Về tình hình Trung Quốc, nhật báo Liberation hôm nay quan tâm đến vụ biểu tình của người dân tại thành phố Đại Liên trong vụ nhà máy hoá chất thuộc tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Theo nhận định bài viết, internet vẫn là công cụ hữu hiệu nhất để người dân bày tỏ chính kiến.
Theo thông tín viên của nhật báo Liberation tại Bắc Kinh, hôm chủ nhật vừa qua, có khoảng từ 50.000 đến 70.000 người đã xuống đường biểu tình trước tòa thị chính của thành phố Đại Liên. Họ yêu cầu chính quyền địa phương phải cho di dời nhà máy hóa chất thuộc tập đoàn Fujia Corp., chuyên sản xuất chất paraxylène, một loại hóa chất độc hại, được biết đến dưới tên viết tắt là PX.
Trước đó, nhiều lời mời đăng tải trên mạng khuyến khích người dân « đi dạo » trước cổng tòa thị chính của thành phố Đại Liên xuất hiện trên các trang blog. Liberation cho rằng, sở dĩ có lời mời kỳ lạ là vì những người nào đưa ra lời « kêu gọi biểu tình » sẽ bị kết án rất nặng.
Dân chúng Đại Liên biểu tình đòi di dời nhà máy hoá chất (Reuters)
Tin nhắn tối thiểu, biểu tình tối đa
Thế nhưng, theo Liberation, chính những hình ảnh, những đoạn vidéo được ghi lại bằng điện thoại di động và được đưa lên mạng là những yếu tố quyết định, thúc đẩy người dân thành phố Đại Liên xuống đường đông đảo, khiến cho lực lượng an ninh của thành phố trở nên bất lực.
Bài báo cho biết, nguyên nhân bắt đầu từ việc cơn bão tràn vào thành phố Đại Liên và đã phá hủy phần bên trong nhà máy. Họ e sợ rằng nếu chất PX thoát ra ngoài, sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng của gia đình họ. Theo tác giả, người dân thành phố Đại Liên không mấy tin tưởng vào những lời hứa của chính quyền địa phương là sẽ cho xây đập và mọi nguy hiểm sẽ được loại trừ, vì chính quyền đã từng gạt bỏ ngoài tai những lời cảnh báo vào thời điểm khởi công xây dựng nhà máy, chỉ vì lợi nhuận kinh tế mà bất chấp rủi ro.
Liberation nhận định, đối với một số người dân thành phố Đại Liên, vụ biểu tình hôm chủ nhật vừa qua là một chiến thắng. Họ hy vọng rằng chính quyền nên lắng nghe ý kiến của người dân. Họ khẳng định rằng các trang blog nhỏ cũng chính là những phương tiện để bày tỏ chính kiến.
Tuy nhiên, một số khác vẫn cảm thấy nghi ngờ về những lời hứa của ông Bí thư tỉnh ủy. Theo Liberation thì sự nghi ngờ này cũng chính đáng, khi mà toàn thể báo giới Trung Quốc theo lệnh của chính quyền không được đề cập đến sự cố tại nhà máy Đại Liên.
Không những thế, hôm qua, tất cả những hình ảnh nào liên quan đến Đại Liên cả trên báo chí địa phương lẫn trên các trang blog đều bị xóa sạch. Cuối cùng, Liberation cho biết tin đồn các vụ bắt bớ bắt đầu lan truyền trong thành phố đêm hôm qua.
* Trích dẫn mục Điểm Báo - RFI
0 comments:
Post a Comment