Wednesday, August 17, 2011

Người Trung Quốc sang Việt Nam làm.... dê?

Đào Tuấn - Thứ trưởng Hòa thì nói và bỏ lửng câu nói: Tôi băn khoăn không hiểu vì sao lao động người Trung Quốc lại có mặt ở các công trình trọng điểm quốc gia… Sao một thứ trưởng ăn cơm thuế, cầm "thẻ bài", quyết cần câu cơm của gần năm chục triệu lao động mà cũng "không hiểu". Không hiểu là vì sao ông không hiểu. Thú thực, mình cũng không hiểu là ông nói không hiểu để định bắt ai hiểu nữa...

*

Cách đây vài hôm, khi được hân hạnh tiếp xúc với đại biểu QH, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, và đại biểu QH, bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, cử tri Quận Ba Đình- Hà Nội, ông Nguyễn Phú Nho bày tỏ bức xúc trước tình trạng lao động nước ngoài vào VN làm việc nhưng không có giấy phép, cơ quan chức năng quản lý không chặt trong khi đó lao động VN đang thiếu việc làm. "Đừng xem vấn đề lao động nước ngoài tràn vào VN chỉ là vấn đề lao động - kinh tế mà còn là vấn đề xã hội, chính trị, an ninh trật tự nữa. Trách nhiệm quản lý thuộc về ai cần phải được làm rõ- ông nói.

Không biết là cử tri ở những nơi khác như Cà Mau, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Dương, TP HCM, Ninh Bình, Quảng Ninh, và đặt biệt là ở Thanh Hóa- có bức xúc, có kiến nghị không!

Chuyện lao động Trung Quốc không hề mới. Một báo cáo của ngành công an cách đây 2 năm cho biết đã có tới 35 ngàn lao động Trung Quốc có mặt tại Việt Nam. (Năm nay, số lao động nước ngoài đã lên tới 74 ngàn người). Câu hỏi về chất lượng lao động cũng không khó để trả lời. Ví dụ như ở nhà máy allumin Nhân Cơ – Đắk Nông, chỉ một cuộc kiểm tra đã phát hiện ra hơn 60% công nhân ở đây không có một chút bằng cấp kỹ thuật nào dù theo đăng kí thì 190/312 người làm việc ở đây là công nhân kỹ thuật cao.

Cái mà người dân quan tâm, là câu trả lời. Theo bản tin của Tuổi trẻ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị hứa sẽ chuyển tải ý kiến của bà con tới Quốc hội và các cơ quan chức năng. Khéo thật. Mình thích câu trả lời này quá. Nói, mà không phải là nói, trả lời mà không trả lời. Trí tuệ siêu đỉnh, IQ vô đối. Cái này cần đưa vào sách giáo khoa. Một câu trả lời có thể áp dụng cho bất cứ câu hỏi, thuộc bất cứ lĩnh vực nào.

Nhưng "cơ quan chức năng" chỉ ngay sau đó cũng đã có những chỉ đạo khiến bà con mắt tròn mắt dẹt. Tại Hội nghị toàn quốc của ngành, tân Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền: "Đây là vấn đề, trong đó có phần trách nhiệm của chúng ta...Đề nghị lãnh đạo các sở giúp lãnh đạo địa phương, đồng thời báo cáo kịp thời cho lãnh đạo bộ về diễn biến, nguyên nhân và giải pháp xử lý đúng pháp luật đối với lao động nước ngoài ở VN”. Mình đã tự cắt đi rất nhiều chữ rườm rà, vô nghĩa, nhưng nói thực bảo tìm một phát biểu chỉ đạo nào ít chung chung, ít quan liêu hơn, ít trách nhiệm hơn, thì chịu. Một chỉ đạo mà năm nay nói cũng được, sang năm nói cũng chẳng sao và giống giống vài năm trước.

Trách nhiệm của "chúng ta" xưa nay vẫn được hiểu là chẳng của ai cả.

Và rồi không đợi đến lúc bác Nghi chuyển tải ý kiến bà con, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã biết rồi. "Có mặt và chỉ đạo" trong hội nghị của ngành Lao động, bà nói: “Tôi rất lo vì lao động Trung Quốc đã có mặt ở tận vùng sâu vùng xa như đất mũi Cà Mau”.

Giật mình bây giờ đã có vẻ quá muộn. Có lẽ lo lắng chả giải quyết được gì. Cũng có thể, lo, là vì chuyện "không hiểu" của ngành Lao động- thương binh và xã hội.

Cấp phó của bà Chuyền, Thứ trưởng Hòa thì nói và bỏ lửng câu nói: Tôi băn khoăn không hiểu vì sao lao động người Trung Quốc lại có mặt ở các công trình trọng điểm quốc gia… Sao một thứ trưởng ăn cơm thuế, cầm "thẻ bài", quyết cần câu cơm của gần năm chục triệu lao động mà cũng "không hiểu". Không hiểu là vì sao ông không hiểu. Thú thực, mình cũng không hiểu là ông nói không hiểu để định bắt ai hiểu nữa.

Vị thứ trưởng thậm chí còn ráo hoảnh như thế trách nhiệm trước chất lượng lao động Việt Nam là của bộ Lao động Trung Quốc: "Trong cùng một công việc, một cơ chế lương lao động chúng ta lại chê không vào làm thì họ phải mang lao động của họ vào làm. Cái lớn hơn là trong một vài nhóm công việc, lao động của chúng ta không đáp ứng được các kỹ năng mà họ đòi hỏi. Nhìn thực tế thì cùng công việc, cùng mức lương, lao động của họ lại làm việc năng suất cao hơn lao động của ta. Trong khi ý thức kỷ luật và năng suất làm việc của lao động ta kém".

Trong cuốn "Lời thú tội của một sát thủ kinh tế", John Perkins đã kể lại câu quá trình đổ bộ của các DN Mỹ vào Ả rập Xê Út được bắt nguồn từ một bức ảnh, và một câu nói. Đó là bức hình chụp những con dê nhặt rác thải bên ngoài một tòa nhà của Chính phủ. Một người Ả Rập sau đó khẳng định: Không một người dân Ả Rập Xê Út có tự trọng nào lại chịu đi thu lượm rác. Chúng tôi để việc đó cho súc vật.

Người Việt Nam không phải là người Ả Rập. Vì miếng cơm manh áo, họ chấp nhận xa chồng con, bỏ quê hương đi làm Osin, không đâu xa, mà ngay tại Đài Loan. Còn trong các loại nghị quyết vẫn nói tới "lợi thế nguồn nhân công giá rẻ" (Không lẽ giờ TQ còn phá giá!). Tại TP HCM, văn phòng lao động việc làm đưa ra con số mỗi tháng có tới 12 ngàn người đăng ký thất nghiệp. Số đăng ký bảo hiểm thất nghiệp trên toàn quốc lên tới 7,4 triệu người. Không cần bất cứ thuyết âm mưu nào cũng có thể thấy lao động TQ tràn ngập khắp nơi đang tước đoạt cơ hội làm việc của người Việt.

Cũng khó để tin người Trung Quốc sẵn sàng sang Việt Nam làm dê, để chấp nhận làm tất những thứ người Việt chê.

Năm 2009, chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ, hàng trăm công nhân Trung Quốc, tay gậy, tay đá chơi chiến thuật biển người đã đập phá, tấn công, hành hung dân bản địa ở Nghi Sơn, Thanh Hóa, sau rất nhiều lần đã xử "treo" theo kiểu luật rừng những người Việt vượt rào vào khu Trung Quốc, sau rất nhiều lần gây áp lực bằng số đông với công an địa phương. Một phóng sự truyền hình của VietNamNet đã ghi lại hình ảnh công nhân Trung Quốc tấn công bất cứ nhà dân nào, bất cứ người dân nào miễn là họ nói tiếng Việt.

Cũng trong phóng sự này, những thường dân đã chống lại Trung Quốc bằng cách nhắm mắt mà chụp lên đầu chiếc mũ bảo hiểm. Người khác thì nói phải "bỏ chạy".

Chạy ư!


0 comments:

Powered By Blogger