Monday, December 5, 2011

Đảng Nước Nga Thống nhất của Thủ tướng Putin mất điểm trong cuộc bầu cử Quốc hội

Thủ tướng Vladimir Putin tại một phòng phiếu ở Matxcơva ngày 04/12/2011.

Thủ tướng Vladimir Putin tại một phòng phiếu ở Matxcơva ngày 04/12/2011. Reuters/Alexei Nikolsky

Thanh Hà

Với 238 đại biểu Quốc hội trên tổng số 450 ghế đảng của Thủ tướng Putin vẫn chiếm đa số tuyệt đối ở Hạ viện Douma nhưng đã mất 15 điểm tín nhiệm của cử tri. Đảng Cộng sản tạo bất ngờ, về thứ nhì trong cuộc tuyển cử ngày 04/12/2011. Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu tố cáo Nga gian lận bầu cử.

Theo kết quả chính thức được ủy ban bầu cử Nga công bố, trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 04/12/2011 đảng Nước Nga Thống nhất về đầu với 238 đại biểu và qua đó chiếm luôn đa số tuyệt đối tại viện Douma. Tuy nhiên, đảng do Thủ tướng Vladimir Putin lãnh đạo bị mất đa số hai phần ba và tính về điểm tín nhiệm của cứ tri thì so với cuộc bầu cử năm 2007, đảng này đã mất 15 điểm tín nhiệm. Về nhì là đảng Cộng sản với 92 dân biểu. Đảng Nước Nga Công lý được coi là cánh tay nối dài của đảng Nước Nga Thống nhất, dành được 64 ghế. Cuối cùng, 56 đại biểu của đảng Tự do Dân chủ Nga đắc cử.

Về kết quả cuộc bầu cử vừa qua, giới phân tích ghi nhận : đảng Nước Nga Thống nhất liên tục chi phối các hoạt động chính trị tại quốc gia này từ một thập niên nay tuy vẫn chiếm được đa số tuyệt đối ở Hạ viện, nhưng chỉ thuyết phục được 49,5 % cử tri. Đây là kết quả tệ hại nhất từ khi ông Vladimir Putin lên cầm quyền và điều hành đảng này từ năm 1999. Trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2007, đảng Nước Nga Thống nhất của ông Putin đã giành được 64,3 % số phiếu và 315 ghế tại Hạ viện Douma.

Cho dù Thủ tướng Putin được coi là có nhiều triển vọng trở lại chức vụ Tổng thống trong cuộc tuyển cử vào tháng 3/2012 nhưng kết quả bầu cử hôm qua cho thấy đảng Nước Nga Thống nhất đang mất uy tín trong mắt cử tri. Dư luận Nga ngày càng mạnh mẽ chỉ trích tình trạng tham nhũng tràn lan và hố sâu ngăn cách giàu nghèo ngày càng lớn. Nhiều người lo ngại kế hoạch đã được sắp đặt trước để ông Putin trở lại điện Kremly sẽ đẩy nước Nga vào một giai đoạn trì trệ kinh tế và chính trị.

Trong thông cáo đề ngày hôm nay, tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) lưu ý một số trường hợp gian lận bầu cử, thiếu « cạnh tranh và kém công bằng trong các hoạt động chính trị tại Nga. OSCE quan ngại trước việc « nhà nước Nga can thiệp vào mọi cấp » trên sân khấu chính trị và tính thiếu độc lập của các phương tiện truyền thông tại quốc gia này.

Ủy ban bầu cử Nga bác bỏ cáo buộc của tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu. Về phần mình Tổng thống Medvedev cũng nhấn mạnh là không hề có gian lận bầu cử trong cuộc bỏ phiếu ngày hôm qua.

0 comments:

Powered By Blogger