Tuesday, August 23, 2011

Quốc tế kêu gọi ông Kadhafi mau chóng rời khỏi chính quyền

Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé phát biểu về tình hìinh Libya (REUTERS)
Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé phát biểu về tình hìinh Libya (REUTERS)

Thanh Hà

Phát biểu về Libya, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé khẳng định : « Liên Minh Bắc Đại Tây Dương vẫn phải được đặt trong tình trạng báo động » vì ngay từ hôm qua trên các đài truyền thông ông đã nhấn mạnh : phe nổi dậy chưa chiến thắng một cách toàn diện trong việc lật đổ chính quyền Kadhafi, cho dù « Hội đồng quốc gia lâm thời Libya đã kiểm soát gần hết lãnh thổ và một phần lớn Tripoli.

Trên nguyên tắc ngày mai (248/11) tổng thống Nicolas Sarkozy dự trù tiếp chủ tịch Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Libya, Mahmoud Jibril với mục đích chứng tỏ Paris vẫn chiếm ưu thế trên hồ sơ Libya. Tháng hai vừa qua, tổng thống Pháp là một trong những lãnh đạo đầu tiên lên tiếng đòi đại tá Kadhafi rút lui khỏi sân khấu chính trị Tripoli.

Ngay sau đó, ông Nicolas Sarkozy đã cũng với thủ tướng Anh, David Cameron cũng là những người đầu tiên công nhận tính chính đáng của chính phủ lâm thời Libya. Tổng thống Pháp và thủ tướng Anhd đã nỗ lực thuyết phục khối NATO và nhiều nước Ả Rập tiến hành chiến dịch quân sự tại Libya để bảo vệ thường dân.

Trở lại với phản ứng của cộng đồng quốc tế : Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc loan báo triệu tập mọt cuộc họp khẩn cấp nội trong tuần này về tình hình Libya. Toàn thể các lãnh đạo phương Tây cùng kêu gọi ông Kadhafi « từ bỏ chính quyền », « chấm dứt các cuộc xung đột vô điều kiện », « tránh gây thêm đổ máu » để hướng tới việc xây dựng lại một đất nước « công bằng đối với mọi thành phần trong xã hội ».

Quyền lợi kinh tế

Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ hôm qua tuyên bố là Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế và đóng một vai trò tích cực trong tiến trình tái thiết Libya. Tuy nhiên tờ báo chí Trung Quốc hôm nay cho rằng, trách nhiệm của các nước phương Tây là phải giải quyết những « hỗn loạn do chính họ gây ra » tại Libya.

Về phương diện kinh tế, Trung Quốc mong muốn tiếp tục duy trì các mối liên lạc với Libya Trung Quốc đầu tư vào ngành khai thác dầu hỏa ở Libya và Tripoli cung cấp 3% dầu hỏa của mình cho Bắc Kinh. Trung Quốc hiện đang có khoảng 50 dự án đầu tư tổng trị giá gần 19 tỷ đô la tại Libya.

Gần đây các tập đoàn dầu khí của Trung Quốc do không bảo đảm được an toàn cho nhân viên và các khoản đầu tư đã bắt đầu rút lại vốn. Bắc Kinh cũng đã hồi hương gần 36 000 kiều dân Trung Quốc trong các ngành dầu khí, xây dựng, viễn thông kể từ khi phong trào nổi dậy tại Libya bùng phát.

Cuối cùng, các tập đoàn dầu khí nước ngoài đang dòm ngó vào các khu dầu hỏa của Libya : công ty dầu khí ENI của Ý đã bắt đầu trở lại quốc gia này cho dù tình hình tại chỗ còn rất rối ren. Total của Pháp và BP của Anh thì đang kỳ vọng gặt hái được những kết quả tốt đẹp nhờ sự năng động của Paris và Luân Đôn đối với quốc gia dầu hỏa này của châu Phi trong những tháng vừa qua. Trước cuộc nổi dậy hồi tháng 2/2011, tại châu Phi Libya là nguồn cung cấp dầu hỏa lớn thứ tư, xuất khẩu 1,5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày.

0 comments:

Powered By Blogger