Sunday, August 30, 2015

Tình Cô Giang

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 Cô Giang tuẫn tiết, tấm chân tình oanh liệt đã có nhiều nhân sĩ, sử gia ngợi ca hết lời mà sao tấm lòng, dạ can trường của bao phụ nữ miền Nam là vợ lính Việt Nam Cộng Hòa, ráng nhọc nhằn sống nhục nuôi con, thăm tù chồng, thậm chí, có khi các Bà lặn lội khắp các trại tù tập trung của Cộng Sản để tìm xác chồng, sao không thấy sử gia nào, nhân sĩ nào ca ngợi hết vậy? Mùa Vu Lan đến, kính xin ơn trên tặng cho những người vợ lính Việt Nam Cộng Hòa một bông hồng nhơn đức biết ơn từ dân tộc này.

*

Trong khi sử cổ Lạc Hồng nổi lên mối tình thiên cổ ngàn năm của Trưng Trắc, thù hận chồng bị quan triều Hán giết oan, giấy binh rửa hận (vào khoảng năm 39-40) mà lừng lẫy tạo non sông, rồi sau tự sát ở sông Hát thì sử Việt cận đại lại nổi lên một mối tình bi hùng có một không hai của cô Giang (tức Nguyễn Thị Giang,) con gái của một gia đình bán lụa dệt tơ ở Bắc Giang, tự sát theo chồng gần làng Thổ Tang phủ Vĩnh Tường cho vẹn nghĩa tào khang, tròn câu nghĩa khí khiến nhân sĩ đương thời ngẩn ngơ xót xa, bao kẻ quốc quốc gia gia phải đau lòng sốn dạ.

Tương truyền khi Cô Giang tự sát (18-6-1930), bà chỉ mới có 24 tuổi và để lại hai bức tâm thơ, trong đó, có một bức tâm thơ có bài thơ "Tuyệt Mệnh" như sau:

"Hận không giúp ích cho đời!
Thù không trả được cho người tình chung!

Dẫu rằng đương độ trẻ trung,
Quyết vì dân chúng thề lòng hy sinh.
Con đường tiến bộ mông mênh,
Éo le hoàn cảnh buộc mình biết sao!

Bây giờ hết kiếp thơ đào,
Gian nan bỏ mặc đồng bào từ đây!

Dẫu rằng chút phận thơ ngây,
Sổ đồng chí đã có ngày ghi tên;
Chết đi dạ những buồn phiền,
Nhưng mà hoàn cảnh truân chuyên buộc mình!

Đảng kỳ phất phới trên thành,
Tủi thân không được chết vinh dưới cờ.

Cực lòng nhỡ bước sa cơ,
Chết sầu chết thảm có thừa sót (xót) xa!
Thế ru! Đời thế ru mà?
Đời mà ai biết? Người mà ai hay?"

Chồng của Bà là lãnh tụ Nguyễn Thái Học bị Pháp xử chém vào ngày 17 tháng 6 năm 1930 sau khi khởi nghĩa kháng Pháp thật bại. Bà dấu súng lục vào trong người, đến tận pháp trường xem tận mắt chồng mình cùng các chiến hữu bị chém rồi trở về phòng trọ, lặng lẽ viết hai bức thư tuyệt mệnh gởi người thân rồi về phủ Vĩnh Tường ngay ngày hôm đó để ngày sau thì tự sát.

Không thấy có những dấu hiệu truy sát gắt gao từ chính quyền Thuộc Địa đối với Bà cho nên việc Bà tự sát để tỏ khí tiết của mình trước anh linh tử sĩ, trước mối tình chồng vợ hoàn toàn là tự nguyện từ cõi tâm lòng mình mà ra. Bà chết đi khiến sử Việt ta bỗng nhiên hóa lung linh tỏa sáng chân tình oanh liệt.

Sau 30 tháng Tư năm 1975, đời sống của người dân miền Nam bị Cộng Sản hành hạ khổ đói tệ hơn cả thời Thực Dân, những người phụ nữ miền Nam ráng sống chịu đựng hết nhục nhã bởi nước nhà nay còn aI, đàn ông thì bị vào tù hết, nhà cửa thì bị cướp, nếu không ráng bươn chải nhọc nhằn kiếm sống nuôi con, nuôi mẹ và ráng cứu tế chồng mà lại đi tuẫn tiết như Cô Giang thì gia đình chồng con mẹ già để lại cho ai chống đỡ!

Nghĩ đến chân tình hào kiệt của Cô Giang, có mấy ai chịu nghĩ đến chân tình, máu và nước mắt của hàng trăm ngàn phụ nữ miền Nam phải chịu cảnh đói khổ đói rách bôn ba cố tìm ra nơi chồng của mình bị giam giữ ở ngoài Bắc để mà còn thăm nuôi cứu tế. Các trại tù tập trung của Cộng Sản ở ngoài Bắc gập ghềnh hẻo lánh, đó là chưa kể người dân ngoài Bắc đối xử khinh rẻ, căm hận vì bị mù quáng tuyên truyền cho là bọn đàn bà miền Nam đi thăm nuôi chồng là "vợ quân Mỹ -Ngụy tư cách đĩ điếm nhục nhã!", hỏi đường cũng không giúp, phải đi thăm nuôi ké chung với những người dân gốc miền Bắc di cư vào Nam cho đỡ sợ.

Nước mắt xót xa chịu hận tủi khinh khi, chịu đói chịu nghèo xách giỏ thăm nuôi ra tận tới ngoài Bắc sương gió, có lẽ có người phụ nữ miền Nam thăm chồng nào đó đi ngang qua mộ Cô Giang, biết chuyện nên tức cảnh có làm bài thơ sau mà bản thân người viết đã cất công tìm tác giả bấy lâu nhưng vẫn tìm không ra:

Cô Giang tuẫn tiết cũng vì chồng
Tôi đây phải sống ráng nuôi chồng
Việt Cộng bạo tàn gây khổ đói
Chồng tôi lính chiến chịu tù gông
Con thơ bụng đói ngồi nhớ tía*
Mẹ già bệnh yếu mãi chờ trông
Ky kóp từng đồng cơm chan lệ
Đâu sướng như Cô, chết vẹn lòng!
(Vô Danh )

Bởi thế cho nên, chết vinh như Cô Giang đã khó, ráng chịu đựng sống nhục để cứu người, chống đỡ gian nan cho cửa nhà thì lại càng khó hơn là chết vinh vậy! Hồn của Cô Giang oanh liệt bao nhiêu thì tấm chân tình của người vợ lính Việt Nam Cộng Hòa trong cảnh nước mất nhà tan lại can trường bao la bấy nhiêu! 

Cô Giang tuẫn tiết, tấm chân tình oanh liệt đã có nhiều nhân sĩ, sử gia ngợi ca hết lời mà sao tấm lòng, dạ can trường của bao phụ nữ miền Nam là vợ lính Việt Nam Cộng Hòa, ráng nhọc nhằn sống nhục nuôi con, thăm tù chồng, thậm chí, có khi các Bà lặn lội khắp các trại tù tập trung của Cộng Sản để tìm xác chồng, sao không thấy sử gia nào, nhân sĩ nào ca ngợi hết vậy? 

Mùa Vu Lan đến, kính xin ơn trên tặng cho những người vợ lính Việt Nam Cộng Hòa một bông hồng nhơn đức biết ơn từ dân tộc này. 

31/8/2015


(*) Tía: tiếng riêng của người miền Nam, nghĩa là bố, là cha, là thầy hay là phụ thân.

0 comments:

Powered By Blogger