Saturday, August 27, 2011

Hoa Kỳ giải ngân 1,5 tỷ đôla cho phe đối lập ở Libya




Hoa Kỳ sẽ giải ngân 1,5 tỷ đôla tài sản của Libya bị phong tỏa cho Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia TNC. Các giới chức của Hoa Kỳ hôm qua cho biết số tiền này là cấp thiết để cung cấp nhiên liệu, thực phẩm, nước sạch và các dịch vụ khẩn thiết khác cho dân chúng Libya.

Quyết định giải tỏa ngân khoản vừa kể được chấp thuận sau các cuộc thương nghị tại ủy ban chế tài Lybia thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, gồm tất cả 15 nước thành viên của Hội đồng Bảo an.

Nước thành viên Nam Phi đã bày tỏ sự chống đối về 2 trong số 3 phần, mỗi phần 500 triệu đôla, trong ngân khoản sẽ được giao cho TNC, khi nói rằng họ chưa thừa nhận TNC là đại diện duy nhất và hợp pháp của nhân dân Libya.

Sau khi các cuộc thương nghị dường như bị đình trệ, Hoa Kỳ đã chuyển yêu cầu từ ủy ban chế tài đòi hỏi có sự đồng thuận qua Hội đồng Bảo an, là nơi Hoa Kỳ có thể vượt qua những phản đối của Nam Phi với 9 phiếu thuận và không có phiếu phủ quyết nào trong một nghị quyết giải tỏa ngân khoản.

Nhưng cuối cùng thì đã không cần đến nghị quyết đó khi Hoa Kỳ đồng ý điều chỉnh ngôn từ trong yêu cầu để đổi lấy sự chấp thuận của Nam Phi.

Nay, thay vì yêu cầu được giao cho Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia, thì ngân khoản sẽ được giao cho “giới thẩm quyền thích đáng” ở Libya.

Phó đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, bà Rosemary diCarlo hoan nghênh quyết định này.

Bà nói: “Ngân khoản sẽ được giao cho giới thẩm quyền thích đáng ở Libya và ngẫu nhiên giới thẩm quyền thích đáng đó lại là TNC hay NTC. Ngân khoản sẽ được đưa đến đúng nơi mà thoạt đầu đã được định giao cho.”

Các giới chức Hoa Kỳ nói rằng khoản tiền chắc đến tay TNC trong vài ngày nữa.

Đại sứ Nam Phi Baso Sanqu nói nước ông đã không muốn thừa nhận TNC quá sớm. Ông nói với các phóng viên rằng Pretoria muốn tham khảo ý kiến của Liên hiệp châu Phi, họp tại thủ đô Ethiopia hồi hôm qua.

Ông nói: “Phái đoàn của tôi đã có cơ hội tham khảo ý kiến với Liên hiệp châu Phi ở Addis Ababa và kế đó được bật đèn xanh là chúng tôi có thể xúc tiến. Do đó ý kiến của Liên hiệp châu Phi đã được cứu xét, ít nhất bởi phái đoàn của tôi, khi đi đến quyết định này.”

Lãnh tụ Libya Moammar Gadhafi đang lâm nguy có quan hệ mật thiết với nhiều nhà lãnh đạo trong Liên hiệp châu Phi và nhóm này ngần ngại không muốn lên án vụ đàn áp của ông ta vào lúc các cuộc biểu tình đòi dân chủ trong làn sóng Mùa Xuân Ả Rập tràn qua Libya.

Liên hiệp châu Phi cũng đã chỉ trích các cuộc không kích của NATO tại Libya để bảo vệ thường dân trước các nỗ lực quân sự của ông Gadhafi muốn níu lấy quyền hành.

http://www.voanews.com/vietnamese/news/un-us-libya-8-26-11-128454988.html

Anh công nhận phe đối lập Libya

Thứ Tư, 27 tháng 7 2011
Anh Quốc vừa chính thức trục xuất tất cả các nhà ngoại giao Libya thuộc chính phủ của lãnh tụ Moammar Gadhafi và công nhận Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia là chính phủ chính thức của Libya.

Ngoại trưởng Anh William Hague hôm nay nói rằng quyết định này căn cứ vào tính chính đáng, năng lực và sự thành công trong việc tiếp xúc với người dân Libya trên khắp cả nước đang ngày càng gia tăng của phe đối lập.

Ông Hague nói rằng Anh sẽ làm việc với Hội đồng này như với các chính phủ của các nước khác trên khắp thế giới.

Ông Hague nói rằng Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia đang nỗ lực hình thành một nước Libya dân chủ và cởi mở hơn, một sự "đối nghịch hẳn" với chế độ bạo tàn đàn áp nhân dân Libya của ông Gadhafi, và chính sự bạo tàn đó đã tước bỏ quyền chính đáng của ông Gadhafi.

Hoa Kỳ, Pháp và hơn 30 quốc gia khác đã công nhận Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia là chính phủ lâm thời của Libya.

Ông Hague nói rằng các nỗ lực quân sự của cộng đồng quốc tế đã cứu sinh mạng hàng ngàn người người dân Libya.

NATO đã thực hiện các cuộc không kích theo một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để bảo vệ thường dân Libya.

Ngoại trưởng Hague cũng loan báo rằng Anh Quốc đã giải tỏa 149 triệu đôla trong các tài sản bị đóng băng của Libya để trợ giúp cho nhân dân Libya.

Quyết định của Anh công nhận phe đối lập được đưa ra một ngày sau khi thủ tướng Libya nói rằng việc ra đi của ông Gadhafi không phải là vấn đề được đưa ra để thảo luận.

Ông Al-Baghdadi al_Mahnoudi hôm qua cũng tuyên bố rằng không có chuyện đối thoại về cuộc khủng hoảng chính trị Libya cho đến khi nào điều ông gọi là "hành động xâm chiếm" của NATO chấm dứt.

0 comments:

Powered By Blogger