Ngô Lộc Thiện
Đây là một câu hỏi hết sức quan trọng chẳng những đối với người Mỹ mà còn đối với cả thế giới nữa. Sau thế chiến thứ hai, sức mạnh bá chủ về quân sự và kinh tế của Mỹ đã là nền tảng cho trật tự thế giới trong hơn nửa thế kỷ qua. Câu trả lời của câu hỏi trên ảnh hưởng đến trật tự thế giới ít nhất cho nửa thế kỷ sắp tới.
Ngay đầu thập niên 1950 khi cộng sản còn là một khối thuần nhất, thế giới tự do dưới sự lãnh đạo của Mỹ đã chặn đứng làn sóng đỏ từ đông sang tây. Sức mạnh và sự quyết tâm của Mỹ thể hiện trong cuộc chiến tranh Nam hàn, vụ phong toả Bá linh, biến cố hoả tiễn ở Cuba và chiến tranh Việt nam, đã gây được niềm tin trong thế giới thứ ba, tạo điều kiện cho sự rạn nứt trong thế giới cộng sản. Ưu thế vượt trội của nền kinh tế thị trường đối với nền kinh tế chỉ đạo quốc doanh, thể hiện qua hình ảnh đời sống sung túc của người Mỹ trên màn ảnh và sách báo, đã chọc thủng bức màn sắt, vạch trần sự bưng bit?, bịp bợm của guồng máy tuyên truyền cộng sản. Sự phát triển kinh tế vượt trội của Mỹ còn tạo điều kiện cho cuộc chạy đua vũ trang tốn kém trong cuộc chiến tranh lạnh với Liên sô, dẫn đến sự băng hoại nền kinh tế xã hội chủ nghĩa và sự tan rã chính trị của Liên bang sô viết, giải phóng nhân dân Đông Âu khỏi gông cùm của chế độ cộng sản.
Với sự sụp đổ của khối cộng sản, Mỹ và các quốc gia dân chủ Tây phương trở thành kẻ chiến thắng, chẳng những về mặt quân sự mà trên cả lãnh vực kinh tế và chính trị. Có học giả còn khẳng định mô thức tự do dân chủ tây phương đã trở nên thể chế chính trị và xã hội cuối cùng của loài người (Francis Fukuyama “The End of History”).
Cơn khủng hoảng kinh tế và tài chính của Mỹ trong mấy năm qua, nhất là sự tê liệt của giai tầng lãnh đạo Mỹ trong việc đạt tới thỏa hiệp cho một giải pháp lâu dài cho các vấn đề trầm trọng trong cơ cấu xã hội Mỹ , mà điển hình là diễn biến hiện nay tại Washington trong vấn đề nợ trần, không khỏi gây hoài nghi vào khả năng mềm dẻo và thích ứng của thể chế dân chủ tự do. Nước Mỹ không thể vỡ nợ và nợ trần sẽ được nâng lên, vì đây chỉ là một con số có tính kỹ thuật trong luật lệ tài chính, nhưng sự dằng co cho đến tận giây phút cuối cùng phản ảnh sự bất đồng trong phương thức giải quyết những vấn cơ bản hiện nay của xã hội Mỹ như thuế má, chi tiêu cho quốc phòng, phúc lợi xã hội, y tế, sức khoẻ người già (medicare), sức khoẻ người nghèo (medicaid), mà hệ quả là mức thiếu hụt ngân sách lên đến gần 1500 tỷ đô la cho năm nay. Nước Mỹ không thể tiếp tục chi tiêu 20% ngân sách cho quốc phòng ( 689 tỷ năm 2010), 23 % ngân sách cho chương trình sức khoẻ người già và người nghèo (793 tỷ năm 2010) trong khi 40 cents của mỗi đô la chi tiêu là tiền vay nợ. Xã hội Mỹ không thể gánh nổi chi phí cho sức khoẻ mà mức độ gia tăng hàng năm gấp đôi sự tăng trưởng của nền kinh tế cả nước (Centers for Medicare and Medicaid Services ước tính sự gia tăng chi phí sức khoẻ hàng năm là 5.8% từ 2010-2020). Cắt giảm chi tiêu hay tăng thuế ? Cắt giảm chi tiêu và tăng thuế để tiến đến cân bằng ngân sách? Chương trình sức khoẻ cho mọi người của chính phủ Obama? hay một chương trình sức khoẻ khác ? để giữ cho chi phí sức khoẻ trong mức độ xã hội có thể gánh chịu được ? Đây là những vấn đề cơ bản mà giai tầng lãnh đạo Mỹ, Tổng thống và Quốc hội, Dân chủ và Cộng hoà, phải tìm được thỏa hiệp để giải quyết, hầu thay đổi hướng đi hiện nay, để bảo đảm mức sống cho thế hệ tương lai và duy trì vị thế siêu cường của Mỹ.
Lãnh đạo Trung quốc, thể hiện qua báo chí và truyền thông ở Trung quốc mấy ngày qua, đã không bỏ qua cơ hội để “lên lớp” Mỹ về “chi tiêu trong khả năng”, “vô trách nhiệm một cách nguy hiểm” v.v. một cách gián tiếp đề cao sự “ổn định” chính trị và kinh tế của họ thông qua cái gọi là “Đồng thuận Bắc kinh” (Beijing Consensus) hay “xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung quốc”. Thực chất, những mỹ từ mơ hồ này để chỉ thể chế chính trị kinh tế hiện nay ở Trung quốc, chỉ là phản ứng của đảng Cộng sản Trung quốc trong tìm kiếm một lối thoát khỏi sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, do đó nó tiềm ẩn những mâu thuẫn nội tại khó duy trì được dài lâu. Sự phát triển nhanh chóng trong giai đọan đầu là nhờ du nhập yếu tố tự do của kinh tế tư bản và Trung quốc bắt đầu từ một vị thế thấp trong nấc thang phát triển kinh tế. Đây là một sản phẩm “nửa sống nửa chín” chưa trải qua thử thách của thời gian trong khi chế độ kinh tế tư bản và thể chế dân chủ tự do là một mô thức đã trải qua thử thách của hơn hai thế kỷ, đã vượt qua những chướng ngại cực kỳ của hai trận thế chiến và cơn đại khủng hoảng kinh tế 1929.
Trong giai đoạn hiện nay, có lẽ không gì thích hợp hơn là nhắc lại nhận xét của Churchill, cựu Thủ tướng Anh, một trong những nhà lãnh đạo then chốt của thế giới tự do trong thế chiến thứ hai, khi ông nói người Mỹ sẽ trăn trở rất lâu nhưng cuối cùng sẽ chọn ra giải pháp tốt nhất và chế độ dân chủ tự do là thể chế chính trị dở nhất…nếu không kể tất cả những thể chế chính trị khác.
0 comments:
Post a Comment