Saturday, August 13, 2011

Tại Việt Nam, « Sách giáo khoa hiện nay làm học sinh không tin cậy vào môn lịch sử »


DR

Cuối tháng 7/2011 vừa qua, tại Việt Nam kết quả môn lịch sử trong kỳ thi vào các trường Đại học đã gây chấn động dư luận. Tại rất nhiều trường, hơn 90% học sinh có điểm sử dưới trung bình. Kết quả gây bàng hoàng này cũng là dịp công luận đặt câu hỏi: những nguyên nhân nào đã dẫn đến tình trạng học vấn kém cỏi đến mức độ này ?

Trong số các giải thích được đưa ra, một số ý kiến tập trung nhấn mạnh vào tính chất « chính trị hóa » nặng nề mà môn lịch sử phải gánh chịu (xem Phạm Quốc Sử hay Nguyên Ngọc). Nói một cách khác là, môn lịch sử trong nhà trường bị biến thành nơi tuyên truyền cho một số giá trị được áp đặt từ trên xuống. Điều này được coi là một nguyên nhân cơ bản nhất khiến cho việc xây dựng chương trình, soạn sách giáo khoa, giảng dạy và học tập môn lịch sử lâm vào tình trạng bê bối và bế tắc như hiện nay. Mà, điểm đặc biệt nổi bật là : rất nhiều học sinh thờ ơ và mất lòng tin vào một môn học, vốn hết sức quan trọng đối với việc nhận thức về xã hội và đối với việc xây dựng một ý thức công dân trong xã hội.

Để thoát ra khỏi trở lực của sự « chính trị hóa » kể trên, có người nhấn mạnh trực tiếp đến việc thay đổi chương trình giảng dạy và sách giáo khoa của môn học này, có tác giả hướng sự chú ý tới việc thay đổi toàn bộ « hệ thống quan điểm giáo dục » nói chung, hay chủ trương « thế tục hóa » nền giáo dục. Tựu chung, tất cả các quan điểm kể trên đều giống nhau ở một điểm : kêu gọi những người đang nắm quyền lãnh đạo trả lại cho môn lịch sử tính trung thực – tính chất căn bản tạo nên giá trị riêng biệt của nó.

Điều đáng chú ý là, có ý kiến cho rằng : các trở lực khiến môn lịch sử trong trường học Việt Nam hiện nay không thể trở thành một môn học trung thực, không hẳn chỉ do ý chí của một bộ phận những người lãnh đạo. Chính không khí tin tưởng rất phổ biến, trong xã hội nói chung, vào những điều huyền hoặc, sự lệ thuộc vào một thế giới thần linh « hư hư thực thực », tạo ra một môi trường rất bất lợi cho sự phát triển của óc tư duy độc lập – nền tảng của các môn khoa học nói chung, trong đó có môn lịch sử. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, quan hệ giữa cái nhìn mang tính huyền thoại về cuộc sống và khả năng nhận thức trung thực về lịch sử là một câu chuyện không dễ lý giải.

Ban Việt ngữ RFI đã đặt câu hỏi với nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội và tổng thư ký Hội sử học Việt Nam. Những suy tư, nhận định và phân tích của ông cung cấp một góc nhìn về thực trạng môn lịch sử tại trường phổ thông Việt Nam hiện nay, góp phần xới lên một số vấn đề, vốn từ trước đến nay còn ít được bàn thảo tại Việt Nam.

Nhà sử học Dương Trung Quốc (Sài Gòn)
11/08/2011
by Trọng Thành

0 comments:

Powered By Blogger