bình tâm suy xét vấn đề để đưa ra những kết luận hợp tình hợp lý hơn.

I) Quan điểm của những người bi quan:

Những người này cho rằng, dù muốn hay không Trung Cộng vẫn là cường quốc kinh tế đứng nhì trên thế giới với tổng sản lượng là 11.212 tỉ đôla, chỉ sau Hoa Kỳ là 18.125 tỉ đôla (theo bản tường trình của FMI tháng 8/2015) nền kinh tế thứ nhì này trước kia tăng trưởng ở mức độ 2 con số (12 hay13%), nay chỉ còn tăng trưởng ở mức độ 1 con số (6.8%).

Sự suy trầm của kinh tế TC tất nhiên có những hậu quả đến kinh tế thế giới nhất là đối với những nước nhỏ. 

Từ ngày Trung Cộng nổ bong bóng địa ốc vào năm 2014, làm cho ngành địa ốc TC gần như phá sản. Ngành địa ốc và ngành xuất cảng là 2 yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy kinh tế Trung Cộng phát triển. Cho tới nay nước này đứng hàng đầu thế giới về nhập cảng những vật liệu xây cất, như đồng, chì, thép, sắt, quặng v.v... chiếm từ 20 tới 40% số lượng trên thế giới, phần lớn đến từ những nước Úc, Phi Châu hay Nam Mỹ. 

Riêng về ngành xuất cảng thì 3 tháng vừa qua 5, 6, 7 năm 2015 so với cùng 3 tháng năm 2014, xuất cảng TC đã giảm 8, 3%, nặng nề nhất là nước Nhật Bản 13%, thứ nhì là đối với Âu Châu 12%, sau mới tới HK 1.8%. 

Thị trường chứng khoán, sau khi bị nổ bong bóng về địa ốc, để che mắt dân và che mắt quốc tế, một phần chính phủ bơm tiền vào những hãng bề ngoài là tư doanh, nhưng thực sự là quốc doanh, 1 phần khác, qua bộ máy tuyên truyền, khuyến khích dân mua cổ phiếu, và lập ra những cơ quan tài chính giúp đỡ dân vay tiền và thế chấp một cách dễ dàng, để mua cổ phiếu. Chính vì lẽ đó mà thị trường chứng khoán TC ở 2 thị trường chính là ở Thẩm Quyến và Thượng Hải, từ năm 2014 tới giữa tháng 6 năm 2015, đã tăng 150%. Tuy nhiên vì có tính cách giả tạo, do bàn tay nhà nước đứng đằng sau, thị trường này đã không đứng vững và đã tụt xuống 30%, vào cuối tháng 6, có lúc mất tới 3.500 tỉ đôla, tương đương với tổng sản lượng của nước Đức, một nước kinh tế đứng thứ 4 trên thế giới.

Gần đây nữa, TC lại phá giá đồng nhân dân tệ liên tiếp trong 3 ngày 11/12/13 tháng 8, với tỉ số 4, 6%.

Từ những sự kiện kinh tế trên những người bi quan cho rằng đó là nguyên nhân thứ nhất dẫn đến khủng hoảng kinh tế thế giới trong tương lai.

Nguyên do thứ 2 là sự xụt giá dầu hỏa. Trong khuôn khổ bài này, chúng ta không thể đi vào chi tiết, nhưng đại thể, thì giá dầu hỏa đã đi từ 120 tới 130 /1 thùng, xuống còn 60/50/40 đôla 1 thùng. Ở đây chúng ta không nói đến những nguyên nhân chính trị quân sự, mà chúng ta chỉ nói đến nguyên do kinh tế, đó là số cung nhiều hơn số cầu. Theo dự đoán của cơ quan năng lượng quốc tế AIE, thì vào năm 2015 số cung là 98,6 triệu thùng 1 ngày, trong khi đó số cầu chỉ là 93,3 triệu thùng 1 ngày, thặng dư là 5,3 triệu thùng, vào năm 2016 số cung là 99,7, số cầu là 94,5 thặng dư là 5,2 triệu thùng 1 ngày và cứ như thế cho mãi tới năm 2020 số cũng sẽ là 103.2 triệu thùng 1 ngày số cầu là 99,1 triệu thùng, thặng dư là 4,1 triệu thùng 1 ngày. 

Với giá dầu hỏa bị xuống giá hơn hay gần ½ như vậy, thì tổng sản lượng của những quốc gia sống vì xuất cảng dầu hỏa như Nga Sô và những nước Trung Đông cùng một số những nước Nam Mỹ như Soudan, Nigeria, Algeria, Venezuala... tất nhiên tổng sản lượng của những nước này cũng sẽ giảm rất mạnh, và từ đó liên quan đến khả năng mua bán trên thị trường quốc tế. 

Đó là lý do thứ 2 khiến những người bi quan cho rằng viễn tượng một cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đang lên cao.

Nguyên do thứ 3 đến ngay từ những nước Tây Phương trong đó có khối Âu Châu và ngay cả Hoa Kỳ. 

Theo bản tiên đoán của Qũy tiền tệ Thế giới vào tháng tư năm 2015 (IMF World Economic Outlook (WEO), April 2015) được báo cáo trong tháng 8/2015, thì khối Âu Châu, mà 2 nước chính là Đức và Pháp, Đức với tổng sản lượng là 3413,5 tỉ $ so với 2 năm trước thì tổng sản lượng của Đức đã sút giảm, vào năm 2013 tổng sản lượng của Đức là 3731,4 tỉ $, năm 2014 là 3859,5 tỉ $. Nước Pháp cũng vậy, năm 2013 là 2807,3 $, năm 2014 là 2846,9 tỉ $, nhưng vào năm 2015 chỉ còn là 2469,5 tỉ $. 

Kinh tế Đức đã vững mạnh trở lại, tỉ số thất nghiệp chỉ còn là 6%, gần như bao nhiêu chục năm nay cán cân ngoại thương của Đức luôn luôn thặng dư, trung bình mỗi năm khoảng 200 tỉ $, trong khi đó thì kinh tế nước Pháp bị suy trầm từ lâu, cán cân ngoại thương thường bị thất thâu, nạn thấp nghiệp lên tới 10% riêng đối với giới trẻ dưới 25 tuổi thì tỉ số thất nghiệp lên tới 20%.

Đó là một nguyên do nữa khiến cho người ta bi quan về tương lai kinh tế thế giới. 

Riêng đối với Hoa Kỳ, người ta phải công nhận rằng sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, kinh tế nước này đã phục hồi, với tỉ số thất nghiệp là 5,5%, ngành địa ốc và ngành xe hơi đã hoạt động trở lại. Thêm vào đó, HK với phương pháp khai thác dầu khí đá phiến (fracking) đã trở thành quốc gia sản xuất dầu hỏa đứng đầu thế giới, với khoảng 12 triệu thùng 1 ngày. Tuy nhiên kinh tế Hoa Kỳ chưa hoàn toàn vững mạnh, chỉ có thể nói là kinh tế HK, sau khi bị khủng hoảng thì hiện nay đang trong tình trạng phục hồi chứ chưa khỏe hẳn, và nếu không khéo thì rất có thể suy thoái trở lại.

Thật vậy, với con số chỉ dấu thất nghiệp tốt là 5,5%, nhưng thị trường lao động của HK chỉ nghiêng về những ngành nghề tạm bợ và bán thời (part time), sức sản xuất kém, trong khi đó kinh tế HK là nước có nền kinh tế ở mức độ kỹ thuật cao, thì số thất nghiệp của ngành này vẫn không thuyên giảm.

Thêm vào đó cán cân ngoại thương của HK gần như bị thất thâu mỗi năm gần tới 1.000 tỉ $, riêng đối với Á Châu năm 2015 vừa qua HK xuất cảng sang Á Châu là 500 tỉ $, nhưng nhập cảng 1.000 tỉ $, thất thâu là 500 tỉ $; đối với Âu Châu, HK xuất cảng là hơn 300 tỉ $, nhưng nhập cảng hơn 400 tỉ $, thất thâu là 100 tỉ $; cũng vậy đối với 2 nước gần nhất của HK là Canada và Mexico, HK xuất cảng sang 2 nước này là hơn 500 tỉ $, nhưng nhập cảng là hơn 600 tỉ $, ngay đối với những nước Phi Châu nhỏ bé, HK nhập cảng là 67 tỉ, trong khi đó xuất cảng sang Phi Châu là 33 tỉ $, thất thâu vào là 34 tỉ $.

Đó cũng là 1 nguyên nhân nữa làm cho những người bi quan cho rằng khủng hoảng kinh tế thế giới trong tương lai sẽ xẩy ra. 

II) Quan điểm của những người lạc quan:

Những người lạc quan cho rằng kinh tế các nước Tây Phương là kinh tế tự do, tư nhân, theo luật cung và cầu, có thể tự sửa sai, vì vậy để dẫn đến một cuộc khủng hoảng như cuộc khủng hoảng năm 2008 và cuộc khủng hoảng 1929 /1930, thì không phải dễ. 

Các nước Tây Phương đã ý thức rằng sở dĩ có cuộc khủng hoảng 2008, tất nhiên có nhiều nguyên do, tuy nhiên 1 trong những nguyên do chính, đó là các chính phủ và các dân tộc tiêu xài quá sức của mình. Ngày hôm nay, bắt đầu bằng HK, chính phủ nước này đã tìm cách giảm ngân sách quốc gia, bắt đầu bằng ngân sách quốc phòng, đi từ 777 tỉ $ trước kia, nay chỉ còn 577 tỉ $. Đồng thời chính phủ cũng ra những luật lệ để hạn chế những sự vay mượn của người dân, để không bị lâm vào cảnh vay rồi không có tiền trả. 

Một cách tổng quát đó là những phương pháp chính để sửa chữa cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Tuy nhiên người ta cũng không quên chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương, nhằm vực dậy kinh tế. Theo như trong phần trên thì kinh tế HK có thể nói là đang trong tình trạng phục hồi chứ chưa khỏe hẳn, và nếu không khéo thì rất có thể suy thoái trở lại. Theo thông báo của bộ thương mại Hoa kỳ thì tổng sản lượng HK vào tháng 4-6/2015 đã tăng 3,7% thay vì dự đoán là 2,3%. Đồng thời đầu tư cũng tăng 3,2%, xuất cảng tăng 5,2%, nhập cảng tăng 2,8% so với cùng thời gian năm 2014 (ARD 27.08.15).

Riêng đối với Âu Châu, bắt chước HK, Âu Châu cũng tìm cách giảm ngân sách nhà nước, chính phủ không được quyền chi tiêu quá 3% ngân sách đã quyết định, luật lệ này đã từ từ được các nước Âu châu áp dụng, và đã thành công. Riêng nước Đức trong tương lai vấn đề 3% không còn nữa vì ngân sách nước Đức đã thặng dư 0,3 % vào năm 2014 và trong 6 tháng đầu năm 2015 ngân sách nước Đức cũng đã thặng dư được 21,1 tỉ Euro. Về nước Pháp chỉ tiêu 3% sẽ đạt được vào năm 2016 hay 2017.

Nói một cách tổng quát, qua dự đoán của Bản công bố của Quỹ tiền tệ quốc tế như trên đã nói, thì kinh tế Âu Châu sẽ khựng lại vào năm 2015, nhưng trên thực tế kinh tế Đức, Pháp, Anh và các quốc gia khác vẫn phát triển. Theo thống kê mới nhất của Statista, cổng thông tin trực tuyến của Đức, tổng hợp trên nhiều nguồn thì kinh tế Đức sẽ tăng 1,1% vào năm 2015, Pháp tăng 0,7%, Anh tăng 2,7%; và nhất là các nước Đông Âu tỉ số tăng trưởng kinh tế năm 2015 đạt được con số trên 2%, đưa toàn Âu châu tăng trưởng với tỉ số 1,5% (Das Statistik-PortalStatistiken und Studien aus über 18.000 Quellen) (1)

Với những con số trên, thì người ta có thể nói kinh tế Âu Châu đã từ từ phục hồi.

Bởi lẽ đó, quan niệm của những người bi quan, chỉ dựa vào sự suy trầm của kinh tế TC, mà suy đoán ra rằng sẽ có một cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới trong tương lai, điều này là hơi quá đáng. 

Tuy nhiên một câu hỏi được đặt ra, đó là với sự suy trầm này, liệu kinh tế TC có sụp đổ hay không? 

Đây cũng là một sự tiên đoán quá bi quan.

Nhìn vào quá khứ để rút tỉa kinh nghiệm.

Hãy lấy trường hợp Nhật Bản làm thí dụ:

Trong thời kỳ cuối thập niên 80 và giữa thập niên 90, kinh tế Nhật Bản cũng phát triển rất mạnh với 2 con số, làm cho nhiều người tiên đoán rằng Nhật Bản sẽ giành ngôi vị kinh tế hàng đầu trên thế giới với HK. Tuy nhiên cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ Thái Lan năm 1997, rồi lây sang Mã Lai, Nhật Bản làm cho kinh tế Nhật suy trầm cho tới hôm nay: bằng cớ đó là vào năm 2013 kinh tế Nhật tăng trưởng với con số 1,6%, nhưng vào năm 2014 lại tụt xuống với con số là -0,1%, nhưng với năm 2015 thì lại lên với con số 1,0%. Từ năm 1997 đến nay người ta không nói đến việc Nhật Bản tranh giành ngôi bá chủ kinh tế với HK. 

Trở về với TC thì kinh tế TC cũng đang suy trầm từ mức độ tăng trưởng với 2 con số, xuống còn 1 con số như tăng trưởng vào năm 2015 theo bản tường trình của Quỹ tiền tệ quốc tế vừa qua là 6,8% và trong tương lai theo dự đoán của nhiều nhà kinh tế thì chỉ còn là 5 hay 4 hoặc 3% mà thôi.

Từ đó người ta cũng có thể đưa đến kết luận rằng để tranh giành ngôi bá chủ kinh tế với HK, cũng là một việc làm rất khó khăn, đối với Trung cộng, chứ không dễ dàng như một số người lầm tưởng.

Trở về viễn tượng một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện và toàn cầu sau cuộc khủng hoảng 2008, chỉ dựa vào sự suy trầm của kinh tế Trung cộng, hay vào sự tụt dốc của thị trường chứng khoán vào những ngày 20, 21 hay 24 vừa qua, ngay cả thị trường New York cũng tụt giá, những dữ kiện này chỉ mới là những nguyên do tất yếu, chưa có nguyên do đủ để cho rằng nó nhất định xẩy ra hay không thì quá sớm. Nhưng đây lại là thời điểm mà Trung cộng muốn tự cứu, phải định lại vị thế của chính mình, từ bỏ mộng bành trướng và những giấc mơ viễn vông.

Paris ngày 28/08/2015




________________________________________

(2) Xin xem thêm những bài về kinh tế, trên http://perso.orange.fr/chuchinam/

0 comments:

Powered By Blogger