Wednesday, August 24, 2011

Lạm phát VN ‘tăng cao nhất châu Á’

lamphat

Lạm phát ảnh hưởng nhiều tới người nghèo tại VN

Lạm phát tại Việt Nam tăng tới 22.16%, là mức cao nhất trong 17 nước tại châu Á với thâm hụt mậu dịch tăng tới ngưỡng 200 triệu USD trong tháng Bảy.

Hồi tháng Sáu lạm phát tại Việt Nam tăng tới mức 20,82%, tức là chỉ số giá tiêu dùng tăng 1.17% từ tháng Sáu tới tháng Bảy.

Chỉ số chứng khoán VN giảm 16% trong năm nay với quan ngại lạm phát sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất tái cấp vốn từ 15% xuống 14% vào ngày 4 tháng Bảy dẫn tới việc IMF nhận định bước đi này có thể làm giới đầu tư khó hiểu.

Việt Nam sẽ “rất khó” có thể kìm được mức lạm phát xuống 17% vào cuối năm 2011, Ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nói tại phiên khai mạc quốc hội ở Hà Nội vào ngày 21 tháng 7. Trong khi đó kinh tế gia Prakriti Sofat từ Barclays Capital văn phòng ở Singapore nói lạm phát có thể tăng cao tới 23% vào tháng Tám trước khi giảm xuống 18% vào cuối năm nay.

Giá thực phẩm, vận chuyển và vật liệu xây dựng góp phần làm tăng chỉ số giá tiêu dùng Ngân hàng ANZ cho biết. Mức lạm phát tại Việt Nam trong tháng Bảy là cao nhất trong số 17 nền kinh tế châu Á mà hãng tin tài chính Bloomberg theo dõi.

‘Hơi quan ngại’

“Chúng tôi hơi quan ngại việc giảm lãi suất tái cấp vốn sẽ làm thị trường cảm thấy khó hiểu về cam kết của chính phủ trong nỗ lực bình ổn theo Nghị quyết 11,” Benedict Bingham, đại diện thường trú cao cấp của IMF tại Việt Nam, nói trong tháng này.

Trong khi đó thâm hụt mậu dịch của Việt Nam tăng từ 160 triệu USD trong tháng Sáu lên tới khoảng 200 triệu USD trong tháng Bảy.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong bảy tháng tính tới tháng Bảy năm nay, thâm hụt mậu dịch của Việt Nam là 6.64 tỷ USD.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới đây nói đã bổ sung 4 tỷ USD vào nguồn dự trữ ngoại hối trong nỗ lức của chính phủ nhằm trang trải thâm hụt thương mại và trả nợ.

“Ở góc độ cán cân thanh toán thì người ta nhìn vào dự trữ ngoại hối để chi trả cho nhập khẩu, và vào lúc này Việt Nam chỉ có dự trữ ngoại hồi khoảng hai tháng nhập khẩu, là mức quá thấp”, Thomas Harr, giám đốc phục trách ngoại hối châu Á của Standard Chartered Plc có trụ sở tại Singapore cho biết.

0 comments:

Powered By Blogger