Saturday, December 10, 2011

Hoa Tết: Vô vọng, nhưng vẫn ráng trồng

Phi Khanh/Người Việt

Sau trận lụt, mọi thứ trở nên tiêu điều, đồng ruộng hoang hoải, cây cối xác xơ, người người lo âu...

Nhưng, những mầm xanh được ươm trong bồn nhỏ, trên vĩ, trên nong, nia đợi ngày nắng ấm mang ra trước sân, bày biện chờ ngày ‘xuống đồng’. Chờ đợi ngày cây xuống đồng, với người nông dân, bao giờ cũng mang một nỗi vui lâng lâng khó tả, như một lời hứa hẹn nào đó của hội hè đình đám.

Ông Tùng, nông dân xã Ðiện Thọ, Ðiện Bàn, Quảng Nam, cho biết: “Tôi ươm gần hai ngàn gốc dưa leo, ba ngàn cây cà tím, một ngàn rưỡi cây cà chua và hai trăm cây đu đủ, đợi nắng lên tôi sẽ mang chúng ra đồng, ra bãi sông để trồng, nếu như mưa thuận gió hòa, kiếm cũng được vài chục triệu đồng tiền lứa trái đầu để ăn Tết. Nếu không vậy thì chờ vào hạt lúa, con heo chắc mà khó có Tết vui”.

“Thường thì nông dân ở xã tôi có cái lợi thế mà không phải xã nào cũng có, đó là những nà đất.” Nà đất, ông giải thích, là bãi bồi phù sa lâu năm, con sông đã biến mất hoặc thành con lạch chảy men theo bãi bồi xưa. Nhờ nà đất, mới trồng được nhiều, ông nói, “chứ dựa vào đất vườn thì trồng sao nhiều như thế được, đó là chưa nói chuyện đất càng ngày càng eo hẹp bởi những công trình nhà nước cứ lấn chiếm... Thôi thì mình trồng được ngày nào mừng ngày đó, khi nào người ta lấy đất mình tính tiếp”.

Trồng trên nỗi lo âu mất đất...

Hoa thược dược mới cho vào chậu, chờ đón Tết. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)

Chúng tôi hỏi thêm về mối lo của ông ở chuyện lấy đất, ông cho biết: “Trước đây, chúng tôi làm hoa màu, rau cải rất thoải mái, nhưng chừng mười năm trở lại đây, làm thì làm vậy chứ đất đai ngày càng eo hẹp, nhà nước trưng thu lúc nào không hay, an ninh lương thực luôn là mối lo...”

“Có nhiều làng rau, làng hoa nổi tiếng mất hẳn, như làng trồng thuốc lá Ðiện Thắng là mất hẳn, người ta thu đất, đền bù mỗi sào mấy chục triệu, bà con mình nghèo, có người thấy tiền to là nhận, có người bị ép nhận, ai dè mua gạo chưa được ba năm là đói hoàn đói mà đất thì mất hết, vườn thuốc thành ra công trình, có người nhớ nghề, xuống tận Ðiện Nam để thuê đất mà trồng”.

Tiếp tục đi thăm những vườn rau khác ở Duy Xuyên, Quảng Nam, dường như nhà nào cũng đang mùa ươm cây, có nhà trồng vài trăm cây thược dược, đang chuẩn bị cho vô chậu, gặp chị Nữ, người trồng bán hoa và cây giống cho mùa Tết, chị cho biết: “Năm nay cây giống bán chạy hơn mấy năm trước vì phần lớn là thiếu. Mỗi cây giống thược dược có giá từ 15 ngàn đến 20 ngàn đồng, bầu bí thì giá từ 2 ngàn đồng đến 10 ngàn đồng, hoa vạn thọ cũng có giá tương đương bầu bí. Thời tiết năm nay khó lường!”

“Cái thú vui trồng hoa Tết ở chỗ chăm sóc, nhìn nó ra lá đơn, lá kép rồi cho nụ, trổ bông, chứ còn đi bán hoa thì buồn chết đi được, bán ở quê thì kiếm được chẳng mấy đồng, người ta trả giá hoa cứ như trả cá tôm vậy. Thấy đời thêm chán, nghèo chi mà nghèo kinh khủng! Còn ra thành phố thì phải đóng thuế, mỗi lô đất để bán hoa tốn từ 900 ngàn đồng đến 2.7 triệu đồng. Còn phải bỏ thời gian đi đấu giá công khai. Nếu đấu trật, dân có tiền họ đấu hết, gần Tết, mình mua lô của họ, có khi lên cả chục triệu bạc. Bán hoa kiểu này thì khỏi ăn Tết!”

“Thật ra, mình không trồng hoa Tết thì chẳng biết làm gì hơn, vì đất còn eo hẹp, không như trước đây, nếu còn đất rộng mình sẽ trồng bầu bí, chắc ăn hơn, trồng lương thực thì ít phải lo, trồng hoa chỉ chờ có mấy ngày Tết, nếu bán không hết xem như đổ sông, năm ngoái tôi bán cả cái Tết được đúng 10 chậu hoa thược dược, 15 chậu hoa cúc, chiều ba mươi, năn nỉ mấy nhà gần chỗ bán chưng giùm, ra giêng mình ghé lấy chậu về... Mà đất của mình còn lại chẳng mấy mét vuông, bị lấy lúc nào cũng chưa biết, khổ lắm!”

Càng đói, càng trồng nhiều hoa

Kiểu nói này nghe có vẻ nghịch lý, vì đang sống trên một đất nước mà bánh mì lúc nào cũng đi trước hoa hồng, làm sao có chuyện càng đói lại càng trồng nhiều hoa. Nhưng đó là sự thật, vì cái đói, sự khổ không còn chia chung cho cả dân tộc, mà nó dành riêng cho bộ phận dân nghèo, còn lại, tầng lớp cán bộ và dân có “lý lịch đỏ” vẫn sống thản nhiên, không có khái niệm khó khăn, nghèo ở họ.

Một ông làm cán bộ xã nói: “Năm nào, nhà tôi cũng mua một cặp quất, vài chậu hoa, vài giò lan, một số lay ơn để bàn thờ, ngót nghét cũng năm triệu đồng tiền hoa Tết, có năm lên cả bảy tám triệu, năm nay, tôi dự định chi một chục triệu cho tiền hoa Tết!”

Một chục triệu đồng của ông chủ tịch xã (hiện nhận lương nhà nước 3.5 triệu đồng/tháng) nói ra nghe nhẹ hều. Trong khi đó, với những chủ trồng hoa nói riêng và người nông dân nói chung, là cả một tài sản.

Vô vọng nhưng vẫn phải trồng

Ruộng hoa, đẹp nhưng chưa chắc có tiền. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)

Nhìn chung, tâm lý của những người trồng hoa Tết nói riêng và những người trồng hoa quả Tết nói chung năm nay không có gì khởi sắc, vẫn chung tâm lý lo lắng, ê chề mùa hoa những năm trước và trồng để mà trồng. Nỗi lo lớn nhất của họ lúc bán hoa vẫn là bị hoa thị trường hoa ‘nụ tầm xuân’ nhập từ Trung Quốc sang thao túng.

Ðương nhiên, vẫn còn những người lạc quan, như trường hợp anh Huấn, chủ vườn quất hơn ba ngàn gốc ở Hội An chẳng hạn: “Mình chưa bao giờ thua lỗ trong trồng hoa, mình chỉ lo đất bị thu hồi, riêng mình, cứ trồng đến tháng 12 là lo bán cho đầu mối, rẻ hơn chút đỉnh nhưng họ mua với số lượng lớn, mình lấy được vốn và lãi, chừa lại vài trăm chậu để ra Ðà Nẵng bán, rẻ mắc gì cứ đúng trưa ba mươi Tết là bán sạch, về ăn Tết, cả năm cực rồi, dại gì khổ tiếp đêm ba mươi chứ!”

Nếu như chủ hoa ở Hội An vốn có thương hiệu bởi làng hoa xóm Miếu Ông Cọp và Xóm Mới ở phường Cẩm Phô và Tân An - Hội An. Những người trồng hoa khác ở Quảng Ngãi hoặc Quảng Nam, phần lớn mới trồng chừng vài năm hoặc trồng manh mún, không có tên tuổi trong làng nghề nên cũng chẳng có đầu mối nào đến mua hoa sỉ, họ phải tự mang hoa ra chợ Tết để mặc cả, eo xèo với gió mưa cuối năm.

Chị Thủy, chủ một vườn hoa ở Ðức Phổ, Quảng Ngãi, cho biết: “Có năm, khuya ba mươi, rồi giao thừa mình vẫn còn ngồi ngoài chợ hoa, còn nguyên một lô hoa gần ba trăm chậu, năm mới, nên mình không dám khóc, bỏ thì thương vương thì tội, đành mang về, nhưng giờ đó xe nghỉ Tết hết rồi, phải ở ngoài đường ăn Tết đến trưa mồng Một mới có người chở hoa về nhà giùm mình. Nghề này còn khổ hơn làm dâu trăm họ. Nhưng không trồng thì tiếc, trồng mà thầm cầu trời bán cho đắt hàng...!”

Thời tiết năm nay, kể từ sau trận lụt lớn khắp miền Trung vừa qua, cho đến nay có thể nói là nắng ấm, mưa thuận gió hòa cho làng hoa. Ðiều này dự cảm một mùa hoa sum suê, rực rỡ. Nhưng cũng dự cảm một mùa hoa Tết đông đúc làng hoa tham gia và có nguy cơ ế ẩm.

Câu chuyện hoa Tết vẫn luôn là một bài ca không thể nào quên của dân nghèo miền Trung. Dù sao chăng nữa, người viết bài này cũng xin cầu chúc những người bán hoa có một mùa bội thu, bớt gian nan và ăn một cái Tết vui vẻ, sum vầy!

0 comments:

Powered By Blogger