Ngày 28 tháng 12, người dân Bắc Hàn tiễn đưa lãnh tụ Kim Jong Il của họ trong một lễ tang trọng thể giữa một trận tuyết lớn và lạnh giá của mùa đông.
Source RFA/Korean
Hàng trăm ngàn người dân khóc tiễn biệt lãnh tụ Kim Jong il hôm 20/12/2011.
Người dân Bắc Hàn, báo chí Bắc Hàn gọi ông Kim Jong Il là vị lãnh tụ kính yêu, người cha của nhân dân Bắc Triều Tiên. Xung quanh ông là hào quang của những truyền thuyết về một nhà lãnh đạo kiệt xuất. Phải chăng đây một sự sùng bái cá nhân được đẩy lên đến mức cao nhất? Điều mà người dân thếgiới cũng đã từng thấy trong lịnh sử ở một số lãnh đạo độc tài khác? Việt Hà có bài tìm hiểu và tường trình.
Người người khóc than
Người dân Bắc Hàn khóc, dập đầu xuống đường mà khóc, khóc tưởng như đến ngất xỉu. Họ khóc trước cái chết của ông Kim Jong Il, người mà họ gọi là vị lãnh tụ kính yêu, người đã lãnh đạo đất nước Bắc Hàn suốt 17 năm qua. Những giọt nước mắt và tình cảm của người dân Bắc Hàn dành cho ông Kim Jong Il đã làm thế giới phải thắc mắc đó là thật hay giả. Nhưng dù là giả hay thật thì nó cũng là một dấu hiệu của sự sùng bái cá nhân đã lên đến hết mức ở đất nước với gần 25 triệu dân này.
Giáo Sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng viện Xã hội học Việt Nam nhận xét:
Số người khóc than ấy, đừng nói là họ giả đâu, họ thật đấy. Đó là nỗi đau của con người, nỗi đau của nhân thế. Nó nói lên sự mê muội của đám đông, nó khủng khiếp thế nào.
GS Tương Lai
“Số người khóc than ấy, đừng nói là họ giả đâu, họ thật đấy. Đó là nỗi đau của con người, nỗi đau của nhân thế. Nó nói lên sự mê muội của đám đông, nó khủng khiếp thế nào. Đám đông nếu không được nâng cao lên trình độ hiểu biết lên thì sẽ bị mê muội và đó chính là mảnh đất màu mỡ cho tệ sùng bái cá nhân.”
Nói về sùng bái cá nhân, giáo sư Tương Lai định nghĩa:
“Sùng bái cá nhân có từ lâu lắm rồi, khi mà trong chế độ quân chủ, vua là thiên tử, là con trời thì có việc tự phong ấy, bản thân nó tạo nên một nguyên cớ để có tệ sùng bái cá nhân. Quyền lực luôn có xu hướng mở rộng vô hạn độ quyền lực của mình và một khi quyền lực không bị kiểm soát thì nó sẽ tự phong cho mình là bất khả xâm phạm và đi liền với nó là tạo trong quần chúng tâm lý sùng bái người cầm quyền. Bây giờ người ta không nói là vua mà người ta nói là lãnh tụ.”
Ông Kim Jong Il trở thành lãnh đạo cao nhất của người dân Bắc Hàn 17 năm về trước sau khi kế nhiệm người cha của mình là ông Kim Nhật Thành, người được người dân Bắc Hàn gọi là vị lãnh tụ vĩ đại, người cha lập nước. Xung quanh ông Kim Jong Il là rất nhiều những câu chuyện như truyền thuyết về một nhà lãnh đạo kiệt xuất.
Chẳng hạn như chuyện khi ông sinh ra thì trên trời có một ngôi sao bừng sáng, mùa đông chuyển sang xuân và bầu trời xuất hiện hai áng cầu vồng. Ông được truyền thông nhà nước miêu tả như một người cha hiền từ, nhân hậu của người dân Bắc Hàn. Chẳng vậy mà để tiễn biệt ông, báo Rodong Sinmun của Đảng cầm quyền chạy dòng tít “Nhân dân nói lời từ biệt với người cha vĩ đại trong đau buồn lớn”.
Ông Lê Hiếu Đằng, nguyên PHó chủ tịch ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam gọi đây là sự sùng bái cá nhân bệnh hoạn:
“Cái đó còn hơn cả sùng bái cá nhân, có thể đây là sùng bái cá nhân có tính bệnh hoạn. Có thể so sánh với Đức Quốc Xã, với Stalin, Mao Trạch Đông, những độc tài cá nhân đã gây nên tội ác tầy trời với dân tộc họ.”
Thế giới lên án
Với chế độ độc đảng thì nguy cơ sùng bái cá nhân rất lớn, nên phải có một thể chế dân chủ thì không có đất sống cho độc tài cá nhân hay độc tài tập thể.
Ô. Lê Hiếu Đằng
Trong lịch sử nhân loại, Stalin, một lãnh tụ của Liên Xô trước kia, sau này cũng đã bị chính các đảng viên cộng sản, người dân Liên Xô lên án là một người ham mê sùng bái cá nhân. Sau khi Stalin chết, chính Bí thư thứ nhất ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Liên Xô là ông Khrusop vào năm 1956 đã đọc một bản báo cáo mật lên án Stalin và lên án Stalin về tệ sùng bái cá nhân.
Dưới thời Stalin, tệ sùng bái cá nhân đã đạt đến mức ngoài sức tưởng tượng. Không chỉ báo chí, văn nghệ sĩ viết bài ca ngợi Stalin mà chính Stalin cũng ca ngợi bản thân mình. Ông Khrupsop viết rằng “cuốn tóm lược tiểu sử Stalin ấn hành vào năm 1948 là thứ xu nịnh ghê tởm nhất, là điển hình cho việc làm thế nào để biến một người như Stalin thành một vị thánh sống, một hiền nhân khôgn thể sai lầm, một lãnh tụ vĩ đại nhất, một chiến lược gia đại tài của mọi thời đại và mọi dân tộc”.
Còn ở Trung Quốc, người ta biết đến chủ tịch Mao Trạch Đông, một người cũng ham mê sùng bái cá nhân chẳng kém gì Stalin. Hình ảnh của Mao Trạch Đông xuất hiện đẹp đẽ trong các áp phích cổ động. Thậm chí Trung Quốc còn xuất bản cuốn sách những câu nói của Mao Chủ Tịch là quyển sách nhỏ màu đỏ dành cho các lực lượng vũ trang sử dụng. Quân đội Trung Quốc phải học tư tưởng Mao Trạch Đông. Và cũng giống như Stalin hay Kim Jong Il, Mao Trạch Đông được miêu tả như một người cha nhân từ.
Trên thực tế, những vị lãnh tụ mê sùng bái cá nhân này đều bị thế giới lên án. Stalin bị kết án vì giết hại không biết bao nhiều bạn, đồng chí và đồng bào của mình để bảo vệ uy quyền của ông ta. Mao Trạch Đông phải chịu trách nhiệm trước những khổ đau của hàng triệu người dân Trung Quốc trong cuộc cách mạng văn hóa vào những năm 1950. Còn dưới thời của ông Kim Jong Il, người dân Bắc Hàn đã phải sống trong nạn đói khủng khiếp những năm 1990 cướp đi mạng sống của hàng trăm ngàn người. Liên Hiệp Quốc ước tính đến giờ Bắc hàn vẫn còn khoảng 6 triệu người cần trợ giúp lương thực.
Ông Lê Hiếu Đằng cho rằng tệ sùng bái cá nhân như đã thấy ở các trường hợp như Stalin, Mao Trạch Đông, Hitler hay Kim Jong Il thường xuất hiện ở các chệ độ độc tài. Ở những chế độ độc đảng, nguy cơ này cũng tiềm ẩn. Ông nói:
“Với chế độ độc đảng thì nguy cơ sùng bái cá nhân rất lớn, nên phải có một thể chế dân chủ thì không có đất sống cho độc tài cá nhân hay độc tài tập thể. Độc tài tập thể thay vì một con người thì tập trung vào một nhóm người cũng đáng sợ, không phù hợp với trào lưu hiện nay.”
Liên hệ với những hiện tượng sùng bái cá nhân trong lịch sử, ông Lê Hiếu Đằng cho rằng, để tránh hiện tượng này, người ta cần một xã hội dân sự dân chủ. Ông nói:
“Chúng ta phải thực hiện một xã hội dân sự, tạo nên những nhóm người, tổ chức cá nhân có tiếng nói, thay mặt cho người dân, tạo áp lực xã hội, khuynh hướng khác nhau để chống lại độc tài cá nhân hay tập thể.”
Xã hội dân sự, dân chủ là những điều người ta không thể thấy ở Bắc Hàn khi internet không tồn tại trong dân, khi báo chí, truyền hình, và đài phát thanh hoàn toàn là của nhà nước.
Sau những lời hoa mỹ tiễn đưa, sau một lễ tang phải nói là hoành tráng kéo dài 3 tiếng đồng hồ, sau những giọt nước mắt trong một mùa đông giá lạnh và tuyết, báo chí Bắc Hàn nói rằng triệu triệu người dân Bắc Hàn sẽ kiên quyết trở thành thành những súng, những bom để bảo vệ đồng chí kính yêu Kim Jong Un thực hiện những lý tưởng và dự định của mình. Và thế là ông Kim Jong Il ra đi, người dân Bắc Hàn bây giờ đã có một lãnh tụ kính yêu khác là Kim Jong Un, con trai của ông Kim Jong Il, người mà họ gọi là người kế nghiệp kiệt suất, dù ông mới ở độ tuổi ngoài đôi mươi.
0 comments:
Post a Comment