Lê Diễn Đức
Tạp chí chính trị có uy tín tại Hoa Kỳ và cả trên thế giới Foreign Policy vừa công bố danh sách 100 người có tư tưởng làm thay đổi thế giới trong năm 2011.
Hầu hết những người nằm trong danh sách của Foreign Policy cũng nằm trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới 2011 của tạp chí Fobers hay của Time. Sự khác nhau về thứ hạng có lẽ là do tiêu chuẩn chọn lựa của mỗi ban biên tập.
Tuy nhiên điều đáng lưu ý là, dẫn đầu danh sách của Foreign Policy năm nay không phải các chính trị gia, nguyên thủ các cường quốc, các nhà khoa học, hay kinh tế gia nổi tiếng, mà là các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền và báo chí truyền thông có đóng góp quan trọng trong cuộc Cách mạng Mùa Xuân tại các nước Ả Rập.
Tìm hiểu sâu hơn về hoạt động của các nhân vật, đồng tác giả của Cách mạng Mùa Xuân tại các quốc gia Ả rập, chúng ta sẽ thấy một sự hình thành tương tự đang khởi đầu ở Việt Nam. Đó là hoạt động mạnh mẽ của các bloggers, các trang web độc lập trong nước, những người chuyển thông tin nhanh nhất từ mọi sự kiện diễn ra hàng ngày trước sự im lặng của báo chí nhà nước và sự kiểm duyệt của chế độ.
Tiên phong trong các hoạt động truyền thông có nhiều ảnh hưởng trước hết phải kể đến các trang weblogs và websites Dân Làm Báo, Quê Choa, Mẹ Nấm, Anh Ba Sàm, Bauxite Việt Nam, Đàn Chim Việt, Dân Luận, v.v…
Đặc biệt từ thời điểm Cách mạng Mùa Xuân Ả Rập, mạng xã hội Facebook trở nên nóng bỏng và sôi động trong cộng đồng mạng Việt Nam. Rất nhiều nhóm trên Facebook với đặc tính và mục đích xã hội khác nhau được thành lập, trong đó có những nhóm nối kết nhau không cần biểu tượng, không tổ chức, không đảng phái, đa dạng về chính kiến, họ đến với nhau khi thấy có cùng ý tưởng, chung lòng yêu nước, và nhiều khi chỉ vì cảm mến nhau về con người hoặc có nhu cầu chia sẻ riêng tư, thông tin. Facebook trở thành phương tiện không thể thiếu và rất phổ cập hiện nay trong sinh hoạt chính trị, xã hội của người Việt. Những ai không sinh hoạt Facebook khó có thể đứng được ở trung tâm các sự kiện diễn ra hàng ngày, không nhất thiết là chính trị.
Hiện tượng trên đây và những liên tưởng tới cách mạng Mùa Xuân Ả rập đã và đang làm nhà cầm quyền Hà Nội lo sợ, thấp thỏm không yên. Cho nên họ sử dụng mọi biện pháp ngăn chặn, phân tán, chia rẽ, đe doạ, khủng bố bất luận vì lý do gì, hoặc cũng không cần tới lý do. Những vụ công an bắt bớ, giam cầm, tịch thu tài sản cá nhân gần đây ở Hà Nội hay Sài Gòn vô cùng ẩu tả, ngang tàng, phi lý, đi ngược cả chính kỷ cương phép tắc của nhà cầm quyền, rồi sau đó thả hoặc đưa đi biệt tăm mà không cần giải thích, xin lỗi, bồi thường danh dự cho nạn nhân, chứng minh điều này. Chỉ cần đi dạo bình thường ở khu vực Hồ Gươm, mang theo latop vào tiệm uống cà phê là đã có thể xảy ra xô xát, bắt giữ. Bất kỳ ở đâu nhà cầm quyền cảm thấy nghi ngờ, bất an cho quyền lực, nơi đó xuất hiện hàng loạt công an và đám sai nha dân phòng cực kỳ vô học.
Tuy nhiên, theo tôi, hậu quả từ sự đàn áp người yêu nước của chính quyền Hà Nội chỉ làm cho tình đoàn kết, đùm bọc yêu thương và sự chia sẻ hoàn toàn tự nhiên, vô điều kiện của họ kết dính mạnh mẽ hơn, rộng lớn hơn mà thôi.
Tôi là người thực tế nên không ảo tưởng về một Việt Nam dân chủ trong thời gian gần. Nhưng tôi tin cái Thiện sẽ thắng cái Ác. Tôi tin trên đất sĩ phu Bắc Hà dù trong bối cảnh chung trí thức mũ ni che tai, cơ hội chủ nghĩa và sự sợ hãi ngự trị, vẫn còn những người có tư tưởng làm thay đổi xã hội.
Và vì thế, tôi hy vọng trong tương lai, trên danh sách thường niên của Time, Foreign Policy hay Forbes rồi sẽ xuất hiện tên họ những blogger hay các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền Việt Nam, gắn với tư tưởng và cuộc cách mạng mà họ là những hạt nhân lãnh đạo, như ở các nước Ả Rập.
* * * * *
Bartosz Węglarczyk – Lê Diễn Đức dịch
Alaa al Aswany – Ai Cập – Ảnh: FP
Các nhà cách mạng Ả Rập chiếm tới 9 vị trí đầu tiên trong danh sách 100 nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất thế giới vào năm 2011 của tạp chí uy tín Foreign Policy. Danh sách chỉ có một người từ Đông Âu.
Danh sách này tất nhiên hoàn toàn chủ quan, và phản ánh một cách nhìn thế giới của Ban biên tập Foreign Policy ở Washington. Đa số trong danh sách gồm các nhân vật có hành động, bài viết hoặc các phát biểu làm thay đổi thế giới năm nay.
Chín vị trí đầu tiền là ex aequo/các cựu lãnh đạo và tác giả của Cách Mạng Mùa Xuân Ả Rập:
Alaa al Aswany – nha sĩ Ai Cập, tác giả cuốn tiểu thuyết “Ngôi nhà của Jacob” bị cấm lưu hành năm 2006, mô tả sự tan rã của xã hội Ai Cập dưới sự cai trị của nhà độc tài Hosni Mubarak (đã bị lật đổ). Al Aswany là một trong những nhà lãnh đạo của cuộc cách mạng Ai Cập. Năm 2008, trong cuộc phỏng vấn với nhật báo Ba Lan Gazeta Wyborcza ông nói: “Chế độ độc tài là sự nguyền rủa, bệnh hoạn của chúng tôi, nó lần lượt giết chết tất cả các quốc gia Ả Rập. Khủng hoảng kinh tế, vi phạm nhân quyền mới chỉ là những triệu chứng của căn bệnh này”;
Mohamed el-Baradei – người Ai Cập, cựu giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, một trong những nhà lãnh đạo của cuộc cách mạng Ai Cập, (Giải Nobel Hoà Bình 2005 – ND) ứng cử viên tổng thống của Ai Cập;
Wael Ghonim – nhân viên tập đoàn tin học Google tại Ai Cập, tác giả của trang Facebook với những thông tin dành cho các nhà cách mạng, một trong những nhà lãnh đạo cuộc biểu tình ở quảng trường Tahrir ở Cairo. (Wael Ghonim đứng đầu bảng danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2011của Time – ND);
Ali Ferzat – hoạ sĩ vẽ tranh biếm họa nổi tiếng của Syria, nạn nhân trong nhiều năm của chế độ, bị đánh đập trọng thương bởi “những kẻ giấu mặt” (rất giống tình trạng ở Việt Nam – ND) sau khi lên tiếng hỗ trợ trào lưu cách mạng Mùa Xuân Các Dân Tộc tại Syria;
Razan Zaitouneh – luật sư người Syria và là nhà hoạt động nhân quyền, tác giả của trang web thu thập thông tin về vi phạm nhân quyền của chế độ Syria;
Ghannuczi Rashid – người sáng lập đảng phái Hồi giáo ôn hoà al-Nahda, một đảng đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên ở Tunisia (hôm 23/10/2011 – ND) sau sự sụp đổ của chế độ độc tài ở đây. Ghannuczi trở về Tunisia từ London sau 22 năm lưu vong bắt buộc để đứng ở hàng đầu trong cuộc cách mạng Mùa Xuân Các Dân Tộc ở Tunisia;
Chairat el-Szater – nhà chiến lược của Brotherhood Hồi giáo Ai Cập (thường được gọi theo tiếng Việt là tổ chức Huynh đệ Hồi Giáo – ND). Ông bị cầm tù nhiều năm trong chế độ Mubarak. Sau chiến thắng của cuộc cách mạng Ai Cập, ông đã viết trên tờ The Guardian: “Đừng sợ Brotherhood, chúng tôi tôn trọng quyền của tất cả các nhóm chính trị và tôn giáo”;
Tawakkul Karman – nữ nhà báo và là nhà hoạt động nhân quyền tại Yemen, người đã lãnh đạo phong trào dân chủ tại quốc gia này, một trong ba người đoạt Giải Nobel Hòa bình năm nay;
Wadah Khanfar – người Palestine sinh tại Israel, cho đến tháng 9 năm nay là người đứng đầu đài truyền hình Al-Jazeera, được coi là cơ quan truyền thông chuyển tại thông tin tốt nhất về các vấn đề của cuộc cách mạng Mùa Xuân Các Dân Tộc trên các nước Ả Rập.
Manal al-Sharif – Nữ lập trình viên người Ả Rập Saudi nhiều năm tranh đấu cho quyền phụ nữ ở Ả Rập Saudi. Trong tháng 5 năm 2011, trên YouTube xuất hiện video cho thấy Manal vi phạm luật giao thông trong khi lái xe và cô đã bị bắt vào ngày hôm sau (một lý do thường gặp mà công an Việt Nam sử dụng để bắt giữ người yêu nước – ND);
Eman Al Nafdżan – nhà hoạt động nhân quyền của Ả Rập Saudi, tác giả của blog nổi tiếng về quyền của phụ nữ với tên Saudiwoman’s Weblog;
Fathi Terbil – luật sư và nhà hoạt động nhân quyền của Libya, người đã tranh đấu để khám phá sự thật về vụ thảm sát tại nhà tù Abu Salim (dưới thời cai trị của Gaddafi – ND);
Đóng lại 9 vị trí đầu tiên cùng mười mấy nhân vật đứng đầu trong cuộc cách mạng Mùa Xuân Các Dân Tộc trên các quốc gia Ả Rập là hai nhà sáng tạo chính trị hiện đại với lý thuyết về cách mạng bất bạo động (non-violence) mà người ta đã lấy làm cơ sở hành động ở Tunisia và Ai Cập.
Gene Sharp, giáo sư đại học 83-tuổi, ở Boston, Hoa Kỳ, tác giả xuất bản lần đầu tiên vào năm 1973 cuốn sách “Đấu tranh bất bạo động” (và sau đó cuốn cẩm nang “Từ độc tài đến dân chủ” – ND).
Srdjan Popovic, một trong những người sáng lập tổ chức sinh viên tại Serbia (thuộc Nam Tư cũ – ND) “Otpor” (Nắm Đấm), thành luỹ các cuộc biểu tình chống lại chế độ độc tài của Slobodan Milosevic. Sau khi lật đổ chế độ, các nhà hoạt động Serbia của “Otpor” làm cố vấn huấn luyện phong trào dân chủ ở nhiều nước.
Ở vị trí thứ 10, cũng là ex aequo, ba người không có gì chung với cách mạng Mùa Xuân Các Dân Tộc của các nước Ả Rập. Dành cho cuộc chiến chống khủng hoảng kinh tế, Foreign Policy chọn những người đứng đầu ngân hàng trung ương của Hoa Kỳ, Trung Quốc và Liên minh Âu châu: Ben Bernanke (hạng 8 trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới 2011 của Fobers – ND), Chu Tiểu Xuyên và Jena-Claude Trichet.
Vị trí thứ 11 thuộc về chính trị gia đầu tiên chuyên nghiệp Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (vị trí số 1 trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới 2011 của Fobers – ND). Sau ông là cựu Phó Tổng thống Hoa Kỳ Dick Cheney, và người đứng đầu ngoại giao Hoa Kỳ (trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống W. George Bush – ND) Condie Rice – Hai người này được Foreign Policy nhận định là “đã tạo ra một thế giới mà chúng ta đang sống”. Và Cheney, Rice đã xuất bản trong năm nay những cuốn hồi ký được thảo luận rộng rãi một cách kỳ lạ.
Nằm ở hạng 17 là những người đầu tiên của các phương tiện truyền thông mới (không tính Wael Ghonim của Google): Jack Dorsey nhà sáng lập Twitter và Mark Zukerberg nhà sáng lập Facebook (Nhân vật năm 2010 của Time; hạng 6 trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới 2011 của Time, và hạng 9 của Fobers – ND). Cả hai, vì “đã thay đổi cách mà chúng ta làm hầu như tất cả mọi thứ, bao gồm cả lật đổ các chế độ độc tài”.
Hạng 18 thuộc về nghệ sĩ Trung Quốc Ngải Vị Vị. Cũng giống như Ali Ferzat của Syria, Ngải Vị Vị đã được vinh danh về các hoạt động đối lập với chế độ cầm quyền trong nước (và bị quy chụp tội trốn thuế giống như với blogger Điều Cày Nguyễn Văn Hải – ND).
Vị trí 24 dành cho ba tác giả của chiến dịch chống tham nhũng ở các quốc gia của mình: Sami Ben Gharbia người Tunisia; Daniel Domscheit-Berg, một người Đức tị nạn vốn từ Wikileaks, người đã cáo buộc Julian Assange làm chính trị và cao ngạo; và Alexei Navalny người Nga. Navalny đã tạo ra trang web chuyên theo dõi tham nhũng trong hàng ngũ quan chức Nga. Chân dung của ông đã được đăng trên một công báo một năm trước đây. Alexei Navalny là đại diện duy nhất của Trung và Đông Âu trong danh sách của Foreign Policy năm nay.■
Bản Việt ngữ © Lê Diễn Đức
—————————————————
Chú thích của người dịch:
*Danh sách 100 nhân vật có tư tưởng làm thay đổi thế giới năm 2011 của Foreign Policy:
*Danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới 2011 của Forbes:
* Danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới 2011 của Time:
* Bài được dịch từ nhật báo Ba Lan Gazeta Wyborcza ngày 28/11/2011 tại link:
0 comments:
Post a Comment