Tuesday, December 6, 2011

TU CHÍNH HIẾN PHÁP: CẦN Ở THÀNH TÂM


Huỳnh Ngọc Chênh - Qua hàng loạt những ý kiến góp ý về việc tu chính hiên pháp, chúng ta thấy toát lên một điều là mọi người rất kỳ vọng vào sự thực tâm thay đổi của nhà đương quyền để xã hội và đất nước tiến đến chỗ tốt đẹp hơn.
Nhưng liệu kỳ vọng đó có được đáp ứng?
Hiến pháp năm 1992 là một bước thụt lùi dân chủ so với hiến pháp năm 1946. Ấy vậy mà ngay những điều được ghi trong hiến phap 1992 về các quyền tự do cơ bản của người dân như quyền biểu tình, lập hội, ngôn luận… đã bao giờ thực sự được nhà đương quyền tôn trọng hay chưa? Ngay cả người dân biểu tình yêu nước phản đối ngoại xâm mà vẫn bị trấn áp một cách trắng trợn huống chi là biểu tình nhằm vào các mục đích khác. Ngoài các hội, đoàn và báo đài của Đảng liệu đã có hội, đoàn và tờ báo nào thực sự của người dân, do người dân tự phát lập ra? Liệu người dân đã được tự do phát biểu chính kiến của mình khác với đường lối của Đảng trên các phương tiện truyền thông hoặc ngay trên các blog riêng tư mà không bị làm khó dễ hay chưa?
Nhiều người đang mong muốn Luật biểu tình nhanh chóng ra đời. Nhưng liệu một luật biểu tình được xây dựng trên sự chưa thành tâm cho người dân được quyền biểu tình thì khi ra đời liệu luật ấy có cải thiện được gì hơn? Ví dụ như luật ấy đưa ra một số điều khoản như: Muốn biểu tình phải xin phép trước 1 tuần, phải đưa trước danh sách với đầy đủ địa chỉ của toàn bộ người tham gia biểu tình, phải biểu tình đúng nơi nhà nước đã quy định chẳng hạn như Hà Nội thì một bãi đất trống nào đó ở Hà Tây, TP HCM thì ở tận Củ Chi…Như vậy thì chắc chắn rằng chẳng bao giờ người dân được đi biểu tình sau khi Luật biểu tình ra đời.
Trong đợt tu chính nầy nhà đương quyền có muốn cho ra đời một hiến pháp cởi mở dân chủ hơn hay là muốn cũng cố hơn nữa quyền lãnh đạo tuyệt đối của Đảng?
Hiến Pháp 1992 là hiến pháp xây dựng ra hệ thống Ngũ Quyền Nhất Lập chứ không phải Tam Quyền Nhất Lập như nhiều người vẫn tưởng. Năm quyền đó là quyền lãnh đạo, quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp và quyền ngôn luận( đệ tứ quyền) tất cả đều là trong tay Đảng. Vì tất cả nằm trong quyền lãnh đạo của Đảng nên bốn quyền còn lại chẳng có quyền gì hết, chỉ là sự phân công giúp việc hoặc làm màu mè cho Đảng mà thôi. Trên cơ sở như vậy nên người dân đừng có mà hỏi tại sao ông Thủ Tướng không có toàn quyền, ông bộ trưởng nầy không làm được việc gì, ông dân biểu nọ chỉ là nghị gật, ông chánh án kia lại “lấy sự sợ hãi và ngu dốt ra để” xét xử, tờ báo nào cũng chỉ nói theo một giọng….
Hiến pháp 1992 đã dành cho Đảng một cái quyền tuyệt đối như vậy, bây giờ sửa đổi lại, Đảng có còn muốn hơn nữa không? Hay bây giờ thấy ra rằng cơ chế ấy gây cản trở cho sự phát triển đất nước cần phải nới lỏng dân chủ bằng hệ thống Tam Quyền Phân Lập như các nước tiên tiến đang áp dụng?
Nhưng dù đi tới để nới rộng dân chủ hay đi lui để tiếp tục củng cố quyền lực thì quan trọng hơn hết và người dân kỳ vọng hơn hết là sự chân thành của nhà đương quyền. Điều đáng sợ nhất là sự mỵ dân.
HNC
Tác giả gửi cho Quê choa
http://quechoa.info/2011/12/06/tu-chinh-hi%E1%BA%BFn-phap-c%E1%BA%A7n-%E1%BB%9F-thanh-tam/#more-18275

0 comments:

Powered By Blogger