Monday, August 8, 2011

Lưu vong trên chính đất nước mình?



Lưu vong trên chính đất nước mình?


Có thời gian, nhiều cô gái Việt bắt chước phim Hàn Quốc bôi mắt xanh, môi tái, nhuộm tóc màu râu ngô chỉ vì kém hiểu biết vô tình quên mất bản sắc dân tộc, lưu vong trên chính đất nước mình. Tuổi trẻ có thể thông cảm và giờ đây các cháu đã sửa. Vậy mà gần đây, Khu du lịch đồi Mộng Mơ (TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) xây hẳn một đoạn Vạn Lý Trường Thành dài mấy trăm mét, thêm cả một đội quân tượng miêu tả lính của Tần Thủy Hoàng ở đó nữa. Chả lẽ, các nhà quản lý ở đây cũng lại ngây thơ đến thế?

Dư luận bỗng hốt hoảng khi hay tin Khu du lịch đồi Mộng Mơ nổi tiếng của Đà Lạt, ngay cổng vào liệt kê các hạng mục tham quan trong khu du lịch, trong đó dòng thứ ba từ trên xuống ghi rõ ràng: Vạn Lý Trường Thành.

“Vạn Lý Trường Thành Đà Lạt” được xây dựng khá dài, uốn lượn, vắt vẻo từ ngọn đồi bên này sang ngọn đồi bên kia của toàn khu. Rồi “trường thành” cũng được xây dựng cổng thành ở hai đầu, có hình vuông, mỗi bề khoảng 3m, cao hơn tường thành. Bên trên cổng thành còn có hai tượng lính kiểu cổ xưa của Trung Quốc đứng canh thành với giáo mác trong tay.

Một góc Vạn Lý Trường Thành "nhãn hiệu Hà Lạt". Ảnh: T.L

Không lẽ, dân tộc ta không có thành lũy lịch sử nào đáng để xây ở đây nhằm khơi gợi niềm tự hào dân tộc hay sao mà phải coppy mẫu Vạn Lý Trường Thành từ phương Bắc? Cũng có thể, các nhà văn hóa ở đây vô tình xây giống với Vạn Lý Trường Thành bên Trung Quốc nhưng nhìn tấm biển “Vạn Lý Trường Thành” gắn trên cổng thì chắc chắn không phải là vô tình. Bất ngờ hơn, trên một cái cổng cạnh đó, người ta khắc dòng chữ có tại “nguyên bản” mà thế giới đều biết: “Bất đáo Trường Thành phi hảo hán”. Vậy không hiểu người ta muốn “dựng” Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc giữa cao nguyên Đà Lạt để làm gì?

Nguy hại hơn, bên cạnh các dịch vụ vui chơi, “Vạn Lý Trường Thành Đà Lạt” lại có dịch vụ cho trẻ em - những chủ nhân tương lai đất nước khoác lên mình những bộ đồng phục, mũ mão của “Hoàn Châu Cách Cách” để chụp ảnh kỷ niệm bên cạnh “cổng thành”! Trẻ con, người không hiểu biết thấy hay hay, là lạ thì thích nhưng những người xây dựng, phê duyệt cũng thích bà con ta đến đây tự hào vì giống nước ngoài chăng?

Trong văn hóa du lịch có thể xây dựng một khu vui chơi mô phỏng những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của thế giới như Vạn Lý Trường Thành, Tháp Épphen, Quảng trường Đỏ để giới thiệu nhưng việc Khu du lịch đồi Mộng Mơ của Đà Lạt chỉ xây Vạn Lý Trường Thành như một điểm nhấn quả là sự lố lăng, thậm chí như thể đang lưu vong trên chính đất nước của mình.

Chúng ta từng có một bộ phim dù tốn rất nhiều tiền nhưng không mang tư tưởng Việt đã bị tẩy chay và Đài Truyền hình đã không cho lên sóng. “Công trình Vạn Lý Trường Thành” tại Đà Lạt nằm trong một khu du lịch nổi tiếng không mang được hồn Việt. Rập khuôn từ nước ngoài không hiểu sao lại được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt và cho tồn tại?

Thiết nghĩ, bất cứ một công trình văn hóa du lịch nào cho cộng đồng đều phải mang tính giáo dục - giáo dục thẩm mỹ, giáo dục về cội nguồn lịch sử, văn hóa dân tộc... cho bất cứ ai đến thăm, vui chơi, nhất là với thế hệ trẻ. Vậy thì Vạn Lý Trường Thành cùng đám tượng lính Tần Thủy Hoàng và mấy bộ quần áo “Hoàn Châu Cách Cách” có tác dụng gì trong việc giáo dục lịch sử và khơi dậy lòng tự hào dân tộc ngoài việc chuộng ngoại vô lối đáng xấu hổ?

Có thể đập bỏ “công trình” này là đập bỏ những kinh phí đã bỏ ra nhưng không lẽ để “chuyện đã rồi” này như một chiếc gai bẩn đâm vào lòng tự trọng dân tộc.

“Vạn Lý Trường Thành Đà Lạt” có nên tồn tại? Câu trả lời xin nhường lại cho các vị có trách nhiệm của tỉnh Lâm Đồng.

Lê Đức Trí

0 comments:

Powered By Blogger