Monday, August 31, 2015

Kiếp Lưu Vong

Kiếp Lưu Vong
-0-             

Em hỏi tôi: Sao thoát kiếp lưu vong?               
Tôi cười buồn, tôi đâu hơn gì thế                    
Đôi mắt nàng buồn ướt hai dòng lệ                 
"đến bao giờ dân tộc được tự do"?                  

Đến bao giờ dân tộc được tự do?                   
Khi cộng sản vẫn còn cai trị?                         
Tiếng gọi công dân rơi vào cơn mộng mị         
của vòng quay cơm-áo-gạo-tiền                     

Em nhìn tôi xem: khác gì kẻ điên?                  
Sống kiếp lưu vong ngay trên đất mẹ              
Dòng đời vẫn trôi: Tôi cúi đầu bàng bẽ           
Dân khí cạn rồi?                                             

Còn nhớ chăng tiếng trống Mê Linh?               
Và xương máu tiền nhân khai hoang mở nước?
Lẽ nào ta mãi sống đời bạc nhược?                 
Để cộng nô kia mãi mãi đọa đày?                   

Đến bao giờ Hoàng Kỳ tung bay?                   
Thoát kiếp lưu vong, tự do mang về tới?         
Câu hỏi này sao tôi đáp nổi?                          
Đồng bào ơi: Cùng đáp thay tôi.                    
Nguyễn Viết Dũng (Dũng Phi Hổ)      

----------------------

Nguyễn Viết Dũng sinh ngày 19 tháng 6 năm 1986, là con trai duy nhất trong gia đình có 4 anh em, tại tỉnh Nghệ An. Dũng sinh ra và lớn lên trong gia đình mà cha mẹ đều là nông dân, sinh sống bằng nghề cấy lúa. Ngay từ nhỏ Dũng đã học giỏi toàn diện, đặc biệt rất giỏi về môn khoa học tự nhiên.
Với thành tích học tập xuất sắc, năm học lớp 12 (2004) Dũng được chọn tham dự cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia," một cuộc thi kiến thức trên truyền hình dành cho học sinh trung học phổ thông do VTV3 – Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức . Kết cuộc Dũng lọt đến kỳ thi Quý và đoạt giải ba. Trong kỳ thi đại học năm 2004, Dũng đậu Đại Học Bách Khoa Hà Nội với số điểm 29/30, đứng đầu tỉnh Nghệ An lúc đó. Sau một thời gian theo học đại học, Dũng tìm hiểu về lịch sử Việt Nam và những sự thật về đảng cộng sản Việt Nam, cũng như về cuộc chiến tranh Việt Nam, và chính thể VNCH của miền Nam Việt Nam. Sau đó, Dũng dấn thân vào con đường đấu tranh cho tự do và chính nghĩa quốc gia.
Ngày 30 tháng 4, 2014 lá cờ VNCH (cờ vàng ba sọc đỏ) lần đầu tiên được treo trên nóc nhà Dũng tại Nghệ An. Ngay sau đó Dũng bị 5 công an đến bắt về đồn. Từ lúc đó trở đi Dũng và gia đình thường xuyên bị sách nhiễu, nhưng Dũng vẫn kiên trì với lý tưởng của mình.



 

0 comments:

Powered By Blogger