GS. NGUYỄN VĂN CANH - 1. TRÊN ĐẤT LIỀN
Tổng Bí Thư Đảng CSVN Lê Khả Phiêu và Chủ tịch nước Trần đức Lương sang Bắc Kinh ký Hiệp Ước Biên Giới ngày 25 tháng 12, năm 1999. Các địa điểm sau đây đã nằm trong lãnh thổ TC:
- Tại Hà Giang, các dãy núi 1250,1545,1509, 772, 223. Dãy 1509 là Núi Đất, thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, và TC đã đặt tên là Lão Sơn. Dãy này cao 1422 m, chế ngự toàn vùng. Quan trọng là cao địa 662 b và 20 cao địa khác chạy về phía Đông. Dãy 1250 là Núi Bạc thuộc huyện Yên Minh, và TC đặt tên là Gỉải Âm Sơn. Hai dãy núi này kiểm soát lối xâm nhập từ Trung Hoa vào Việt Nam.
- Tại Lạng Sơn, các dãy 820, 636 thuộc xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định, và Khu vực Bình Độ 400, sau cột Mốc 26 ( Hiệp ước Thiên Tân), thuộc huyện Cao Lộc.
Khu đất phía Bắc thác Bản Giốc, Cao Bằng; một khu đất phía Bắc Ải Nam Quan, Lạng Sơn cũng cùng chung số phận. Những nơi khác vào khoảng 72 địa điểm suốt dọc biên giới dài 1400 cây số, chưa được biết.
Ta hãy nghe sự biện luận của CSVN về các cuộc đàm phán về biên giới như sau: (trích dẫn nguyên văn cuộc phỏng vấn do Lý Kiến Trúc, chủ nhiệm Báo Văn Hóa, thực hiện ngày 23 tháng 9, 2008):
- A. [Lê Công] Phụng: “…người ta tố cáo, phản đối tôi với tư cách là trưởng đoàn đàm phán. Người ta nói là tôi đã bán cho Trung Quốc khoảng độ 5-7 trăm cây số vuông trên biên giới đất liền. …..Sự thực thì “chỉ chênh lệch nhau 227 cây số vuông trên 64 điểm trên toàn tuyến biên giới. Vì thế, chỉ bàn đến phân định 227 cây số vuông ấy thôi.… Và kết quả cuối cùng là Việt Nam quản lý được thêm 113 cây số vuông, và Trung Quốc quản lý 114 cây số vuông. Như vậy chênh nhau khoảng độ hơn 1 cây số trong suốt quá trình đàm phán và phân định.
- 2.….Liên quan đến các điểm cao, tôi cũng muốn nói với các vị rằng là năm 1979 Trung Quốc tấn công Việt Nam, kết thúc thì cơ bản là Trung Quốc rút về đường biên giới cũ. Trung Quốc giữ lại, chiếm đất của Việt Nam khoảng độ 27 điểm, trong đó hầu hết là các điểm cao.
…Trong quá trình đàm phán, chúng ta yêu cầu Trung Quốc trả lại các điểm cao. Trước khi ký hiệp ước, Trung Quốc trả lại 15 điểm cao. Còn lại 12 điểm cao, ta đấu tranh quyết liệt, và cuối cùng còn lại 6 điểm cao, cuối cùng thì chúng ta đưa đường biên giới chạy lên giữa các điểm cao đó.”
Đối chiếu với một ít con số và địa điểm trích dẫn từ tập “ VẤN ĐỀ BIÊN GIỚI GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC” do Đảng Cộng sản Việt Nam phổ biến năm 1979 (Nhà xuất Bản Sự Thật, 1979) cho thấy Lê công Phụng nói dối hoàn toàn. Việt Nam đã mất rất nhiều đất.
1. Về chênh lệch hơn 1 cây số trên suốt dọc biên giới dài 1350 cây số?
Các địa điểm sau đây TC đã chiếm mất của Việt Nam.
a) Khu vực Trình Tường, Quảng Ninh. Khu vực này dài 6 cây số và TC chiếm sâu vào lãnh thổ Việt Nam hơn 1 cây số. Khu vực này nay sát nhập vào công xã Đồng Tâm, Đông Hưng. Đường biên giới mới lùi tới đồi Khâu Trúc của Việt Nam.
b) Và các xã Thanh Lòa, huyện Cao Lộc thuộc Lạng sơn; Khẳm Khâu, thuộc Cao Bằng; Tà Lũng, Là Phù Phìn, Minh Tân thuộc Hà Tuyên; xã Năm Chảy ở Hoàng Liên Sơn (xã này dài hơn 4 km và sâu hơn 1 km) cũng đã nằm trong lãnh thổ TC. Riêng tại xã Năm Chảy, Việt Nam mất một diện tích độ 300 hectares. Tổng cộng có độ 40 đia điểm tương tự trên đường biên giới bị TC chiếm và đưa dân sang lập nghiệp, rồi hợp thức hóa.
c) Ải Nam Quan, hồi 1955, Hồ chí Minh nhờ Mao trạch Đông nới dài thêm 300 m đường hỏa xa của Trung Hoa sang Việt Nam để đường hỏa xa của hai bên nối liền với nhau cho thuận tiện giao thông. Mao chấp thuận và sau một thời gian Hồ nói rằng đường biên giới của Việt Nam ở cách nơi nối giáp đó về hướng Bắc là 300m như đã có từ cả trăm năm nay. Hồ được bảo rằng biên giới nay là nơi hai đường hỏa xa nối với nhau. Mất 300m! Hồ im lặng. Chưa hết, về sau này lính TC khiêng cột mốc số 18, nơi biên giới quốc gia tại Ải Nam Quan trên quốc lộ 1 vào sâu độ 200m nữa. Như vậy nơi đó mất độ ½ cây số.
d) Thác Bản Giốc: Tại khu cột mốc số 53 thuộc xã Đàm Thúy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng trên sông Qui Thuận có thác Bản Giốc của Việt Nam. TC cho 2000 ngàn lính sang lãnh thổ VN đổ bê tông cốt sắt cắt ngang nhánh sông biên giới, vẽ lại bản đồ, chiếm một phần Thác Bản Giốc và cướp cả cồn Pò Thoong của Việt Nam.
Phần chính Thác Bản Giốc, nằm phía Bắc, nay đã thuộc Trung Cộng. TC đặt tên là thác Đức Thiên, Đệ Nhất Hùng Quan Nam Trung Hoa.
Phần phụ nằm về phía Nam, còn là của Việt Nam
Nguồn: bài viết: blogger Măng
Nguồn ảnh: blogger Điếu Cày
Toàn cảnh Thác Bản Giốc
Cước Chú: Ngày 14 tháng 9 năm 2002 trong một cuộc phỏng vấn của báo Nhân Dân Điện Tử, Lê công Phụng cho biết nay có một cột mốc mới để chia đôi Bản Giốc. Cột mới này nằm trên một cái “cồn” giữa suối. Nay, có phổ biến một hình thác Bản Giốc. Qua hình này, thác gồm 2 phần Bắc nằm phía tay phải, và Nam, nằm tay trái. Trung cộng nay chiếm mất phần lớn nhất nằm tay phải mà chúng đã đặt tên là Đức Thiên, Đệ Nhất Hùng Quan.
Tân Hoa Xã và Tùy viên Văn Hóa thuộc Tòa Đại sứ TC ở Hà Nội (mà tác giả bài báo gọi là Thái Thú) cách đây 3 năm (2004) nhân ngày quốc khánh TC mời đoàn báo chí Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam sang dự lễ khai mạc hội chợ du lịch và khánh thành Thác Đức Thiên thuộc phần đất Trung Hoa (thuộc thị trấn Sùng Tà). Được mời đi tham dự lễ khánh thành Thác Đức Thiên này có lãnh đạo Đảng trong ngành báo chí và du lịch: “Cục trưởng cục Báo chí, Vụ trưởng Vụ Du lịch” và nhiều người trong ngành báo chí. Phái đoàn được tiếp đãi long trọng để chứng kiến thác ấy nay trở thành tài sản của TC. Đây là lễ ăn mừng về thành quả đạt được trong tình hữu nghị Trung Việt giữa hai đảng và hai nhà nước.
e) Khiêng các mộc số 136 ở Cao Bằng, các mốc số 41,42 43 ở Lạng Sơn thuộc các khu vực Kùm Mu, Kim Ngân, và Mẫu Sơn (dài 9 cây số) sâu vào nội địa Việt Nam 2 km50: mất một diện tích là 1,000 hectares; khu vực Nà Pàng-Kéo Trình ( mốc 29,30, 31) ở Cao Bằng, dài 6 km 450, sâu vào đất Việt Nam 1 km300, mất diện tích là 200 hectares.
f) Dùng lực lượng võ trang đàn áp người Việt, trục xuất họ và đốt nhà đuổi dân Việt, chiếm nhà đất của họ, rồi đưa dân Trung cộng sang lập nghiệp tại nhiều nơi thay thế dân Việt…
2. Về các điểm cao
Cuối cùng “còn 6 điểm cao” và “chúng ta đưa đường biên giới chạy lên gữa các điểm cao đó”. Lời biện minh này cho thấy rằng 27 điểm nêu trên là của Việt Nam, và như thế trước đây nằm trong lãnh thổ Việt Nam. Trung cộng đã chiếm 27 điểm ấy. Nay vì nhờ “đấu tranh quyết liệt” nên TC đã trà lai, chỉ trừ 6 điểm cao. Sáu điểm cao này được hiểu là các dãy núi nằm dọc biên giới. Nay Phụng đã “thành công” (sic) đưa đường biên giới lên giữa các điểm cao, hay giữa các dãy núi ấy, và như vậy là không mất đất.
Vậy lời khai này, nếu có đúng là sự thật, thì đã tự nó tố cáo có chấp thuận chuyển nhượng một diện tích đất tính từ phân nửa (½) đỉnh của cả 6 dãy núi kể trên về phía Bắc.
Ngoài ra, Phụng trả lời làm sao về các dãy núi sau như đã nói ở trên:
- Các dãy núi 1250, 1545, 1509, 772 và 233 thuộc tỉnh Hà Giang đã thuộc Trung Cộng. Người ta được biết, dãy 1509 là núi Đất thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên đã lọt vào tay TC và TC đã đổi tên thành Lão Sơn. Và dãy 1250 là núi Bắc, thuộc huyện Yên Minh, TC đã đối tên thành Giải Âm Sơn.
Các cao địa này là vị trí chiến lược để phòng thủ Việt Nam chống quân Bắc phương. Các dãy này nay đã chuyển cho Trung Cộng.
- Các dãy 820 và 636 thuộc xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định, Lạng Sơn nằm sát cạnh cửa Ải Nam Quan về phía Tây, cạnh quốc lộ 1, cũng lọt vào tay TC. Và khu Bình Độ 400 huyện Cao Lộc, Lạng Sơn , nằm sau cột mốc 26, về phía Đông của quốc lộ 1 cũng cùng chung số phận. Các dãy núi này cũng là các khu vực quan yếu cho việc phòng thủ, ngăn quân xâm lăng đến từ phương Bắc. Tại nơi đây, nhờ địa thế hiểm trở, ông cha chúng ta đã đánh bại quân thù. Mất các vùng đất này, Việt Nam gặp nhiều khó khăn bảo vệ giang sơn. Như vậy, VC lại càng giúp cho TC dễ bề thôn tính VN trong tương lai.
Vậy với bằng cớ nêu trên, Đảng Cộng Sản trả lời với quốc dân Việt Nam như thế nào khi nói rằng chỉ một có 1 cây số?
2. VÙNG VỊNH BẮC VIỆT
Đảng CSVN ký 2 Hiệp ước với TC vào 30 tháng 12 năm 2000:
Hiệp Ước phân chia vùng vịnh. Chiếu theo đường phân chia Vịnh theo Hiệp Ước Thiên Tân và các tác giả vẽ trên Bản Đồ đường thẳng màu đỏ từ Móng Cái cạnh kinh tuyến 108, qua đảo Trà Cổ xuống cửa Biển, theo hướng Thừa Thiên- Quảng Nam, mà ngươi ta gọi là đường Màu Đỏ phân chia Vịnh.
Tổng số diện tích vùng vịnh Bắc Việt là 123,700 cây số vuông. Đường phân ranh Màu Đỏ chia Vịnh làm 2: 63% thuộc Việt Nam và 37% thuộc Trung Hoa. Như vậy là Việt Nam có 77,931 cây số vuông và Trung Hoa có 45,769 cây số vuông. Theo thỏa hiệp 2000 đường ranh mới được vẽ chạy vòng theo hình cong của Vịnh và nằm giữa 2 phía. Đường ranh chạy qua tất cả 21 điểm. Điểm 1 bắt đầu từ nơi hai biên giới giáp nhau ở Móng Cái, và điểm thứ 21 ở giữa cửa Vịnh, nằm giữa Hoàng Liễu (Huang Liu), Hải Nam và Cồn Cõ, Vĩnh Linh, phía nam của Đồng Hới, Quảng Bình. Phân chia vùng vịnh như vậy đưa đến kết quả là: VN xuống còn 54% hay là 66,789 cây số vuông, và Trung Cộng lên 46% hay là 45,510 cây số vuông. Như vậy VC chuyển nhượng cho TC 11,152 cây số vuông. Với hiệp ước này, thứ trưởng ngoai giao Lê công Phụng phụ trách thương thuyết ca tụng là một thắng lợi.
Hiệp ước hợp tác nghề cá. Chưa hết! Lại còn một hiệp ước nữa gọi là Hiệp ước hợp tác nghề cá. Mục đích là hai bên hợp tác đánh cá chung. Hiệp ước qui định hai vùng.
-Vùng phía Nam vĩ tuyến 20 nằm về phía Nam đảo Bạch Long Vĩ. Vùng này có một diện tích là 35,000 cây số vuông, thời hạn có hiệu lực là 12 năm, và gia hạn 3 năm. Để có được 35,000 cây số vuông, mỗi bên phải góp vào 30.5 hải lý, tính từ đường ranh nằm giữa vịnh trở vào.
-Vùng khác nằm về phía Bắc đảo Bạch Long Vĩ. Vùng này nhỏ hơn, có hiệu lực 4 năm.
Về vùng VỊNH BẮC VIỆT, Phụng tuyên bố: “Chúng ta phân chia Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc là dựa trên luật pháp quốc tế.… Khi ký kết hiệp định, nếu như so diện tích giữa chúng ta và Trung Quốc, thì chúng ta hơn Trung Quốc 8 nghìn cây số vuông. Chúng ta không mất. Tại sao Trung Quốc chấp nhận cho chúng ta hơn 8 nghìn cây số vuông? Bởi vì bờ biển của ta là bờ biển lõm, nó vòng vào thế này, bờ biển Trung Quốc Hải Nam thì nó vòng ra thế này. …. Nói mất 10 nghìn thước vuông, thì vô lý, không đúng đâu. Chúng tôi cũng không muốn nói cụ thể là lúc chia nó như thế nào, thế nào.… Cũng có lúc đàm phán Trung Quốc người ta xung phong hiến cho chúng tôi 3 nghìn cây số vuông ở chỗ khác để họ lấy chỗ này chỉ độ 150 cây số vuông. Nhưng mình không chịu, mình không lấy cái nước, cái mặt nước để làm gì. Mình tính cái ở dưới, vừa giữ được chủ quyền đất đai, mà vừa giữ được lợi ích cho quốc gia.”
Phụng nhấn mạnh đến luật quốc tế làm cơ sở “đàm phán”, đặc biệt là nhấn mạnh đến hiệp ước Thiên Tân 1885 làm nền tảng thương thuyết rối kết luận rằng không những không mất 10,000 thước vuông, (10,000 cây số, chứ không phải là 10,000 thước), mà còn được lợi 8000 cây số vuông do TC ‘cho VC’. Hơn nữa, TC còn xung phong cho VC 3000 cây số vuông, đổi lại TC chỉ muốn 150 cây số vuông và VC không chịu …., và “giữ được chủ quyền đất đai và, lợi ích quốc gia”.
Với lời tuyên bố trên, VC đã ‘đại thành công’ trong đàm phán với kẻ thù thuộc dòng dõi nhà Hán tham lam, dù theo thói quen chúng lấn từng thước đất (không phải cây số) của Việt Nam. Một số trường hợp mất đất mà ai cũng biết và chính Đảng CSVN đã tố cáo mà Phụng có cả gan dấu giếm, thì ở những nơi Đảng cấm dân chúng lui tới, hoặc ở rừng núi sâu, hay ở các nơi xa trong vịnh Bắc Việt, liệu có ai có phương tiện và cơ hội để tìm biết được sự thật?
Phụng tỏ ra “có vẻ” rất hài lòng, nếu không nói rằng hãnh diện, khi nói rằng TC đã cho “ta” 8,000 cây số vuông, và TC còn xung phong cho thêm 3,000 cây số khác mà “ta” không [thèm] nhận, chỉ để đổi lấy 150 cs mà thôi.
Câu hỏi có liên quan đến khía cạnh phân định vùng Vịnh Bắc Việt bắt nguồn từ Hiệp Ước Thiên Tân được Pháp và nhà Thanh ký năm 1885. Để thi hành Hiệp ước này, hai bên đã ký một văn kiên gọi là công ước 1887 trong đó họ ấn định ranh giới trong vùng vịnh. Trong vùng này, họ vẽ một bàn đồ chia Vịnh làm 2. Trên bản đồ, họ vẽ một đường thẳng Bắc Nam bắt đầu từ Móng Cái, chạy qua đảo Trà Cổ xuống cửa vịnh: bên phía Đông, tại một điểm ở đảo Hải Nam là Hoàng Liễu và còn bên phía Tây là đảo Cồn Cỏ của Việt Nam. Đường ấy được đặt tên là Đường Màu Đỏ, được Công ước gọi là đường phân chỉa ranh giới trong Vịnh.
Hiệp ước Thiên Tân do Patrenôtre của Pháp ký với Lý Hồng Chương của nhà Thanh tháng 6 năm 1885 là luật quốc tế đấy. Hiệp ước đó đã được thi hành hơn 100 năm rồi. Và đường Màu Đỏ là Ranh Giới Phân Chìa Vịnh. Nay TC đòi xét lại sự phân chia vùng vịnh này với âm mưu chiếm thêm lãnh hải của Việt Nam. TC ngang ngược tuyên bố đường màu đỏ chỉ là đường “quản lý hành chánh” để chỉ định các đảo trong khu vực này, đòi hủy bỏ đường đó để lập ra đường ranh giới chính thức. VC đã nhượng bộ và vẽ lại đường ranh và đường đó nay chạy qua 21 điểm nằm giữa vịnh để phân chia vịnh làm 2 như đươc qui định trong hiệp ước 2000. Hậu quả, là hiến dâng phần lãnh hải cho TC rộng 11,152 cs vuông.
Con cháu nhà Hán được 11,152 cs vuông, rồi chúng lại còn đòi VC cho chúng được đánh cá chung trong 2 vùng trong Vịnh. Không thấy Phụng ca tụng hiệp ước đánh cá chung này. Thí dụ như nhờ TC ‘đánh cá giúp’ để vét hết cá bằng hạm đội đánh cá với tàu đánh cá lớn và lưới dài 60 hải lý (chừng 100 cây số) và chúng cào bới vịnh như vậy trong vòng 15 năm, nguồn cá sẽ bị cạn kiệt hay tận diệt và nhiều loại cá sẽ biến mất. Còn ngư dân Thanh Hóa chỉ có thuyền bằng gỗ. Họ không có tàu sắt với hàng trăm mã lực và không được trang bị nhiều dụng cụ tối tân để thi đua vét cá với công ti đánh cá quốc doanh của TC. Vậy họ hợp tác với ngư dân TC như thế nào để chia cá với TC? Hay là kết quả như đã xảy ra vào 8 tháng 1 năm 2005, ngư dân Thanh Hóa đánh cá trong vùng lãnh hải “mới” của VN bị tàu hải quân TC bắn chết.
Tóm lại, Đảng Cộng sản VN trả lời với quốc dân Việt Nam thế nào trước những lời phát biểu như trên của Lê công Phụng.
GS. NGUYỄN VĂN CANH
0 comments:
Post a Comment