Monday, December 19, 2011

Từ Khmer Đỏ đến tòa án xét xử tội ác diệt chủng (phần cuối)

Vào năm 1997, Hun Sen và Nodorom Rannaridh là đồng thủ tướng. Trong một cuộc binh biến nhằm lật đổ Hun Sen, Rannaridh đã bị Hun Sen quật ngược và phải lưu vong. Mãi đến tận sau này, ông mới được ân xá và quay trở về Cambodia, nhưng quyền lực đã không còn.

Cũng trong năm 1997, Hun Sen và Rannaridh đã đồng ký tên gửi đến Tổng thư ký Liên Hiệp quốc Koffi Annan để hỏi về việc phiên tòa xét xử tội ác của lực lượng Khmer Đỏ. Nhưng thế cục đã thay đổi khi những kẻ thất thời quy hàng và trở thành đồng minh chính trị của Hun Sen.


Khmer đỏ
Nguồn: http://mexcamb.wordpress.com
Để đảm bảo chiếc ghế thủ tướng của mình ông phải ra sức bảo vệ các cựu thành viên Khmer Đỏ. Do đó mà từ 1998 khi Hun Sen gặp gỡ Nuon Chea, Khieu Samphan tại tư gia của ông đến năm 2006 khi Liên Hiệp quốc gây áp lực buộc phải có phiên tòa xét xử Khmer Đỏ diễn ra, bằng quyền lực, sự lanh mưu, ông đã thọc sâu vào công việc nội bộ của tòa.

Vai trò của Hun Sen trong việc cản trở phiên tòa.

Trong những nỗ lực nhằm bảo vệ những thủ lãnh của Khmer Đỏ, Hun Sen đã không ngừng tung ra những biện pháp nhằm trì hoãn, can thiệp sâu vào công việc nội bộ của tòa án cũng như cản trở các nhân viên Liên Hiệp quốc trong việc tìm ra chứng cớ buộc tội các lãnh đạo Khmer Đỏ.

Vào tháng 10/2010, khi Hun Sen tiếp xúc Tổng Thư Ký Liên Hiệp quốc Ban Ki-moon, ông đã tuyên bố sẽ không có thêm thủ lãnh nào của Khmer Đỏ bị điều tra. Để phụ họa với Hun Sen, Bộ Trưởng Thông tin, nói nếu họ (các thành viên của ECCC) muốn điều tra thêm các lãnh tụ Khmer Đỏ thì nên cuốn gói ra đi. Ông Hor Namhong, Ngoại trưởng, bồi thêm rằng việc bắt thêm lãnh đạo thời Khmer Đỏ là chuyện riêng của Cambodia.

Để viện dẫn cho những hành động cứng rắn của mình, Hun Sen đưa lý do là không muốn mất đi sự ổn định của Quốc gia. Việc xét xử Khmer Đỏ sẽ là tiền đề để gây ra những chia rẽ, và nó có thể dẫn đến nội chiến.

Chính những thái độ cứng rắn của chính phủ Hun Sen nên công việc điều tra của tòa án gặp nhiều khó khăn. Các thành viên của tòa án xét xử tội ác diệt chủng ở Cambodia đại đa phần là người Khmer. Chính điều này dễ dàng tạo cơ hội cho Hun Sen can thiệp sâu vào công việc nội bộ của tòa. Bên cạnh đó, còn có những chỉ trích cho rằng tòa án này quá tham nhũng, tốn kém khi chỉ trong vòng 5 năm đã tiêu đến 150 triệu dollar. Kết quả, vị đồng thẩm phán điều tra quốc tế người Đức Siegfried Blunk vì không chịu nổi những áp lực đã nộp đơn từ chức lên Tổng thư ký Liên Hiệp quốc Ban Ki-moon.

Vì sao Hun Sen lại bảo vệ những lãnh tụ Khmer Đỏ?

Những bằng chứng về sự dã man của Khmer Đỏ là không thể chối cãi, nhưng tại sao những kẻ thủ ác cho đến tận bây giờ vẫn chưa phải chịu trả giá cho những hành động diệt chủng của mình, cũng như biết bao nhiêu kẻ liên đới vẫn nhởn nhơ trong khi thân nhân của nạn nhân chẳng biết dựa vào ai để tìm ra công lý? Và tại sao thủ tướng Hun Sen của Cambodia lại ra sức bảo vệ những kẻ tội đồ của dân tộc Khmer?

Đó là câu hỏi không dễ gì có lời giải đáp.

Sau năm 1991, Quân đội Nhân dân Việt Nam rút về nước sau thời gian chiếm đóng Cambodia, Hun Sen kêu gọi các đảng phái chính trị đứng ra thành lập chính phủ liên hiệp. Song song với điều này, ông kêu gọi Hoàng gia Cambodia ân xá cho những thủ lãnh cao cấp của Khmer Đỏ ra hàng, hứa sẽ không truy tố tội ác của họ. Những người đã ra hàng trong đó có: Ieng Sary, Nuon Chea, Khieu Samphan, Ieng Thirith là những người bị buộc phải ra trước tòa án xét xử tội ác diệt chủng tại Cambodia.

Lý do nhằm bảo vệ sự ổn định của Quốc gia Cambodia cũng như để tránh có một cuộc nội chiến sẽ xảy đến trong việc xét xử các thành viên cấp cao thời Khmer Đỏ không phải không có lý. Người Khmer tại những căn cứ địa cũ của Khmer Đỏ vẫn còn nặng tình với lực lượng này.

Tháng 04/2010, ngay tại căn nhà của Ta Mok tại Anlong Veng, ủy ban Công lý và Hòa giải (Center for Justice and Reconciliation) đã tổ chức một buổi nói chuyện giữa thành viên của tòa án để họ giải thích công việc của họ cho khoảng 200 cựu binh sỹ Khmer Đỏ và người dân ở Anlong Veng. Ngay tại cuộc gặp này, rất nhiều người đã mong muốn phiên tòa hãy hạn chế kết tội các lãnh đạo cao cấp của Khmer Đỏ.


Đám tang Ta Mok (7/2006)
Nguồn: AP
Cứ nhìn vào đoàn người rồng rắn nối đuôi nhau đi đưa tang Ta Mok-Cựu Tổng tư lệnh quân đội Khmer Đỏ là đủ thấy tình yêu mà người dân ở Anlong Veng dành cho tổ chức này.

Việc xét xử những lãnh tụ của Khmer Đỏ có thể làm tổn thương đến những người dân sinh sống trong những vùng chiếm đóng của Khmer Đỏ trước đây, một khi chính sách tuyên truyền, mị dân, cũng như tệ sùng bái cá nhân lãnh tụ đã ăn sâu vào trong đầu óc của họ.

Song, việc đưa ra những lý lẽ trên có thể được dùng để bao che cho những đồng minh chính trị của Hun Sen. Rất nhiều lãnh tụ cao cấp của Khmer Đỏ hiện nay là quan chức trong chính phủ Hun Sen, những người con của lãnh tụ một thời hiện nay đang co chân rết trong nội các của chính phủ, họ đảm đương những chức vụ quan trọng. Hun Sen đã làm cho quyền lực của Khmer Đỏ được bảo đảm ngay tại căn cứ địa của họ. Và cũng chính điều này đã đảm bảo cho cái ghế thủ tướng của Hun Sen lâu nay vẫn không bị lung lay.

Vai trò của các nước lớn trong việc xét xử tội ác Khmer Đỏ

Hiếm có trường hợp nào trên thế giới lại có sự đồng lòng giúp đỡ của hai cường quốc trên thế giới là Mỹ và Trung Quốc như trong trường hợp Khmer Đỏ. Nếu trước năm 1975, quân đội Mỹ ủng hộ chính quyền Lon Nol về khí tài để chống lại Khmer Đỏ, thì sau 1979 Mỹ lại ủng hộ Khmer Đỏ bằng cách viện trợ tiền bạc, súng ống… để chống lại quân đội Việt Nam.

Có thể hiểu hành động này của Mỹ là nhằm vớt vát lại chút sĩ diện vì đã để miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng sản Bắc Việt. Bên cạnh đó là nhằm chống lại sự bành trướng ảnh hưởng của Việt Nam đang lan tỏa khắp khu vực Đông Nam Á.

Không chỉ có Mỹ mà những đồng minh chiến lược của Mỹ là Anh cũng tham gia vào việc viện trợ cho Khmer Đỏ. Khối Asean mà dẫn đầu là Thái lan, Singapore cũng tích cực viện trợ để Khmer Đỏ chống lại Việt Nam.

Trung Quốc là nước viện trợ cho Khmer Đỏ nhiều nhất. Tất cả bomb, mìn, súng ống, đạn dược, nhu yếu phẩm… của Khmer Đỏ đều được Trung Quốc tài trợ. Không những vậy, Trung Quốc còn cho những cố vấn chính trị để tham mưu cho Khmer Đỏ. Con đường tiếp vận của Trung Quốc phải thông qua Thái Lan và nhờ vào việc cho mượn đường tiếp tế cho Khmer Đỏ mà Thái Lan được lợi rất nhiều. Theo ông Bùi Tín - cựu đại tá quân đội nhân dân Việt Nam trả lời phỏng vấn BBC thì một phần tư số hàng tiếp tế lọt vào tay Thái Lan.

Vào năm 1997, Hun Sen cùng Hoàng tử Norodom Ranariddh đã gửi 1 bức thư lên Tổng Thư ký LHQ thời đó là ông Kofi Annan để ngỏ lời muốn có một tòa án xét xử Khmer Đỏ. Nhưng Trung Quốc, một nước có quyền phủ quyết tại LHQ đã dùng quyền của mình để bác bỏ yêu cầu trên.

Có thể nói rằng, 1,7 triệu người chết ở Cambodia có sự gián tiếp tiếp tay của Trung Quốc, khi họ là nước cung cấp khí tài cho Khmer Đỏ nhiều nhất. Bước chân của Khmer Đỏ đặt đến Phnom Penh cũng nhờ sự trợ giúp của Trung Quốc. Đương nhiên là 1,7 triệu người chết dưới chế độ diệt chủng của Khmer Đỏ làm sao thiếu đi trách nhiệm của Trung Quốc.

Các lãnh đạo của Trung Quốc là Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình khuyến khích Pol Pot xây dựng một nhà nước Cộng Sản, biến đổi dân tộc Khmer thành những “con người mới Xã Hội Chủ Nghĩa”, đất nước Cambodia là một đất nước nông dân, không có sự bóc lột, không có tiền bạc, ngân hàng. Mọi giao dịch đều được thanh toán qua phương thức hàng đổi hàng.

Cũng có thể hiểu, hành động ngăn chặn, cản trở xét xử tội ác của Khmer Đỏ là vì Trung Quốc, Mỹ, Thái, Singapore phần nào muốn che đậy sự tiếp tay của họ đối với 1,7 triệu người chết ở Cambodia. Cũng như, việc Trung Quốc không muốn phiên tòa diễn ra cũng bởi vì muốn bảo vệ những người đồng chí một thời trung thành của mình là: Nuon Chea, Khieu Samphan, Ieng Sary, Ieng Thirith…


Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập và minh hoạ

0 comments:

Powered By Blogger